Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đất làng và tình yêu từ đất của Đặng Cương Lăng

PGS.TS.Trần Thị Trâm
Thứ sáu ngày 23 tháng 11 năm 2012 6:11 PM

(Nhân đọc tập thơ Đất làng của Đặng Cương Lăng, NXB Hội Nhà văn, 2012)

Ngày cùng học ở trường cấp III Bình Lục, trong khi đám con trai lớp 10C tinh nghịch với bao nhiêu quái chiêu của lũ quỷ học trò thì lánh sang một bên anh “Hai Lúa” Đặng Cương Lăng thường dấu mình đi và sống rất lặng lẽ, lặng lẽ đến mức các bạn trong lớp chẳng biết bao nhiêu về anh và với nhiều người chúng tôi, có vẻ như anh chàng cù lần này chẳng để lại dấu ấn gì. Suốt 40 năm, kể từ ngày ra trường, bạn bè đồng môn nhiều lần tụ tập nhưng không thấy Lăng tham gia và chúng tôi hầu như cũng không nhắc tới anh. Cho đến một ngày thật bất ngờ khi chỉ trong một năm Lăng ẵm liền 2 giải: giải nhất cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm hồn Việt” và giải tư cuộc thi “Thơ ca và cội nguồn” rồi nghiễm nhiên trở thành hội viên Hội nhà văn Hà Nội và liên tiếp trong 4 năm (2009-2012) trình làng 4 tập thơ: Trở về, Thắp lửa, Khát vọng và giờ đây là Đất làng, với tổng số lên tới mấy trăm bài.
Chừng đó đã đủ để coi là thành công đối với một người cầm bút (dù chuyên nghiệp hay không chuyên), bởi số lượng đã cho thấy bút lực của tác giả, còn những giải thưởng sang trọng anh liên tiếp nhận được từ ban giám khảo của các cuộc thi thơ khác nhau đã phần nào khẳng định được chất lượng của thơ Anh. Và cái tên Đặng Cương Lăng bắt đầu trở nên quen thuộc đối với đông đảo dân cư trên mạng Internet…
Rồi chính những đứa con tinh thần mà anh dồn hết tinh lực viết ra ấy đã trở thành vị sứ giả nối kết Lăng với rất nhiều bè bạn, đặc biệt là đám bạn đồng hương, đồng học từ hồi phổ thông, giờ đang trôi dạt đâu đó trong cái thế giới phẳng này. Nhiều người gọi điện, tìm đến anh để chia sẻ niềm hạnh phúc và từ ngỡ ngàng chúng tôi hãnh diện về anh vì thấy trong thơ anh hình bóng của chính mình - một thế hệ vốn là “những kẻ quê mùa nay thành trí thức” (Chế Lan Viên). Đó là những trí thức bình dân, lớp người rất ham học, cần cù, chịu khó, tâm hồn trong trẻo và đầy lãng mạn. Đó cũng là những người giàu nghị lực, thừa nhiệt huyết, luôn không ngừng vươn lên với khát vọng đổi đời. Từ bùn đất lấm lem của cái làng quê Bình Lục “đồng trắng nước trong” thuộc tỉnh Hà Nam, một tỉnh rất nghèo của đồng bằng Bắc Bộ và vì nghèo mà hiếu học, trước khi thành kỹ sư, bác sĩ, giảng viên ở các trường đại học, họ đã từng lăn lộn bới đất nhặt cỏ để mưu sinh nên tình yêu của họ với đất thật đậm đà. Dường như có một nghịch lý: cái quê hương càng nghèo thì tình quê càng sâu nặng. Với Đặng Cương Lăng tình yêu ấy được tăng lên theo cấp số nhân bởi khác với chúng tôi, suốt 40 năm qua do công tác ở ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên anh luôn gắn bó với đất và có mối quan hệ vô cùng mật thiết với nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Mối quan hệ máu thịt ấy đã đưa đến cho chàng trai chân quê có trái tim nhân hậu Đặng Cương Lăng một phát hiện quý giá, tìm thấy một chân lý giản dị mà vô cùng minh triết, rằng: đất mẹ dấu yêu chính là nơi lưu giữ hồn thiêng dân tộc và  xuất thần để có được chùm thơ xuất sắc. Để rồi với con mắt xanh, ban giám khảo của cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm Hồn Việt” đã nhận ra anh từ hàng trăm gương mặt thơ đang tỏa sáng trên thi đàn và quyết định trao giải cao nhất cho tác giả. Và