Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bếp Trèm

Đường Văn
Thứ hai ngày 8 tháng 7 năm 2013 9:24 PM

 

(Tản văn)

 Đông tây - kim cổ, ai cũng biết vai trò quan trọng, không thể thiếu của cái bếp đối với đời sống vật chất, tinh thần của mỗi gia đình. Nhìn vào bếp, qua một bữa ăn thường nhật, người ta có thể đánh giá khá chính xác mức sống, cá tính, sở thích, thậm chí gu văn hóa thẩm mỹ và ẩm thực của bà nội tướng - chủ bếp, chủ nhà. Bếp là nơi quan trọng nhất, sau ngôi nhà chính, sau gian (phòng) thờ, gian (phòng) ở và gian (phòng) khách. Bếp, là nơi thỏa mãn nhu cầu tất yếu đầu tiên - nhất khoái / tứ khoái trong đời sống con người: ĂN. Bếp, hiển nhiên dùng để nấu ăn, chuẩn bị bữa ăn, cũng có thể là nơi ăn uống của mỗi gia đình hằng ngày. Nhà ai mà chẳng có bếp! Bếp phổ biến còn hơn cả chuyện thường ngày ở huyện! Nhưng chính ở đây, nếu bạn để ý tìm hiểu kỹ một chút, sẽ thấy không ít vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật  ẩm thực, vô cùng phong phú, đa dạng và thú vị không chỉ về không gian, của mỗi đất nước, dân tộc, mỗi vùng miền, thậm chí mỗi dòng họ, mỗi giai tầng, mỗi gia đình rất khác nhau, mà theo thời gian (lịch đại), từng thời gian, mỗi thời đại, giai đoạn lịch sử xây dựng, kiến trúc bếp, cũng mỗi thời một vẻ, từ đơn sơ, nghèo nàn, cổ lỗ đến sang trọng, lịch sự, văn minh, tối tân hiện đại…
  Tôi hoàn toàn không đủ trình độ và cũng không có tham vọng tìm hiểu, khảo cứu đề tài BẾP ở những phạm vi to lớn, bao quát, vĩ mô như thế. Trong bài tản văn nho nhỏ này, chỉ xin trò chuyện đôi điều cảm nhận, gợi lại vài hồi ức về cái bếp nhà nông làng Trèm ngày xưa cho đến cái bếp Trèm quê hương tôi thời @ đổi mới, ngõ hầu cùng bạn đọc tiêu bớt cái oi ả giữa mùa hè viêm nhiệt.

