Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Khám phá Miền Tây Sông Nước

Lê Bá Thự
Thứ bẩy ngày 17 tháng 11 năm 2012 6:50 PM

    
      Đó là tuyên bố của thầy chủ nhiệm bộ môn Dương Vân Phong, trước khi đoàn các thầy, cô Bộ môn Trắc địa Cao cấp Khoa Trắc địa – Bản đồ Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội (dưới đây xin gọi tắt là “Cao cấp”) cùng gia đình lên đường đi tham quan các tỉnh Cà Mau, Sóc Trang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Bến Tre, Mỹ Tho, mà ta vẫn quen gọi là Miền Tây Sông Nước.
     9 giờ sáng ngày 17 tháng 7 năm 2012, một buổi sáng đẹp trời ở Hà Nội, đoàn du lịch “Cao cấp” gồm 28 thành viên tề tụ đông đủ tại 210 Hoàng Quốc Việt. Hành lý gọn nhẹ, chỉ có thùng 20 lít rượu là nặng ký mà thôi. Với tinh thần: tôm, cua, cá, ốc, ếch… Miền Tây phải được tung tăng bơi lội trong bụng rượu Miền Bắc của các thầy, món rượu được chăm sóc đến nơi đến chốn, được coi là tài sản chung của cả đoàn, được đóng gói rất cẩn thận trong thùng xốp chất lượng cao, đảm bảo không nứt, không rơi, nếu rơi không vỡ và an toàn hết cỡ… Các loài hải sản Miền Tây mà biết tin này chắc sướng rơn cái bụng. Chín giờ hơn chút xíu, cả đoàn lên xe ra phi trường Nội Bài. Trên xe, anh Thái Hiển, hướng dẫn viên, thay mặt Công ty du lịch Quốc Anh chào mừng các thầy các cô và cả đoàn. Cách xã giao và ứng xử của chàng trai tốt nghiệp khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn này cho thấy, đây là một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, có nghề.
     Tại sân bay, cả đoàn leo lên tầng hai, rồi lại đi xuống tầng một, vì phòng đón khách đi Cần Thơ ở dưới đó. Nhờ kinh nghiệm của anh Thái Hiển mà việc làm thủ tục bay hoàn thành chóng vánh. Tuy nhiên, chuyện hành lý có trục trặc. Số là thế này, thùng rượu, tài sản chung của cả đoàn, bị ách lại, vì rượu không tem, không nhãn mác, người ta không thể xác định, 20 lít chất lỏng này là rượu hay là gì. Muốn làm xét nghiệm để xác minh thì phải đợi hàng giờ đồng hồ, có khi cả ngày. Rốt cuộc, cho dù “xót rượu” nhưng các thầy đành bó tay. Thầy Phong động viên: “thôi, không sao cả, coi như của đi thay người” .  Lên máy bay rồi, một số thầy vẫn còn xuýt xoa tiếc… rượu. Bất thình lình tôi giật mình đánh thót, chết cha, rượu bị ách lại có khi do tôi mất rồi. Tại vì, tôi có cuốn tiểu thuyết dịch mới in, tiêu đề “Dưới cánh Thiên thần Rượu”, viết về uống rượu, nghiện rượu và cai rượu, tôi mang theo mấy quyển để tặng các thầy. Tôi, bụng bảo dạ, có khi sách của tôi làm cả đoàn bị “dớp”, vì sách nói về chuyện cai rượu ?!
