Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chùm tản văn của Đường Văn

Đường văn
Chủ nhật ngày 27 tháng 10 năm 2013 7:09 PM

BÈ VÓ, DÒNG SÔNG & CHUYỆN VỊNH QUAN CÔNG

(Tản văn)

    Kẹt…két… kẹt!
    Tiếng sợi dây thừng cỡ đại như con rắn dài lòng thòng, dong từ đỉnh khung gọng xuống tận mặt bè, miết mạnh vào chiếc bánh xe ròng rọc gỗ. Ông Chi Thi đang thong thả kéo vó. Cứ mỗi lần cánh tay ông sải lên, túm lấy 1 đoạn dây, kéo mạnh thì đầu 2 cây tre đực nối nhau cồng kềnh, dài ngoằng ngoẵng buộc chặt với đầu khung gọng vó cứ hạ thấp dần từng chục phân một. Phía đầu bè đằng kia, tấm lưới vó đã dần dần nhô cao lên, hiện ra trên mặt nước. Những giọt nước bám vào những ô vuông lưới gai đen nhánh, lóng lánh trong nắng thu. Bỗng vọt lên một chú chép vàng suộm cỡ bàn tay trong giây lát, lại rơi tõm xuống, chui tọt vào cái giỏ hom đan tre cật, to gần bằng cái chĩnh tương gắn chặt với rốn vó.
–    A, bác ơi! một chú  bị rồi!
Tôi reo to, chia vui với ông chủ vó; nhưng thấy ông vẫn bình thản như chỉ xem đó là chuyện vặt. Bỗng ông ấn mạnh sợi dây thừng vào tay tôi:
-    Này, cháu kéo tiếp giúp bác.
Tôi ngạc nhiên chưa hiểu có sự gì, thì đã nghe tiếng cười khơ khớ trên bờ:
-     Số bọn mình may thật! Vừa ra đến nơi thăm bạn, lão đã có cá tươi, ngon chiêu đãi!
Rồi tiếng ông Chi Thi hồ hởi:
- Quý hóa quá! Mời các bác xuống lều chơi! Ấy, bác Thủ khỏa chân thêm đi cho sạch bùn; còn bác Chắt thì cứ bước mạnh vào, không sợ ngã đâu!
    Hai ông Hoàng Chắt và Lê Thủ đều là bạn thân của bác Chi Thi, người thôn Đông và thôn Hồng. Thi thoảng, được ngày đẹp trời, hai ông thường rủ nhau ra thăm ông bạn Chi Thi kéo cá ở cái lều vó bè của ông thả trên dòng sông Đào, sông Nhuệ này đã hàng chục năm rồi. Dòng Nhuệ giang quê tôi những năm 50 – 60 thế kỷ trước khác bây giờ nhiều lắm. Đoạn sông đào từ thời Pháp thẳng tắp từ Cầu Sông chảy qua cầu Noi, vào tận Cầu Diễn nối với sông Nhuệ chảy mãi tận Hà Đông, Hà Nam rồi đổ vào sông Đáy. Cống Trèm 5 ô vẫn khi mở, khi đóng theo lịch trình đã định để điều tiết nước cho ruộng đất mấy tỉnh bên mạn hữu Hồng và giao thông thuyền bè qua lại. Dòng sông khi cống mở mùa nước cuồn cuộn, gầm réo sôi sục như ngựa lồng. Mùa cạn, dòng chảy liu riu có khi gần như đứng im một màu nước vàng trong, êm ả. Đón luồng cá tự nhiên từ sông Hồng theo vào là những chiếc bè vó của các cụ Hà San, cụ Tâm Ty và ông Chi Thi. Cả ba đều là người trong làng; nhưng thích ăn cá, kiếm cá và nhất là thích ngủ trưa, ngủ đêm ngay trên mặt nước sông quê mát rượi để vừa kéo vó vừa ngẫm ngợi sự đời. Đó là những người dân làng Trèm thông minh, thức thời, đầu óc suy nghĩ tính chuyện làm ăn rất nhạy bén. Những năm tháng khó khăn ấy, cũng không phải ông bà nông dân nào cũng có khả năng kinh phí và dám bỏ ra một số vốn lớn, đủ mua 2, 3 cái xe máy sịn hiện nay để sắm lưới vó, dựng bè vó trên sông.  Bạn hãy hình dung hình dáng chiếc vó bè như hai hình thang cân và hình huông xếp cạnh nhau mà đáy lớn của hình thang áp với 1 cạnh hình vuông, thành 1 chiều của lưới vó. Còn mút đầu kia là cái lều  nhỏ diện tích rộng hơn cái chiếu đôi cỡ đại một chút. Mái lợp nứa hoặc luồng chẻ giập hoặc 2 mái lợp lá cọ để chủ vó nghỉ, ngủ và ngồi kéo vó cả ngày lẫn đêm. 3 cái vó bè chia nhau án ngữ ở cả hai bên sông. Cái vó trước nằm so le, chênh chếch với vó sau thành hình chữ đinh, chân vạc như 3 nước Thục, Ngụy, Ngô thời Tam quốc. Chỉ có điều hay là 3 ông vua vó làng Trèm ấy không thấy gây thủy chiến hay khẩu chiến bao giờ mà sống bên nhau một cách rất hòa bình, thân thiện.
