Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"Miền tấn phong chúa đảo"

Đỗ Lâm Hà
Thứ bẩy ngày 24 tháng 8 năm 2013 5:51 AM
TNc: Nhân vật chính trong tác phẩm này là người bạn của tôi-anh Đinh Trọng Đắc hiện đang định cư tại Vancouver Island, Canada. Nhớ năm 2009, tôi đã đến thăm anh cùng anh Nguyễn Tiến Lộc trên hòn đảo mênh mông này. Chuyện đời của anh không ngờ Kim Chuông đã xây dựng thành tiểu thuyết, thật mừng cho cả hai bạn.

(Đọc “Miền tấn phong chúa đảo”
của Kim Chuông- Nxb Hội Nhà văn – 1/ 2013)


 “Miền tấn phong chúa đảo” (MTPCĐ) truyện ký dài của Kim Chuông, được người viết coi là “tiểu thuyết ký sự” với 360 trang, kết cấu thành bảy phần từ  “Chương mở” tới “Vĩ thanh,” thấp thoáng gần 100 nhân vật... Với lối kể, dẫn, ít đối thoại. Các câu chuyện được Kim Chuông tự sự theo trình tự thời gian với người thật, việc thật, có địa chỉ, địa danh cụ thể...
MTPCĐ – tập trung viết về Đinh Trọng Đắc, một người trai quê biển, vùng Láng Cáp, Lập Lễ, Thủy Nguyên, thành phố biển Hải Phòng. Đắc sinh năm Đinh Hợi (1947) từ một gia đình nông dân nghèo vừa làm ruộng vừa xăm đáy, chài lưới ven biển. Anh đã từng làm thuê mướn, làm công nhân. Đi bộ đội Hải quân trong cuộc chiến tranh vệ quốc ( chống Mỹ) của dân tộc. Sau, ra quân trở về quê Lập Lễ.
Đinh Trọng Đắc, hiện là Việt Kiều, người đã ra đi từ quê biển Hải Phòng đến miền đảo “Vancouver Island,” góp phần làm đẹp giàu cho đất nước Canada vùng Bắc Mỹ từ tháng 5-1985 đến nay. Người Việt ở Canada, rồi hàng nghìn người trên nhiều châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ…từng cộng tác với Đắc trong sự nghiệp lao động làm giàu, đều ngưỡng vọng gọi Đắc là “Đắc- Vua lá”, “Đắc- Chúa Đảo.”- Một vua lá, một chúa đảo không ngai: “Một hiện thực cuộc đời mà ai đấy, dù mang trong người cả đại mộng, đại giác cũng không thể bịa ra một “thề giới ngoại giới” giàu có, ngổn ngang như cuộc đời anh có.” (Tr 7).
Xuyên suốt các trang viết, với nguồn cảm hứng luôn dồi dào, xô tấp, Kim Chuông đã làm sáng dậy một Đinh Trọng Đắc, nhân vật chính trong truyện, một ý chí, một nhân cách khá điển hình với nhiều chi tiết thật riêng và hấp dẫn.
Người đọc gặp Đinh Trọng Đắc, một chàng trai từ hai bàn tay trắng, trước muôn nghìn khó khăn trở ngại đã vượt mình, làm nên nghiệp lớn. Thiết nghĩ, cốt truyện này nếu Kim Chuông viết dưới dạng tiểu thuyết, chưa chắc đã có hiệu ứng với bạn đọc bằng viết theo thể thể ký văn học. Đây là “cái đắc địa” ở thể loại mà Kim Chuông chọn lựa, nó tạo được “vương quốc phản ánh” có hiệu quả lớn hơn ở trên mỗi trang văn.
“MTPCĐ,” thiên truyện chảy dài qua tự sự trên 60 năm cuộc đời Đinh Trọng Đắc với không biết bao nhiêu sự nổi trôi, dài dặc ở các tầng gối nhau giữa “Việc” và “Người”. Một hiện thực xã hội, hiện thực cuộc đời mà Đắc từng “chịu trận” với không ít  niềm vui, nỗi buồn. Những vinh quang, bi kịch…
Kim Chuông, nhà thơ lớp chống Mỹ cứu nước. Ông đã có 15 tập thơ, 6 tập bút ký, một tập tiểu luận văn chương và tập truyện ngắn xuất bản. Tiểu thuyết “Nửa khuất mặt người” được in và tái bản trong năm 2005 đã khẳng định tài năng với thành công của nhà văn có tên tuổi, từng nhiều năm làm báo, làm Tổng biên tập tờ Tạp chí Văn nghệ ở miền đất Thái Bình.
