Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Xin được trả lời ông Vương Quang

Nguyễn Hiếu
Thứ bẩy ngày 3 tháng 8 năm 2013 2:24 PM

          Điều đầu tiên tôi xin được chân thành cám ông và thơ sĩ TMH dù ở cách hai đầu đất nứơc quá dài của chúng ta lại nhắc về tôi và nhất là lại bàn đến một vài tác phẩm của tôi mà nhị vị nhớ được. Với tư cách là một người cầm bút tôi xem đó là một ân thưởng lớn lao. Nhân hai vị có hỏi tôi về sự ra đời của những tác phẩm được nhị vị lưu ý. Tôi xin được thưa. 
        Những năm cuối thập kỉ 80 của thế kỉ 20 là thời kì đất nứơc ta cực kì khó khăn. Đời sống của cán bộ công nhân rất vất vả. Vào những sáng chủ nhật, tôi thường đứng với mấy vị cán bộ nhà nước trò chuyện ở hành lang gác 5 khu nhà tập thể Quỳnh Mai. Và câu hỏi quen thuộc thường lặp đi lặp lại giữa chúng tôi là”không biết sự cực khổ thế này đã đến đáy chưa?”. Nhưng đó cũng chính là thời kì nhà nước ta rục rịch đổi mới, mở cửa  trong tư tưởng và trong xuất bản. Hồi đó tôi vào độ tuổi 40- độ tuổi sung sức nhất của cuộc đời sáng tác của tôi- Thú thực với nhị vị. Dạo đó tôi hùng hục viết để được in không ngoài mục đích kiếm tiền nuôi gia đình ( vợ tôi là giáo viên, hai cháu đang còn bé). Có thời gian như năm 1988, đầu 89 liền trong một ngày tôi viết hai cuốn tiểu thuyết. Sáng thì “chuyện tình người điên”( hợp đồng cho NXB Văn hoá dân tộc), chiều thì “chân trời vỡ đôi” ( hợp đồng cho NXB Pháp Lý). Trong năm năm từ 1988 đến 1993 ngoài công việc viết báo cho đài TNVN tôi in tới 13 tiểu thuyết, 2 tập truyện ngắn, được dựng 2 kịch bản sân khấu, và hai phim truyền hình …Đó là chưa kể một vài tác phẩm không được công bố  
          Trong số tác phẩm trong 5 năm hùng hục đó có mấy tác phẩm nhị vị có hỏi. Trước tiên về bài thơ Nhân dân. Bài thơ này tôi viết vào ngày 6/6/1988 nhưng khi đọc lại tôi cảm thấy bài thơ quá gai góc nên không dám gửi báo nào. Mãi đến năm 1990 khi thấy báo Văn Nghệ có cuộc thi thơ tôi liều gửi đến. Nhưng rồi cũng không dám tin nó sẽ được in. Thế rồi bất ngờ, một buổi sáng khi tôi đang làm việc ở nhà máy đóng tàu Nam Triệu Hải Phòng thì thấy ông Hà giám đốc nhà máy từ ngoài đi vào vung vẩy tờ báo nói oang oang”thế này mới là nhà thơ chứ. Nói đúng những điều ai cũng muốn nói”. Rồi ông xoè tờ báo ra vừa đọc oang oang vừa vỗ đùi đen đét .
                Nhân dân khom lưng cấy lúa 
                Ăn vội vàng miếng cơm quá nhỏ 
                Để kịp giờ vào ca
         Cúi khom lưng cõng mọi chế độ 
                Và ở trong những căn nhà bé nhất
                Trong chiến tranh là người đi đầu
                Ngày hoà bình thì hưởng cuối 
                 Trong chiến tranh mở hết lòng mình để đón mọi người 
                 Hoà bình về chỉ xin một viêc làm đi đủ trăm cửa 
                 Nhân dân làm nên mọi việc tầy trời 
                 Nhưng bị bắt bẻ trong từng chữ kí.