    Có những chiều đứng hóng mát trên đường hè Cầu Sông nhìn xuống, thấy cụ Tâm Ty vừa cất tay kéo vó thì ông Chi Thi đã buông xong cái giỏ xuống đáy sông; và cụ Hà San thì đang bơi chiếc thuyền tôn từ bè ra vó đổ cá. Nhìn đôi mái chèo nhỏ xinh chỉ lớn hơn đôi đũa cả đại đều đều khua, bơi nhè nhẹ, nhịp nhàng, cụ Ty vẻ mặt bình thản và cẩn trọng tiến dần vào chỗ chiếc giỏ cá lũng lẵng, nặng trịch. Chắc đã gần 1 tuần cụ mới đổ cá đây! Cụ Hà San lại đã đang đun siêu nước để uống trà sớm. Còn ông Chi Thi thì quay vào trong lều nhâm nhi chén rượu với chú cá trôi béo vừa luộc trên bếp lò…
    Tôi vẫn nghĩ rằng nơi đoạn đầu nguồn dòng sông Nhuệ nhỏ xinh này mà thiếu những chiếc bè vó kềnh càng, cổ lỗ ấy thì cảnh vật nghèo nàn đi nhiều lắm. Bè vó với dòng sông từng gắn bó bên nhau để tự vẽ nên 1góc bức tranh quê Trèm bình yên, tĩnh mạc. Không thấy ai dựng, thả bè vó trên sông Hồng hay đoạn thượng lưu phía chùa Hoàng. Có lẽ vì sợ nước lớn, sóng cả, bè vó không an toàn?! Những ngày mở cống, nước đầy, chảy xiết, bè vó không hoạt động được, tranh thủ lưới vó được tháo ra, nhuốm lại nước vỏ nâu già rồi phơi toòng teeng lên cây sống trục. 2 thanh gọng không mắc lưới, cong cong chéo nhau đu đưa trên lưng trời.
    Tôi chỉ vào hàng con cháu các ông; nhưng được hai ông, nhất là bác Chi Thi rất quý mến. Lâu lâu không thấy tôi ra chơi, các cụ lại nhắc: - Dạo này thằng cháu Thao nhà cả Tấn đi chăn bò ở đồng nào mà không ra vó bè chơi với các ông, các bác? Bận trước, không nhớ cháu nó đọc đến hồi bao nhiêu rồi nhỉ?
    Ấy là vì các cụ rất mê nghe đọc truyện Tam Quốc diễn nghĩa. Mà tôi lại là thằng bé học sinh lớp 6 ham truyện này chẳng kém gì các cụ. Tôi xin tiền bà nội, mua lần lần tới đủ bộ 13 tập Tam Quốc do nhà XB Phổ thông ấn hành từ năm 1960 – 1961. Chiều chiều chăn bò, tôi thường hay thả cho con bò sừng cán bèo mình hổ nhà tôi nhẩn nha gặm cỏ dọc rệ sông. Còn mình thì cầm một tập Tam Quốc vào lều vó đọc cho các ông nghe, rồi lại thích thú nghe các ông, các bác luận bàn sôi nổi chuyện xưa trong sách.
    Nhớ một chiều mưa giăng giăng, cụ Hà San nhờ tôi trông vó giúp độ 1h để vào làng có việc. Nhận lời, tôi liền chui vào lều vó, nằm nghiêng ngắm mưa kéo màn bụi trắng mờ trên dòng sông, khe khẽ nhẩm mấy dòng thơ Huy Cận bỗng hiển hiện trong trí nhớ:
Tai nương nước giọt mái nhà (lều)
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn,
Nghe đi rời rạc trong hồn,
Những chân xa vắng, dặm mòn lẻ loi.
Rơi rơi, dìu dịu, rơi rơi,
Ngàn muôn giọt lệ nối lời vu  vơ…
    Mới thấy nhà thơ béo (Huy Cận sinh thời thường tự nói đùa về mình như vậy!) thật tài hoa, tinh tế. Và nằm trong lều vó bè mà ngắm mưa, đọc thơ buồn, thú vị biết chừng nào!
 
