Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vĩnh biệt tác giả “Con voi”

Lê Bá Thự
Thứ sáu ngày 23 tháng 8 năm 2013 3:57 PM

Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự

     Nhà Xuất bản Văn học Krakow và Nhà Xuất bản Noir Sur Blanc  (Thụy Sĩ) vừa thông báo, Slawomir Mrozek, nhà văn, kịch tác gia, họa sĩ biếm họa nổi tiếng của Ba Lan đã qua đời ngày 15 tháng 8 năm 2013 tại thành phố Nice (Pháp), hưởng thọ 83 tuổi. Sau khi được sự đồng ý của gia đình, chính quyền thành phố Krakow đã quyết định đầu tháng chín năm nay sẽ tổ chức lễ tang và lễ mai táng nhà văn tại Khu lăng mộ Danh nhân Dân tộc ở Nhà thờ Thánh Piotr và Pawel, thành phố Krakow, theo nghi thức tôn giáo. Đây là khu lăng mộ dành cho các danh nhân văn hóa, nghệ thuật và khoa học nổi tiếng nhất Ba Lan, dưới tầng hầm của nhà thờ. 
     Slawomir Mrozek sinh ngày 29 tháng 6 năm 1930, tại Borzecin, không xa thành phố Krakow. Ông đã nhiều năm gắn bó với thành phố cố đô này, từng học tại Trường trung học mang tên Nowodworski, tiếp đó ông đã học các khoa kiến trúc, triết học phương đông và nghệ thuật. Từ năm 1963 ông sinh sống ở nước ngoài – Italia, Pháp và Meksyk. Năm 1996 ông cùng vợ, bà Susana, trở về nước, sinh sống ở Krakow. Năm 2008, vì lý do sức khỏe, ông lại sang Pháp, định cư tại thành phố Nice.
     S. Mrozek không ốm nặng, ông chỉ đến bệnh viện thực hiện một tiểu phẫu tưởng chừng đơn giản, nhưng thật không may, ông đã qua đời, lỡ chương trình về thăm Ba Lan dự kiến vào tháng chín và tháng mười năm nay.
     S. Mrozek đã viết trên 40 vở kịch, được rất nhiều nhà hát Ba Lan và nước ngoài dàn dựng, như: Cảnh sát (1958), Cực hình Piotr Ohey (1959), Xa khơi (1961), Karol (1962), Trò chơi và Đêm đen (1963), Waclaw (1970), Kiều dân (1974), Amor (1979), Ngài đại sứ (1984) và đặc biệt vở kịch Vũ điệu tango (1964) đã đưa ông lên vị thế kịch tác gia hàng đầu thế giới.  Trong số các tiểu thuyết và hàng chục truyện ngắn của ông phải kể đến: Những chiếc áo giáp tiện dụng (1953), Con voi (1957), Đám cưới ở Atomice (1959), Nhà tiến bộ (1960), Mưa, Cuộc chạy trốn về phương Nam (tiểu thuyết, 1961), Hai lá thư (1974), Tuyển tập truyện ngắn (tập 1,2,3 – 1999 – trên 400 truyện), Nhật ký trở về (1996).
     Ngay từ những năm chín mươi của thế kỷ trước, Slawomir Mrozek đã trở thành một trong những thần tượng văn học Ba Lan của tôi. Truyện ngắn của ông như có ma lực, cuốn hút tôi một cách kỳ lạ. Và trong thực tế, truyện của ông như một thứ ma túy vô hình, đã khiến tôi “sinh nghiện”. Dịch truyện của ông lắm khi tôi ngồi cười một mình, tôi thú vị một mình, tôi “sướng” và khoái chí một mình. Truyện của S. Mrozek chứa đựng nhiều ý tứ, lắm triết lý và răn đời tinh tế. Có những truyện ta phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới cảm thụ hết được chiều sâu của tác phẩm, càng đọc càng phát hiện ra nhiều ý tưởng, càng suy ngẫm càng thấy hay. Lắm khi đoạn kết hoặc câu kết trong truyện ngắn của ông mang lại cho người đọc những bất ngờ thú vị.
     Tập truyện “Con voi” của S. Mrozek, gồm 85 truyện ngắn, mà tôi cùng Phương Nam Book và Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành tháng sáu năm nay, là kết quả của nhiều năm dịch thuật giàu tâm huyết của tôi. Nhiều khi tôi đã phải trăn trở với từng từ, từng thuật ngữ, từng câu, từng ý của ông để tìm cho bằng được những từ, những thuật ngữ, những câu đắc địa nhất trong tiếng Việt, biểu đạt đúng nội dung, hình thức của tác phẩm, văn phong của tác giả. Đặc biệt phải chọc cười bạn đọc đúng kiểu cách, đúng ý đồ của tác giả. Tôi rất mừng khi sau hai tháng ấn hành, tập truyện “Con voi” đang được bạn đọc trong Nam ngoài Bắc đón đọc, được một số nhà phê bình văn học bình luận với nhiều phát hiện và khám phá thú vị.
     Tôi thực sự chia sẻ với những lời bình luận của nhà phê bình Nguyễn Vĩnh Nguyên (báo Sài gòn tiếp thị): “Có cảm giác đời sống từ những kẻ vô công rỗi nghề đến giới chính khách, nghệ sĩ Ba Lan qua những nhát cắt văn chương của Slawomir Mrozek mang trong nó tính chất biểu trưng cao, không khu biệt một vùng miền, ranh giới cụ thể nào, mà là câu chuyện nhân thế rộng lớn. Cõi người trong những nhát cắt kia là cõi người của những cuộc hí trường bất tận. Cái giật mình mà Mrozek gieo vào các câu văn cuối mỗi mảnh truyện nhỏ, vì thế, là cái giật mình thức tỉnh cho cả thế giới con người nói chung với đủ thứ lề thói cố hữu bất trị.   