         Nghe ông đọc tôi cảm thấy những câu thơ hình như rất quen bèn rón rén đến xin mượn tờ báo và không tin vào mắt mình. Bài thơ của tôi in gần như nguyên văn trong trang thơ dự thi cùng với Ngô Minh, Nguyên Thông, Tạ Thị Kim Toàn và Mai Ngọc dưới đầu đề nguyên thuỷ  “coi như một tham luận thơ về nhân dân”. Tôi nói gần như nguyên văn vì trong khổ ba của bài thơ này tôi viết 
                  Hôm nay nhân dân vẫn bị tấn công…
                  …Bằng sự dối lừa và ngon ngọt
                 Che đậy lòng tham của những “quan đồng chí “( trong nguyên văn tôi viết của những Tô Duy- một vị quan tham nhũng hồi đó do Nhà báo Trần Đình Bá phát giác)
                   Vơ vét và đục khoét
                    Miệng vẫn lầm bầm”nhân dân”
          Mấy hôm sau tôi về khi tạt vào lấy nhuận bút và báo biếu. Gặp tân TBT Hữu Thỉnh mới về thay nhà văn Nguyên Ngọc, ông hơi cau mày nhìn tôi nói “bài thơ của chú làm anh vất vả quá, nhưng giờ thì ổn rồi”. Tôi không dám hỏi ông vì sao, nhưng sau nghe anh em bên báo Văn nghệ kể lại là bác Trần Độ cho ông Trịnh thư ký của bác xuống khen bài thơ này nên mọi sự bình yên. Riêng tôi lại nghĩ bài thơ này “tai qua nạn khỏi” một phần cũng vì những câu kết về mặt thời sự rất đúng với NQ 4 vừa qua
                 Hãy bảo vệ nhân dân 
                 Như xưa kia nhân dân bảo vệ Đảng 
                 Niềm tin đi qua sẽ trở về 
                 Khi Đảng hiện ra đúng như dân mong ước. 
          Cũng thêm một chi tiết có dính dáng đến bài thơ này là năm 2009 nhà báo Giang Trung Sơn- trưởng phòng thời sự của đài TNVN – khi đi dự một cuộc họp về phòng cháy chữa cháy có kể vị đại tá đến nói chuyện, khi định nghĩa về Nhân dân đã đọc vanh vách những câu thơ trong bài thơ Nhân dân của tôi nhưng vị đại tá này cũng thú nhận” bài thơ này tôi thuộc đã lâu những quả tình tôi không biết tên tác giả”
             Còn truyện ngắn”chuyện quan trọng của Bà Cả Đào “ có đầu đề ban đầu là “Bà Đào xin ra khỏi Đảng” tôi viết( tháng 9/1988) về những sự nhũng nhiễu của lành đạo xã làm khổ dân đến độ dân bất bình, phản đối.TN dự thi cuộc thi viết về nông thôn do Báo Văn nghệ, báo Nông nghiệp Việt nam và đài TNVN tổ chức in số báo 46(1306) vào ngày 12/11/1988 do nhà thơ Phạm tiến Duật biên tập( TN này sau đoạt giải ba cuộc thi). Ông đề nghị tôi sửa lại đầu đề và trong thẻo gấy ông viết cho tôi nhờ BTV Trần Thị Thắng mang về mấy dòng mà đến nay tôi thuộc lòng”Hiếu ơi, vì khuôn khổ tờ báo Duật cắt của Hiếu mấy dòng. Khi nào in sách Hiếu lấy lại cho khỏi phí”. Mấy dòng đó là tôi thông qua suy nghĩ của bà cả Đào ”ngày xưa trong làng có một lý trưởng thì này bao nhiêu thường vụ là bấy nhiêu lý trưởng”. Tn này xét về mặt nào đấy là sự liên tục của Tn”Chuyện vụn về bác Tư Rụm” do nhà văn Hoàng Minh Tường biên tập in báo Văn Nghệ 13/8/1988 kể về một ông nông dân nam bộ phản đối một số chính sách của lãnh đạo ấp Bà đành đi ngược lại mong muốn của dân. Trong TN này có câu khá nổi tiếng”Biết chúng mày phản phúc với bà con như thế này , tao báo Mỹ bắt từ dạo đó rồi.Còn bây giờ , đứa nào giỏi bứoc qua xác tao vào mà lấy thóc .Mồ cha lũ con nít bưng dái không nổi còn định…vào đây, qua đây.”