    Trở lại chuyện bác Chi Thi tiếp khách vào buổi sáng đẹp rời mùa thu ấy, mà tôi là thằng bé ngẫu nhiên được hầu chuyện và chứng kiến. Sau khi trịnh trọng mời hai ông bạn vào trong lều bè, cả ba ông ngồi xếp bằng chĩnh chện lên tấm nan nứa chẻ ken liền bóng loáng. Nước sông chốc chốc lại vỗ ràn rạt phía dưới. Với tay nhắc chiếc ấm đồng cò bay chế nước sôi vào ấm chuyên đã bỏ trà sẵn, tráng kỹ lại một lượt bốn chiếc chén hạt mít sứ cổ màu da lươn. Chờ một lúc, bác Chi Thi mới lần lượt thong thả rót lưng lửng bốn chén trà Tàu ướp sen thơm ngát. Ba ông nâng chén mời nhau, từ tốn thưởng thức ấm trà ngon trong sáng thu lành. Với chiếc điếu cày xinh xắn làm bằng ống tre ngâm, ông Lê Thủ ăn một điếu thuốc lào sớm mà tiếng hút điếu kêu song sóc, ròn vang cả 1 khúc sông đào, như khua động cả lũ cá dưới lòng sâu. Phà ra một búng khói trắng mờ mù mịt, mắt gà gà nhìn lên mái lều, tay đưa điếu cho ông Hoàng Chắt, ông hỏi chủ nhân:
-    Thế nào? Dạo này cá mú có được khá không, bác Chi?
-    Cũng tàm tạm thôi ông ạ! Nước trong, cá ít. Hay chúng bơi thẳng xuống Gảnh Đình mà quên không rẽ vào nhánh sông này, chẳng biết?
-    Cũng có thể!
Ông Hoàng Chắt, sau khi bắn một bi đẫy, ngả mình tê mê xuống sạp nứa, vẫn còn kịp chuyền điếu tới chủ nhân và chuyển luôn đề tài câu chuyện:
-    Này, thằng cháu uống nước với các bác đi chứ!
–    Dạ!
Tôi ra bộ lễ phép nhìn ông bác say.
-    Uống dần nước trà cho quen, rồi tập hút thuốc lào nữa. Có thế mới thành  người đàn ông làng Trèm chính hiệu, cháu ạ!
–    Vâng ạ!
Tôi điểm nhịp vâng dạ trả lời để tỏ rằng mình vẫn lễ phép lắng nghe. Ông Chi  xen vào:
-    Này cháu, sáng nay cháu có mang tập Tam Quốc nào theo không đấy?
–    Có ạ, tập 10 ạ!
–     À! Thế thì hay rồi! Nhớ cách đây vài ngày, chúng ta nghe đến đoạn tướng Ngô Lã Mông cùng Lục Tốn lừa được Quan Công, áo trắng sang đò, úp mất Kinh châu, trong khi Quan vẫn say sưa mải vây Tào Nhân ở Phàn Thành. Hôm nay cháu đọc tiếp cho ba chúng ta cùng thưởng thức nhé.
–    Vâng!