 Bếp truyền thống của nhà Việt ở nông thôn miền Bắc, miền Trung, nói chung, thường được đặt theo hướng nào? Đại thể:
- Vuông góc với hướng nhà chính.
- Theo hướng nhà chính (nối với 1 đầu hồi hoặc lấy 1 gian buồng nhà chính làm bếp);
- Đối điện với nhà chính.
 Bếp thường có 1 gian; đôi khi cũng có thể từ 2 – 3 gian (thêm chức năng nhà ngang, nhà ăn, nhà kho…). Bếp có thể liền với cổng.
 Bếp nhà thường dân hầu hết là nhà cấp 4, 1 tầng, mái chảy, có dải hiên hẹp hoặc không hiên, có cửa ra vào, cửa sổ, có hoặc không cánh cửa…)
 Bếp nhà nông dân làng Trèm xưa, trải các thời kỳ chiến tranh loạn lạc, thời hòa bình hợp tác, thời bao cấp khó khăn…trong đó có nhà tôi, nay bình tâm lần lần nhớ lại, vẫn thấy hằn trong trí nhớ những ấn tượng kinh khủng, ghê người!
 Chật chội, bẩn thỉu, ẩm thấp, lộn xộn, luộm thuộm, bừa bãi… Bếp đã nhỏ hẹp, lại dựng sát cạnh chuồng trâu, bò, lợn, chó, gà, cống, rãnh tù đọng. Từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, từ mái (ngói, lá, tranh, rạ) dui, mè, hoành, xà ngang, dọc, (gỗ, tre) đến tường (gạch, đất, vách phên) đều bắt bám những lớp mồ (bồ) hóng đen - nâu sẫm lưu niên, dày đặc, tỏa mùi hăng hắc (Quét làm phân bón ruộng rất tốt). Đi lại, đứng ngồi, bưng bê không quen, không khéo léo, gượng nhẹ sẽ dễ dàng ăn ngay 1 cục xôm xốp, mềm mềm đen sì vào đầu, vào vai, vào bát canh đang bốc khói, vào đĩa cá rô vừa rán ròn thơm lựng… Lúc ấy thì chỉ còn biết lạy trời mà chuẩn bị ăn mắng đoảng, ăn roi phạt của bố (mẹ)!
 Hầu như căn bếp nào ở làng tôi cũng vậy, kể cả mấy gian bếp ngói của vài gia đình khá giả từ trước cách mạng, như bếp nhà cụ T, cụ H, cụ C…cũng chẳng hơn gì lắm. Vì không gian diện tích bếp nhỏ hẹp (độ từ dăm đến vài chục mét vuông mà lủng củng, lỉnh kỉnh đặt, kê dụng cụ, đồ đạc đủ thứ bà rằn: chạn bát đũa, cối gạo, cối xay, chõng tre, mâm ăn, vại dưa, vại cà, lọ mắm tôm, lọ mẻ, chai dấm, hũ muối…Góc để rơm, rạ, rác, củi xếp.chất ngàn ngật lên tận áp mái.  Góc khác lổng chổng cả những cày bừa cuốc, xẻng, vồ, quang gánh, quang cặp, liềm, hái, thúng mủng, dần, sàng, rổ, rá… Bếp kiêm luôn kho chứa đồ.
 Ấy vậy nhưng những đêm mùa đông rét mướt, rủ 1, 2 đứa bạn cùng tổ, cùng xóm đến học nhóm chung tại bếp, cùng ăn vài bắp ngô, củ khoai nướng (luộc), nắm bỏng rang rồi ôm nhau ngủ luôn trong ổ rơm mùa thơm thơm ngay cạnh bếp, bên ang cám lợn đầy phè đang sôi âm ỉ, lục bục và chú mướp cứ quấn lấy người… vẫn là 1 cái thú khác hẳn ngủ võng, ngủ giường, ngủ trên nhà.