       Còn tiểu thuyết”chân trời vỡ đôi”(CTVĐ) tôi viết gần như song song với “chuyện tình người điên”.TT này còn có phụ đề”vụ án mạng làng Chiện”. Kể về một vụ án án đúng theo kiểu”quan bức dân phản”. Ông Nghĩa là một nông dân hiền lành từ nhỏ chơi với ông Lẫm. Ông Lẫm bằng nhiều con đường kể cả đi lính nguỵ, lên cai lên đội, rồi vào Đảng. Sau hàng vài chục năm trời do biết một lỗi nhỏ của ông Nghĩa hồi nhỏ, lại là người hiền lành, cả tin nên liên tục lợi dụng và lạm dụng ông Nghĩa làm những việc bất nhân, bất nghĩa trong nhiều giai đoạn để trục lợi cho mình. Sắp tới kì bầu cử nhiệm kì tới của cấp uỷ, Lẫm khi đó đã là chủ tịch xã bằng mọi cách bắt ông Nghĩa làm một việc thất nhân tâm để gạt đối thủ tranh chấp ghế”bí thư, chủ tịch xã”. Cực chẳng đã bị bị dồn nén sau vài chục năm trời. Ông nghĩ đâm chết chủ tịch Lẫm. TT này tôi viết xong đầu năm 1990 và giữa năm 1990 thì NXB Pháp Lý phát hành. Thực ra tôi víết”chân trời vỡ đôi “chỉ muốn nói về thân phận con người hiền lành, trung thực, một lương dân trong cấc biến động của xã hội. Lại bị kẻ cầm quyền thất nhân tâm lợi dụng, lạm dụng…Khi vụ án Đoàn văn Vươn xẩy ra tôi mới thấy mô hình “quan bức dân phản “của vụ án làng Chiện và vụ án Đoàn văn Vươn có những nét tương đồng. Tôi không rõ sự hấp dẫn của TT này đến đâu chỉ biết ngay khi ra đời nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã muốn đưa CTVĐ lên phim và gần đây ĐD Quốc Trọng cũng có mong muốn này               
           Trong những tác phẩm tôi chưa có công bố( sau này có in trong tuyển tập kịch bản sân khấu của tôi) viết giai đoạn 1989-1993 còn có Kịch bản”cu Tũn thích làm người lớn” kể về một học trò mới lên 6 nhưng không thích học hành, cậu ta ao ứoc được trở thành người lớn để không phải học. Bà mụ hiện lên cho cậu ta thành một thanh niên. Vậy là con người có vóc dáng của chàng thanh niên 25 tuổi mang tâm hồn và trí tuệ của cậu bé lên 6 vào đời. Tất nhiên bao nhiêu rắc rối cả bi kịch và hài kịch sẽ đến với anh chàng này. Tôi viết vở này vào đúng giai đoạn mà cán bộ, nhân viên ở những năm 80 , 90 của thế kỉ 20 gần như thuộc lòng câu”chúng ta bỏ qua thời kì quá độ để tiến thẳng lên CNXH”. Qua “Cu tũn…”tôi chỉ muốn đưa ra một thông điệp”mọi sự vật, mọi xã hội đều phải phát triển theo trình tự của nó, không thể đốt cháy giai đoạn….
            Qua bài viết của ông Vương Quang có ý khen tôi về sự mẫn cảm, tiên liệu về thực trạng xã hội, tôi quả thực không dám nhận sự đánh giá cao như vậy mà chỉ thấy rằng. Người cầm bút như một dây đàn căng hết cỡ sẵn sàng rung theo mỗi làn gió, mọi sự biến động của xã hội. Còn tác phẩm đó được đánh giá như thế nào là do con mắt, cách nhìn của bạn đọc.
           Nhưng dù sao cũng xin thêm một lần cảm ơn sự quan tâm của các vị đối với cá nhân cũng như tác phẩm của tôi.

 Quỳnh Mai đầu tháng 8/2013  
Nguyễn Hiếu