    Tôi mau mắn giở sách, chăm chú đọc to đoạn truyện Quan Công bị đánh tả tơi từ hai phía, bị kẹp cứng giữa quân Ngụy và quân Ngô, thua to, rút chạy ra Mạch Thành. Rồi đang đêm Quan dẫn tàn quân chạy ra đường Lâm Thư - Quyết Thạch. Quan bị bộ tướng Ngô là Mã Trung bắt được. Sau đó, cả hai cha con (Quan Bình) đều bị Tôn Quyền xử tử.
    Ba ông già ngồi nghe, lặng phắc. Tiếng đọc thanh thanh của thằng bé 13 tuổi càng rõ ràng, trong trẻo vang vang trên mặt sông. Hết hồi, tôi ngừng đọc, nhìn lên ba ông, bất giác thấy cả ba đều lấy tay chùi mắt. Ông Chi Thi nghèn nghẹn:
    - Thương cho quan ngài quá! Chỉ vì kiêu dũng mà mắc bẫy cò ke!
    Uống thêm 1 chén trà, hút tiếp một điếu thuốc, phà khói trên sông như muốn tiễn đưa người anh hùng lừng lẫy tự mình gây cảnh mạt lộ, sa cơ! Ông Hoàng Chắt nhìn đăm đăm ra khoảng sông trước mắt, vẻ mặt như lãng đãng, xuất thần, bỗng  bật que đóm:
-    Nghe đọc hồi truyện cổ bi hùng, tôi chợt nghĩ được mấy câu cảm thán về vị  đứng đầu Ngũ hổ đại trướng: Quan Vân Trường. Xin được các bác và cháu phủ chính cho!
-     Hay quá! Bác đọc đi!
        Tất cả chúng tôi cùng ồ lên thúc giục. Nhắp một ngụm trà nhỏ, ông Hoàng hắng giọng ngâm nga:
     Một ngọn long đao, thỏa vẫy vùng,
           Một đời Nghĩa tuyệt, nhất Quan Công!
Ai hay kiêu dũng thành kiêu bại!
                 Mạch Thành, Quyết Thạch, móc câu rung*
        Ông Chi gật gù:
    - Bài thơ vịnh của bác gọn, đúc, nói được cả 2 mặt mạnh, yếu của con người Vân Trường: chí nghĩa và kiêu dũng nên thành công cũng lắm nhưng cuối cùng lại chịu cảnh chết chẳng toàn thây! Ý tôi, muốn thay chữ một ở đầu câu 2 bằng chữ trùm cho ý ca ngợi rộng khắp và mạnh mẽ hơn. Các bác thấy sao?
-    Chí lý!
    Ông Lê Thủ và bác Chi Thi cùng tấm tắc. Bỗng có tiếng cá quẫy mạnh nơi đặt vó. Bác Chi vội quờ dây, kẽo kẹt kéo lên. Lại một chú cá chầy mắt đỏ loằng ngoằng mắc lưới.
     Ông Lê Thủ hào hứng tiếp lời:
-    Tôi cũng xin hiến quý vị một bài tứ tuyệt vịnh Quan tướng quân như vầy:

