Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Belinxki và lý luận phê bình văn nghệ

PGSTS Nguyễn Trường Lịch
Thứ sáu ngày 23 tháng 11 năm 2012 5:32 AM
 
                                     
        Cuộc Hội thảo của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương phối hợp với Hội nhà văn Việt Nam diễn ra tại Hà nội (10-4-2012) nhằm động viên nhắc nhở, vừa thiết tha kêu gọi xúc tiến đẩy mạnh công tác phê bình  văn nghệ.Dường như lĩnh vực này khó khăn qúa, cho nên nhiều tháng năm qua đã không ít lần Hội thảo, mà vẫn chỉ mới đạt ở mức khởi động và hiệu qủa còn quá khiêm tốn. Hẳn là ở đây có nhiều dây rợ chằng chịt, phức tạp, nên không dễ dàng bay nhảy kiểu sân khấu ca nhạc, Sao mai điểm hẹn hoặc Tìm kiếm tài năng âm nhạc… thoắt dến, thoắt đi!
     Là người có quan tâm đến văn nghệ, xin được trao đổi một số suy nghĩ về phê bình văn học, nhìn từ góc độ lịch sử. Trong thế giới văn nghệ, theo dòng lịch đại thì đã từ lâu, nền văn học cổ điển Pháp thế kỷ XVII cùng nền văn học Nga thế kỷ XIX được phát triển rực rỡ tạo thành những mốc son chói lọi trên văn đàn nhân loại đều được hình thành và khẳng định dựa vào các thành tựu sáng tác, mà không tách rời các công trình lý luận phê bình. Chẳng hạn mỗi khi bàn đến di sản thơ văn cổ điển chủ nghĩa Pháp (classicisme), thì cùng với các nhà thơ lớn như Corneille, Racine, Molière, La Fontaine…làm sao lại có thể quên được công lao to lớn của Boalô (Boileau-1636-1711), nhà văn châm biếm tài hoa, vừa là nhà lý luận phê bình sắc sảo. Với tác phẩm Nghệ thuật thơ (Art poétique- 1674), Boalô có công lớn là tổng kết những phương hướng chính của thi ca thế kỷ XVII, lập nên hệ thống quy tắc hoàn chỉnh vừa hàm súc, vừa khái quát, khẳng định tiếng nói của lương tri trong sáng, đồng thời gạt bỏ những xu hướng giả dối, cầu kỳ, thô bạo….
      Trên đất nước Nga, hàng loạt tập thơ trữ tình và trường ca đầy hấp dẫn, truyện lịch sử đồ sộ, truyện tâm lý cuốn hút của các thi hào Puskin, Lermontov cùng hàng loạt truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch dạt dào hơi thở cuộc sống của văn hào Gôgôn, đều gắn kết với những bài viết sắc sảo của V.G.Belinxki (1811-1848) đã khẳng định bước đường thắng lợi của dòng văn học lãng mạn và hiện thực Nga nửa đầu thế kỷ XIX.
    Về lý luận phê bình, công lao to lớn của Belinxki là đã tích cực đấu tranh, bảo vệ và tôn vinh các văn nghệ sĩ tài hoa trước búa rìu dư luận cũng như hệ thống kiểm duyệt khắt khe của giới thống trị. Những bài viết đầy tính thuyết phục của ông thật sự góp phần quan trọng vào quá trình phát triển nền văn thơ Nga vươn lên sánh vai cùng các nền văn nghệ châu Âu, mà ở các thế kỷ trước nước Nga chưa thể đạt tới.
    Những luận điểm cơ bản  mà Belinxki đề xuất và vận dụng thành công cách
 đây ngót hai thế kỷ không chỉ đem lại nhiều sự đổi mới đối với bản thân nền
văn học dân tộc Nga, mà còn có ý nghĩa rộng lớn đối với nền văn nghệ ở châu
Âu, đến tận ngày nay vẫn còn sức sống.
