GHI CHÉP
Tôi chuẩn bị hành trang thăm Côn Đảo lần này bằng cách đọc một vài thông tin về nơi được coi là “địa ngục trần gian” suốt 113 năm dưới ách kìm kẹp của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1862 – 1975). Chừng ấy năm “máu chảy thành sông, xương chất thành núi” trên 76 cây số vuông của 16 hòn đảo tận cùng của đau thương lưu đày. Những thông tin tôi có không nhiều. Đọc tác phẩm Thi tù tùng thoại 詩囚叢話 của cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, cũng chỉ biết tâm trạng và những nỗi thống khổ của cảnh bị giam cầm, lấy thơ phú làm vũ khí tinh thần của các “quốc sự phạm” để chống chọi với sự hà khắc của cảnh tù đày dưới chế độ thực dân. Còn cuốn Hồi ký của Nhà sử học Trần Huy Liệu thì biết thêm ý chí của các chiến sĩ cách mạng bị biệt giam ở Hòn Cau, luôn nung nấu tìm cách vượt ngục trở về đất liền hoạt động nhưng không sao thực hiện nổi, chỉ còn biết trút bầu tâm sự qua những câu thơ “đông thi thiên nhai luân lạc nhân…” (cùng một lứa bên trời lận đận…).
Đất nước hết chiến tranh đã ngót bốn chục năm, hôm nay tôi mới có dịp được đến với mảnh đất oanh liệt này. Trên chuyến tàu “chợ” du lịch Vũng Tàu ra Côn Đảo, tôi cứ hình dung cảnh những người tù với án chung thân biệt xứ bị xiềng xích ở dưới khoang tàu hầm hập nóng, một đi không hi vọng ngày trở lại. Còn hôm nay đoàn nhà báo nhà văn chúng tôi ra đảo với không gian tự do, với tâm trí thanh thản, tràn đầy tiếng cười nói. Dịp may, mùa này đỡ sóng đỡ bão, vào những ngày giữa tháng âm lịch, du khách tràn lên sàn tàu, vừa hứng gió biển vừa ngắm trăng. Cảnh trăng giữa biển vằng vặc tỏa sáng thật là thi vị, cảm giác trăng rất gần, trăng hào phóng, không có bất cứ thứ gì che khuất nổi. Xa xa nhấp nhô ánh đèn ngư thuyền câu mực, dập dờn trên sóng bóng sáng của những dàn khoan dầu, trời nước càng huyền ảo mông lung. Trong khoang tầu, trên những chiếc giường nhỏ luôn chao lắc, giấc ngủ cũng chập chờn. Tàu đi với tốc độ khá chậm, phải 13 tiếng mới vượt qua được 97 hải lý đến với Côn Đảo. Cũng lạ, vào cái thời tốc độ chiếm lĩnh khoảng cách không gian ngày càng lớn, mà ở đây vẫn dùng những con tàu cổ lỗ để phuc vụ “thượng đế”! Với tốc độ chạy tàu rất khiêm tốn, ta dễ liên tưởng cảnh những tù nhân bị lưu đày xưa cũng từng qua khoảng trời nước này với ngổn ngang tâm trạng.
Đặt chân lên cầu tầu Bến Đầm vào 6 giờ sáng, đã thấy từng đoàn xe du lịch, xe ôm ra tận bến đón khách và hàng hóa. Đoàn chúng tôi được một xe du lịch đón tận bến tàu. Lái xe là một thanh niên sinh ra và lớn lên ở Côn Đảo, rất nhiệt tình, đôi lúc dừng xe để giới thiệu về những hòn đảo nhỏ. Linh hoạt, rất linh hoạt bởi cái việc kiếm tiền bằng nghề du lịch khiến người ta khôn khéo, và rất biết chiều khách. Qua khoảng 14 km đường quanh co sát biển, xe đưa về nghỉ ở khách sạn ngay trung tâm thị trấn.
Ngay sáng đầu tiên chúng tôi đã kịp tham quan ngôi biệt thự của chúa đảo. Đã có 53 lượt tên chúa đảo thay nhau sống ở đây. Với 39 chúa đảo người Pháp, có lẽ thời ấy người Việt chưa đủ để người Pháp tin, nên không có người Việt nào được mon men tới cái chức chúa đảo. Đến thời Mỹ chúa đảo đều là sĩ quan và công chức Sài Gòn dưới quyền của cố vấn Mỹ. Trí tưởng tượng của mọi người dù phong phú đến đâu cũng không thể hình dung nổi cảnh giam cầm cùm kẹp dã man của những tên cai ngục, nếu như không đến tận mắt nhìn thấy các trại giam và các công cụ tra tấn tù nhân của chúng. Man rợ nhất là khu biệt lập chuồng bò, khi tù nhân bị phạt, cai tù bắt người tù ngâm mình trong nước phân bò chảy từ chuồng bò xuống, hoặc là chết ngay, hoặc là sẽ bị sâu thối đến chết. Còn chuồng cọp cũng là nơi tột đỉnh dã tâm. Tù nhân bị nhốt trong từng phòng biệt giam chật hẹp. Song sắt úp trên mỗi phòng như chiếc cũi. Cai ngục đi trên hành lang dùng gậy nhọn chọc hoặc thả vôi bột xuống tù nhân, nhưng không sao làm nhụt ý chí của những người cách mạng. Đứng trước cầu tàu 914, tôi không kìm nén được xúc động khi biết để xây mấy chục mét cầu tầu này, đã có 914 thân tù bị bỏ mạng. Chưa nói tới cầu Ma Thiên Lãnh còn dở dang từ thời Pháp, nhưng đã bao người tan xương nát thịt.