THẦN OAI

             Chém Hùng, Lương, Sú, vượt năm quan,
    Đơn đao phó hội, Túc, Mông gờm!
Thần oai Quan Vũ anh hùng thế!
           Lâm Thư, thần chẳng cứu Vân Trường!

-    Hóa ra thần oai cũng vô dụng, bất lực khi hùm thiêng trót đã sa cơ! các bác nhỉ!
     Ông Hoàng Chắt ngậm ngùi bình luận. Bài thơ của bác Lê thú ở chỗ điểm qua được những chiến công oanh liệt của Quan Công nổi tiếng oai vũ. Ý câu kết cũng giống cũng như bài của bác Hoàng. Ý bác Chi ra sao?
-    Tôi lại thích ca ngợi Quan tướng quân ở đoạn:
 
                                      QUÁ NGŨ QUAN, TRẢM LỤC TƯỚNG

 Phò chị, tìm anh, quá ngũ quan.
         Cản đường, lục tướng  chịu thác oan.
  Rồng xanh vút gió, xe rong ruổi,
Nhớ thề xưa, treo ấn gói vàng!

-    Được lắm! Hoàng, Lê cùng khen, rồi chợt quay lại phía tôi:
-    Thế còn thằng cháu? Cháu thử làm một bài vịnh ông Quan Công xem sao?
        Tôi bỗng ngượng nghịu:
-    Cháu không dám! Nhưng nếu các bác cho phép, cháu cũng xin đọc hầu ba bác  4 câu vịnh ông Quan gặp ông Trương ở Cổ thành. Cháu thấy mình luận còn nông cạn. Mong các bác chỉnh, sửa giúp và có thể nối tiếp cho, thì may quá!
-    A, hậu sinh khả úy! Con nghé mới sinh, không kinh gì hổ! Đọc ngay nào! chúng ta xem cháu vịnh thế nào?
        Tôi hắng giọng, vụng về bắt chước cách đọc ngâm nga của bác Lê:

TRỐNG  CỔ THÀNH

Trống Cổ thành lung lay huynh đệ!*
-    Không hàng Tào, sao ở với Tào?!
Kìa, trông quân đuổi ào ào…?!
Vừa buông dùi trống, nghẹn ngào tình xưa!*

-    Thơ thằng cu nhóc này cũng khá đấy, các bác nhỉ! Câu đầu lại lẩy Chinh phụ ngâm, mùi ra phết!
-    Câu tiếp dẫn khéo lời Dực Đức chất vấn nhị  huynh.
-    Câu thứ 3 lại khoan xoáy không kém mũi xà mâu của ông em út nhằm thẳng bụng ông anh Vân Trường.
-    Câu kết thật bất ngờ, cởi nút; giọng cảm động, tình nghĩa, khi nghi ngờ được giải bằng hồi trống vang dội trước thành Cổ.
-    Vậy chúng ta sẽ nối tiếp thằng cháu thế nào đây? Tôi xin đọc 2 câu đầu. – Hoàng Chắt hăm hở:
 May Quan gặp Sái Dương khuếch khoác,
Nếu Hạ Hầu, Hứa Chử… tới đây… thì?!
        Lê Thủ: - Và đây, câu thứ 3:   
                   Dẫu Trương nện cả trăm hồi trống,
        Chi Thi điểm đạm:    
                                Tình anh em, càng thử, lại càng nguy!*
        Không kìm được khâm phục trước sự mẫn tiệp của 3 ông già, tôi reo to:
-    Hay quá! Hay quá! Cháu chịu các bác! Cảm ơn các bác! Phải nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm sống như ba bác mới có thể bình luận sâu sắc được như thế! Thế là đã tạm thành chùm thơ vịnh nhân vật Tam Quốc Quan Vân Trường, một trong tam tuyệt rồi đấy, các bác nhỉ!
-    Thôi, chuyện thơ văn hôm nay tạm dừng ở đây! Nhân tiện, cũng đã gần trưa rồi! Mời hai bác và cháu ở lại uống chén rượu nhạt nhắm cá tươi sông Nhuệ quê mình cùng Chi Thi tôi.
-    Cảm ơn nhã ý, thịnh tình của chủ nhân, chủ vó. Nhưng xin để cho khi khác, tiện hơn. Bây giờ, chúng tôi còn mắc việc đi mừng đám cưới nhà Ổn thôn Tân Phong đây.
-    Còn cháu, cháu cũng xin cảm ơn bác!  Nhưng cháu phải cho bò về ngay để chiều bố cháu đi cày dưới Cầu Gạo!
        Dứt lời, ba bác cháu chúng tôi rời bè vó, rảo chân lên bờ. Bác Chi Thi lắc lắc mái đầu hoa râm nhìn theo ba người bạn tri giao, vẻ không được vui! Nắng trưa đầu thu chan hòa trên sông Đào, sông Nhuệ, sánh vàng, trong veo. Bác lại nhấc tay kéo mạnh cần vó.
    Mẻ vó suông!