 Nền bếp đa phần là đất nện, thấp tè. Chỉ cần mưa một trận lớn là nước ngoài sân đã láng lai, bòng bõng dâng lên tận lưng lửng chai tương, chai mước mắm, bập bềnh ngang ngăn cuối chạn tre. Bữa tối hôm ấy cả nhà phải ăn đứng. Trong ánh sáng vàng vọt, yếu ớt hắt ra từ ngọn đèn dầu Hoa Kỳ đặt trên thành tường bếp, mâm cơm tuềnh toàng đĩa rau muống luộc, bát cà muối, đĩa tép rang, đĩa đậu phụ kho tương, bày trên cái mâm gỗ mọt, thủng, đặt luôn lên tầng chạn thứ 2. Từ ông bà, bố mẹ đến anh chị em, con cháu, mỗi người tự xới 1 bát cơm độn đỏ khé ngô mảnh hoặc khoai khô, sắn khô, mì sợi…gắp 1 đũa rau muống, chấm qua bát tương nhà làm, bước ra sân và, ăn cho thoáng. Hết thức ăn lại vào mâm gắp tiếp. Hết bát, lại mở vung nồi, đơm tiếp. Mấy đứa trẻ con vừa ăn vừa cười đùa chí chóe: - Con cua này của chị Hai béo hơn của em! - Úi giời! Mẹ ơi! Anh Ba gắp cặp díp những 2 miếng đậu liền! Ông bố lừ mắt nhìn cậu con trai đang lảng ra phiá góc sân, với vẻ sợ hãi, xấu hổ. Bà mẹ gắt khẽ: - Thôi nào! Có ăn mau đi để mẹ còn dọn, rửa, rồi còn nấu cám lợn cho kịp không? Ông nội, bà nội ngoài bảy mươi vừa đủng đỉnh, trệu trạo nhai vừa khẽ lắc đầu cười, nhìn nhau, rồi ngó đăm đăm ra ngoài trời đang sầm sập tối… Đó là một trong những bữa ăn tối ngày mùa chiêm tháng năm ở nhà tôi hồi những năm 60 thế kỷ trước. Trong gian bếp mới xây thu gọn lại còn có 1 gian thấp, hẹp (vì bố tôi phải bán ngôi nhà ngang – bếp ngói 3 gian để trang traỉ nợ nần). Sự nghèo túng, kham khổ, hiện rõ từng xăng ti mét! Nhưng không khí gia đình làm ruộng thuần nông chất phác, khẩn trương mà đầm ấm, vui vẻ lạ.
 Hằng ngày, để chuẩn bị cho bữa ăn sáng cả nhà, bà nội hoăc mẹ tôi dậy rất sớm (khoảng 4 – 4h 30) nấu cơm, cháo hoặc om ngô, luộc khoai. Thức ăn quanh quẩn chỉ có tương (sau này thêm chai nước mắm), lọ vừng rang), bát dưa chua, bát cà muối (hoặc kho tương), nồi chạch khoai (búp khoai sọ kho mẻ bùi nghìn nghịt!)… Riêng ba anh em tôi được bố mẹ cho hưởng tiêu chuẩn bồi dưỡng ưu tiên. Sáng nay, quả trứng gà trưng, sáng mai vài miếng tóp mỡ dai ỉu hay thìa mỡ nước rưới thêm vào bát cơm. Thế mà ngon đáo để! Trẻ quê háu ăn, và và nuốt  nuốt cứ như rồng leo, rồng cuốn! Lại nhớ câu thơ Nguyễn Bao: Những bữa cơm đèn/Dậy từ mờ đất/Gọi nhau xin lửa, qua rào! (Hoa chanh). Diêm hết, bật lửa chưa mua được đá. Mồi rơm con cúi đã lụi từ lúc nào! Không cầm đèn đi xin lửa hàng xóm thì lấy gì mà thổi cơm?! Quang cảnh cả nhà ngồi quây quanh mâm cơm lót dạ đạm bạc, nóng hổi thật ấm áp nghĩa tình ruột thịt. Vừa ăn, vừa nghe bố tôi phân công công việc trong ngày. Từng câu rành rẽ, giọng nói nhẹ nhàng. Nhưng mỗi câu là một mệnh lệnh dứt khoát như đã được ông chủ nhà tính hay lo, tính toán, cân nhắc kỹ từ đêm:
 - Hôm nay chủ nhật: Cả Tạo phụ bố bẻ ngô ở dưới Kiếu. Hai Bê cắt cỏ. Ba Xê chăn bò. Còn mẹ mày thì gánh phân đổ ải kín mảnh Đồng Gia nhá. Sau gánh cuối, xuống cùng bố con tôi đẩy xe về. Còn bà nội, nhờ bà thổi cho chúng con bữa cơm trưa. Sợ đợi đến lúc nhà con về thì muộn quá! Ông nội rảnh tay thì bóc đỡ ít bẹ ngô, được bắp nào hay bắp ấy.
 Nhoáng cái, bữa sớm đã xong. Hối hả người nào việc nấy, tỏa ra khỏi căn bếp ám khói, cũ kỹ thoát thai từ cái nhà ngang của các cụ để lại.
