Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Có một thừi không thể nào quên

Nhà giáo Phạm Thị Lài
Thứ năm ngày 22 tháng 11 năm 2012 8:36 PM

Trong cuộc đời con người ta, vinh hoa, phú quý, viên mãn chưa chắc đã có kỷ niệm để nhớ. Mà trái lại khi gian khổ, khó khăn đằm thắm tình người lại có bao kỷ niệm khó quên. Nó chạm khắc vào tâm trí  những ký ức khó phai mờ và mỗi khi nhớ lại, nó sống dậy, mênh mang, da diết…
Đúng vậy! Trên bàn viết trước mắt tôi lúc này đây là những bức thư, những tác phẩm văn học, những tấm bưu thiếp, tấm ảnh của cậu học trò “cưng” giỏi văn của tôi năm nào giờ đã là nhà văn Quân đội Nguyễn Minh Ngọc. Dẫu cô trò chúng tôi đã xa cách nhau hơn 30 năm mà em vẫn nhớ về tôi, vẫn kính yêu trân trọng. Tôi là một giáo viên Trung học phổ thông đã gắn bó với nhà trường với bao thế hệ học trò qua 33 mùa cúc vàng, phượng đỏ. Đã từng dạy văn, làm cán bộ quản lý, đời nhà giáo vốn: “Ngọt ngào ý vị” nên cũng chất đầy bao kỷ niệm buồn vui… Nhưng với những năm tháng mới vào nghề và với Minh Ngọc thì có thể nói: “Có một thời để nhớ, có học trò không thể nào quên”.
Tháng 9 năm 1972 sau khi tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Sư phạm Vinh về tỉnh nhà nhận công tác, tôi được Ty (Sở) Giáo dục Hà Tĩnh phân công về dạy học tại trường cấp 3 Trần Phú - Đức Thọ ở xã Đức Thủy, cách nhà 30 km (Quê tôi ở Hương Sơn). Mới bước vào nghề còn nhiều bỡ ngỡ, lại còn bao gian nan vất vả, khi đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục leo thang bắn phá miền Bắc. Nhưng được cái vốn là con em nông dân lại có tuổi thanh xuân được rèn luyện và trưởng thành trong những năm tháng chống Mỹ nên dù gian khổ đến đâu tôi cũng quyết phấn đấu hoàn thành.
Tôi được nhà trường phân công dạy văn 3 lớp 8B, 8C, 8G và làm chủ nhiệm lớp 8B (lớp 10 bây giờ). Lúc bấy giờ dạy 3 lớp văn và làm chủ nhiệm là nặng lắm rồi. Nhưng trong không khí chung của nhà trường đầm ấm, thân ái đầy khí thế thi đua làm theo lời Bác dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”. Giáo viên chúng tôi ở trọ trong nhà dân, đi bộ, lán học cách nhau hàng cây số, ăn cơm tập đoàn. Nói là ăn cơm nhưng thực ra bữa mỳ, bữa ngô, bữa cơm độn. Thế mà vui. Cứ mỗi sáng tinh mơ kẻng nhà trường vang lên là giáo viên từ các nhà trọ chạy về sân văn phòng nhà trường tập thể dục và đêm sinh hoạt chi đoàn, công đoàn dưới ánh đèn dầu vặn nhỏ, hoặc dưới ánh trăng vẫn vang lên tiếng ca tập thể với những bài ca hào hùng sôi nổi: “Bác cùng chúng cháu hành quân”, “Giải phóng miền Nam”, “Trần Phú trường ta”… Tiếng đàn ghi ta vẫn bập bùng hòa nhịp. Rồi những ngày đi lấp hố bom, san đường đoạn cầu Chợ Giấy, gánh gạo trung chuyển vào kho Song Lộc, v.v…
Mặc dù là công việc bề bộn khẩn trương, mặc dù nhiều tiết học còn dở vì tiếng máy bay phản lực gầm thét, tiếng bom nổ rát bỏng màng tai, thầy trò phải xuống hầm trú ẩn, nhưng việc dạy học vẫn nghiêm túc lạ thường. Tôi cũng đã hết sức cố gắng chăm lo từng trang giáo án, nên đã nhiều tiết dạy được đồng nghiệp ghi nhận sự phấn đấu và những năng lực tiềm ẩn.
Một học kỳ trôi qua, tôi được nhà trường giao thêm nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Đây là một thử thách lớn với một giáo viên mới vào nghề. Nhưng tôi rất quyết tâm. Muốn bồi dưỡng học sinh giỏi việc chuẩn bị kiến thức bài giảng chưa đủ mà phát hiện đúng học sinh có năng lực để chọn vào đội tuyển. Thế rồi từng tiết dạy tôi chú ý nhiều hơn đến năng lực cảm thụ, tiếp nhận bài giảng của học sinh khi nghe giảng qua từng đôi mắt. Phải nói rằng ánh mắt học trò ngời lên giao cảm là thông điệp năng lực của các em, là một thứ ngôn ngữ không lời với thầy cô giáo.