•    Những câu thơ, bài thơ trong bài tản văn đều được trích từ Vịnh Tam Quốc thi tập của Đường Văn (9 – 2013).                                                               

 Chiều 18 – 10 – 2013.

ĐÔI ĐẤU NHÀ


    Thoạt đọc cái nhan đề trên, chắc bạn sẽ cười mà rằng: - Gớm cái lão già thôn Đồng hay vẽ chuyện, vẽ rắn thêm chân! chứ cái đấu nhà thì có cái gì để mà viết cơ chứ?! Với nhiều người, thì có nhẽ thế! Còn với riêng tôi, hình ảnh đôi đấu nhà quả là rất ấn tượng và đã in hằn vào ký ức cuộc đời dăm ba chuyện đáng ôn lại cùng bạn đọc, người đã rất kiên nhẫn theo tôi từ mấy lời tự bạch cho đến đây để cùng chấm dấu hết cho 1 tập tản văn có vẻ như đã hơi bị dài dòng!
    Trước hết, phải nói ngay rằng, nhìn những mái nhà tranh, nhà rạ, nhà mái ngói cấp 4 không có đôi đấu trấn giữ hai đầu hồi, cứ thấy nó cụt lun lủn, tức mắt, tức mũi thế nào!!! Không tin, bạn thử ngắm kỹ lại mà xem! Cả những nhà mái bằng hay biệt thự cao tầng mới xây mà 2 đầu hồi thường nhô lên  hai thanh sắt nhọn để thu lôi nữa. Lần nào, nhìn đôi đấu ngự chắc trên đỉnh nóc đầu 2 hồi mái ngôi nhà ngói năm gian cổ kính thân yêu, tôi cũng hình dung thấy hình ảnh một cặp vợ chồng nông dân hiền lành, chăm chỉ, cả đời cần lao làm lụng và thương yêu nhau, như đôi chim bồ câu, chim ngói hoặc chim gáy (cu), những loài chim rất thích đậu trên đỉnh đấu nhà mà nghiêng mỏ rỉa lông, rỉa cánh) cùng xây tổ ấm hạnh phúc gia đình nơi thôn ổ quê mùa. Đấu đằng đông là hình ảnh chim vợ. Chim đang nghiêng đầu đón ánh bình minh rồi chăm chú cúi mỏ, sửa lại mái tóc đen nhức đang phất phơ trong gió mai. Chốc chốc, nàng lại nghiêng về phía đấu phía tây - chim chồng cũng đang gù gù một cách làm duyên và âu yếm. Anh chim chồng thì đang nghiêng ngó dưới cành lộc vừng tỏa sang một phần mái nhà. Nghe có tiếng chú chim chích, chim sâu lạ nào vừa đến chơi nhà, song hình như có điều gì đó còn e ngại?! Có những lần nhìn lên hai đấu mái nhà, lại thấy chỉnh chện mỗi đấu 1 anh, 1 ả bồ câu lông hung nâu đang lơ láo ngang dọc như sắp sửa chành chọe với đôi chích chòe đang chiu chít trong khóm lá hồng xiêm bên cạnh thì đôi đấu lại được hình dung như là một đôi vợ chồng chim già (điểu lão) đang mỉm cười hiền hậu nhìn lũ thanh niên con cháu đang phấn khích, tí tởn mà nhớ về tuổi trẻ cũng thơ mộng, tình tang chẳng kém… của mình!
    Đấu nhà cổ, về đại thể, đều tương đối giống nhau. Nhưng nhìn kỹ thì không phải. Có cái các bộ phận thiếu cân đối, trông cứ như thằng bù nhìn đầu to đít bé, chân bằng lò xo. Anh thì lùn choằn choằn, ả lại cao ngẳng! Có cặp sù sì, xấu xí, mẻ, rạn, gãy góc…
