Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Linh hiêng Côn Đảo

Nguyễn Minh Ngọc
Thứ tư ngày 31 tháng 7 năm 2013 9:15 PM

Bài và ảnh: Nguyễn Minh Ngọc

Lắm lúc tôi cứ lẩn mẩn cố tìm hiểu xem giữa mình với Côn Đảo - địa danh nằm tít tắp giữa trùng khơi, có sợi dây liên hệ nào không, để khiến lòng thấy như mắc nợ tự lúc nào và thầm ao ước được một lần đặt chân đến. Ngược dòng ký ức thì trời ạ, hóa ra thuở mới biết mặt chữ, tôi vớ được trong bồ lúa cuốn tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán. Nửa thế kỷ trôi qua, song hình tượng các nhân vật trong cuốn sách vẫn luôn ám ảnh tâm trí tôi.
Rồi cơ duyên chợt đến. Năm 2008, biên tập xong bản thảo “Võ Thị Sáu, con người và huyền thoại” của tác giả Nguyễn Đình Thống, khi trình bày chuẩn bị đưa in tôi cứ băn khoăn bởi tấm hình chân dung người nữ anh hùng không được như ý. Làm sao bây giờ? Tôi quyết định lùi lại tìm bằng được một tấm hình ưng ý để làm bìa sách và lòng thầm cầu khấn. Và hệt như có phép mầu, sáng hôm sau khi tôi vừa tới cơ quan, thì nhận được cú điện thoại của cô bé làm ở nhà in báo tin đã tìm được một bức chân dung cô Sáu. Mừng hết lớn, tôi vội vã phóng xe máy đi lấy ngay. Tấm hình khá đẹp, song tôi vẫn phải nhờ một họa sĩ chỉnh sửa và gia công thêm, rồi đưa lên bìa sách. Và cuốn sách ra đời được đông đảo bạn đọc đón nhận, đặc biệt là du khách từ Côn Đảo trở về. Chi nhánh Nhà xuất bản Quân đội tại Thành phố Hồ Chí Minh tái bản thêm vài lần lên đến 4-5.000 bản sách.
Điều tâm linh khó lý giải đó càng khiến tôi nảy ra ý định phải đi thăm Côn Đảo cho bằng được. Vài lần được anh em bên không quân trực thăng ngỏ lời cho “quá giang”, song tôi thấy đi kiểu ấy chả khác gì “chuồn chuồn thặp nước” thành thử cứ nấn ná mãi. Dịp may đến, nhân có một số công việc ở Côn Đảo, tôi quyết định chủ động đặt vé máy bay và sắp xếp kế hoạch.  
Sau gần 1 giờ bay, từ trên cao nhìn xuống qua cửa sổ chiếc ATR-72, Côn Đảo hiện ra như một thung lũng xanh đậm hình bán nguyệt, ba bề có núi bao bọc, nằm chơ vơ giữa biển biếc mênh mông. Khi chiếc máy bay dừng hẳn trên sân bay Cỏ Ống ngập tràn nắng gió, mọi người vội vã ùa xuống. Cái cảm giác lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất linh thiêng khiến tôi cứ đứng tại chỗ mà quay một vòng và như mụ mẫm đi trong giây lát. Côn Đảo là đây ư? Chốn địa ngục trần gian đây ư? 
Nằm cách Vũng Tàu 97 hải lý, Côn Đảo là một quần thể gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ. Khoảng cách từ sân bay về khu trung tâm huyện đảo khoảng chừng 15km. Bấy giờ đang là mùa khô, thời tiết khá mát mẻ. Chiều tà, sau khi tẩy trần, tôi cùng vài người bạn mang hoa đến dâng hương tại nhà tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Không khí buổi chiều xao xác lạ, thi thoảng mới gặp vài người qua lại trên đường, chỉ có gió vẫn mải miết xạc xào cuốn những chiếc lá bàng khô chạy ra phía biển. Từng đợt sóng giận dữ xô bờ, tung bọt trắng lên phía chiếc cầu tàu lịch sử. Chúng tôi nhẩn nha lên nghĩa trang Hàng Dương, vừa đi vừa ngắm nhìn Núi Chúa sừng sững phía trước. Tới đây, bất ngờ tôi được gặp rất nhiều người từ nhiều miền quê Bắc, Trung, Nam, đi theo tour du lịch tâm linh. Họ đến đây bằng đường hàng không, hoặc bằng đường biển. Mỗi người hành hương về Côn Đảo với một lý do riêng, song ai nấy đều mong được thắp nén nhang thành kính tri ân những người con đất Việt đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong khói hương bảng lảng, tôi thấy mắt mình cay xè, ngực thắt lại. Nỗi niềm xúc động trào dâng khôn xiết tả.
Chờ cho bóng đêm buông xuống đặc quánh, chúng tôi kéo nhau đi viếng mộ liệt nữ Võ Thị Sáu. Trước mắt tôi, khu nghĩa trang Hàng Dương rực sáng lung linh bởi những ngọn đèn năng lượng mặt trời. Tôi thầm nghĩ phải chăng đó chính là những hồn thiêng không bao giờ nhắm mắt? Người dân ở đây cho biết trừ những lúc mưa to gió lớn, còn thì không lúc nào vắng người lui tới viếng thăm cô Sáu, đặc biệt là thời khắc từ nửa đêm về sáng. Khi chúng tôi đến nơi, xung quanh ngôi mộ, dòng người đông đặc lặng lẽ xếp hàng, lễ vật và hoa huệ bày la liệt, mùi nhang trầm thơm sực nức, khói nghi ngút cuộn vòng. Phải chờ khá lâu tôi mới tới lượt. Mọi người thắp nhang lầm rầm khấn vái rồi lặng lẽ lui ra trong trật tự. 