Và tại lớp 8G tôi đã thật sự tin cậy và cảm mến với một đôi mắt đen tròn ánh lên hứng khởi khi gặp những câu giảng hay, những tình huống hấp dẫn. Đó là đôi mắt cậu học trò Nguyễn Minh Ngọc mà bây giờ đã là một thành viên Hội Nhà văn Việt Nam, một nhà văn Hà Tĩnh được đặt cạnh các nhà văn tiền bối… Để kiểm chứng đầy đủ năng lực của Minh Ngọc, tôi đã ra thêm bài làm, đã chấm vở. Thật quả là phấn khởi, bài vở của em sạch đẹp rõ ràng, văn phong gọn gàng, trong sáng. Đặc biệt chữ viết rất đẹp, vừa chân phương lại vừa ánh lên vẻ sắc sảo, bác học. Tôi đã chọn ở lớp 8G hai em vào đội tuyển HSG là: Nguyễn Minh Ngọc (số 1), Phan Quốc Lữ (số 2, bây giờ Lữ dạy học ở Đại học Đà Lạt đã hoàn thành luận án Tiến sĩ) báo cáo cho nhà trường, được thầy Hiệu trưởng và tổ Văn chấp nhận. Khi về lớp vui mừng thông báo lại cho các em, thì một tình huống cảm động đã xảy ra.
Sau buổi học, tôi về nhà trọ thì thấy Ngọc đã đứng ở ngõ vẻ mặt hơi buồn, tôi mời em vào nhà. Em nói: “Thưa cô! Em rất cảm ơn cô đã dìu dắt, tin cậy và cho em vào đội tuyển học sinh giỏi. Nhưng cô ơi! gia đình em khó khăn lắm. Bố thì đi công tác, mẹ và các em của em thì đi sơ tán mãi trong Đức Lĩnh. Còn em ở lại với bà con ở Đức Quang. Bom đạn, đường sá xa xôi, có lẽ rồi em phải bỏ học cũng nên”.
Lúc ấy nhìn vào đôi mắt buồn sáng trong, khuôn mặt tròn bầu bĩnh và dáng hình thấp nhỏ so với bạn bè của Ngọc, tôi thấy thương em vô cùng. Lặng đi một phút tôi tiếp lời:
- Ngọc à! Lên được cấp 3 để học là tốt lắm rồi, vả lại em lại học khá giỏi, chăm ngoan, hãy cố gắng vượt lên đừng bỏ học em ạ. Cô thấy em có năng khiếu môn văn thật sự. Em hãy vào đội tuyển học sinh giỏi đi, đừng phụ lòng cô. Còn đường xa hôm nào học cả ngày (cả học bồi dưỡng) em ở lại ăn cơm tập đoàn với cô, đừng ngại. Nhà cô, ông bà chỉ có mình cô thôi, nên chủ nhật nào cô cũng về. Tiêu chuẩn gạo ngô của cô ở tập đoàn hàng tháng vẫn thừa, cô không phải mang về đâu. Nghe lời cô, cố gắng lên em nhé”.
Sau nghi nghe tôi trao đổi tâm tình, Minh Ngọc như vui hơn, quyết tâm hơn, rồi em vào đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh đạt giỏi. Tôi vô cùng phấn khởi, càng thương yêu, quý trọng em hơn.
Lại nói về gia đình của Ngọc đúng là một gia đình nền nếp gia giáo. Bố mẹ Ngọc dù chưa gặp nhưng rất quý trọng tôi “Thương con nhớ nghĩa thầy”. Có lẽ mọi chuyện về học hành, về cô giáo dạy văn, chắc em đã thưa hết cùng bố mẹ. Nên một ngày giáp tết (ÂL) năm 1972, tôi thật sự bất ngờ, với chiếc xe đạp Thống Nhất đã cũ, Ngọc đã băng qua mấy chục cây số đường rừng đến nhà tôi cùng những món quà giản dị chân tình mà bố mẹ Ngọc đã chuẩn bị và cho con một mình vượt đường xa đến chúc tết cô giáo và gia đình. Tôi lại một lần nữa cảm động đến trào nước mắt vừa biết ơn phụ huynh vừa lo cho chú “trò cưng” trên đường trở lại nhà.