 Nếu tính theo chiều cao từ trên mái trở xuống, có thể nói cái nhà thông khói (nhà khói) con con là một  trong những kiến trúc khá độc đáo của những nhà bếp xây gạch ở làng tôi. Thường là người ta xây thêm 2 (hoặc 1) đoạn mái phụ cao hơn so vơi mái chính khoảng 0, 45 – 0, 50 m) cũng lợp ngói ta xếp hình vẩy cá, cũng làm bờ, nóc ốp ngói bò hoặc gạch lục… như mái chính . Ngày 2, 3 lần, đặc biệt là buổi chiều muộn, từng tốp nông dân làng Trèm vác cuôc, vác vồ hoặc dong trâu bò chậm rãi qua dốc Cầu Sông. Ngắm những làn khói xanh  cuồn cuộn bốc lên từ những nhà khói, những đầu đốc mái tranh, mái rạ, vượt qua lũy tre, lan tỏa vào trời chiều đang ngả nắng, người nông dân làng Trèm, sau một buổi làm lụng vất vả, bỗng thấy thơ thới, nhẹ nhõm hẳn, biết rằng một bữa tối sum họp cả nhà đang chờ.
 Nơi đun nấu và dụng cụ làm bếp thời ấy cũng khá độc đáo trong sự nghèo nàn, dân dã. 2 – 3 bộ vua bếp (mỗi bộ 3 ông) to, nhỏ nặm bằng đất thó (còn gọi là ông đầu rau), ngày càng rắn câng như đinh vì lửa nung thường nhật; 1 - 3 bộ kiềng gang đúc 3 chân, châu đầu thì thầm trò chuyện cả đời với nhau không chán. Chuyện  càng rôm rả hơn trong ngọn lửa thổi nấu cơm, canh, hoặc đàm tâm đối diện trong thời gian giữa bữa ban ngày hay nửa đêm chờ đợi đội nồi. Nhiên liệu đun nấu của nhà nông làng Trèm chủ yếu là rơm, rạ, cây ngô, điền thanh phơi khô, lá nhãn, lá vải, lá sấu, lá bàng… ngoài chùa (đình) khô rụng, được quét vun, lèn vào bao tải, thúng lồ, đưa dần vào bếp. Mỗi bữa nấu ăn thật vất vả trong  lửa than, bụi khói mù mịt. Chiếc que đun bếp, cời tro, than bằng thanh tre (sắt) khơi, gạt liên tục, để giữ lửa cháy đều theo ý muốn. Vào những đợt mưa dầm hay bếp dột thì thật khốn khổ. Cứ là chổng mông, phồng miệng mà thổi. Khói cay làm chảy nước mũi, nước mắt giàn giụa, toét nhèm. Nhất là lúc đứng vòng rơm, rạ bồi quanh nồi cơm (6 – người ăn, khoảng 3 kg gạo – độn) từ 2 – 3 nút. Thật không khác gì cảnh Đại Thánh Tôn Ngộ Không múa quạt ba tiêu giả trước ngọn Hỏa diệm sơn rừng rực lửa khói. Càng khơi, càng vun, lửa càng bùng cao, dữ dội, phần phật, rừng rực! Thổi xong nồi cơm, nấu chín nồi canh thì mồ hôi mồ kê ròng ròng như tắm, nhễ nhại, bừng bừng. Lại phải chạy ra bể, dội ào nhanh vài chục gáo nước mưa tắm qua, trước khi vào bếp ăn cơm. Sau này, nhiều nhà kiếm, mua được củi gỗ, mùn cưa, trên Kho 3,  than tổ ong…Bếp đun nấu mới làm bằng những chiêc thùng lò mini cải tiến bằng sắt tây, đất chịu lửa. Nhóm bếp, quạt bếp cũng vẫn chưa tránh được khói mù, độc hại, nhưng so với thời đun bếp rác bẩn thỉu, bất tiện, mất vệ sinh trước đó… đã sướng hơn, tiện ích hơn nhiều lắm! Các cô giáo, bà giáo nội trợ đã có thể vừa trông lò vừa đọc sách, báo, học bài, soạn bài hoặc tiếp bạn ghé chơi mà cơm vẫn dẻo, canh vẫn ngọt. Vẫn được chồng, con khen đầu bếp loại…siêu!
 
