Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Sự xa và gần của phê bình

Bùi Kim Anh
Thứ năm ngày 6 tháng 6 năm 2013 8:57 PM
Tham luận tại hội nghị LLPB Tam Đảo

Xưa nay đã có nhiều quan điểm về nghệ thuật thơ và sáng tác thơ. Là người làm thơ thuộc lớp “lớn tuổi”, tôi lúng túng giữa 2 cách viết truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên từ công việc làm thơ của mình, tôi cũng rất muốn được bày tỏ một số suy nghĩ về một thể loại mà tôi luôn đau đáu, trăn trở…
Tôi đến với văn chương từ xuất phát thích học văn, làm cô giáo dạy văn, làm thơ và từ những cảm thụ về cái Đẹp của riêng mình; từ công việc giảng văn, tôi đã viết lời bình một số bài thơ. Một con đường tự nhiên, đơn giản nhưng đeo bám suốt cuộc đời. Và tôi nghĩ đây cũng là con đường của nhiều người đến với văn chương.
Viết như thế nào? Như thế nào là bài thơ hay? Làm sao cho thơ đi đến với bạn đọc?
Thời trẻ, lúc còn dạy học - làm thơ, tôi cảm nhận thơ dường như dễ dàng hơn. Những vật vã đời thường ít nói tới, hoặc có thì nằm im trong những sổ thơ của riêng mỗi người.  Những bài thơ ấy có vần điệu. Ý thơ rõ ràng, thậm chí hình thức được quy định chặt chẽ. Ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ dễ hiểu, dễ thuộc… và như thế cũng dễ đi vào lòng người, dễ tìm được sự đồng cảm giữa tác giả - bạn đọc.
Bây giờ đọc lại những bài thơ xưa của mình, dù đã được đăng báo, tôi biết là đã là quá cũ. Không thể viết lối cũ chặt chẽ đến công thức về vần điệu. Không thể ý thơ cứ tròn trịa, đầy đặn… Tư duy thơ phải thay đổi. Và chính vì vậy 2 luồng truyền thống và hiện đại đang vận hành.
Tôi biết, dù mình lớn tuổi cũng cần phải thay đổi tư duy, cách viết. Phân vân và trăn trở. Đọc thơ người học được những gì. Lối viết phóng túng. Ngôn từ mới mẻ hoặc rất đời thường thậm chí đến thô tục. Ý thơ cởi mở, thoáng đãng và có khi khó hiểu, không hiểu nổi.
Tôi bị hỗn độn trong định nghĩa về thơ. Chợt nghĩ nếu bây giờ mình vẫn là cô giáo văn và nếu học trò đưa thơ bảo bình, mình sẽ giảng ra sao? Áp dụng những điều cơ bản về lý luận mà mình được học thế nào? Người sáng tác tiềm ẩn nội lực mà có khi chính họ viết xong mới nhận thấy thậm chí chẳng bao giờ nhận thấy. Có thể học lý luận nhưng không thể học cách làm thơ, cách viết truyện. Cũng không cần học thuộc lý luận văn học rồi mới cầm bút làm thơ, viết truyện.
 Xếp lại lối viết cũ mòn, viết hiện đại phải ra sao? Rất cần các nhà lý luận đưa ra những ý bàn bạc đích đáng. Và tất nhiên người viết cũng cần phải biết tự mình. Làm thơ đó là nhu cầu tự thân đổi mới.
Từ trước đến nay, thơ chỉ là thơ mà thôi. Và thơ chỉ có nghĩa khi nó đem đến cho người đọc những cảm xúc trước hiện thực. Thơ tồn tại bằng chữ. Nhà thơ Lê Đạt cho rằng: “Chữ bầu lên nhà thơ”. Thế thì, tại sao không ít bạn yêu thơ cảm nhận “đọc thơ bây giờ nhiều khi chẳng hiểu gì”? Theo tôi, qui luật của nghệ thuật là dù truyền thống hay hiện đại  sao cũng được, sao cũng hay miễn là phải đi đến với lòng người.
Hiện thực thơ rộng lớn và chi tiết, tác động đến cảm xúc của nhà thơ làm nảy sinh những thi tứ, ý tưởng. Nhưng đừng quên, “Hiện thực thiếu mất năng lượng bung phá của thơ: nó ra cái gì?”(Réne Char). Nó là một thứ hiện thực cục cằn, xám xịt hoặc chẳng còn hiện thực nữa. Nhà thơ và những xúc động khi cảm nhận hiện thực của họ, không có dấu vết gì nhưng lại làm lung linh hiện thực. Cứ bàn cãi, cứ chê bai nhưng viết sao để thơ tồn tại, để thơ đến với bạn đọc, chứ không phải chỉ có nhà thơ lại đọc thơ thôi và rồi cả đến nhà thơ cũng chẳng buồn đọc thơ nhau hay dở.
Ở góc độ của người làm thơ, tôi hiểu mình cần luôn đọc để học, để làm mới chính mình. Ở góc độ của người bình thơ lâu nay, tôi luôn chọn những bài thơ mà mình yêu thích. Chỉ khi tự mình rung cảm thì mới có thể viết lời cảm nhận.
Nghệ thuật nâng cái bình thường, quen thuộc trở nên rất đẹp, trở nên có ý nghĩa. Nhưng làm sao nắm bắt được nhà thơ từ thơ của họ đây? Vì vậy  văn học lại rất cần phê bình, thơ cần các nhà phê bình. Nếu có, dẫu đôi lời của nhà phê bình sẽ giúp bạn đọc cảm nhận được hiện thực sống bằng một con mắt khác, rung cảm trước hiện thực thêm một góc khác trong tâm hồn. Sự cần thiết của phê bình, sự xa mà gần của phê bình là thế.
Người đọc và người làm thơ nhiều khi rất cần tiếng nói của nhà phê bình hướng dẫn thị hiếu, hướng dẫn cảm thụ theo con đường đích thực của nghệ thuật văn chương .
 BÙI KIM ANH