Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“Xử án tham nhũng - để con hư rồi đánh đập thì không ăn thua”

P.Thảo (ghi)
Thứ ba ngày 29 tháng 10 năm 2013 1:44 PM

(Dân trí) - “Xóa bỏ những nguyên nhân, điều kiện để ngăn chặn tội phạm phát sinh quan trọng hơn là hướng về việc xét xử. Ví như để con hư rồi đánh đập nó thì không ăn thua” - Phó Chánh án TAND tối cao, Trung tướng Trần Văn Độ, nêu thực tế.

Thưa Phó Chánh án, dư luận hiện đang thắc mắc lý do 10 “đại án” tham nhũng lại kéo dài năm này qua năm khác và trông đợi giải đáp thuyết phục của các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành tòa án?

Về khách quan, đó là những vụ án nghiêm trọng, phức tạp nên quá trình điều tra, truy tố mất nhiều thời gian, đặc biệt, có những vụ án có rất nhiều bị can. Người đã phạm tội tất nhiên phải xử lý nhưng việc xử lý sao phải đảm bảo đúng người đúng tội, đúng pháp luật mà trách nhiệm chứng minh tội hình sự thuộc cơ quan tiến hành tố tụng. Người ta phải thận trọng từng chút một.

Nhiều ý kiến đặt vấn đề quá trình xét xử những vụ án này đang bị đình lại khi thời gian qua, không ít khúc mắc được nêu ra đối với ngành tòa án vì đã tuyên nhiều án treo trong án tham nhũng hoặc là chuyển tội danh từ tham ô, nhận hối lộ… sang thiếu trách nhiệm hay cố ý làm trái để giảm nhẹ tình trạng của bị can bị cáo. Trước những nghi vấn đặt ra, lãnh đạo ngành có ý kiến gì?
Trung tướng Trần Văn Độ hiện là Phó Chánh án TAND tối cao, Chánh án TA quân sự TƯ.
Trung tướng Trần Văn Độ hiện là Phó Chánh án TAND tối cao, Chánh án TA quân sự TƯ.

Báo cáo của Chánh án TAND tối cao cũng như Viện trưởng VKSND tối cao tại Quốc hội đã nói rõ, lãnh đạo các cơ quan này cùng với CQĐT, đặc biệt là ngành tòa án đã chỉ đạo chặt chẽ, có nhiều biện pháp để đảm bảo việc xét xử theo đúng pháp luật, đặc biệt trong trường hợp án treo hoặc áp dụng tội nhẹ hơn. Chánh án TAND tối cao đã có những chỉ đạo cụ thể, có những đợt kiểm tra với tòa cấp dưới trong những trường hợp áp dụng án treo, nhất là với tội tham nhũng để hạn chế vấn đề này. Cơ quan thanh tra cũng được chỉ đạo phải làm việc rất chặt chẽ với các cấp tòa để kiểm tra, rà soát.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tòa không được cho hưởng án treo vì luật không cấm điều đó. Hơn nữa dù là tội phạm tham nhũng, vấn đề là hành vi phạm tội ở mức độ nào, tính chất ra sao. Nếu đáp ứng đủ, đúng điều kiện mà cho hưởng án treo thì tôi nghĩ điều đó không hề trái luật bởi như hành vi tham ô chỉ dăm ba triệu đồng, thực ra cũng là một loại chiếm đoạt tài sản thì xem xét cho hưởng án treo cũng đúng thôi.

Tất nhiên trong thời gian gần đây, những vụ án hình sự đã xử kháng nghị giám đốc thẩm cho thấy có rất nhiều vụ án có kháng nghị theo hướng cần phải xử phạt nặng hơn với nhiều trường hợp tòa cho hưởng án treo.

Kết quả phòng chống tham nhũng rõ ràng chưa thỏa mãn mong đợi của dư luận khi nhiều địa phương có khi cả năm chỉ xử được 1-2 vụ. Tại sao thực tế các cấp tòa lại chỉ xử được ít trường hợp tham nhũng trong khi ngành cũng thống nhất với đánh giá tình hình tham nhũng vẫn phổ biến, phức tạp?

