Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ngưỡng thang văn chương của Vũ Quần Phương qua Chân trời sau chân trời

Vũ Từ Sơn
Chủ nhật ngày 14 tháng 7 năm 2013 5:19 AM

 Gần đây , trong một buổi tiếp kiến nhà thơ Vũ Quần Phương , tôi nói : Anh bình thơ của nhiều người , nhưng ít người bình thơ anh . Nay tôi xin bình tập thơ : " Chân trời sau chân trời " của anh . Anh vui vẻ trả lời : Hay lắm , xin hoan nghênh ! Và tôi thực hiện với một tinh thần nghiêm cẩn .

 Tập thơ " Chân trời sau chân trời " xuất bản năm 2011 tại NXB Văn học , gồm 50 bài thơ đa phần anh viết những năm gần đây , có một bài viết 1966 - bài Chiếc vòng .
 Vũ Quần Phương là người đạt kỷ lục về các lần nói chuyện về thơ Việt Nam  với các đối tượng yêu thơ trong cả nước : trên 2000 buổi . Song rất ít người bình thơ của anh , lác đác có bài viết của Phạm Khải , Lê Thiếu Nhơn , Nguyễn Vũ Tiềm và một vài trường hợp khác .
 Sau khi đọc , suy ngẫm kỹ về tập thơ " Chân trời sau chân trời " , tôi phân tích theo tinh thần thẳng thắn , có gì không đạt , chưa đúng , chưa tới ... mong anh thông cảm bởi nhận thức và trình độ của lớp đàn em . Về tuổi đời tôi kém anh 6 tuổi , có một điểm giống anh là cũng từ một nghề mà đến với văn chương : anh nghề Y , tôi nghề Điện .

 1- KHÁI QUÁT VỀ TẬP THƠ

 Về kết cấu tập thơ gồm 8 thể loại thơ . Đó là : Thơ tự do 32 bài , thơ truyền thống 6 bài , lục bát 3 bài , thơ hai câu 2 bài , tứ tuyệt 2 bài , tứ ngôn một bài , ngũ ngôn một bài . Qua bố cục tỷ lệ về thể loại thơ chứng tỏ anh rất chú ý đến đổi mới thơ . Đúng như Nguyễn Vũ Tiềm đã viết : " Lớp nhà thơ có thành tựu từ thế kỷ trước như Hữu Thỉnh , Vũ Quần Phương , Bằng Việt , Thanh Thảo , Thi Hoàng , Hoàng Hưng ... có những bứt phá ngoạn mục trong việc tự đổi mới thơ mình , vẫn đang đồng hành cùng lớp trẻ ở thế hệ mới . "
 Ngay cả tên tập thơ đã cho thấy một sự trừu tượng , khó hiểu , cần phải khai phá tường tận , công phu và tinh tường mới thấy được những gì ở sau hai lần chân trời ấy . Về không gian thơ là ở Việt Nam và Hoa Kỳ.
Về thời gian đề cập trong thơ chủ yếu từ 1997 - 2011, có một bài cá biệt
      -2-
 vào 1966 .
 Có thể nói : Đi qua khu rừng bí ẩn và gai góc 50 bài thơ của Vũ Quần Phương là vất vả , mệt nhọc , phải có một năng lực trí tuệ nhất định , trải nghiệm nhất định , tới hạn nhất định mới hiểu được thơ anh , chưa nói là hiểu thấu đáo và khúc triết . Mặc dù vậy tập thơ vẫn có những khiếm khuyết đáng tiếc nhất định , chúng ta sẽ khảo sát sau.