      Bếp Trèm thời @ như thế nào?

 Từ những năm 90 vắt sang hai thập kỷ đầu thế kỷ mới, trong phong trào điện khí hóa, đô thị hóa nông thôn, cùng với những tòa nhà kiên cố, những biệt thự khang trang, xinh xắn hoặc đồ sộ 2, 3, 4, 5, 6 tầng với đầy đủ tiện nghi, hiện đại, rầm rộ mọc lên khắp các thôn xóm làng Trèm cùng những phòng bếp - công trình phụ mới mẻ, văn minh, tiện ích… tương ứng. Sạch bong, sáng loáng, bền, nhẹ. Bếp điện, bếp ga, bếp từ cảm ứng, lò vi sóng, tủ lạnh lớn 3 buồng, nhiều ngăn; quạt thông gió, ống thông khói, chạn gỗ quý, inốc,  xoong, nồi áp suất, máy xay thịt, hoa quả, bát đĩa, muôi, thìa, sứ cao cấp Giang Tây, Nhật Bản, đũa gỗ mun, kim giao quý hiếm, dao, thớt đủ loại, gia vị đủ món, máy rửa bát …Các khoảng tường trống điểm xuyết treo vài bức tranh tĩnh vật hoa, quả, tranh phong cảnh nhẹ nhàng, tao nhã hoặc những bức ảnh màu trẻ con trong nhà phóng to. Đứng nấu, ngồi nấu, tùy ý. Chỉ cần nhẹ nhàng xoay nhấn 1, 2 nút điều chỉnh hoặc phẩy ngón tay lên màn cảm ứng. Bếp không khói, không nóng mà nhiệt độ khi cần có thể lên tới vài trăm độ C, lại rất an toàn. Lavabô 2 vòi nước nóng, lạnh điều hòa như ý. Bàn ăn bầu dục, bàn ăn tròn, xoay mặt kính, chổi lau nhà, máy hút bụi sịn…Nấu nướng một bữa ăn, chuẩn bị một bữa giỗ, bữa tiệc đãi khách, đón bạn… không mất 1 giọt mồ hôi vì hệ thống quạt trần, quạt cây, quạt bàn… êm ru, vù vù. Vừa thổi nấu, chuẩn bị bày biện, sắp xếp hoặc vừa ăn uống vừa nghe nhạc, xem ti vi, vừa gọi, xem mobil, buôn dưa lê…nếu thích. Bây giờ mỗi bữa ăn của hầu hết các gia đình nông dân, công nhân, cán bộ, giáo viên, thương nhân…ở làng Trèm, các ông chủ, bà chủ hay có thói quen nhâm nhi 1 vài li bia Hà Nội, chén rượu trắng, rượu màu ngon, bổ trong căn phòng ăn, phòng bếp sáng choang, cao rộng, dưới ánh đèn nê ông dìu dịu,… Kể ra như vậy, thực sự đã hơn nhiều cảnh sống của các gia đình điạ chủ, tư sản, quan lại xưa hay gia đình giàu có ở nước ngoài, mà trước đó ít năm, với dân Trèm cơ chỉ, tằn tiện trong nghèo khổ, thiếu thốn chỉ là những mơ ước xa vời, viển vông.
 Nhưng bây giờ giấc mơ huy hoàng đã thành sự thật bình thường hằng ngày thì cũng bắt đầu có chuyện. Bởi quy luật tâm lý, luật đời thường là: con người thích ứng rất nhanh với cuộc sống giàu sang, sung sướng, cũng dễ nhanh chóng tập nhiễm thói ích kỷ, đài các, sỹ diện, rởm hợm của kẻ nhiều tiền, vị của. Người ta thường rất hay quên cái thuở hàn vi, nhọc nhằn, cơ khổ chưa xa, quên cái bếp lúp xúp khói hun nhèm mắt cháu thưở nào… Điều đó không có gì khó hiểu nhưng cũng thật đáng trách, đáng cười!
 Bếp Trèm với người Trèm, làng Trèm hôm nay lại đã và đang đặt ra không chỉ với những chị em, bà con, cô bác nội trợ đảm đang, vén khéo chuyên nghiệp mà còn đặt trước tất cả chúng ta biết bao vấn đề mới tươi vui, phấn khởi, nhưng cũng không kém phức tạp, phiền toái, (chẳng hạn: xuất hiện những thói quen mới: lười đi chợ mua bán thực phẩm, thức ăn hằng ngày, lười vào bếp nấu nướng, ưa dùng đồ ăn làm sẵn, thức ăn đóng hộp trong siêu thị; ngày nghỉ, cả nhà đi ăn hiệu, thuê người phục vụ nấu ăn, vệ sinh nhà, bếp…Không ít bà, cô nội tướng chăm chỉ xưa, nay quan niệm, phải tự mình giải phóng mình thoát khỏi cái ách nặng nội trợ, làm bếp để tăng cường đi sopinh, tu sửa dung nhan cho bằng chị bằng em!...Các cụ ngoại thất thập trở lên, mỗi lần hội làng được biếu bánh chè kho, phẩm oản xôi, mỗi dịp tết nhất, bên mâm cỗ đơm 4 bát, 6 đĩa, thời trân như cổ tục, móm mém nhấm nhót miếng giò lụa, chả quế, nem chạo thính… vốn là những đặc sản ẩm thực truyền thống của làng Trèm, vùng Trèm – Vẽ,  lại hay lắc lắc mái tóc thưa, bạc mà thở dài nhẹ  nói lời nhận xét cũng nhẹ như gió thoảng: - Các món ấy bây giờ  chả biết vì sao không thể nổi vị Trèm như ngày xưa được!?) Vấn đề tế nhị nhỏ mà không nhỏ ấy ít nhiều liên quan đến cái bếp và văn hóa bếp núc, ẩm thực, đòi hỏi và thôi thúc mỗi cá nhân, cá thể, mỗi gia đình, dòng họ, cơ quan đoàn thể cần suy ngẫm một cách nghiêm túc và tỉnh táo để giải quyết từng bước, tháo gỡ từng khâu, trên con đường đổi mới, đô thị hóa nông thôn hiện nay ở làng Trèm – xã Thụy Phương.
 Những căn phòng bếp – bữa ăn, gắn liền với lối sống và phong cách ẩm thực văn hóa – hiện đại ở làng quê ngàn năm văn hiến, như làng Trèm, trong thời điểm hiện nay, hiểu theo đúng nghĩa thực sự của những khái niệm này, tôi cho rằng, may lắm mới đạt khoảng 50% mà thôi!. /.

Đêm 6 – 7 – 2013. ĐV

NGƯỜI TRÈM

(Tản văn)

(ĐỀ CƯƠNG SƠ LƯỢC)
ĐƯỜNG VĂN
• Mở

1. Những phẩm chất tốt đẹp

1.1. Đoàn kết – thượng võ – anh hùng
1.2. Cần cù - hiếu học
1.3.  Lễ nghi nghiêm cẩn
1.4.  Đảm đang, khéo léo
1.5.  Hiếu khách – duyên đãi ngoại

2. Những nhược điểm, hạn chế

2.1. Trọng nông, khinh thương
2.2. Tinh vi - tinh tướng
2.3. Tò mò tọc mạch

• Kết