Đình, chùa Ngọc Lũ, thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam được xây dựng vào năm 1888. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa đã xuống cấp, do đó vào năm 1999, UBND xã Ngọc Lũ đã tôn tạo lại 1 dãy đình 7 gian. Đặc biệt, hiện nay tại ngôi chùa còn lưu giữ phiên bản trống đồng và một số đồ thờ Thành Hoàng làng. Với ý nghĩa đó, năm 2006, quần thể di tích đình chùa Ngọc Lũ đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Theo lời kể của cụ Trần Đình Tước, 85 tuổi (là hậu duệ của cụ Chỉ Cơ – quen gọi là cụ Chỉ Cơ vì cụ là tiên chỉ của làng). Vào tháng 8 năm 1888, cụ Chỉ Cơ đã bỏ tiền ra mua gỗ ở rừng về xây dựng 2 dãy đình (mỗi dãy 7 gian, 3 gian hậu cung và ngôi chùa trong khuôn viên rộng 2.500 m2 .
Về cội nguồn trống đồng Ngọc Lũ, theo các cụ cao niên nơi đây kể lại, vào năm 1893 các ông Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Túc và một số người khác đắp đê trấn thủy ở xã Như Trác, huyện Nam Xang (nay là Lý Nhân, Hà Nam) thấy dưới độ sâu 2 mét của bãi bồi có một chiếc trống đồng, các ông ngay trong đêm ấy khiêng về đình làng Ngọc Lũ để khi có đình đám cúng tế thì đem ra đánh. Khoảng 7, 8 năm sau có một họa sĩ người Pháp đến vẽ ký họa cây đa đình làng, nhìn thấy trống đồng đẹp, liền báo cho công sứ biết. Nhân có cuộc đấu xảo ở Hà Nội vào ngày 15 tháng 11 năm 1902, công sứ Hà Nam đã sức cho Lý dịch làng Ngọc Lũ (xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam ngày nay) mang trống và nắp thạp lên góp vào đấu xảo. Sau đó nhà bác cổ Viễn đông, Hà Nội đã mua lại với giá 550 đồng tiền Đông Dương. Hiện nay trống đồng đang được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, vẫn còn tương đối nguyên vẹn, có một lớp patin màu xanh ngả xám.
Trống đồng Ngọc Lũ là một trong số ít trống đẹp phát hiện được trên thế giới, trống cao 63cm đường kính mặt trống 79,3cm đường kính chân 81 cm, trọng lượng 86 kg. Ngày 1 – 2 – 2013, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận trống đồng Ngọc Lũ Là báu vật quốc gia.
Ngoài tác dụng phục vụ các ngày cúng tế, trống đồng còn là biểu tượng do sức mạnh, quyền lực của người xưa, đồng thời thể hiện tín ngưỡng phồn thực, với các họa tiết hình mặt trời các tia sáng, biểu trưng cho sinh thực khí nam; giữa các tia sáng là hình trái tim, biểu trưng cho sinh thực khí nữ.
Hàng năm hội làng Ngọc Lũ được tổ chức vào ngày 5 – 6 Tết. Phần lễ tổ chức theo nghi thức cổ tại đình làng. Phần hội tổ chức các trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao. Trong quan niệm của người dân nơi đây, linh khí hội làng được gửi vào những tiếng trống đầu Xuân mở đầu cho một năm mới an khang, tịnh vượng.
Hiện nay khu quần thể di tích lịch sử đình chùa Ngọc Lũ đang từng bước được tôn tạo các hạng mục, từ nguồn kinh phí của Chính phủ cùng với sự tài trợ đóng góp của các nhà hảo tâm theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đây sẽ là điểm đến của du khách thập phương khi về dâng nén tâm hương và tham quan nơi lưu giữ trống đồng Ngọc Lũ đầu tiên – tài sản văn hóa quý giá của quốc gia và dân tộc.
ĐVN - TĐT