Bà Chè
Tống Trung
Thứ bẩy ngày 24 tháng 8 năm 2013 9:59 AM
Truyện ngắn
Sáng mai thức dậy, tôi thấy người đầu tiên đến với ngõ phố là bà hàng chè tươi.
Vẫn như ngày xưa ấy, ngõ phố lao xao: “Bà Chè ơi! Tôi gửi tiền tháng trước…”. “Bà ơi, mẹ cháu xin khất tuần sau…”. Đáp lại vẫn là giọng nói dịu dàng và bàn tay gầy guộc đặt từng gói chè xanh vào rổ, vào giỏ treo trước cổng.
Mẹ tôi giục: “Con ra chào bà Chè đi, bà hỏi thăm con luôn đấy”.
Bà Chè, vẫn như ngày xưa ư? Ngõ phố không ai biết tên thật của bà, cũng không ai rõ quê bà ở đâu. Đôi quang thúng cũ kỹ như cuộc đời bà. Chiếc đòn gánh bắt mồ hôi đã óng màu thời gian. Lá chuối xanh phủ thúng chè xanh.
Nhớ một buổi sáng, vợ chồng chú Hảo cãi nhau, đứa con khóc nhanh nhách. Tiếng khóc chen vào tiếng lao xao của những người ngõ phố gọi mua chè. Bà Chè hạ gánh vào bế thằng bé. Lát sau bà đặt vào tay người mẹ không phải cậu bé lọ lem mũi rãi mà là một thiên thần bé bỏng với nụ cười như bông hoa buổi sớm. Hôm sau bà hàng chè qua ngõ, cậu bé ngồi trong xe nôi giơ hai cánh tay múp míp líu ríu: “À… à…è…ơi”. Từ đấy cả ngõ phố theo thằng bé gọi là bà Chè. Lâu dần thành quen. Có người hỏi tên thật, bà cầm lên lá chè xanh, móm mém cười.
Bố tôi làm thợ ở khu gang thép, nghiện mùi lò cao và vị chè Tân Cương. Về hưu, thấy nhà chỉ uống thứ nước chè lá, ông cười: “Thứ này nhạt hoét, chỉ tổ nặng bụng”. Trên bàn, bên cạnh cái ấm ủ chè xanh là bộ ấm chén da lươn, lọ chè gốm nâu. Một lần, làm ăn được, tôi mua nửa ký chè Thái chính cống làm quà biếu bố. Bố tôi trân trọng cất bọc chè vào tủ: “Cảm ơn con. Bố uống chè xanh quen rồi, mát và bổ, chè búp để tiếp khách…”.
Chè xanh lá nhỏ, dày, bẻ giòn, răng cưa mép lá đều, ánh vàng lên mặt lá xanh. Ấy là thứ chè vườn quê chính hiệu. Nấu lên nước vàng sánh, thơm.
Bạn bố tôi làm thơ câu lạc bộ. Lá chè xanh dẫn quê vào phố. Bài thơ được giải.
Tôi nhìn thấy bà lúi húi nhặt bã chè. Mẹ tôi giải thích: “Bà gom bã chè về cho người ta nuôi thỏ làm thí nghiệm”. “Vậy cũng kiếm được”. “Dào ơi! Tháng bà ấy kiếm được mấy ngàn bạc ăn trầu.”
Cô Hảo có sáng kiến, đặt bên cạnh giỏ chè là gói bã chè. Bà Chè bỏ chè vào giỏ người mua, tiện lấy gói bã. Từ dạo ấy, cũng một nghìn mà nhiều chè tươi hơn. Người tinh ý, đến tháng trả thêm tiền, bà gạt đi: “Chớ làm thế…”.
Một lần gần trưa bà Chè mới đến, bà gọi cổng, tôi thấy bà gánh hai bao tải buộc túm. Cô Hảo nhanh nhảu: “Đồ nghề của bà đâu rồi?” Bà Chè cười: “Hôm qua về gần nhà có ba cậu trẻ đi xe máy xô vào tôi. May người không việc gì! Đôi quang thúng coi như bỏ đi”. Cô Hảo hỏi: “Thế họ có đền cho bà không?” Bà cười: “Họ cũng như con cháu mình. Có lỗi nhận lỗi là mừng. Đáng là bao mà đền bồi hả cô… Chè bỏ bao, không được ngon bà con thông cảm. Mai có quang thúng mới rồi”. Tôi bưng rổ chè xanh đi được mấy bước, nghe bà gọi: “Cậu ơi”. Tôi quay lại. Bà chỉ nhà chú Bình: “Cô chú ấy đi đâu mà ba hôm nay kín cổng, để chè úa ra”. Chú Bình phạm tội hối lộ, đi tù, cô Bình về nhà đẻ. Như có ai xui tôi nói dối bà Chè: “Cô chú ấy về quê ngoại”. Bà bần thần một lát, mở thúng cầm lên gói lá, nhờ: “Cô ấy thích gội đầu lá bưởi, tôi gửi cho cô ấy…”.
Ba hôm liền không thấy bà Chè vào ngõ phố. Nhiều nhà phải uống chè đồi. Chè đồi nước đỏ, vị chát, uống chóng no mà không đỡ khát.
Sáng ngày thứ tư, mẹ tôi ra ngõ ngóng, buồn bã trở vào. Bố tôi lôi bình sứ ra khỏi ấm giỏ, đưa cho mẹ tôi:
- Mình súc sạch mùi chè đồi đi. Hôm nay thế nào bà Chè cũng đến. Nhà mua gấp đôi, hãm thật đặc uống cho bõ nhớ.
Bố tôi đi họp câu lạc bộ thơ, nghe tin đắm đò, mới hay bà Chè bị dòng
nước cuốn đi còn chưa tìm thấy xác.
Người ngõ phố nghèo thắp hương cắm vào những chiếc giỏ hôm qua, hôm kia đầy ắp lá chè xanh. Thứ lá nho nhỏ nấu lên nước vàng thơm, mát và bổ.
Ngõ phố nghi ngút khói hương.
Ngày mai… ngày kia… ai đưa lá chè quê về phố?!
TỐNG TRUNG