    Trên địa hạt này, giới văn nghệ Việt Nam ta dường như vẫn đang lần bước gập ghềnh, băn khoăn xác định? Đành rằng, hiện nay ở nước Nga,cũng không khỏi không có lời phê phán về một số hạn chế trong tổng thể tác phẩm của Belinxki...Đó cũng là điều dễ hiểu., 
    Đương thời, Belinxki từng nêu lên một nguyên lý đậm tính biện chứng:  “Nếu như có tư tưởng của thời đại thì cũng có những hình thức của thời đại”, nhằm phê phán những quy tắc bảo thủ, giáo điều của mỹ học duy tâm chủ quan luôn níu kéo quá khứ sống mãi với hiện tại. .
   Chính Belinxki đã “mở ra con đường mới” tạo nên cái mốc lớn trên quá trình lịch sử phát triển tư tưởng Nga, lịch sử phát triển văn chương nghệ thuật và lịch sử phê bình Nga. Thời bấy giờ, ông chưa viết riêng thành hệ thống lý luận, mà trong khi bình giá các tác phẩm thơ, văn xuôi, kịch…, ông đã xác lập được bản chất và chức năng của văn nghệ, đồng thời đặt cơ sở phê binh, đánh giá các tác phẩm. Nêu bật mối quan hệ biện chứng mật thiết giữa nghệ thuật và đời sống xã hội, Belinxki viết: - “Ở đâu có cuộc sống, ở đấy có thi ca”…“Nghệ thuật , về nội dung của nó là sự diễn đạt cuộc sống lịch sử của nhân dân, vì cuộc sống này có ảnh hưởng lớn lao tới nghệ thuật, có quan hệ tới nghệ thuật, đúng hẳn như dầu với ngọn lửa- dầu nuôi ngọn lửa thành đèn sáng; hoặc hơn nữa như đất với cây cối- đất cấp thức ăn cho cây cối”…“Văn học nhất thiết phải là phương tiện diễn đạt, là tượng trưng cho cuộc sống nội tâm của nhân dân. Đấy chưa hẳn là định nghĩa của văn học, nhưng đó là một trong những điều kiện và bản sắc không thể thiếu được của văn học”.
     Hơn thế nữa,“con đường mới” mà Belinxki mở ra có ý nghĩa cách mạng là ở chỗ ông còn xác định rõ ràng chức năng của người nghệ sĩ đối với xã hội, khác hẳn quan niệm của các trường phái vị nghệ thuật thuần túy: “ Nhà thơ trước hét là một người công dân”…“ Là một nhà thơ nghĩa là tư duy bằng những hình tượng thơ, chứ không phải hót líu lo những âm thanh ngọt ngào như chim chóc. Muốn trở thành một nhà thơ, điều cần thiết không phải kà một ý muốn nhỏ bé tự biểu hiện mình, không phải là những giấc mơ của một trí tưởng tượng nhàn rỗi, không phải là một nỗi u buồn đẹp đẽ, mà điều cần thiết là một sự nhạy cảm mãnh liệt đối với những vấn đề của hiện thực trước mắt ”…
    Giá như một số nhạc sĩ trẻ ngày nay đang khóc than gào thét “Ôi! trái tim tan vỡ…, anh chết, em chết!…”, cố gắng ngoảnh lại đọc một ít lời nhắn nhủ của Belinxki, chắc sẽ cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ chăng?!
   Bản chất văn nghệ luôn luôn phải bắt nguồn từ cuộc sống và gắn bó mật thiết với con người, với hoàn cảnh xã hội đang tồn tại tác động đến văn nghệ.Nguyên
lý cơ bản này được thể hiện nổi bật nhất trong Thư gửi Gôgôn(1847), lúc nhà văn tài hoa này đang phải sống lưu vong ở nước Ý, sau khi vở kịch Quan thanh tra (1836) được công diễn tạo nên tiếng vang dữ dội và chính quyền thống trị đe dọa tống cổ tác giả đi đày tận Xiberi. Qua thư, nhà phê bình thẳng thắn vạch rõ cho Gôgôn thấy được “Giờ đây những vấn đề quốc gia nóng hổi nhất, thời sự nhất ở Nga là thủ tiêu chế độ nông nô…” Chính bức thư ấy đã cứu nhà văn tránh được tình trạng khủng hoảng tinh thần, ngả nghiêng trước thế lực thống trị và nhà thờ, bởi lẽ ông đang xa rời thực tiễn cuộc sống Nga.