Bằng sự trải nghiệm với vốn sống và tầm kiến văn sâu, MTPCĐ được Kim Chuông sử dụng khá nhuần nhuyễn và thành công thi pháp “kể-tả-bình.” Nhà văn đã chọn lựa thật điển hình các chi tiết, sự kiện, qua lối kể, lối dẫn. Qua mô tả, phân tích tâm lý. Qua phẩm bình, qua phát hiện, kiến giải, qua khả năng đào sâu ở phía sau các vấn đề có sức vang, sức “lớn hơn sự kiện”…Để từ đó, mỗi trang viết không rơi vào cái nhẹ hẫng, cái giản đơn như thường gặp ở một vài truyện kể có đầu có cuối.
Quả tình, ở MTPCĐ, người đọc không khỏi xúc động, rơi nước mắt trước cảnh ‘Đắc bị bố đuổi, rời bỏ con thuyền lang bạt ra đi. Cảnh ông cháu bất ngờ gặp nhau nơi bìa rừng, chiều vắng. Cảnh người ông bồng bế đứa con chưa đầy ba tháng, buổi tìm về bến cửa Rừng. Rồi cảnh đoàn viên, sum họp. Cảnh vô tình, oan khiên dính vào vòng tù đầy, lao lý. Cảnh trốn vợ trong đêm vượt biển ra đi. Cảnh ở trại...v.v…” Ở mỗi truyện thật, được dựng theo dòng hồi ức, nếu người viết không đủ sức làm nên cái dào dạt, hòa đồng ở các dòng chảy, ở các tầng đồng hiện, nó phải cùng lúc được dội vang trong yêu cầu mô tả việc và người. Trong phẩm bình, trong liên tưởng, trong khai thác tâm lý nhân vật, trong các hệ quy chiếu và trong sức tỏa rạng…Chắc chắn, sẽ thiếu hẳn sức nặng, sức ám ảnh có được…Ở MTPCĐ, Kim Chuông luôn ý thức đi trên nền móng ấy. Tác phẩm luôn giữ được sức cuốn hút ở nhân vật, sự kiện, tạo vệt loang cho người đọc nhiều nghĩ suy, trăn trở. Đây là một trong khá nhiều dẫn dụ khi nhà văn đưa ra sự kiện rồi liên tưởng, chiêm nghiệm, soi rọi từ Kinh dịch. Từ quan hệ Nhân Quả. Từ cái “Nghiệp” của đạo Phật…Kim Chuông viết : “Đinh Trọng Đắc thật ấm áp, dễ gần. Một con người bôn ba, trải nghiệm. Một hạt gieo trên cánh đồng Láng Cáp thuở nào đã qua mùa gió sương, trầy lép mà kết tinh, đi vào buổi tụ hương” (Tr 6). Rồi, “Điều trước tiên, với mỗi ai, phải là sự chân thành, trong sáng. Là lòng yêu thương, nhân ái. Là đức tin! Và. Đời ư? Luật nhân quả, ghê gớm đấy, con à” (Tr 16).
Từ những sự kiện mô tả, Kim Chuông thường đẩy tới những triết luận, phẩm bình qua những cảnh ngộ khác nhau, tạo sức thấm vào lòng người đọc một cái “ngộ,” cái “biết,” trước cõi người, trước nhân tình, thế thái.
Kể về cuộc đời năm chìm bẩy nổi của Đắc, Kim Chuông đã tái tạo khá đậm, khá điển hình cái gọi là “chuyện một thời”, cái duy lý, cái ấu trĩ, cái lầm lỗi…thuộc về xã hội, lịch sử đã qua. Từ thói đời “Ố nhân thắng kỷ,” thói cơ hội, vinh thân. Thói cậy quyền, chức. Thói đè nén, chụp mũ. Thói quan niệm mơ hồ về giai cấp…Phải nói, MTPCĐ, đã góp phần khơi dậy khá nhiều vấn đề cần được xem xét, đánh giá và “lên án” qua thời gian, qua lăng kính của cái nhìn mới mẻ, biện chứng thuộc phạm trù chính trị, đạo đức, xã hội ở thời cuộc, ở giai đoạn đổi mới của đất nước.
