Văn chương cần sự cao quý
Đỗ Trọng Khơi
Chủ nhật ngày 25 tháng 8 năm 2013 8:08 AM
Trên các trang báo mạng hiện đang có mấy cuộc trao đối về các vấn đề văn học. Trao đổi với luận văn Thạc sỹ về nhóm thơ Mở miệng, trao đối với GS Trần Đình Sử về nhận xét "Văn chương rất cần sự cao quý nhưng không cần sang trọng".vv…Mỗi cuộc trao đổi đều để lại nỗi trăn trở và tất nhiên cả sự bổ ích cho văn đàn. Có vấn đề lớn, nặng về tư tưởng chính trị mà sự đúng sai còn nằm ở cao xanh đâu đó, người ta thường mách nhỏ nhau "lỗi hệ thống". Vấn đề này lớn quá, hiểm trở quá tôi xin được bỏ qua. Ở phạm vi hẹp, tôi chỉ xin góp lời về một nhận xét trong bài viết của GS Trần Đình Sử.
; Tên tuổi vị GS, hẳn nhiều người học văn, làm văn, yêu văn nước nhà đã biết tới. Riêng với tôi, từ những năm chập chững học làm văn tôi đã đọc tác phẩm Thi pháp thơ Tố Hữu của GS. Đây là tập nghiên cứu phê bình, thi pháp học sáng giá một thời. Từ thuở ABC văn chương, quả tập sách đã góp phần nuôi nấng tình yêu và bồi đắp tri thức nghê nghiệp cho tôi. Nhân đây tôi xin được ngỏ lời cảm ơn ông, GS Trần Đình Sử.
Về nhận định "Văn chương rất cần sự cao quý nhưng không cần sự sang trọng", theo tôi, ông nói trúng bản chất của công việc nhà văn. Về đời sống, hoàn cảnh sống nhà văn cũng như mọi người, cần được sự sang trọng. Nghĩa là đời sống đầy đủ ở mức cao. Như đi xe sang, nhà ở và các vật dụng tiện nghi hàng hiệu đắt tiền hiện đại… Nhưng hành trạng tinh thần, sản phẩm nghệ thuật thì rất cần được nuôi dưỡng từ trong máu, trong từng mầm hạt hướng tới sự cao quý. Văn là đời, là người. Bản chất của sáng tác văn chương là nhằm hướng tới cái đẹp, cái siêu cảm, siêu thoát trong đời sống tâm hồn con người, trên cõi thế gian này, dù người đó (bạn đọc) là ai, họ đang làm nghề gì, đang sống nơi lâu đài hay nơi túp lều… Và, cho dù bản thân tác giả - nhà văn kia là ai, đời sống vất vả đau thương hay quyền cao chúc trọng, thì điều căn cốt nhất, trong từng con chữ, mỗi hạt tinh thần, tư tưởng của anh ta đang phúng chiếu ra trang giấy, đòi hỏi phải được đảm bảo bởi sự cao quý. Hiển nhiên ở góc độ đời sống, sự cao quý gắn với sự sang trọng như hai mặt của một bàn tay, nhưng dù vậy sự cao quý vẫn không hề đồng nghĩa, đồng tâm với sự sang trọng được. Hiểu giản dị: Cao quý là hồn cốt, sang trọng là da thịt. Cao quý là sự sống, sang trọng là đời sống. Cao quý là mục đích tối thượng, sang trọng là món hàng khuyến mại ăn theo. Bởi vậy, trong đời sống xã hội con người có những kẻ tay vấy đầy máu, lòng đầy tham lam, thù hận nhưng hắn lại có một đời sống cực kỳ xa hoa, sang trọng. Không ai bảo những kẻ này là cao quý. Ngược lại có không ít những con người mà đời sống phải chịu bao thương khó, quần manh áo vá, lang thang vô định nhưng họ là bậc đạo hạnh, sản phẩm tâm hồn của họ trao cho con người lại rất cao quý. Như trường hợp thi sỹ bị bệnh hủi Hàn Mặc Tử, thi sỹ Đười Uơi Bùi Giáng… Thậm chí loài vật, qua việc làm của mình đã đạt tới sự linh thiêng cao quý, khiến con người tôn vinh, thờ phụng như con cá voi với người dân làm nghề đi biển.vv… Rõ ràng nhìn từ góc độ đời sống này, không thể xem Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng thi sỹ hay con cá voi kia là "sang trọng". Trước những dẫn chứng trên, phù hợp chăng với nhận định cổ điển thế này : Sự cao quý thuộc Đạo, sang trọng thuộc Đời. Văn chương là một Cõi Đạo. Để trong cõi sống đó, nhà văn có thể trong cảnh màn trời chiếu đất, cởi trần ngồi bệt mà viết ra những điều linh thiêng, cao quý cho con người, cho giá trị sinh tồn ở thế gian này.
Để tránh nhầm lẫn, tránh hướng mục tiêu đạt tới của công việc nhà văn, việc chia tách khái niệm "cao quý và sang trọng" là đúng và cần thiết. Thực tế đã và đang xẩy ra tình trạng nhiều cây bút muốn được trở thành hội viên Hội Nhà văn vì họ coi tấm thể hội viên là một đảm bảo cao sang. Với các tác giả này khi đã đạt mục tiêu là hội viên, đấy là giá trị cuối cùng và sau đó họ sẽ chỉ nhăm nhăm viết ra những tác phẩm mong "làm sang" cho chiếc áo nhà văn đó. Nghĩa là tác giả - tác phẩm loại này chỉ có thể có được vẻ bóng bẩy bề ngoài, kiểu tốt nước sơn, lạ sợ áo quần. Với nhà văn coi văn chương như sinh mạng, thì mỗi khi sáng tác với họ là một nghi lễ bày tỏ tình yêu thương, nhằm cưu nâng và siêu độ cho kiếp phận con người, cho sự cao quý của tồn tại con người. Bởi vậy với nhà văn đó có khi tác phẩm của họ chỉ là những tiếng thở dài, cũng nặng mang bao nỗi niềm nhân thế. Và nhà văn hẳn biết quên, thậm chí trong số họ có người không hề biết đến cảnh sống tiện nghi, những nghi thức sang trọng, song trên chiếc chiếu thiên nhiên hoa cỏ chốn quê mùa nhà văn vẫn có thể một mình đơn độc tạo nên thứ nghi lễ Cao quý - Sang trọng và cống hiến cho đời tác phẩm văn chương hữu ích.
Rằm/tháng Bẩy/Quý Tỵ