cũng vì tình yêu tha thiết đất làng mà hơn ai hết anh hiểu nỗi chuân chuyên vất vả và thêm yêu thương những người nông dân suốt đời bán mình cho đất, có thái độ phẫn nộ trước những ngang trái ở đời làm cho nhiều bài thơ của anh có được chiều sâu nhân bản rồi đến được với quy luật của cái đẹp. Rõ ràng, so với mọi nghề khác trong xã hội, nghề nông là nghề khó nhọc, lam lũ nhất, nghề làm thật mà ăn giả, đời sống thì lúc nào cũng bấp bênh vì luôn gặp phải rủi ro ngẫu nhiên từ thiên tai địch họa. Anh càng biết rõ rằng, mọi bất cập của cuộc sống đương thời hầu như đều bắt đầu từ đất. Đất không chỉ là vấn đề thời sự nóng nhất hiện nay mà còn là vấn đề gay cấn có tính chất lâu dài đối với một quốc gia nông nghiệp đa phần là nông dân như đất nước mình. Vì vậy, những quan tâm của anh về đất cũng hơn người và nỗi đau của anh về đất cũng hơn người, từ đó có thể lý giải vì sao anh lại đặt tên tập thơ mà anh ấp ủ đã lâu là Đất làng, vì sao anh thường nhạy cảm trước những hệ lụy từ đất đai, vì sao dù là người trong cuộc mà anh vẫn cứ ngỡ ngàng trước sự đảo điên đến chóng mặt đang diễn ra hàng ngày ở mỗi làng quê:
Vẫn là ruộng mật bờ xôi
Mà nay bỗng chốc lên ngôi đất làng
(Đất làng)
Và cũng cắt nghĩa được lý do đã làm anh đớn đau, xa xót đến thế mỗi khi nhìn thấy cảnh những người nông dân hiền lành nhẹ dạ cả tin cứ dửng dưng nở đem bán mảnh đất thiêng đã từng nuôi sống bao thế hệ, vì sao họ cứ vô cảm lạnh lùng xóa đi những dấu vết trinh thiêng ngàn đời ẩn chứa trong lòng đất mẹ:
Một thời nhẹ dạ cả tin
Lỗi lầm đem bán cả miền khói hương
(Đất làng)
Đọc Đất làng của Đặng Cương Lăng ta luôn thấy nồng nàn một tình yêu với đất và một nỗi đau cũng bắt đầu từ đất. Hai tình cảm ấy đan dệt vào nhau tạo thành dòng chủ lưu, làm nên cái xương sống vững chắc của toàn bộ thi phẩm. Dĩ nhiên, là tiếng nói tình cảm, thơ anh còn thể hiện nhiều cung bậc phong phú khác của tình cảm. Anh cũng viết về những miền quê nơi anh đã đi qua như cố đô Huế (Tìm về Huế xưa, Vỹ Dạ xanh), hay xứ kinh Bắc với làng tranh Đông Hồ và đến Đô lịch sử (Tranh Đông Hồ, Đền Đô), về tình yêu tha thiết biển đảo thiêng liêng (Biẻn mặn nồng, Biển hát, Lính đảo về thăm quê). Anh cũng dành rất nhiều tình cảm cho người mẹ hiền luôn thao thiết đợi anh nơi căn nhà nhỏ (Trở về chốn xưa), dành nhiều tâm sức để thể hiện niềm cảm thương vô hạn người chị gái bạc phận (Chị tôi), trút hết lòng mình để nói về nỗi đau khi tạo hóa bắt đứa cháu nhỏ sớm lìa trần (Cháu ơi!), nói về  nỗi nhớ thương không gì khỏa lấp nổi người anh trai liệt sĩ đã 38 năm nằm lại Trường Sơn bạt ngàn nắng gió (Bóng anh trở về) và luôn biết cảm thông, sẻ chia với những thân phận bé nhỏ tội nghiệp, vô danh, côi cút (Thân cỏ)… Đặc biệt, anh đã dành rất nhiều yêu thương cho người vợ thảo hiền, tháng ngày như mặt trăng chỉ biết tỏa sáng vì người khác. Thói thường, đàn ông khi có tuổi hay làm thơ tình để tặng những bóng hồng ngang qua cuộc đời mình, còn Đặng Cương Lăng viết cho người vợ tao khang mà nghĩa tình vẫn như bát nước đầy, không hề vơi cạn và bằng một lối viết rất mộc mạc mà chân thực, bởi đi đến tận cùng cái đẹp chính là sự giản dị:
Biết bao mưa nắng dãi dầm
Vợ tôi nào khác thân tằm sớm hôm
(Vợ tôi)
Giống như Tú Xương, thương vợ, biết ơn người vợ đảm đang, khó nhọc, anh luôn day dứt tự trách mình và cứ thấy kẻ làm thơ như mình sao mà vô tích sự: cứ ngu ngu ngơ ngơ, khờ khờ dại dại để người vợ chân yếu tay mềm phải còng lưng gánh vác hết thảy việc nhà:
Còn tôi sao cứ mơ màng
Chuyện trăng, chuyện gió, mênh mang biển trời
Việc to việc nhỏ trên đời
Vợ tôi gánh vác cả trời gió giông
(Vợ tôi)
 Nhưng có lẽ nỗi đau lớn nhất của người đàn ông làm thơ ấy là phải hàng ngày chứng kiến thói đời đen bạc, giả trá, đảo điên, là vấn đề đạo đức đang có nguy cơ bị băng hoại:
Ngoài chợ bán cả ông Tiên
Trao tay bằng cấp để phiên chợ gầy
Hỏi rằng có bán thẳng ngay
Xin mua cả mớ thơ ngây với mình
(Chợ đời)
Có lẽ, ở tuổi tri thiên mệnh, đi nhiều, hiểu đời nhiều anh đã ngộ ra bao ngoắt nghéo trong bộn bề  cuộc sống, vì thế mà thơ anh càng ngày càng hàm ngậm thêm những triết lý nhân sinh sâu sắc:
Đi rừng mới thấy nhớ sao
Leo núi mới thấy núi cao lưng trời
Bên vực thẳm bên mây vời
Giữa cao với thấp cuộc đời hèn sang
(Lên cao)
Những người đi cầu phúc
Phúc ở bến mù khơi
Những người đi giải họa
Họa ở chín tầng mây
Mà sao người không biết?
Phúc, họa đầy trên tay…
(Phúc –họa)
- Bớt đi tham vọng con người
Năm dài tháng rộng cuộc đời nhẹ tênh
- Bớt đi thù hận oan sai
Mưa giông rồi tạnh, nắng mai bên thềm
(Bớt đi)
Đất làng gồm cả thẩy 59 bài thơ, được chia thành nhiều chùm khác nhau nhưng có thể nói, những bài hay nhất đều là những bài tác giả viết về tình đất, tình người. Đó là: Đất làng, Chợ đời, Trở về, Một đời, lên cao, Chị tôi. Với Đặng Cương Lăng. tình yêu thẳm sâu từ đất đã nâng cánh cho thơ anh, để anh có thể đi từ chân trời của một người đến chân trời của nhiều người, đã giúp anh thăng hoa để có được thành công . Vẫn biết, thơ là tiếng nói tình cảm nhưng tình cảm bao trùm trong Đất làng chủ yếu là tình yêu dành cho đất, cho làng quê nơi đất sinh sôi. Dời làng ra phố đã lâu nhưng con người anh vẫn giữ được cốt cách của một anh trai làng giữa phố thị, thơ anh vẫn rất ít mùi phố phường mà ngược lại, mỗi câu mỗi chữ đều toát lên mùi đất bùn, rơm rạ. Thân ở phố mà tâm vẫn neo đậu nơi bến quê nên hồn thi nhân cứ mơ màng, chập chờn trong trạng thái kẻ ngụ cư. Chỉ mỗi khi về với đất, với  làng, hay đến với thiên nhiên hoang sơ anh mới có được một tâm trạng trẻ trung, thư thái, phới phới của một người vừa tìm được chính mình:
  Hồn biển mộng mơ
  Cỏ non ngơ ngác
  Nụ cười ngây thơ
  Trời xanh ngây ngất
(Hoang sơ)
 Bởi dù đi đâu thì Đặng Cương Lăng vẫn là chàng trai làng Vọc, vùng đất chiêm khê mùa thối nhưng thấm đẫm ân tình. Những dấu ấn đầu đời ấy không bao giờ phai nhạt, tình yêu từ đất chính là bí quyết làm nên giá trị của Đất làng. Quả thật mỗi người có một vùng hiện thực để phát sáng. Với anh đó chính là đất mẹ thân yêu, nơi mà khi xa anh da diết nhớ và luôn khát khao trở về chốn quê an lành để tắm mình trong miền cổ tích bình yên Nên như từ vô thức, điệp khúc trở về luôn trở đi trở lại trong nhiều bài thơ sáng giá của anh:
Trở về về với biển sóng trào
Lòng ta nắng hạn mưa rào nhớ mong
Trở về với những dòng sông
Trỗi lên khát vọng cánh đồng sao rơi
(Trở về)
Cho tôi trở về miền cổ tích
Tắm hồn mình dưới ánh sáng ngàn sao
(Cho tôi trở về)
 Nhưng mơ ước vẫn chỉ là ước mơ, khát khao níu kéo quá khứ, thậm chí lẩn thẩn mong cuộc sống thôi đừng hiện đại nữa để giữ lại được mãi mãi những gì của ngày xưa. Nhưng nào có ai tắm hai lần trên một dòng sông, nên người thơ đành ngẩn ngơ làm một cuộc hành trình đi kiếm tìm cái đẹp đã bị đánh mất rồi băn khoăn tìm lời giải đáp trong vô vọng:
Bờ tre tiếng gió mơ màng
Có đàn cò trắng bàng hoàng bay xa
(Chợ đời)
Đông Hồ còn mấy nghệ nhân
Chợ tranh mai một nỗi niềm về đâu ?
