Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hững hờ nguyên vẹn

Trịnh Sơn
Thứ bẩy ngày 24 tháng 11 năm 2012 6:28 PM


Trong vương quốc chữ nghĩa, Thơ – tự bản thân nó vừa là một vị quân vương quyền uy với thanh kiếm báu được tôi luyện, nung rèn bằng tinh hoa cõi người trên lửa thời gian, vừa là đám đông thần dân quằn quại trong vui buồn sướng khổ trong cuộc truy tìm hạnh phúc cuộc đời. Thanh kiếm bén ngót lóe ánh kim dưới ánh mặt trời soi rõ đồng tử nhân gian. Có bao nhiêu cá thể trong bầy đàn nhan nhản hiện diện ở thế giới chất chứa bề bộn tâm hồn và thể xác này chung cùng một màu mắt? Khi tôi ngước nhìn đám mây rẽ trái tại vòng xoay đá dựng năm nảo năm nào khi chưa xảy ra binh biến ly loạn, đám mây chỉ là đám mây vô tâm. Khối ấy sắc ấy hình ấy, chỉ là phản chiếu của vòng tao ngộ đất trời. Cho đến lúc, đá dựng được gán tâm sầu bi với tên gọi não nùng kiêu hãnh là Hòn vọng phu, vòng xoay thế thái không cho đám mây vô tâm có bất cứ một quyền lựa chọn nào. Rơi hoặc không rơi. Còn hoặc không còn. Rơi là còn mà không rơi cũng còn. Ngác ngơ cỏ cây ưỡn ngực cùng tứ chi bảy lỗ rỗng không hứng vũ trụ vào dòng nhựa miên man. Đời người khác gì một chuyến xe bus. Bước lên, loay hoay kiếm tìm chỗ của mình, đọc báo hoặc nghe nhạc, ngó con đường chạy ngược hay nhắm mắt thả mình vào gia tốc hình sin, đợi chờ bến đỗ của mình. Của mình và của ai? Bến đỗ nay và chỗ ngồi kia? Chuyến xe bây giờ rồi chuyến xe tưởng tượng kế tiếp nữa? Trong vương quốc chữ nghĩa, pháp luật là hình phạt của chính nó. Và, con đường là một khái niệm ký sinh trên hỗn loạn trăm ngàn khái niệm khác.
Thơ – tự bản thân nó không phân biệt được mình đang ngự trị trên ngai vàng của vua chúa huy hoàng lẫm liệt hay lầm lũi an phận làm “con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Trước giờ, Kiều làm hao tổn biết bao nhiêu cánh rừng của người Việt? Kiều làm hoen ố và làm trong sạch biết bao nhiêu tâm tư Việt? Nguyễn Du nào có lỗi. Thanh Tâm tài nhân nào có lỗi. Lỗi sinh sôi từ những cái miệng há hốc từ những tròng mắt trợn ngược trước Tiền Đường của riêng mình. Nguyễn Du đâu thể vớt Kiều ra khỏi vòng tay của Thanh Tâm tài nhân, ông chỉ có thể cho Kiều thêm một vài mảnh từ bi cốt lõi của một dân tộc thiểu nhược. Mảnh nào cũng sắc, lóng lánh mê mị và bất chợt cứa vào da thịt người ta đau điếng rướm máu mới thôi. Ai trong chúng ta hôm nay, chẳng đôi ba lần tự cứa mình hoặc tự nguyện được cứa bởi cái gọi là mảnh từ bi truyền thống ấy? Thơ, chẳng là miếng bông băng thấm khô máu, vá lành vết thương hay phương thuốc kiềm hãm nỗi đau. Thơ là thuốc độc, theo cửa ngõ vừa khai thông ấy đi sâu vào bản chất người ta bằng hai bàn chân không phân biệt. Không phân biệt nghĩa là phủ định sự phân biệt, nghĩa là có phân biệt. Buồn và không buồn, vui và không vui, đau và không đau, tin và không tin… - tính Không của Thơ là bao hàm tất cả những cái Có: có vui, có buồn, có đau, có tin… Cho đến bao giờ không vui, không buồn, không đau, không tin… thì ngày tận thế đã đến. Một thế giới toàn là Thích ca và Giê-su. Một cơn đại hồng thủy ngập tràn tàu Nô-ê. Một địa ngục giăng kín tơ nhện cứu độ. Một thiên đường cửa nào cũng rộng mở với ông Piere nhân từ chẳng nỡ chối bỏ ai. Thơ không cho phép điều đó xảy ra, nhưng không bằng cách của bất kỳ luật lệ hay luân lý định đoạt nào. Thơ không phán xét người ta. Thơ thanh mảnh như eo thon con gái chờ bàn tay dịu ngọt phán xét chủ thể mình.
Có lẽ thế, Thơ ngụp vào đời Thơ lặn vào người, làm nên người thơ và đời thơ. Những tấm áo khoác cho thơ chỉ là vóc của người chỉ là vải của đời chứ đâu phải dành cho Thơ. Nếu gặp Thơ, bạn có biết mình đang gặp Thơ?