Truyện kể. Thật “lạ.” Đắc ! Chỉ vì yêu một thôn nữ nhan sắc nhất làng mà  bị người nhà một viên Phó chủ tịch xã đang nắm quyền, mang hiềm thù, xúi hàng chục bọn đầu gấu cho nếm đòn nhừ tử, suýt bỏ xác nơi thôn quê yêu dấu. Rồi, “thời bao cấp,” khi vô tình đi mua “ba nghìn” bao bột mỳ về cứu đói cho con của chiếc thuyền bị nghi là ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, Đắc bị “bỏ tù không án” và mất cơ hội chuyển ngành về công ty Tàu biển Vosco. Rồi, vì ghen tỵ uy tín và tình yêu cá nhân trong một đơn vị quân đội, Đắc bị đại đội trưởng của mình lập hiện trường giả, vu oan cho Đắc (đang là Đại đội phó) tội buôn gian, ăn cắp tài sản của công. Rồi, có tới hai lần (trong đó, có lần tướng Đinh Đức Thiện muốn ban thưởng cho Đắc nhân chuyến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuần tra, chiến đấu trên biển). Nhưng vì, Đắc kiên quyết không muốn làm đơn vào Đảng mà bị khép tội nặng. Chuyện hy hữu nữa trong đời, trước khi ra quân, Đắc khẩn thiết đề nghị Thủ trưởng đơn vị xin hạ cấp của mình từ Thiếu úy xuống làm “Hạ sỹ quèn,” (để ra ngoài, đồng lương thấp sẽ dễ xin việc hơn)…
“Đắc là thế.”. Tất cả mọi đụng độ như : lúc nạn nhân định giết nhau trên biển, khi bọn đầu gấu muốn “đo ván” anh trong nhà tù, cũng như những cuộc ẩu đả, đánh lộn nhau khi ở các trại tỵ nạn quốc tế, khi trên thương trường giành giật, cạnh tranh…Ở các ngón đòn trị kẻ bất lương đầu gấu, Đắc luôn tỏ ra là một danh võ cao thủ, một người ứng xử có tình, có lý. Và, kết cục là cái gốc được Đắc nắm chặt là đức tin, là sự cao thượng và trái tim nhân nghĩa ở đời … Bởi, Đắc luôn “Yêu nước, bênh vực cái đẹp, bênh vực lẽ phải bất cứ lúc nào. Thực tế, từ thái độ và hành động hướng thiện này, đã không ít lần, Đắc từng bị người khác nghi ngờ, hại anh, mà anh phải căng mình trả giá. Đắc không thờ ơ, quay lưng lại chính trị. Nhưng, tuyệt nhiên, Đắc không muốn dính líu, hệ lụy vào chính trị, trong ám mờ, khuynh đảo. Cái thanh thản, hồn nhiên, cái khát của Đắc chỉ chăm chắm lao vào cuộc đời, lao vào tháng ngày, một công cuộc lao động chân chính, thực sự bằng mồ hôi, trí tuệ của mình.” (Tr 355).
Sự thuyết phục và niềm tin yêu, ngưỡng vọng của xung quanh luôn giành cho Đắc tình cảm đặc biệt bởi phẩm chất của Đắc là vậy.  
Qua MTPCĐ, Kim Chuông còn phác thảo đôi nét về Canada Bắc Mỹ, một đất nước đa văn hóa với những ưu việt của nền giáo dục, luật pháp, xã hội và đời sống, an sinh…Đinh Trọng Đắc làm nên cuộc đời từ cội nguồn mảnh đất và nền văn hóa tiên tiến, nhân văn đó. Để rồi, từ một Việt kiều lang thang đi kiếm việc, làm thuê, nơi xứ người, Đắc đã trở thành một “Vua lá,” một “Chúa đảo” Vancouver Island. Từ một “lãnh địa lá” xuất sang các châu lục. Từ công trình  gốm sứ Việt Nam mở đường sang châu Mỹ. Từ một ông chủ con tàu đánh bắt hải sản ngoài khơi đến ông chủ kinh doanh ẩm thực một “Nhà hàng Tre Việt-Bambou Restorant” giữa thành phố nguy nga tráng lệ… “Tất cả. Tất cả, với Đắc, chỉ là “Việc và Việc”. Việc gắn liền với “Sức lao động, với trí tuệ” bỏ ra không mệt mỏi và không hề ngơi nghỉ” (Tr 356).