     Văn chương sẽ không là liều thuốc đặc trị hữu hiệu cải tạo hoàn cảnh, nhưng trong trường hợp nếu sức phúng dụ được sử dụng đủ mạnh để khiến độc giả bật cười, biết tự trào với thói hư tật xấu, những “tồn đọng” của mình, của thế giới mình đang sống, thì đó là thứ văn chương hiếm hoi. Những truyện ngắn được viết với tinh thần tự do, hàm súc, giàu phúng dụ của Slawomir Mrozek là một trường hợp như thế”. 
     Tôi cũng tâm đắc với một số ý kiến của nhà phê bình Ánh Dương (báo Tia sáng): “Truyện của Mrożek hấp dẫn người đọc trước nhất ở tính cách trào phúng. Rất ít khi đó là tiếng cười hài hước, mà chủ yếu là tiếng cười mỉa mai, châm biếm. Thậm chí, hình thức “phản ngữ” để cất tiếng trào phúng cũng phần nào lép vế hơn so với các hình thức sử dụng ngôn ngữ giễu nhại kết hợp với hình tượng nghệ thuật kệch cỡm, lố bịch để tạo hiệu ứng đả kích sâu cay.
     Tiếng cười trong truyện Mrożek, vì vậy, dù hài hước hay mỉa mai hay châm biếm, đều kéo theo ở phía bên kia của nó tiếng khóc. Đọc truyện, theo đó, người đọc đầu tiên được trải nghiệm tiếng cười. Nó được bật lên bởi sự lố bịch của nhân vật, sự hài hước của các chi tiết thông minh, sự bất ngờ của các sắp đặt khéo léo. Nhưng khi tiếng cười vừa ngưng lại, thì nỗi buồn nhen nhóm rồi trào dâng. Nó khiến người đọc phải suy nghĩ, đau xót và thấm”.
      Các tác phẩm của Slawomir Mrozek đến với bạn đọc Việt Nam rất sớm, đã gần 50 năm nay. Năm 1969 nhà xuất bản Trình Bầy ở miền Nam đã cho công bố bản dịch Con voi qua dịch thuật của Diễm Châu; năm 1990 bản dịch Con voi từ nguyên bản tiếng Ba Lan của nhà văn, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng cũng đã được Nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành, và gần đây nhất, tháng sáu năm 2013, Phương Nam Book và Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã cho in tập truyện Con voi với 85 truyện ngắn do nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự tuyển chọn, chuyển ngữ và giới thiệu.
     Tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến của nhà phê bình Nguyễn Vĩnh Nguyên khi ông nói: “Trong khi Azit Nesin, tiếng cười đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, được đón nhận khá nồng nhiệt, thì Mrozek từ Ba Lan trong cuộc du hành đến Việt Nam vẫn chưa được phổ biến xứng đáng với tầm vóc của ông”. Dẫu vậy, tôi tin rằng, rồi đây Slawomir Mrozek sẽ có vị trí xứng đáng trong lòng bạn đọc Việt Nam.
     Mấy hôm nay những người mến mộ nhà văn đa tài Slawomir Mrozek ở Ba Lan cũng như trên toàn thế giới bùi ngùi xúc động khi hay tin ông đã về với Chúa. Ngài Jacek Majchrowski, Chủ tịch thành phố Krakow đã tuyên bố, “một nhân vật như Slawomir Mrozek thì phải được chôn cất ở nơi xứng đáng” và việc  chính quyền thành phố này quyết định mai táng nhà văn tại Khu lăng mộ dành cho các danh nhân dân tộc tại Nhà thờ Thánh Piotr và Pawel chứng tỏ điều này. Nghệ sĩ nổi tiếng Ba Lan, Olgierd Lukaszewicz phát biểu: “Mrozek là một nhà văn đã đổi mới tư duy của chúng ta, ông đã chỉ cho chúng ta thấy những điều phi lý của thực tế cuộc sống”. Còn nhà văn Jerzy Pilch, tác giả tiểu thuyết Dưới cánh Thiên thần Rượu, xúc động nói: “Tôi có cái may rất lớn, khi còn là một đứa trẻ tôi đã được đọc và được xem tại Nhà hát Cổ vở kịch huyền thoại “Vũ điệu tango”, vở kịch đã để lại cho tôi những ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, bởi cách nhìn thực tại của tác giả”.
     Slawomir Mrozek, nhà văn, kịch tác gia, họa sỹ biếm họa tài ba của Ba Lan và những người mến mộ ông trên toàn thế giới đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng các tác phẩm của ông vẫn mãi mãi ở lại với chúng ta, chúng ta vẫn ở bên ông, vẫn cười cùng ông, vẫn trào lộng, châm biếm và mỉa mai cùng ông, vẫn cùng ông đã kích, phê phán đến cùng nạn tham nhũng, lộng quyền, những thói hư tật xấu trong đời sống xã hội. Xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh ông. 

                                                                                          L.B.T.