    Các bài phê bình đã được Belinxki đúc kết rõ ràng với quan điểm dân chủ tiến bộ cùng tầm nhìn biện chứng, khoa  học, hợp lôgich, không dựa vào các nguyên lý xơ cứng cũ kỹ: -“Phê bình tức là tìm tòi, phát hiện ra trong một hiện tượng cục bộ những quy luật chung của trí tuệ; hiện tượng vốn tồn tại dựa theo và thông qua những quy luật đó, đồng thời định ra mức độ của mối liên hệ hữu cơ sinh động giữa hiện tượng cục bộ đối với lý tưởng của nó.”
    Có thể bắt nguồn từ đấy, văn hào L.Tolstoi thời trẻ từng bộc lộ rằng, “nhờ có bài phê bình của Belinxki về truyện thơ Epghenhi Onheghin (1832), tôi mới hiểu được tác phẩm của Puskin”.  
    Ở ta, tại cuộc Hội thảo các nhà văn trẻ ở Hội An(2007), có nhà văn từng vỗ ngực lớn tiếng, mà rằng:“Tôi viết theo cảm xúc không cần lý luận phê bình gì hết!(?)… Thậm chí có người viết phê bình, viết cả luận án tiến sỉ in thành sách cũng hồn nhiên bộc lộ “tôi nghiên cứu Xuân Diệu theo phương pháp cảm xúc”!? Biết nói sao đây? Phải chăng “văn chương tự cổ vô bằng cứ ”? Cầm lòng vậy!
    Còn Belinxki,gần 200 năm trước không dừng lại ở phần bản chất và chức năng của văn nghệ, mà còn đi sâu vào phương pháp biểu hiện cụ thể.Bởi ông ý thức rõ ràng,nghệ thuật là “phương tiện đặc biệt để nhận thức thế giới”:
   -“Nhà triết học nói bằng tam đoạn luận, nhà nghệ sĩ nói bằng các hình tượng,bằng những bức tranh và cả hai cũng chỉ nói một điều mà thôi”.
    Nếu như xưa kia từ bao đời, không ít người coi văn nghệ chỉ là thứ giải trí, tiêu khiển của một lớp người nhất định, thì Belinxki cho rằng nghệ thuật không chỉ phản ánh, mà còn là một phương tiện nhận thức cuộc sống và tác động đến cuộc sống khá sâu sắc. Luận điểm này mang ý nghĩa triết học sâu xa và tiến bộ lớn lao suốt thế kỷ XIX đến tận bây giờ.Trường hợp Nhekraxov(1821-1878)       được Belinxki giải thoát khỏi tình trạng bế tắc mộng mị, khi nhà thơ trẻ này cho ra mắt tập thơ đầu tay Những ước mơ và những âm thanh. Trong lúc các báo thời thượng và một số bạn bè ca ngợi tung hô “ một tài năng kỳ diệu, một tư tưởng tuyệt đẹp”, thì ngược lại nhà phê bình chân thành nghiêm khắc chỉ rõ,
,đó chỉ là “những lời thơ chung chung, những vần thơ nghèo ý, sức rung cảm yếu kém” .May mà, Nhecraxov tỉnh táo,dũng cảm tới các hiệu sách thu hết về, rồi tự tay đốt sạch.Thời gian sau,nhà thơ trẻ từ bỏ lối thơ ủy mị, mà viết bài thơ Trên đường,  khắc họa số phận bi thảm của cô gái nông nô nghèo được một chúa đất giàu nuôi cho ăn học;bỗng ông ta chết đột ngột,cô gái bị gia chủ khác ép gả bán cho gã đánh xe ngựa vô tích sự.Vừa nghe tác giả đọc xong bài thơ, ánh mắt Belĩnxki ngời sáng lên, chạy tới ôm chầm lấy Nhecraxov, nước mắt trào ra, rồi thốt lên: “nh có biết không, anh là một nhà thơ, một nhà thơ chân chính!”
