Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bình bài thơ Cảm xúc tháng mười

Lê Lanh
Thứ năm ngày 6 tháng 6 năm 2013 8:25 PM
CẢM XÚC THÁNG MƯỜI

 Không thể nói trời không trong hơn
Và mắt em xanh khác ngày thường
Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường.

Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt
Xốn xang mẹ thường gọi các con
Anh chiến sỹ mến thương nhìn mẹ
Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn.

Đêm, cái đêm rút quân qua gầm cầu
Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại
Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi
Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca.

Một sớm thu trong đất thắm sao vàng
Năm cửa ô xòe năm cánh rộng
Đoàn quân về nhấp nhô như sóng
Những ngôi nhà dường muốn cao thêm.

Tháng Mười ấy là khúc ca say
Khúc ca mở những chiến công đầy
Ôi, Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội
Nghìn năm vẫn một trái tim này.
            
Tạ Hữu Yên

LỜI BÌNH CỦA LÊ LANH :  Bài thơ : “Cảm xúc tháng Mười” là nguồn  xúc cảm dâng trào của nhà thơ Tạ Hữu Yên khi bộ đôi ta kéo về giải phóng thủ đô,  tháng 10 năm 1954.  Nhà thơ xúc cảm trước hình ảnh lực lượng “ đoàn quân ” rất hùng hậu, đội ngũ chỉnh tề, nhịp đi như bước sóng.  “ Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…”( Tiến về Hà Nội- Văn Cao ), mạnh mẽ mà không khô cứng. Tình cảm của “ anh chiến sỹ” lúc nào cũng hòa đồng cùng nhân dân “ Anh chiến sỹ mến thương nhìn mẹ / Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn”. Còn tình cảm của nhân dân mà tiêu biểu là tình cảm của các bà mẹ thì “ xốn xang” thực sự: “ Mẹ đứng  hàng đầu rưng rưng nước mắt / xốn xang mẹ thường gọi các con”. Bao nhiêu năm đợi chờ, mong mỏi. Từ “ Cái đêm rút quân qua gầm cầu”, mẹ luôn “ đỏ niềm tin”, hy vọng vào “ ngày mai”. Đến hôm nay, hình ảnh của “ngày mai” đã hiện ra trước mắt, mẹ còn ngỡ trong mơ. Mừng vui hòa trộn với đau thương mất mát. Những giọt nước mắt của mẹ chứa đựng bao nỗi niềm. Mẹ cũng là hình ảnh: “ Bầm của con - mẹ vệ quốc quân” trong thơ Tố Hữu. Đón đoàn quân, các anh trở về còn có cả những người “em” : “ Và mắt em  xanh khác ngày thường”.
Ngày giải phóng thủ đô không phải chỉ đem lại niềm vui cho riêng mẹ, riêng em mà đem lại niềm vui, niềm tự hào cho cả dân tộc. Ở đây có sự chuyển hóa từ trạng thái tâm lý sang trạng thái sinh lý. Cái vui kèm theo cái khỏe, cái trẻ, cái xinh, cái giòn. Dù là nhà thơ hay  “ anh chiến sỹ mến thương” nhìn “ em” hay “ em” nhìn các anh cũng đều bằng con “ mắt” “ xanh khác ngày thường”. Cảnh trong  thơ như một bức tranh nghệ thuật mang hồn người: “ Không thể nói trời không trong hơn” hoặc “ Những ngôi nhà dường muốn cao thêm”, ngập tràn màu sắc: “ đất thắm sao vàng”. Thủ đô Hà Nội thành một rừng cờ chiến thắng. “Năm cửa ô” như năm cánh hoa tươi “ xòe” rộng chào đón đoàn quân. Tiếng cười, giọng hát hòa vào cảnh. Nhưng âm thanh nổi bật nhất vẫn là: “ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”. Tạ Hữu Yên đã thành công trong việc đưa chất liệu âm nhạc là thanh âm bộ gõ, lan tỏa trong diện rộng, thể hiện niềm vui tràn ngập của nhân dân Hà Nội trong ngày hội giải phóng thủ đô.
 Ở khổ thơ cuối cùng, một lần nữa nhà thơ khẳng định: “ Tháng Mười ấy” là sự tổng hòa của những chiến công trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp thắng lợi. Chiến công còn nối tiếp chiến công. Trước đây là chiến công chống ngoại xâm, bảo vệ an ninh tổ quốc. Ngày nay là chiến công xây dựng nền kinh tế giàu mạnh, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân đân. Đó chính là “ Khúc ca mở rộng chiến công đầy”…
Chào mừng lễ kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long –Đông Đô – Hà Nội,chúng ta có dịp nhìn lại “chiến công” nối tiếp “chiến công” ở mọi lĩnh vực trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh anh hùng của dân tộc.
Xin có nén tâm nhang bằng lời bình bài thơ “Cảm xúc tháng mười” để tỏ lòng  thương tiếc nhà thơ Tạ Hữu Yên.
                                                                         L.L
      
Đc- Lê Văn Lanh- 7/92- Vũ Trọng Phụng Thanh Xuân Hà Nội
Đt:  0948.161.101