    Riêng về mặt kiểu dáng, hình thức, đôi đấu nhà tôi vào loại đẹp nhất làng với các hình khối, đường nét cân đối, thanh thoát. Tay thợ nào xây đấu quả thực đã lão luyện trong nghề. Trông đôi đấu rất có duyên và sống động như sinh vật  chứ không phải là 2 khối gạch vôi với dăm đường gờ chỉ vô hồn. Không chỉ những nhà ngói chung quanh trong xóm, mà rộng ra, những cái đấu nhà ngói cổ tôi đã được nhìn thấy trong vùng, chưa thấy cái nào cân đối, đẹp dáng được như đôi đấu nhà tôi.
    Đẹp, chuẩn đến nỗi, cách đây hơn 30 năm, trong 1 lần trèo lên mái nhà dặm ngói chữa mái dột, ông bố tôi bám vào cái cổ đấu phía đông để ngồi cho vững. Cái đấu cổ không biết đã mấy trăm tuổi lẻ, vôi, gạch hết chất, bở, bục, rời rã... Đấu gẫy cổ, đổ ùm xuống vườn. Hú vía! May bố tôi số còn cao nên kịp thời buông vội tay ra, mới thoát nạn! Nhưng trông đôi đấu bị gãy mất 1, thật tang thương! Hai mái ngói ta sẫm nâu trở nên vô duyên, xấu xí lạ! Có cảm tưởng con người đang yên lành, đẹp đẽ, cân đối bỗng bị chột mắt, cụt tay. Như đôi vợ chồng bỗng dưng chẳng còn được song toàn! Nhưng cũng phải đến vài năm sau, trong một dịp kết hợp với xây mới công trình phụ, nhà tôi mới cho xây lại chiếc đấu đổ. Khi chuẩn bị xây, tôi đã dặn kỹ tay thợ cả, là cứ nhìn sang đấu phiá tây mà xây lại đấu phía đông. Sao cho y hệt. Thế là được. Tay thợ cười cười, vẻ coi thường chuyện vặt. Nhưng rồi mất đến vài ba ngày soi đi nắn lại, làm đi làm lại, cuối cùng, đấu mới hoàn thành. So với đấu cũ, về các số đo thì như nhau, kiểu dáng cũng tương tự. Nhưng đấu mới trông cứ cứng thô, vô duyên lạ! Càng nhìn đấu mới, càng phục các cụ thợ nề ngày xưa. Tay thợ cả, cuối cùng, cũng đành phải chặc lưỡi xin lỗi gia đình tôi, ngượng nghịu chống chế:
     - Tay nghề cháu chỉ được đến thế, mong các ông, các bà thông cảm! Tưởng đơn giản hóa ra không phải vậy. Cháu đã phải chịu lỗ vốn thời gian, kỳ công phá đi, xây lại mấy lần mà không sao giống như đấu bên kia được! Lạ thế!
    Thợ đã nói đến vậy thì cũng đành chấp nhận chứ chẳng lẽ vì 1 cái đấu mà phạt nó hay lại cất công đi tìm thợ khác?! Mà chắc gì đã khá hơn?! Nhưng cả nhà ai cũng thấy chưa hài lòng. Đến cuối năm 2009, nhà tôi khởi công đại trùng tu ngôi nhà cổ, trong đó có hạng mục, giỡ 2 mái ngói, lợp lại. Cậu trưởng nam nhà tôi vốn kỹ tính, cầu kỳ về chuyện phục chế các hạng mục của ngôi nhà. Nó bàn với tôi, yêu cầu thợ giỡ hẳn chiếc đấu cũ còn lại nguyên vẹn xuống rồi bắt tay thợ cả đo đạc, ngắm nghía các chiều, các kiểu dáng đấu mẫu thực kỹ càng. Sau đó thợ thi công đấu mới ngay bên cạnh, dưới sự giám sát tỉ mỉ của chủ nhà. Thợ cả lần này là chú thanh niên khéo léo và nhanh nhẹn. Đoán biết ý chủ, hắn vừa đo đạc, tính toán cẩn thận, thạn trọng vừa xây vừa ngắm, lại đo, lại nhìn. Xong phần thô, đến phần trát, xoa, làm phào, chỉ cũng vậy. Có dễ cũng phải đến dăm ngày cái đấu đầu tiên mới hoàn thành. Trông cũng được 95% so với đấu mẫu. Làm tiếp chiếc đấu thứ 2 cũng vẫn không dám làm nhanh hơn. Chất lượng tất nhiên khá hơn hẳn tay thợ nói dóc vài năm trước. 3 ngày sau, chiếc đấu mới thứ 2 được coi là bằng 98% so với đấu cũ. Thợ xoa tay, thở phào:
    - Thật, cháu chưa bao giờ phải tập trung hết năng lực như khi làm 2 cái đấu này. Ấy là trước khi xây, cháu đã thắp hương khấn các cụ nhà phù hộ cho cháu được hoàn thành tốt công việc. Các cụ nhà bác linh thiêng có phù hộ, cháu mới làm được như thế đấy.
    Tôi nghĩ: Mà có lẽ thế thật! lần này xây lại cả 2 đấu, rồi chôn đấu cũ xuống nền sân nâng cao gần mét, là 1 việc trọng đại, vợ chồng tôi cũng đã nhiều lần làm lễ kính thỉnh tổ tiên các đời giúp cho con cháu được hanh thông, để các cụ sớm có được nơi chốn cao ráo, thông thoáng để hồn linh đi về, vui cùng con cháu.
    Bây giờ thì đôi đấu mới xây cũng đã gần 5 tuổi rồi. Nước vôi - xi măng xám quét kỹ cũng đã ngả màu xám bạc phếch. Chỉ những khi ngắm trời mưa to qua cửa sổ tầng 3, 4, nhìn xuống mái nhà ngói cổ lợp lại, cũng đã nâu sẫm theo thời gian, lại thấy đôi đấu như đôi chim già củ mỉ củ mì, cù rù, bình thản đứng tắm dưới mưa dầm, nhẫn nại tiếp tục canh giữ hạnh phúc bình yên cho gia đình chúng tôi một cách vô tư mà trong tôi dâng lên cảm giác thân thương, ấm áp.
    Đôi đấu nhà tôi, may mắn thay, còn phục dựng được cả hai. Nhưng còn đôi cột trụ  trước 2 đầu hồi thì chỉ phục chế được 1 chiếc phía đông (cũng từng bị gãy ngọn vì không chịu nổi sự thít cổ của sợi dây thép phơi quần áo). Còn chiếc phía tây thì bất khả phục hồi, bởi phải nhường chỗ cho đầu hồi ngôi nhà cao tầng mới dựng. Cột trụ lồng đèn giản dị phiá tây từ hồi khai mở nhà cổ, đến năm 2003, đã phải vĩnh viễn nhập hồn cùng nhà mới, chỉ còn thấp thoáng trong ký ức của vợ chông, con cái chúng tôi, trong sự nuối tiếc xít xoa, mỗi khi trò chuyện về đấu nhà hay cột trụ nhà trải qua biến thiên thời gian.
    Đôi đấu nhà ngói cổ hiện nay, theo năm tháng, chắc chắn sẽ có tuổi thọ dài hơn cuộc đời chúng tôi. Nếu các cháu, chắt nội, ngoại chúng tôi không tò mò hỏi bố mẹ, ông bà chúng, rằng đó có phải là những cái đấu đầu tiên cùng tuổi thọ với ngôi nhà hay không? Để tiết kiệm thời gian, bố mẹ, ông bà chúng sẽ bảo chúng hãy giở sách của cụ nội, đọc bài tản văn này sẽ rõ. Khi đọc, tôi không biết, trong đầu óc non nớt và hiện đại của trẻ con bây giờ hay vài chục năm sau, chúng có hình dung đôi đấu nhà như cặp chim canh gác, bảo vệ cho gia chủ đón bình minh và tiễn hoàng hôn, cần mẫn và hiền lành; như cụ nội chúng thường vẫn liên tưởng hay không?

Chiều thu êm ả, 24 – 10 – 2013. ĐV