Không biết số liệu đánh giá thế nào chứ ngành tòa án thì vẫn đảm bảo 100% các vụ án hình sự được CQĐT, VKS chuyển đều xét xử cả. Vấn đề ở đây có lẽ là cần tăng cường khả năng khởi tố điều tra mà tôi nghĩ là ngoài nhiệm vụ trách nhiệm cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra thì cón trách nhiệm xã hội, trách nhiệm báo chí… cùng vào cuộc làm sao để nâng khả năng phát hiện tham nhũng. Những người làm công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận tố cáo công dân… đều góp phần đấu tranh, phát hiện tham nhũng.

Thực tế các vụ án tham nhũng như Vinashin, Vinalines hay Ngân hàng NN&PTNT Agribank vừa qua có thể chỉ ra kẽ hở chính sách ở chỗ nào. Phải chăng cơ chế của chúng ta vẫn thiếu công cụ để chặn tham nhũng?

Tất nhiên là có sơ hở trong chính sách pháp luật thì nó mới lợi dụng để vi phạm được. Hơn nữa, trong mọi bộ máy, tổ chức cần làm thế nào để sử dụng được những người có tâm. Có những người vì động cơ riêng, động cơ cá nhân mà lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình làm giàu cho cá nhân mình trót lọt thì có lẽ cái đó công tác về con người, về cán bộ cũng là vấn đề đặt ra.

Là một lãnh đạo của ngành tòa án – cơ quan chốt cánh cửa sau cùng để chặn tham nhũng, đồng thời là một ĐBQH, ông nhìn nhận thế nào về những vụ án đã xảy ra này?

Chắn chắn đó là những vụ án nghiêm trọng, rất rất nghiêm trọng rồi vì gây thất thoát rất nhiều tỷ đồng tiền thuế của dân, làm mọi người dân đều bức xúc và có lẽ rất nhiều người đau lòng. Xác định tính chất những vụ án đó rất cần thiết. Tuy nhiên xã hội là thế, trong xã hội nào thì tội phạm cũng còn. Vậy nên chúng ta phải cùng cố gắng thôi.

Nhiếu ý kiến lại cho rằng, tội phạm tham nhũng của ta “nhờn” vì suốt thời gian dài vừa qua chưa từng có người phạm tội tham nhũng nào bị tuyên án tử hình trong khi đó, bên cạnh chúng ta, Trung Quốc đã tuyên án tử hình rất nhiều để răn đe trong khi án tham nhũng ở Việt Nam không phải là ít nghiêm trọng hơn?

Cái đó là do định hướng, quy định của pháp luật nhưng nói Trung Quốc tử hình nhiều tội phạm tham nhũng thì không đúng vì họ tử hình là tử hình treo, tử hình 2 năm không thi hành thì có thế chuyển thành tù chung thân và tất cả các vụ án như vậy họ đều chuyển thành chung thân nên không thể so sánh được. Luật của Việt Nam xử lý rất nghiêm chứ không phải không. Hệ thống hình sự của BLHS chúng ta quy định rất nặng và tòa xét xử, hình phạt của ta cũng tuyên rất nặng, số người bị kết án, vào tù cũng rất cao (khoảng 80%) trong khi ở các nước chỉ khoảng 50%.

Rõ ràng không phải ta xử nhẹ đâu nhưng có lẽ vấn đề là những yếu tố khác như phòng ngừa chưa tốt. Xóa bỏ những nguyên nhân, điều kiện đó để ngăn chặn tội phạm phát sinh, phát triển thì quan trọng hơn là hướng về việc xét xử, vì ví như để con hư rồi đánh đập nó thì không ăn thua. Quan trọng sao không để con hư.
 

Tỷ lệ thu hồi tài sản khi xử lý án tham nhũng đạt rất thấp vì khi tham nhũng phát hiện thì hành vi đã xảy ra tương đối dài, tài sản bị tẩu tán, hoang phí hoặc chi tiêu vào những chỗ nào đấy mà cơ quan tiến hành tố tụng không thể chứng minh, truy nguyên được nên khi xét xử chỉ chuyển sang chế tài buộc bồi thường, cố gắng bằng mọi biện pháp để thu hồi về nhiều nhất.

Việc này chỉ hiệu quả khi vụ án được phát hiện càng xử lý nhanh càng tốt, ngay từ khi có dấu hiệu. Thông thường án tham nhũng của ta phải qua thanh tra, kiểm tra xong mới chuyển sang quy tội xét xử mà trong thời gian đó không tránh khởi việc những người có hành vi phạm tội có hành vi tẩu tán tài sản.

P.Thảo (ghi)