Sáng hôm sau, tôi may mắn được nhập vào đoàn cựu tù Côn Đảo ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ đi thăm di tích nhà tù. Được tận mắt chứng kiến các khu chuồng cọp Pháp, chuồng cọp Mỹ, các dãy xà lim, nơi giam cầm các chí sĩ như các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế; các nhà cách mạng như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình), v.v… Và còn biết bao nhiêu người con ưu tú, kiên trung khác, không thể nào kể hết ra đây. Tôi đứng sững lặng người trước khu hầm xay lúa, gọi là “hầm” nhưng được xây nổi ngay trên mặt đất. Đây là nơi đày đọa người tù và trở thành hình phạt khủng khiếp nhất đối với họ. Bác Tôn từng bị bọn cai tù đẩy vào làm cặp rằng (caporal), Người đã cải tạo được chế độ rùng rợn của hầm xay lúa, khiến đám tù lưu manh phải nể phục. Tôi khẽ chạm tay vào từng u nần trên những gốc bàng xù xì, nhìn trái bàng chín rụng lăn lóc trên mặt đất, mường tượng ra cảnh những người tù phải hứng chịu những cực hình tàn khốc của kẻ thù đã mất hết nhân tính.
Nếu các khu chuồng cọp Pháp khiến mọi người phải rùng mình thì so với chuồng cọp Mỹ còn chưa thấm tháp vào đâu. Được nghe kể về những ngón đòn tàn ác của kẻ thù tra tấn hành hạ tù nhân, có người trong đoàn đã té xỉu ngay tại chỗ. Từ trại Phú Tường, qua trại Phú Bình, rồi trại Phú Hải, chúng tôi đến cầu Ma Thiên Lãnh, thắp hương ở  bãi sọ người. Thực sự tôi không hình dung nổi cảnh các chiến sĩ cách mạng bị kẻ thù biệt giam trong các khu chuồng bò nằm sâu dưới đất, trong cảnh phân lỏng ngập tới nửa người, nếu không có một người cựu tù kể lại tỉ mỉ. Sau ngày 30-4-1975, có người tù ở chuồng bò khi được đưa lên, nửa thân dưới đã bị hoại tử…
Hơn một thế kỷ tồn tại, nhà tù Côn Đảo luôn là trường học cách mạng của những người yêu nước. Nhiều thế hệ vàng của cách mạng Việt Nam được đào luyện ngay tại “địa ngục trần gian” này. Sắt thép có thể bị rỉ sét và hư hại theo thời gian, riêng ý chí của những người cách mạng và các chiến sĩ cộng sản là bất diệt. Và điều dễ hiểu vì sao Người con gái Đất Đỏ lại được suy tôn như một liệt thánh, tiêu biểu cho ý chí bất khuất của cả dân tộc. Thà chết chứ nhất định không chịu khuất phục, không cam phận làm nô lệ cho ngoại bang. Tôi nhớ trước đây, trong nhiều lần được hầu chuyện nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, có lần ông bảo tôi: những gì được dân tôn thờ là vĩnh viễn, cháu ạ!
Có thể nói mỗi tấc đất nơi này đều hòa quyện máu xương của hàng vạn người Việt Nam yêu nước và cách mạng bị kẻ thù đày đọa. Cho dù ngày nay quần thể Côn Đảo được tôn vinh là một trong 10 hòn đảo đẹp nhất hành tinh, thì khi đến đây xin mọi người hãy nhẹ bước chân và quan trọng hơn, xin đừng cao giọng! Bởi hằng đêm, trong không gian tịch mịch và lắng sâu, mỗi ngọn gió nơi này vẫn không thôi rì rầm ru hát, ngõ hầu muốn xoa dịu cho ngàn vạn linh hồn đương yên nghỉ hoặc lang thang khắp “thị trấn ngục tù”. 
Trước lúc chia tay, trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng anh Tâm, người trông coi nhà tưởng niệm cô Sáu, có gương mặt hiền như đất, chậm rãi:
- Mấy anh biết không? Tụi tôi sống ở đây nhiều năm rồi, nhưng bất cứ lúc nào, đứng ở đâu và làm bất cứ việc gì, tôi vẫn cảm giác luôn có đôi mắt của các bác, các chú, các cô, dõi theo mình.
Tôi hiểu anh Tâm đã nói rất thật lòng. 
Quả vậy, những người dân Côn Đảo mà tôi gặp đều rất hiền hòa, độ lượng và mến khách, hễ giúp được ai việc gì là giúp hết lòng, không chút vụ lợi. Có lẽ huyện đảo này là nơi duy nhất không có trộm cắp, không có chuyện lọc lừa và các tệ nạn xã hội. Vâng, từ lâu Côn Đảo đã là vùng đất thiêng. Xin các bạn hãy ghé thăm nơi đây một lần để thanh lọc cho hồn mình thêm trong trẻo, để thêm yêu cuộc sống và ngẩng cao đầu xứng đáng với tư cách một CON NGƯỜI!    


Chú thích ảnh: - Tác giả bài viết tại Nhà lưu niệm Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu
                         - Cựu tù Côn Đảo giới thiệu “chuồng bò”, nơi kẻ địch đày đọa các chiến sĩ cách mạng.
                          - Bên di tích cầu Ma Thiên Lãnh.