Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Trẻ em dần xa rời các trò chơi truyền thống

Trần Vân Hạc
Thứ hai ngày 15 tháng 7 năm 2013 8:50 PM

 

Với trẻ em Việt Nam, các bài đồng dao cùng các trò chơi dân gian như: ô ăn quan, trồng nụ trồng hoa, nu na nu nống, thả đỉa ba ba, rồng rắn lên mây...  luôn đồng hành trong suốt những tháng năm thơ ấu, để lại trong tâm trí các em những tình cảm trong sáng, những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh, góp phần giúp các em nhận thức cuộc sống một cách nhẹ nhàng, tinh tế, sâu sắc ngay từ thuở còn thơ, chập chững vào đời. Tiếc thay bây giờ nhiều trò chơi không được chú trọng đúng mức trong nhà trường phổ thông, chỉ còn một số trò chơi được duy trì trong các lễ hội như kéo co, đẩy gậy... các em thành thạo, đam mê các trò chơi trực tuyến trên mạng mà lãng quên, xa lạ dần với các trò chơi dân gian cổ truyền, tinh hoa bao đời của dân tộc. 
Trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam thường bắt nguồn từ những bài đồng dao, một thể loại văn vần độc đáo. Những bài đồng dao ấy có nhịp điệu đơn giản với cách gieo vần thoải mái, có thể ngắn dài bất kỳ hoặc lặp đi lặp lại không dứt nhưng cái chung nhất là sự giáo dục qua các bài đồng dao thật nhẹ nhàng tinh tế. Thông qua vui chơi, không chỉ giúp các em dần dần nhận thức mọi mặt của đời sống với một thái độ đúng, tin vào bàn tay lao động của chính mình, mà còn dần hướng các em đến giá trị đích thực của chân - thiện - mỹ, như mạch nước nguồn tưới mát tâm hồn trong trắng của các em, gieo lên mảnh đất mầu mỡ ấy những hạt mầm tương lai, ươm những mùa quả ngọt trái sai cho những mùa hy vọng. Từ chỗ ganh đua mang tính chất tượng trưng, dần dần các trò chơi trở thành những cuộc thi tài, thi khéo, các cuộc thi đấu thể thao lành mạnh.
Với trò chơi ô ăn quan các em được học sinh giáo dục tính sáng tạo, cách thức tính toán, tạo nên sự đoàn kết, gần gũi với nhau hơn, bài đồng dao của trò chơi ô ăn quan rộn ràng trong sáng, thu hút các em: “Hàng trầu hàng cau/ Là hàng con gái/ Hàng bánh hàng trái/ Là hàng bà già/ Hàng hương hàng hoa/ Là hàng cúng Phật...” . Trò chơi đánh que chuyền lại rèn luyện sự khéo léo, nhanh tay nhanh mắt kèm lời đồng dao làm cho trẻ phải vận động cả trí não: “Cây mốt, cây mai/ lá trai, lá hến/ con nhện chăng tơ/ quả mơ có hạt...”. Trò chơi đá cầu rèn luyện sức khỏe, tính linh hoạt của cổ chân, sự kết phối hợp toàn thân trong quá trình tâng và chuyền cầu. Trò chơi này có ưu điểm không giới hạn số người, có thể chơi đơn, chơi đôi hoặc nhiều người, tùy theo số người và cách chơi mà có những qui định khác nhau. Trò chơi nhảy dây rèn luyện sức khỏe của đôi chân, giúp các em biết đoàn kết đồng đội, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Trò chơi này cũng có nhiều hình thức như chơi đơn, chơi đôi hoặc nhiều người. Trò chơi bịt mắt bắt dê lại rèn luyện tính phán đoán, định hướng và nhanh nhẹn. Trò chơi oẳn tù tì lại rèn luyện sự nhanh nhẹn, phản ứng linh hoạt sau câu đồng dao: “Oản tù tì/ Ra cái gì/ Ra cái này...”. Trò chơi đẩy gậy lại có nhiều nét tương đồng và gần gũi với môn thi đấu vật hay chọi trâu của người lớn. Rồng rắn lên mây là trò chơi gắn với đồng dao nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp, có liên quan đến nghi thức cầu mưa của cư dân nông nghiệp lúa nước lâu đời của người Việt: “Rồng rắn lên mây/ Có cây núc nắc/ Có nhà khiển binh/ Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không...”. Trò kéo co thể hiện tinh thần thượng võ, rèn luyện thể lực và sự nhanh nhẹn, khéo léo, mang tính đồng đội cao. Trò chơi que chuyền lại chủ yếu dành riêng cho bé gái cùng bài đồng dao nhẹ nhàng: “Cây mốt, cây mai, lá trai, lá hến, con nhện chăng tơ, quả mơ có hạt...”.  