(Tranh Đông Hồ)
Và có lẽ chỉ thơ mới có thể giúp anh trở về với cõi mơ nên những kỷ niệm xa xanh ấy lần lượt được đồng hiện trong thế giới nghệ thuật của tác giả. Hàng loạt mã văn hóa mang hồn vía của đất làng với những cô Tấm, trái thị, vàng anh, cây đa, bến nước, hàng tre,hàng cây râm bụt, tiếng ếch uôm uôm, những cánh cò trắng muốt, những cánh bướm tuổi thơ chập chờn, những chiếc lá sen em đội trong mưa, những ngôn từ lấm lem bùn đất … và cả thể thơ lục bát quen thuộc trong ca dao đã xuất hiện trong thơ Đặng Cương Lăng với một tần số lớn. Đó chính là những mã văn hóa dân gian vốn rất đậm, rất sâu trong tiềm thức giờ đây bừng thức dậy giúp anh viết rất nhanh và có vẻ khá dễ dàng.
Nếu con người kỹ sư nông nghiệp Đặng Cương Lăng trưởng thành là nhờ được ăn lộc đất thì tâm hồn nhà thơ Đặng Cương Lăng lại được nuôi dưỡng bởi nguyên khí của vùng đất văn vật quê hương. Quanh nhà anh chừng 10km đã sinh ra tới năm văn nhân nổi tiếng với những tác phẩm để đời mà chủ yếu là viết về mảng đề tài quen thuộc làng quê. Đó là Cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến với những kiệt tác về mùa thu, là nhà thơ chân quê Nguyễn Bính, là nhà văn hiện thực xuất sắc Nam Cao với Chí Phèo Lão Hạc, là cụ Tú Thành Nam Trần Tế Xương với những phóng sự bằng thơ, là Á Nam Trần Tuấn Khải, tác giả bài Gánh nước đêm và bài ca dao nổi tiếng: Anh đi anh nhớ quê nhà.
Đất đã cho nuôi sống anh, đã tưới tắm cho tâm hồn anh, không chỉ nuôi anh khôn lớn, cho anh sức mạnh mà còn cho anh nét tinh tế của tâm hồn để anh trở thành thi sĩ.
Do cái tạng của mình, thơ anh thường nghiêm ngắn, ăm ắp tình cảm và đầy tinh thần trách nhiệm. Sự mộc mạc của tâm hồn và góc nhìn đạo đức làm cho thơ anh thấm đẫm ân tình song người đọc có cảm giác chúng có vẻ như còn ít những bứt phá ngoạn mục, có vẻ như còn ít chất tài tử. Và vẫn còn đôi chỗ dễ dãi, vẫn còn những sáo mòn thể hiện sự thiếu dụng công của người viết.
Mà bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, là không ngừng đổi mới, là không được lặp lại người khác và nhất là không được lặp lại chính mình. Nghệ thuật bao giờ cũng cần một sự độc sáng. Chúng tôi không chúc anh thuận buồm xuôi gió. Mong rằng sau Đất làng, không tự bằng lòng với mình, Đặng Cương Lăng vẫn đủ nghị lực vượt lên phía trước và tình yêu từ đất sẽ mãi mãi là ngọn nguồn tạo nên tinh hoa để anh có được những câu thơ trong trí nhớ bạn đọc xa gần.
Hà Nội, 16/11/2012