   Đúng là nhà phê bình nhận rõ cái thật,cái giả và thẳng thắn nói ra không khoan nhượng. Hai mươi năm sau, Nhecraxov trở thành nhà thơ cách mạng nổi bật trên thi đàn Nga, với nhiều tác phẩm xuất sắc được đông đảo bạn đọc mến chuộng. Vào giây phút cuối đời ở bệnh viện, Nhecraxov trong nước mắt nói với vợ: “ Tất cả những gì tôi làm được đều do Belinxki!”     
      Còn Nhật ký của văn hào Đôxtoevxki (1821-1881) từng ghi lại khá rõ về kỷ niệm sâu nặng với nhà phê bình bậc thầy. Độ ấy, Đôxtoevxki mới 25 tuổi, vừa tốt nghiệp kỹ sư bách khoa đang chờ việc, bước đầu viết truyện Những kẻ đáng thương hại (1846)-môt loại truyện tình qua những bức thư đầy nước mắt. Lúc bấy giờ, chưa quen biết ai, ngoàì nhà báo trẻ Grigorevich, hai người cùng mang bản thảo đến Nhecraxov nhờ chuyển tới Belinxki đọc hộ, xin chỉ giáo. Chính Đôxtoevxki cũng không ngờ, mấy hôm sau, Belinxki nhắn mời tác giả tới ngay nhà mình. Nhà văn trẻ xuất hiện, Belinxki nồng nhiệt đón tiếp và vui vẻ nói to:
                  -“Đôxtoevxki! Anh sẽ trở thành vĩ đại!”
      Thật kỳ lạ, 30 năm sau, văn hào Đôxtoevxki lừng lẫy khắp châu Âu, tuy có nhiều bất đồng về quan điểm triết học với nhà phê bình đã khuất, nhưng vẫn rất mực chân thành tâm sự qua Hồi ký: “Tôi không bao giờ quên giây phút gặp gỡ ấy, giờ đây tôi vẫn nhớ rõ giây phút ấy với tất cả niềm say mê!”Điều đáng buồn là nhà phê bình lỗi lạc này đã khuất núi quá trẻ vì bệnh lao, mà không còn nghe thấu những lời tri ân chân thành từ các thế hệ tiếp bước.  
    Với đôi mắt tinh đời, Belinxki trực tiếp khuyên Turghenev(1818-1883) - người bạn chí thân - rời bỏ ghế giảng viên Triết học ở đại học Peterbua để lao vào sáng tác, bởi nhà phê bình đã đoán nhận ra tài năng của bạn, sau khi đọc một số truyện ngắn đầu tay. 40 năm sau, Turghenev trở thành phó chủ tịch Hội Văn bút châu Âu, bên cạnh chủ tịch V.Hugo. Trước lúc từ giã cõi đời tại Paris, văn hào Nga đã trối trăng lại, mong được chuyển quan tài mình về chôn cạnh mộ Belinxki ở thủ đô S.Peterbua-nước Nga.
      Quả thật, đôi mắt tinh tường với vốn văn hóa Đông Tây kim cổ mênh mông và khả năng phát hiện sắc sảo, gắn liền với bản lĩnh vững vàng, dũng cảm bảo vệ các tài năng, nhà phê bình đã chắp cánh cho nhiều thế hệ trẻ bay lên, thực sự làm giàu cho nền văn chương cổ điển cùng với nền lý luận phê bình đồ sộ của nước Nga.        
    Ngày nay, những ai đến thăm ngôi trường đại học Tổng hợp Moxkva cổ, chắc chắn sẽ nhìn thấy chiếc bàn lưu niệm, nơi cựu sinh viên Belinxki từng ngồi học, được trân trọng giữ lại làm biểu tượng về một thiên tài lỗi lạc.
     Giữa thế giới văn chương nghệ thuật mênh mông, thì ngành phê binh xưa nay vẫn luôn là một khoa học cần thiết và bổ ích, tựa như vườn hoa đẹp, phải chăng cũng cần có người chăm sóc nhiệt thành và giỏi chuyên môn đích thực?..../.                                

                                                               ***  
                                               
                                                                                 NTLịch(KhoaVănĐHQGHN)
                                                                                (T/cLýluậnphêbínhsố2/2012)