Và rồi một ngày đầu năm 1975, Minh Ngọc lại đến vừa gãi đầu vừa cười: “Em đến chào cô để em đi bộ đội đây!”. Tôi biết ở thời điểm này, thanh niên học sinh ở các nhà trường, giảng đường, làng quê, góc phố đều sẵn sàng tòng quân cứu nước. Nên cái “thông báo” mà Minh Ngọc đem đến cho tôi cũng là tất yếu thôi. Tuy nhiên, tôi buồn. Cái buồn chia tay vẫn cố giấu trong lòng tươi cười nói:
- Ừ! Em lớn thật rồi, trúng tuyển rồi, lên đường nhập ngũ, cô luôn cầu chúc cho em mạnh khỏe “chân cứng đá mềm”. Cô cũng chẳng có gì làm kỷ niệm cho em, chỉ có tập thơ “Đầu súng trăng treo” tặng em để lúc nghỉ ngơi đọc cho vui và nhớ về cô”. Rồi tôi bắt tay em rất chặt và đọc câu thơ kết của bài thơ “Đầu súng trăng treo” của nhà thơ Chính Hữu:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau, chờ giặc tới.
                     Đầu súng trăng treo”.
Hẹn Ngọc ngày gặp lại. Còn em cũng xúc động nói lời chúc tôi ở lại và hứa sẽ rèn luyện phấn đấu để không phụ công ơn dạy dỗ của thầy cô.
Thế là cô trò chúng tôi xa nhau. Đất nước đã hòa bình thống nhất, mỗi người một phương và có bao biến cố trong cuộc đời. Rồi đến năm 1998, có em học trò của tôi đi thi Đại học ở Hà Nội về báo lại:
- “Thưa cô trên tàu em gặp một chú bộ đội mang quân hàm Thiếu tá không quân, qua trò chuyện chú biết em ở Hà Tĩnh và hỏi thăm về cô, chú nói chú là học trò của cô, em kể cho chú nghe chi tiết về cô, chú mừng lắm. Nói chuyện với chú thú vị lắm cô ạ! À mà em quên mất tên chú rồi”.
Nghe cậu học sinh kể lại, dẫu đã có bao thế hệ học trò đã chia tay thành đạt, nhưng tôi vẫn linh cảm đó là Minh Ngọc.
Đến một ngày đầu thu năm 1999, lúc này tôi vẫn đang là Phó hiệu trưởng của một trường THPT, tại phòng làm việc của mình, tôi nhận được bức thư đầu tiên của Ngọc. Bức thư viết cẩn thận, khá dài với tình cảm chân thành, em kể cho tôi khá tỉ mỉ về em từ khi xa tôi đến nay. Đọc thư em tôi đã khóc, đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Đặc biệt những lời trong thư em làm tôi bồi hồi nhớ về kỷ niệm, nhớ về em.
Em viết: “Thưa cô! Có thể em nói ra điều này chưa hẳn cô đã tin, nhưng thực sự ngần ấy năm, em đã đi khắp đất nước, sống và tiếp xúc với đủ hạng người, nhưng chưa bao giờ em quên được hình ảnh của cô. Suốt đời em chẳng bao giờ quên cái suất cơm tập đoàn còm cõi mà cô đã nhường em buổi trưa cái năm lụt 1972. Lòng nhân hậu, sự bao dung của cô đã cho em cái can đảm để vào đời và trở thành một nhà văn Quân đội, phần lớn những gì em đạt được trong những ngày qua có công lớn của cô. Nếu ngày ấy không gặp cô có khi em đã bỏ học… (trích thư Minh Ngọc ngày 9-10-1999). Ở một bức thư khác Minh Ngọc lại nhắc đến tập thơ cô làm quà kỷ niệm cho em ngày trước: “Cô đã tặng em tập thơ “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu, tập thơ ấy in trên giấy tốt do Văn Cao minh họa rất ấn tượng, đến nay em vẫn còn giữ được…”…
Từ đó cho đến nay cô trò chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau. Dù công tác bận rộn bao nhiêu nhưng mỗi khi có tác phẩm được xuất bản, được giải thưởng, Minh Ngọc vẫn viết thư kể cho tôi nghe đầy đủ và gửi tác phẩm về biếu để tôi đọc. Những sự thành đạt trong quá trình phấn đấu trưởng thành, những “đứa con đẻ tinh thần” của Minh Ngọc đã gửi về cho tôi là những món quà vô giá, là chất sống diệu kỳ giúp tôi khỏe trẻ hơn, yêu nghề hơn và đạt được khá nhiều thành tích.
Cái điều đọng lại trong tôi với Minh Ngọc là nỗi nhớ, là niềm tự hào đến kính trọng cái tình cảm thầy trò trong em, với tấm chân tình của em, sự cẩn thận trong từng dòng thư em gửi cho tôi… Tất cả và tất cả với Minh Ngọc là Viên ngọc sáng mà tôi có được trong cuộc đời dạy học.
Và những ngày mới vào nghề ở trường cấp 3 Trần Phú với tôi là: “Một thời không thể nào quên”.
           P.T.L
Rút trong tập “Năm tháng mãi còn ghi”- Hội cựu giáo chức Hà Tĩnh xuất bản 11-2005.
Nhà giáo Phạm Thị Lài hiện sống ở khu phố 5, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh. Điện thoại (NR): 039.3835272 . Di động: 0167931734.