Có thể kể ra rất nhiều trò chơi dân gian khác như cướp cờ, trồng nụ trồng hoa, thả đỉa ba ba, chơi bi, đánh quay, chọi gà, trốn tìm, ném vòng... Chưa nói rằng mỗi vùng miền lại có những trò chơi mang tính đặc thù của dân tộc, địa phương. Ví dụ trẻ em người Thái Tây Bắc có bài đồng dao đặc sắc với thế giới các loại quả: “Dưới bụi có quả cà/ Bụi cao có quả nhót/ Quả chín ngọt quả quân/ Tím trên đồi quả sim/ Nhiều gân là quả sổ/ Quả béo mọng quả ngõa/ Quả sung chát trĩu cây/ Chạy men cành quả khế/ Quả chuối chín vàng ươm/ Hai quả giống anh em/ Trám đen chua, cọ chát/ Quả có đốt quả me/ Mình đầy gai quả mít/ Chỉ lên trời quả ớt/ Củ có máu củ nâu/ Củ mọc sừng củ ấu/ Ăn với trầu quả cau/ Lắc mau mau quả nhạc/ Kêu kính cong quả chuông/ Còn bao nhiêu loại quả, kể cùng nhau nghe nào”. Các em vừa chơi đùa vừa hát đố đáp, hát nhiều lần lặp đi lặp lại trong mỗi cuộc chơi, lâu dần trở thành những kiến thức nhớ mãi không quên trong suốt cuộc đời. Trò chơi tập tầm vông hổ biến khắp Bắc, Trung, Nam nhại theo âm trống tầm vông / tâm vinh (gọi theo Nghệ An): “Tập tầm vông/ Chị có chồng/ Em ở vá/ Chị ăn cá .../ Em mút xương/  Chị ăn kẹo/ Em ăn cốm/ Chị ở Lò Gốm/ Em ở Bến Thành/ Chị trồng hành/ Em trồng hẹ/ Chị nuôi mẹ/ Em nuôi cha...”. Cách chơi hiện nay của trò này là hai nguời chơi ngồi đối mặt nhau, vừa hát vừa theo nhịp đập lòng bàn tay vào nhau, hoặc đập thẳng, hoặc đập chéo, hoặc một cao một hạ thấp, hoặc kết hợp nhiều cách khác nhau... 
Các trò chơi dân gian Việt Nam thường giản tiện, không cầu kỳ, tốn kém nên có thể dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi, dụng cụ dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu lấy từ trong tự nhiên, không cần không gian rộng lớn. Đặc biệt các trò chơi dân gian hầu hết cần số lượng đông người chơi, tạo nên sự sôi động, giúp các em rèn luyện kỹ năng hợp tác, một kỹ năng sống rất quan trọng trong thời đại ngày nay. Cùng các trò chơi là những bài đồng giao ngộ nghĩnh tạo một không khí vui tươi, trong trẻo và lành mạnh, với cách kết cấu móc xích, cùng với cách diễn đạt nhẹ nhàng, ngôn ngữ giàu hình ảnh, vần điệu và nhạc điệu, kết hợp với các trò chơi, tạo nên một sự sống động, tươi sáng, phù hợp với cách nghĩ và lối sống và tiếp nhận của trẻ thơ như:
“Mèo đuổi chuột/ Mời bạn ra đây/ Tay nắm chặt tay/ Đứng thành vòng rộng/ Chuột luồn lỗ hổng/ Mèo chạy đằng sau/ Thế rồi chú chuột lại đóng vai mèo/ Co cẳng chạy theo/ bác mèo hóa chuột...”
Hoặc:
“Nu na nu nống/ Cái bống nằm trong/ Cái ong nằm ngoài/ Củ khoai chấm mật/ Phật ngồi Phật khóc/ Con cóc nhảy ra/ Con gà ú ụ/ Nhà mẹ thổi xôi/ Nhà tôi nấu chè/ Tay xòe chân rụt!...”
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng: “Cuộc sống đối với trẻ em không thể thiếu những trò chơi. Trò chơi dân gian không đơn thuần là một trò chơi của trẻ con mà nó chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Trẻ em ở một xã hội công nghiệp, chỉ quen với máy móc và không có khoảng trống để chơi cũng là một thiệt thòi. Thiệt thòi hơn khi các em không được làm quen và chơi những trò chơi dân gian của thiếu nhi thuở trước - đang ngày càng bị mai một và quên lãng, không chỉ ở các thành phố mà còn ở cả các vùng nông thôn, nơi mà đang dần bị đô thị hóa mạnh mẽ. Vì thế giúp các em hiểu và tìm về cội nguồn với những trò chơi dân gian là một việc làm cần thiết”.
Điều đó gợi ra một hướng suy nghĩ cho các nhà trường trong việc chọn lựa, đưa các trò chơi dân gian vào trong trường học một các hợp lý, có hệ thống, góp phần giáo dục thể chất, nhân cách cho học sinh và bảo tồn văn hóa dân tộc. Việc tổ chức các trò chơi này không khó vì có thể lồng ghép với các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các giờ chơi tự do, thậm chí ngay trong chương trình giáo dục thể chất... tổ chức những cuộc giao lưu, cuộc thi. Cái chính là tư duy của những người làm công tác giáo dục, trong đó chủ yếu là nhận thức của cán bộ phụ trách công tác Đoàn, Đội.
        
          Trần Vân Hạc
          F.201, Nhà.B4, Ngõ.189, Thanh Nhàn