Nếu đối diện một bìa sách màu tro xám những nét gạch xóa có chủ ý với tên gọi “BUỔI CÂU HỜ HỮNG”, bạn có thể tự mình gập ghềnh khúc khuỷu rằng: “Khi thấy dòng chữ Buổi câu hờ hững – nhan đề tập thơ Nguyễn Bình Phương mới ra mắt bạn đọc – trong tôi chộn rộn những ngạc nhiên. Xưa nay vẫn có quan niệm câu cá là một cánh cửa dẫn đến thiền dành cho bậc chân tu, ẩn sĩ. Dẫu biết câu cá là niềm vui của Nguyễn Bình Phương bấy lâu, nhưng khi lấy đó làm nhan đề tập thơ thì có lẽ lại là chuyện khác. Phải chăng nhà thơ, giữa độ tuổi “nhi bất hoặc” và “tri thiên mệnh”, sau bao năm quẫy đạp phóng túng giữa biển đời và biển văn, phút chốc đốn ngộ? Nhưng lại “hờ hững”: hờ hững với việc câu, có khi không phải vì Nguyễn Bình Phương đã đạt tới cảnh giới thiền để đứng ngoài cuộc đời mà vì tâm trí còn bộn bề những băn khoăn về đời…” (Đoàn Minh Tâm, Nguyễn Bình Phương – hồn thơ “tinh quái”). Người có cách của người, tôi có cách của tôi. Cùng leo lên một đỉnh núi, cái đích của người chắc gì là cái đích của tôi. Thiền nảy nở trong cái tâm phân biệt trước đã, rồi mới tìm được cái vô tâm. Đã ngộ, đang ngộ hoặc chưa thể thoát tục, làm sao hiểu được từ người đã, đang hoặc chưa thể ấy bằng con mắt của tôi, cái tai của tôi, giác quan của tôi? Đặt lại một câu hỏi cho chính mình thì hay hơn là đi tìm câu trả lời cho người khác. Một ngày xa xôi nào kia, có ai đó gọi tôi lại mà hỏi rằng: “Này cậu bé! Đức Phật đã ngộ chưa?”, “Tất nhiên, đã ngộ mới thành Phật”, “Làm sao biết Đức Phật đã ngộ?”, “Làm sao mà biết!”, “Ấy, sao cứ phải biết ngộ hay không ngộ”. Tôi không đi được thêm một bước nào nữa sau “buổi câu hờ hững” với Nguyễn Bình Phương. Sợi cước của chàng làm bằng gió đông hay gió bấc mà đuổi tất cả cá dưới ao hồ sông biển vào tâm tư người đọc? Trải qua một cuộc đối thoại với Thơ chàng, tôi câm nín như con dã tràng ức nghẹn trước sóng biển. Sóng ơi! Tạ ơn mi. Không có mi thì đời ta chẳng ý nghĩa gì nữa!
“Tôi thấy là đã làm được một việc là gói lại một quãng thời gian sáng tác. Vậy thôi”. Chàng lưu đày trong chính mình, Thơ thoát ra từ mỗi vết hãi hùng của cuộc chinh chiến không địch không ta ấy. Viết về người, về đời, về chức vị, về công việc, về một nàng con gái, về một dòng sông, về một ngày nào đó,… chàng chọn cách để cho họ/chúng tự viết về bản thân mình chứ không theo kiểu nhúng bút họa hình, “cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Ồ, công phu của chàng đang ở giai đoạn mà Tô Đông Pha cố công “hung hữu thành trúc”, đang ở trong gian nhà kho trống trải thiếu màu vẽ giấy vẽ đến nỗi lấy cả thâm mình làm cọ, nhúng vào màu đời mà vẽ lên đời như Pollock, đang loay hoay làm cho tất cả màu sắc phải chung chạ với nhau trong màn đêm như Reinhardt. Ngộ, sao người ta không nghĩ là đi ngược với Thượng đế mà cứ nghĩ là đi gần tới Thượng đế nhỉ? Thượng đế sinh ra trong tâm trí chúng ta trước khi ông ta có mặt trên đời này. Vậy, mỗi người chúng ta đang nuôi nấng ấp ủ Thượng đế của riêng mình chứ phải đâu đang là bầy đàn lạc loài dưới hầm tối của một Thượng đế nào đó. Nhà phê bình kia đem ông trời của mình đặt làm ông trời của thi sĩ, để rồi lấy lời phán xét của ông trời ấy dành cho Thơ. Phải chăng, Thơ đã biến thành con búp bê được mặc quần áo đẹp, đánh phấn tô son và trịnh trọng lóng lánh đứng trong tủ kính? Tôi không tin Nguyễn Bình Phương hất hủi Thơ mình đến vậy. Chàng mộng mơ thầm kín một cách công khai, gieo thêm hạt mầm Thơ trên cánh đồng bất sinh của Bankei: “Cái mà tất cả các ngươi nhận được từ mẹ cha không phải là gì ngoài tâm Phật. Tâm này chưa từng sinh, lúc nào cũng thông suốt rạng ngời. Vì chưa từng sinh, nó chẳng bao giờ diệt. Nhưng ta không gọi nó là bất tử. Tâm Phật bất sinh, và từ Phật tâm bất sinh này mà vạn vật vi diệu vận hành” (Bàn Khuê Thiền sư ngữ lục, ấn hành bởi D.T.Suzuki, Tokyo 1941, trang 33). Chàng có u uẩn âu lo là âu lo u uẩn vì sinh chứ chẳng phải vì diệt. Thơ tự thức.
Vị quân vương quyền uy lúc nào đó muốn chứng thực quyền uy của mình với chính mình.
Dân đen lúc nào đó muốn chứng thực sự bần cùng của mình với chính mình.
Lúc nào đó, là lúc tất cả chúng ta cần một thi sĩ. Không phải một nhà tu. Càng không phải một nhà phê bình.
Buổi câu hờ hững luôn muốn giữ trọn sự hững hờ của nó.

Núi Dinh, 11/2012
TRỊNH SƠN.