Nguyễn Trọng Tạo (sinh 1947) là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách... Ông là một nghệ sỹ đa tài, với số lượng sáng tác vào loại “Khủng”, sự nghiệp sáng tạo của ông là mơ ước của nhiều người cầm bút – Ông là tác giả của những bài hát nổi tiếng: Làng Quan Họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang…là “vàng 10” trong các ấn phẩm: Ca khúc Nguyễn Trọng Tạo, 1996; Tình khúc bốn mùa, 1996 và Khúc hát sông quê, 2006. Ông là tác giả của những tập thơ, trường ca như: Đồng dao cho người lớn, Nương Thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc)… còn là tác giả Biểu tượng Ngày thơ Việt Nam, Cờ thơ và hàng trăm bìa sách đẹp...
Trong sáng tạo văn học nghệ thuật và nhất là ca từ trong ca khúc – với Nguyễn Trọng Tạo, đặt con chữ lên trang viết là sự đãi gạn, chắt lọc đến tận cùng của sự tinh khiết. Ví như, hồn vía của 87 câu thơ trong bài thơ Khúc hát sông quê của Lê Huy Mậu, Nguyễn Trọng Tạo đã gạn ép chỉ còn hơn chục dòng để hóa thành một “Khúc hát sông quê” kiêu hãnh đi cùng năm tháng. Ông vốn là người dễ dãi, vui vẻ và cởi mở trong giao tế, nhưng lại rất kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, cân nhắc trong việc dùng chữ nghĩa... Bài viết ngắn này, tôi dành nói riêng về những “hạt sạn” không đáng có trong những bữa tiệc vui mà đôi khi Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo vẫn “nhá” phải mỗi khi gặp ca sỹ trình diễn “Khúc hát sông quê” của ông đã không hiểu đầy đủ ý nghĩa của từng con chữ nên đã tuy tiện, hoặc thuận miệng hát “trệch” đi khiến câu hát trở thành vô nghĩa.
Tôi may mắn được quen biết và tham dự một số cuốc “Gặp gỡ bạn bè” của Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Có thể nói tất cả những lần vui ấy đều không thiếu vắng “Khúc hát sông quê”. Tôi thường được nghe bạn bè của ông, hoắc chính ông đã hát rất say sưa và súc động, ở nơi đây âm hưởng của bài hát có một cuộc sống riêng, khác với khi nghe ca sỹ trình bày trên sân khấu hoặc trên các phương tiện nghe nhìn khác. Tiếng hát như gọi lòng người trở về với quê hương, về với bao kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ nghèo khó. Hết thảy bạn bè ông đều có một tuổi thơ chăn trâu, tắm mát dưới dòng sông phủ rợp bóng tre; cũng đã từng đợi mẹ đi chợ về mua cho tấm bánh đa vừng, cũng đã từng gắn bó với đồng bãi, với mùi rơm thơm sau mùa gặt…Với “Khúc hát sông quê” mỗi người cảm nhận được và soi bóng hình tuổi thơ mình trong đó, vì thế nó đã là bài ca thuộc về mọi người, đúng như câu thở mở đầu của Lê Huy Mậu: “ngỡ như người đã hát thay tôi/ ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát/ tuổi thơ ơi”.
Thật khó có thể dùng lời để diễn tả cảm thức của tác giả khi ca khúc của mình được nhiều người thể hiện và đắm say đến thế. Nhưng cũng không ít lần nhạc sỹ lặng người đi như thể miệng nhá phải hạt sạn, ông thoáng vẻ buồn nhưng chưa thể nghĩ ra cách gì “cứu cánh”. Khi lời của bài hát đã được "chế" rất "thô bạo", thật lòng tôi mê bài hát này của ông từ khi mới công bố. Phần vì giai điệu tha thiết, trữ tình, phần vì ca từ lắng đọng và súc tích bởi chữ nghĩa đầy vơi hàm súc và được dùng rất "đắt", rất đắc địa. Vì vậy, mỗi khi nghe lời hát bị biến tấu, biến dạng trong tôi luôn cảm thấy bứt rứt và thất vọng bởi sự tuỳ tiện của người hát, đôi khi cả ca sĩ tên tuổi cũng vô tư "thấy tiện, thấy vần là hát"…. Xin viện dẫn một vài ví dụ “kì cục” sau đây:
“Chán” nhất là khi ca sỹ “mở giọng” hát rất hồ hởi, dạt dào: “Quá nửa đời phiêu bạt, con lại về úp mặt vào sông quê” đáng lý phải hát rằng: “Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê” - phiêu bạt thường chỉ kẻ giang hồ, “lãng tích thiên nhai” (phiêu bạt nơi chân trời) như phiêu bạt giang hồ, phiêu bạt khắp chân trời, không biết đâu là nhà chứ nói gì đến quê. Còn phiêu dạt là vì nghèo đói mà phải bỏ quê phiêu dạt khắp nơi để mưu sinh, để kiếm sống nhưng lòng vẫn đau đau nhớ về quê hương, bản quán. Chỉ một từ dạt hát thành bạt đã mất hẳn ý nghĩa sâu sắc và đẹp đẽ của câu hát. Lại có người vô tư hát: Bầy trẻ thơ tắm mát dưới thượng nguồn (thay vì phải hát tắm mát phía thượng nguồn) – dưới thì thượng sao được? Hay: cùng một bến sông, con trâu đầm sông dưới đã lẽ phải hát: cùng một bến sông con trâu đằm sóng dưới.
Và đã từng nghe cô ca sĩ nổi tiếng cũng thuận miệng hát trên truyền hình: Lúa gặt rồi còn để lại rơm khô (lẽ ra phải hát: lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm). Và lại nữa, khi kết bài thay vì hát: “Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng” lại hát thành: “Một dòng sông xanh chảy mãi tới vô cùng”…
Hiện tượng ca sỹ (có cả ca sỹ chuyên nghiệp) hát sai lời, quên lời, nhầm lời… dẫu chưa là hiện tượng phổ biến, nhưng sự “nhầm lẫn” tệ hại đối với một ca khúc ngắn gọn như “Khúc hát sông quê” là hồi chuông cảnh báo, đối với các ca sỹ. Mong rằng những ca khúc ngọt ngào, trữ tình với những ca từ chuẩn mực, sâu sắc sẽ được cất lên từ bất kỳ giọng ca nào, ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ không còn những hạt sạn làm kém vui trong những bữa tiệc âm nhạc - món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta.
Xin giới thiệu ca tư “chuẩn” của Khúc hát sông quê
Qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê
Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn
Từng hạt phù sa có tháng Ba rồi tháng Bảy
Từng vị heo may trên má em hồng
Ơi con sông quê, con sông quê
Ơi con sông quê, con sông quê
Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ
Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng
Ơi con sông quê, con sông quê
Ơi con sông quê, con sông quê
Con cá dưới sông cây trồng trên bãi
Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm
Cùng một bến sông con trâu đầm sóng dưới
Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn
Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng...