PV VanVN.Net (thực hiện)
VanVN.Net – Ngày 17/5/2013, nhân dịp sự kiện Những ngày Văn học châu Âu 2013, Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Hà Nội đã tổ chức buổi giới thiệu tiểu thuyết Cô gái Không Là Gì của nhà văn Tomek Tryzna, do dịch giả Lê Bá Thự chuyển ngữ. Tác phẩm này được nhà thơ giải Nobel năm 1980 Czeslaw Milosz cho là tiểu thuyết hậu hiện đại đầu tiên của Ba Lan, mà theo ông đó là chủ nghĩa hậu hiện đại alla polacca. VanVN.Net đã có cuộc trao đổi với dịch giả Lê Bá Thự về những lý do khiến ông dịch cuốn tiểu thuyết Cô gái Không Là Gì.
PV: Nguyên do nào khiến ông chọn địch tiểu thuyết Cô gái Không Là Gì?
Dịch giả Lê Bá Thự: Năm 2009 tôi sang Ba Lan dự Hội nghị quốc tế những người dịch văn học Ba Lan, trong khi trò chuyện với nhau một dịch giả Thụy Điển đã gợi ý, khuyên tôi nên dịch tác phẩm này, vì bản thân anh ta đã dịch sang tiếng Thụy Điển và được bạn đọc ở đó rất mến mộ. Theo gợi ý của anh bạn nói trên, tôi đã đến hiệu sách ở Warszawa mua ngay tác phẩm này. Tôi thực sự thích thú bởi bút pháp và văn phong của tác giả, bởi sự đa tầng đa nghĩa của tác phẩm, bởi sự mạnh tay dám nhìn thẳng vào sự thật của tác giả, bởi những diễn biến với tộc độ nhanh đến chóng mặt trong tác phẩm, bởi những bí ẩn của tuổi mười lăm được tác giả phát hiện và miêu tả rất công phu và thành công thông qua ba nhân vật chính, ba cô học sinh Marysia, Kasia và Ewa. Tóm lại, theo tôi đây là một tiểu thuyết hay, rất đáng dịch. Tôi cũng xin nói thêm: nhà văn Tomek tryzna đã thổ lộ rằng, ông đã suy ngẫm, trăn trở suốt mười hai năm trời trước khi đặt bút viết tác phẩm này. Những lý do khác thôi thúc tôi quyết định dịch tác phẩm này còn là: Tác phẩm được nhà thơ giải Nobel năm 1980 Czeslaw Milosz cho là tiểu thuyết hậu hiện đại đầu tiên của Ba Lan, mà theo ông đó là chủ nghĩa hậu hiện đại alla polacca, tức chủ nghĩa hậu hiện đại mang màu sắc Ba Lan. Ngoài ra, tác phẩm này còn được Bộ Giáo dục quốc dân Ba Lan chọn làm một trong sáu cuốn sách đọc bắt buộc đối với học sinh lớp 9 Trung học cơ sở ở Ba Lan, trong các niên học 2011 – 2012 và 2012 - 2013, điều chứng tỏ giá trị giáo dục của thiên tiểu thuyết này.
Ông có thể nói một chút về nhãn sách “Cô gái Không Là Gì”
- Nhãn sách nguyên bản tiếng Ba Lan là: Panna Nikt. Panna có nghĩa là cô gái, cô gái chưa chồng. Nikt là một từ có nhiều nghĩa: Không là ai, không ai, không một ai (chẳng hạn: không ai hoặc không một ai yêu cầu), không có nghĩa lý gì, không là gì, không có vị trí xã hội, không có thành tích trong lĩnh vực nào cả, không quan trọng, vô danh tiểu tốt, vô tích sự… Khi lần đầu tiên cầm bản gốc tiếng Ba Lan thì trong đầu tôi nghĩ ngay: Panna Nikt là Cô gái Không Là Ai. Nhưng sau khi đọc tác phẩm, nắm bắt nội dung, căn cứ theo văn cảnh trong tiểu thuyết thì tôi đã quyết định phải lấy nhãn sách là cụm từ “Cô gái Không Là Gì” mới chuẩn. Theo tôi, chỉ cụm từ này mới lột tả, biểu đạt đúng thực chất, bản ngã của cô gái Marysia tuổi mười lăm, một cô gái dễ tin, dễ học đòi, dễ hư hỏng, dễ tự đánh mất mình để rồi rốt cuộc trở nên vô tích sự, phải trả giá đắt, chịu kết cục bi thảm. Cụm từ Không Là Gì trong trường hợp này là tên gọi nhưng có nghĩa của Marysia do hai cô bạn gán cho. Vì là tên gọi, là biệt danh được bạn gán cho, cho nên ta mới thấy cả ba chữ Cô gái Không Là Gì đều viết hoa. Trong bản gốc tiếng Ba Lan từ Nikt cũng viết hoa.
Xin nói thêm, hình như nhiều nhạc sĩ Việt Nam có vẻ thích cụm từ “không là gì”, “chẳng là gì”, cho nên mới có một loạt bài hát có tiêu đề: “Em chẳng là gì trong tôi”, “Em chẳng là gì”, “Em không là gì”, “Anh chẳng là gì”, “Sẽ chẳng là gì của nhau”…
Thưa dịch giả, chủ nghĩa hậu hiện đại Ba Lan alla polacca nghĩa là gì?
- Để tránh mọi hiểu nhầm đề nghị các bạn đọc kỹ lời phát biểu của nhà thơ Czeslaw Milosz đăng ở bìa bốn tiểu thuyết Cô gái Không Là Gì, trong đó ông nhấn mạnh: Đó là chủ nghĩa hậu hiện đại Ba Lan alla polacca. Alla polacca là tiếng Italia, một cụm từ khá phổ biến ở châu Âu. Alla có nghĩa là mang tính chất, mang màu sắc, còn polacca là “vũ điệu Ba Lan” (polonaise - Sô panh). Theo tôi, nói chủ nghĩa hậu hiện đại Ba Lan alla polacca là nhà thơ muốn nói chủ nghĩa hậu hiện đại mang tính chất hoặc màu sắc Ba Lan, chứ không phải chủ nghĩa hậu hiện đại phổ quát.
Dịch giả nghĩ như thế nào về ý kiến “Sẽ không ít đoạn hội thoại trong tiểu thuyết giữa thầy – trò khiến bạn đọc Việt Nam bị “shock” bởi nó thể hiện sự tự do, dân chủ chỉ có ở những nước phương Tây”.
- Cần phải hiểu rằng, ba cô gái tuổi 15 Marysia, Kasia và Ewa trong tiểu thuyết là ba học sinh cá biệt, nhất là Kasia, cho nên cô giáo chủ nhiệm mới phải đến tận nhà để gặp phụ huynh. Học sinh cá biệt vô lễ, hư hỏng, bỏ học là chuyện không có gì lạ. (Tôi nhớ báo chí nước ta cũng đã hơn một lần phê phán những hành vi thô lỗ, vô lễ, thậm chí bạo lực của học trò đối với thầy cô giáo). Vừa rồi tôi có hỏi một vài cây bút trẻ, một vài chị có con ở tuổi mới lớn, thì họ đều cho rằng, những hành vi của tuổi mới lớn trong tiểu thuyết này không xa lạ gì đối với tuổi mới lớn ở Việt Nam ta đâu. Có không ít con em hư hỏng mà lắm khi phụ huynh không biết được, nhất là chúng lại có trong tay những công cụ công nghệ cao, kỹ năng sử dụng thành thạo mà phụ huynh thua kém hoặc không biết gì. Có những hành vi xấu diễn ra ngay trước mặt bố mẹ mà bố mẹ hoàn toàn mù tịt, bất lực. Tôi dám chắc, nếu biết được những hành vi xấu của con mình thì không ít bậc phụ huynh cũng sẽ bị “shock”. Cho nên chúng ta chớ có chủ quan, phải hết mực canh chừng.
Theo dịch giả, chọn tiểu thuyết Cô gái Không Là Gì làm sách bắt buộc đọc cho học sinh lớp 9 liệu có “nặng đô”?
- Về giá trị giáo dục của thiên tiểu thuyết này tôi đã viết trong Lời người dịch. Tôi chỉ muốn nói rằng, khi chọn tác phẩm này cho hàng triệu học sinh đọc, Bộ Giáo dục Quốc dân Ba Lan chắc chắn đã phải tính toán, cân nhắc rất kỹ càng, nhất là tính giáo dục của nó. Khi kết thúc Lời người dịch tôi đã viết: “Phải chăng Bộ Giáo dục Quốc dân Ba Lan muốn các học trò của mình phải nhìn thẳng vào sự thật, dù đó là sự thật phũ phàng?” Cho nên, tôi rất muốn các nhà giáo dục, các bạn đọc, tìm ra, nhận ra cái lý của họ khi họ đi đến quyết định quan trọng như vậy. Theo tôi, đây cũng là điều bổ ích cho chúng ta. Tôi xin cung cấp thông tin về 6 cuốn sách mà học sinh lớp 9 ở Ba Lan phải đọc trong niên học 2012 – 2013, để các bạn tham khảo: 1 - Công toi – Stefan Zeromski, (Ba Lan, 1864 – 1925); 2 - Hồi ký về Cuộc khởi nghĩa Vacsava (trích đoạn) - Mriron Bialoszawski (Ba Lan, 1922 – 1983); 3 - Hoàng tử bé - Antoie de Saint Exupery (Pháp, 1900 – 1944); 4 - Cô gái Không Là Gì – Tomek Tryzna (Ba Lan); 5 - Kẻ đạo đức giả - Molier (Pháp, 1622 – 1673) ; 6 - Chiếc áo gi lê - Boleslaw Prus (Ba Lan, 1847 – 1912).
Như vậy trong số sáu tác phẩm nói trên có bốn của Ba Lan và hai của nước ngoài (Pháp), và chỉ có tác giả Tomek Tryzna là còn sống.
Xin cảm ơn nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự.
Nguồn: VanVN.Net