 2 - PHÂN TÍCH TỔNG THỂ TẬP THƠ

 Với con mắt tinh đời , với nhậy bén văn chương , kiến thức , tri thức sâu rộng , trình độ uyên bác cộng với tính nghề nghiệp ,cá tính cẩn trọng và ý đồ tuyển chọn theo chủ đề sâu sắc ( vì có bài từ 1966 còn được đưa vào là bài " Chiếc vòng " đã lọt qua 9 tập thơ trước ) .
 Song , bóc ra chi tiết ta có thể chia nhỏ phân tích , qui 50 bài thơ về 6 ý xếp loại như sau :
 a - Tám bài thơ nặng tính triết luận , triết lý sâu sắc , thâm thúy , đó là : Trà đạo , Phản trà đạo , Con sâu đo , Bài thơ không thành , Chữ , Thăm Hang Bà Côn Đảo , Trong đêm , Ghi nhanh ở New York .
 b - Hai bài tuyệt hay , toàn diện , toàn bích : Mực lạnh , Phải chăng
 c - Hai bài thơ tình hay , trữ tình : Làng , Làng Canh quê mẹ .
 d - Hai bài mang tính cách mạng cao : Chiếc vòng , Âm vang .
 e - Những bài thơ nhân sinh , đời thường ,hồn nhiên vui vẻ , dí dỏm : Cháu đón sinh nhật ông , Đêm thức , Cầu qua đại dương , Đón giao thừa , Đêm nghe tiếng chó , Thơ tặng cháu .
 f - Những bài nhẹ nhàng , bâng khuâng , mang tính tự sự : Thơ lúc đi đường , Gửi sen , Trường tôi trăm tuổi , Ngắm anh đào Nhật ở Mỹ , Sân bay , Hoa một loài cây , Giọng mùa thu , Hương mưa , Hơi mát đêm qua , Tuyết lặng im , Bỗng dưng sắc trắng hoa lau , Thời tiết , Nó đấy - trái tim tôi , Khát trùng khơi , Tiếng hót , Bài thơ trăng sáng , Đàn chim di trú .
      *
          *      *
 Phân tích một số bài thơ điển hình để thấy chất tinh túy , bác học của thơ Vũ Quần Phương .
 Bài thơ " Trà đạo " là bài thơ sâu sắc , hàm ý triết luận , đạt đến đỉnh cao của sự thanh khiết , am tường : Nghe cơn khát của mình /Mà đo hương trời đất. Bài " Con sâu đo " hay , có tứ thơ lạ , một sự chiêm nghiệm sâu sắc : Lịch sử cân vĩ nhân / có ông tưởng nghìn cân / mà rồi
      -3-
bay như bụi / có ông chìm tận mấy trùng sâu / mà rồi sáng chói . Thiên chức của nhà thơ được anh gói gọn trong những câu thơ bao hàm rộng lớn mà chi tiết :  Ông nhà thơ là con sâu đo / lấy thân mình mà đo / lịch sử / đo kích thước vĩ nhân / châu chấu , cào cào, gió trăng , vui khổ / muốn đo vào tất cả / những rộng dài nặng nhẹ sâu nông / thân trải ra với đất / trái tim làm quả cân .
 Chỉ bằng 8 câu thơ ngũ ngôn ngắn gọn , anh vạch trần những âm mưu quyền lực phong kiến và cũng là bài học cho đương đại ngày nay : Vợ thì nhốt vào hang / Con thì quăng xuống bể / Tất cả cho ngai vàng / Làm vua thì phải thế / Ông Gia Long hoàng đế / Chết tám mươi đời triều / Thăm Hang Bà , tiếng thét / Còn rợn rừng nếp rêu . ( Thăm Hang Bà Côn Đảo ) . Những ý tứ sâu xa , ẩn dụ mông lung về nhận biết vũ trụ , về con người rất tinh tế : Sau chân trời , lại chân trời nữa / Nghĩ chân trời / lại nghĩ chân ta . ( Ghi nhanh ở New York ) .
 Trở về thơ lục bát dân dã , anh có những vần thơ thật chuẩn mực , tế nhị , khéo léo mà đầy triết lý :
 Nước trôi thì đá phải mòn
 Ở đâu cũng trái đất tròn dưới chân
 Nhớ xa mới biết thương gần
 Đục trong ai chọn cho thân phận người
 Cong cong là cái đường đời
 Chân lem cát bụi , lệ người long lanh
      ( Đêm nghe tiếng cháu )
 
Bài thơ " Mực lạnh " viết về nỗi niềm khi nhớ đến Hàn Mặc Tử là một bài tuyệt hay . Nó đạt trình độ nghệ thuật tuyệt tác như Kiều vậy :
 Bấy nhiêu trút lại cho đời
 Giấy hoang mực lạnh thét lời âm u
 Đôi chân đã ngập sa mù
 Thì đem nguyệt bạch đền bù tấm thân
 Trăng làm gối , gió làm chăn
 Dại tê sần sượng thoắt ngân thành lời
mà sâu sắc , ẩn dụ , tinh tế , chắt lọc đến cạn cùng của nghệ thuật thơ lục bát :
 Cõi mê vi vút mặt người
 Nghe trong hút lạnh tiếng cười thủy tinh
 Lấy thơ vẽ mặt người tình
 Rụng bông hoa máu hồn thành bơ vơ
     - 4 -

 Lấy mình vẽ mặt cho thơ
 Trái tim rát bỏng trên tờ lạnh băng .
 Có người khen bài thơ Gia Dũng viết về Hàn là bài hay nhất , theo tôi bài đó chưa thể so sánh với bài này của Vũ Quần Phương , vì bài ấy còn ngồ ngộ và trực ngôn bỗ bã , kém tính trâm anh .

3 - KẾT LUẬN
 
 Tập thơ " Chân trời sau chân trời " của nhà thơ Vũ Quần Phương , theo tôi là một thành công lớn của Anh trong chặng đường thơ có thể gọi là chặng cuối ( vì Anh cũng ở tuổi 70 rồi ) . Tất nhiên chúng ta còn trông chờ những tác phẩm sau này nữa .
 Trong một trường liên tưởng rộng lớn , 50 bài thơ trong tập thơ là 50 bông hoa cho đời , mang tầm vóc Vũ Quần Phương mà ít người có được . Tập thơ có nhiều bài đĩnh đạc đạt tầm vóc Quốc gia và Quốc tế . Tập thơ này chắc chắn sẽ cùng với các tác phẩm khác của Anh sẽ mang đến vinh hạnh lớn hơn những vinh hạnh trước đó Anh đã đạt được trong lĩnh vực văn chương .
 Cuối bài , dù sao tôi cũng phải nêu ra một vài gợn , sạn mà đáng tiếc Anh đã đề cập đến trong tập thơ . Đó là những câu : Chuột và ta / thằng nào gặm sách  , và : hại dạ dày là cái chắc ( Thơ tặng bạn thơ ) , hay là : Luật nước trang nghiêm và bố láo ( Con sâu đo ) .
 Bút chẳng hết lời !

        Tháng 5 - 2013
        VŨ TỪ SƠN
 

 

 

______________
ĐC của VTS : Số 29 , ngõ 137 Hùng Vương
TP Bắc Giang , tỉnh BG .