Càng rùng rợn hơn khi vào nghĩa trang Hàng Dương. Bạt ngàn mồ Liệt sĩ. Theo người thuyết minh nói rằng, nơi này ngày mới giải phóng, qua mỗi trận mưa xương người chết lộ trắng trên cát. Nghĩa trang đã được tu chỉnh, có tới vài ngàn ngôi mộ trong số hàng vạn tù chính trị đã bỏ mạng trên đất này. Ngoài khu mộ được cải táng đưa từ các nghĩa trang khác về được đặt theo hàng lối, còn hầu hết những ngôi mộ vẫn giữ nguyên dạng vị trí xưa, không xây cất cầu kỳ phô trương, càng tăng vẻ chân thành linh thiêng. Ở nghĩa trang này nổi bật nhất là ngôi mộ của Liệt sĩ anh hùng Võ Thị Sáu. Rất nhiều lời đồn đại về sự linh thiêng của Liệt nữ trên đất này, kể cả những tên cai ngục xưa cũng phải kiêng nể. Đêm nào trên mộ Cô Sáu cũng có hàng chục đoàn khách tới dâng hương thăm viếng. Người bảo vệ nghĩa trang nói, từ 9 giờ tối cho tới 1 giờ sáng, mộ Võ Thị Sáu không ngớt khói hương. Mọi người đều nguyện cầu cho đất nước yên bình và đời sống hạnh phúc, mong sao tránh xa mọi tai ách. Trong không gian tĩnh lặng của đêm vắng, sự linh thiêng càng tăng chăng? Vẳng trong không gian lời bài hát: “chị Sáu đã hi sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội vào trái tim những người đang sống…” được phát ra từ những chiếc loa trang trí rất tinh khéo dọc lối đi.
Tôi đinh ninh đi tìm ngôi mộ của ông Hồ Văn Mịch, bạn cùng học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương với Nhà yêu nước Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp bắt trước những ngày Khởi nghĩa Yên Bái đầu năm 1930. Tôi cứ băn khoăn, trước hàng ngàn ngôi mộ biết tìm ông ở đâu? Nhưng người hướng dẫn viên đã tức khắc chỉ dẫn ngay nơi tôi cần tìm. Đó là khu D, chỉ có 15 mộ có tên trong số 162 ngôi mộ di từ nơi khác về. Mộ ông Hồ Văn Mịch còn giữ nguyên tấm bia do bạn tù cùng thời khắc trên tấm bê tông. Như tôi được biết, trong và sau Khởi nghĩa Yên Bái đã có hàng trăm nhà ái quốc bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo. Hàng trăm người bị đày sang tận xứ Guyane rừng thiêng nước độc Nam Mỹ. Ở Côn Đảo nhiều người là yếu nhân của phong trào yêu nước như: Trần Huy Liệu, Phạm Tuấn Tài, Tưởng Dân Bảo, Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống), Hoàng Trác, Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình), Tô Chấn, Lê Văn Phúc… Cả những nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám, các nghĩa sĩ Khởi nghĩa Thái Nguyên. Trải qua hàng trăm năm, bao nhiêu lãnh tụ cách mạng với những tên tuổi còn mãi trong sử sách như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong… Bao nhiêu trí thức, bao nhiêu sĩ phu, đã từng bị giam giữ, nhiều người đã anh dũng ngã xuống trong những trận đòn thù.
Sẽ khiếm khuyết nếu không nói đôi chút về Côn Đảo hôm nay đã là khu du lịch nổi tiếng của Bà Rịa - Vũng Tàu, với hệ thống nhà hàng khách sạn, chợ búa tấp nập với nhiều sản vật riêng có. Thường ở nhiều nơi, cứ vết chân du lịch tới đâu là kéo theo ô nhiễm môi trường tới đó. Nhưng ở Côn Đảo thì chưa! Rừng sinh thái và sinh vật biển được bảo vệ với mức độ cao nhất. Người dân tự giác thực hiện. Màu xanh của biển và màu xanh của cây cối như bức tranh thủy mặc soi bóng nhau. Mấy chục cây bàng cùng tuổi với nhà tù Côn Đảo. Thân cây mấy người ôm không xuể, được công nhận là “cây di sản”, vạm vỡ tỏa bóng dọc đường hay bên mái nhà tù, như chứng tích của một thời còn mãi ghi vào tâm khảm.
Trong màn đêm thăm thẳm, dưới những ngọn đèn thắp lên trên từng ngôi mộ, mọi người lặng lẽ thành kính dâng hương. Chỉ có tiếng côn trùng và tiếng gió rít trên hàng cây. Có ai đó thốt lên, thật không tưởng tượng nổi, sự mất mát thương đau quá lớn. Một nhà thơ nói với tôi: “Thật cảm động, trước cảnh tượng này ai làm điều gì tổn hại tới đất nước, tổn hại tới nhân dân, hẳn phải sám hối…”. Tôi xin mượn lời tâm sự ấy để kết lại bài này, cũng là lời thầm nhắc hãy sống cho ngay ngắn đàng hoàng, để không hổ thẹn trước máu xương đã thấm đẫm trên đất nước này.
Côn Đảo 25/4/2013
NGỌC BÁI