Bên cạnh nhân vật chính là Đắc, MTPCD còn xuất hiện nhiều nhân vật phụ. Có thể kể đến Thảo, “Người con gái họ Trần, tuổi Tân Mão (1951), cùng quê hương Lập Lễ… Thảo đẹp, long lanh như giọt sương ban mai trên bông sen mùa hạ. Thảo có nước da mịn màng, trắng. Mái tóc dài chấm gót. Nhất là nụ cười tươi. Đôi mắt lung linh sáng. Giọng nói có duyên. Mỗi lần Thảo ngước lên, gương mặt càng tỏa lan sức dạt dào, mơ mộng” (Tr 99) Thảo là người vợ đảm đang, chung thủy, nhân hậu, đức độ suốt đời của Đắc. Gia đình Đắc được hạnh phúc, dựng được nghiệp lớn, có phần góp công không nhỏ của Thảo. Người có đức tính chở che, bao dung, cao cả. Một người vợ, người phụ nữ đã vượt qua bao giông tố ở đời, giữ trọn nghĩa  “Tao khang.”
Qua  thâm cung, bí sử cung đình, từ các triều đại phong kiến trong nước và khá nhiều các nước trên thế giới, có lẽ bí quyết của các hoàng hậu giữ được vị trí “Mẫu nghi thiên hạ” lâu bền thì ngoài tài, sắc, tầm nhìn…là chữ NHẪN. Thảo đã ôm chữ Nhẫn đến tận cùng. Và, cũng đã sắp qua nửa thế kỷ có nhau,  “đám cưới vàng” của đôi lứa Đắc Thảo, nhân vật chính của MTPCĐ, Trần Thị Thảo rất xứng đáng là vị “Hoàng hậu không vương miện” của “Chúa - đảo”, của “Vua – lá” không ngai Đinh Trọng Đắc.
Định cư ở một đất nước cách xa Tổ quốc mình nửa vòng trái đất, gần 10 năm, khi thành nhà doanh nghiệp, một ông chủ lớn, bằng tình yêu đất nước, quê hương, năm 1994, Đắc đã tìm đường trở về quê mẹ với danh nghĩa “Việt Kiều yêu nước.”  “Với tình yêu luôn tươi xanh như thuở ban đầu” (Tr 323). Và, Đắc đã là một trong những người đi đầu, góp chút sức mình đưa nền tinh hoa Gốm sứ của đất Việt tới châu Âu, tới Canada, một vùng Bắc Mỹ.
Có thể nói, MTPCĐ như một trường ca về người thật, việc thật. Lần nữa, khẳng định cái đa tài của “nhà thơ hào hoa và đào hoa Kim Chuông” ( Nguyễn Trọng Tạo).
Với những trang văn xuôi mang ngôn ngữ của nhà thơ thật lung linh, hàm xúc, giàu gợi mở, cuốn hút…MTPCĐ, bên cạnh cái ngồn ngộn của hiện thực, của những chi tiết khá phong phú, khá sinh động, hấp dẫn của cuộc sống đời thường, ở đây, người đọc thấy được phần đóng góp của Kim Chuông, mang tính quyết định sức sống của một tác phẩm thuộc về phía nhà văn. Đó là tài năng, là lao động văn chương qua tái tạo, sáng tạo. Là những trang mô tả thiên nhiên, cảnh vật. Là cách kể, cách dựng truyện. Là những trang phân tích tâm lý nhân vật. Là sức suy tưởng làm nên vệt loang mang chiều kích nào đó của giá trị khám phá…
Có lẽ, Kim Chuông là một trong những nhà văn đầu tiên và hiếm trên văn đàn viết về đề tài “ Những thuyền nhân Việt Nam vượt biên đi tìm miền đất hứa” có “qui mô” như MTPCĐ này.
Và, MTPCĐ là sự thành công lần nữa trên hành trình văn xuôi của Kim Chuông, một nhà thơ mà bạn đọc hằng mến yêu, trân trọng.

Thái Bình tháng 8-2013
                           ĐỖ LÂM HÀ
     (Hội Văn học Nghệ thuật nghệ Thái Bình)  
   
SN: 58/01- Tổ 50 - P.Quang Trung - TP.Thái Bình – ĐT: 0987.221.404