     Khoảng hai giờ chiều cùng ngày, chiếc máy bay chở đoàn “Cao cấp” hạ cánh xuống sân bay Cần Thơ trong cái nắng Miền Tây dễ chịu hơn cái nắng Hà Nội nhiều. Chúng tôi lên chiếc xe du lịch màu xanh da trời khá lịch sự, đi vào trung tâm thành phố Cần Thơ. Cảm giác đầu tiên là đất đai hai bên đường còn bỏ không rất nhiều, chưa xây dựng, dân Hà Nội nhìn chỉ thấy thèm. Đoàn chúng tôi dùng bữa trưa tại một nhà hàng gồm nhiều quán gió nhà sàn, lợp lá dừa nước, trên mặt hồ. Không biết tại quá bữa, hay tại các món ăn lạ mà cả đoàn ăn bữa trưa ngon lành, theo kiểu “nồi bảy quăng ra, nồi ba quăng vào”. Đặc biệt món lẩu làm tôi thấy lạ và thích thú. Vẫn biết các món lẩu Miền Nam thường là lẩu chua. Nhưng món lẩu hôm nay có vị chua rất đặc trưng, tôi chưa bao giờ gặp. Hỏi cô nhân viên phục vụ thì được biết, đây là lẩu cá kèo (một loài cá giống cá bống, sống ở vùng nước lợ, rừng đước, hạ nguồn sông Cửu Long) với lá dzang (viết theo chính tả Hà Nội là lá giang, hóa ra lá dzang chính là lá vang ngoài Bắc). Cá kèo nấu lẩu thả nguyên cả con, béo ngậy. Chỉ Miền Tây Nam Bộ mới có món lẩu này. Tôi ăn một lèo mấy con cá kèo liền, hơi bị ngượng… nhưng tại cá ngon. Anh Thái Hiển thông báo với cả đoàn, tối nay và ngày mai xuống Cà Mau cá kèo còn ngon hơn, ngậy hơn, to hơn, chắc hơn. Tôi hí hửng…
     No nê cái bụng, cả đoàn lên xe đi Cà Mau, gần hai trăm cây số. Dọc đường tôi say sưa ngắm cảnh. Tính tôi, khi đi tàu, đi xe, rất thích ngắm cảnh hai bên đường. Điều làm tôi lấy làm ngạc nhiên là, các đồng lúa ở đây, chẳng những mênh mông bát ngát mà lúa mọc rất dày, sát sạt vào nhau, nhìn cánh đồng lúa chín vàng cứ ngỡ đó là cái sân phơi thóc thẳng cánh cò bay. Đi được chừng hơn tiếng đồng hồ anh Thái Hiển đề nghị cả đoàn giao lưu văn nghệ trên xe cho nó vui. Cháu Bùi Thùy Linh, 4 tuổi, con gái thầy Luyên, bông hoa nhỏ của cả đoàn, khai mào “chương trình văn nghệ dọc đường”. Cháu hát bài “Ba thương con” vì con giống mẹ… Giọng hát hay, rất dễ thương của cháu gái khiến cả đoàn thích thú, vỗ tay to như sấm. Tiếp đó các thầy Chinh, thầy Tùng, thầy Phong… , những giọng ca vàng “Cao cấp” trổ tài. Thầy Thự không hát, nhưng kể liền một mạch mấy truyện tiếu lâm, chẳng hạn: “Trước khi chồng lên xe đi công tác xa một tuần, vợ chạy ra xe, dặn chồng: Anh nhớ đấy, đừng có chi tiền cho những khoản mà ở nhà anh được cho không”. Hoặc: “Một chị vào phòng khám của bác sĩ tư. Khám bệnh xong chị ta cởi hết quần áo, đoạn nói với bác sĩ: Thưa bác sĩ, em không có tiền mặt đâu, cho em thanh toán bằng hiện vật. Nhìn bụng chị khách, bác sĩ hỏi: Sao bụng chị lại đen nhẻm thế kia? Chị khách thản nhiên trả lời: - Dạ thưa bác sĩ, không sao đậu ạ. Cách đây độ một giờ em vừa mới thanh toán khoản… mua than…Hay: ”Nhìn thấy chiếc áo mới để trên bàn, con gái hỏi mẹ: - Mẹ ơi, có phải chiếc áo mới này là bố mua tặng con hôm nay sinh nhật hay không? Người mẹ ngay lập tức trả lời: - Làm gì có. Con ơi, cái gì cũng trông đợi bố mày thì ngay đến cả mày cũng không có trên đời này…”. Chiều tối, đoàn chúng tôi đến Cà Mau. Lâu nay tôi cứ thắc mắc, không biết gọi là Cà Mâu hay Cà Mau. Nhìn biển hiệu hai bên phố xá tôi tự tin đi đến kết luận: Phải gọi là Cà Mau mới đúng. Chúng tôi nghỉ đêm tại khách sạn ba sao Ánh Nguyệt, thuộc loại to nhất ở đây. Nghe nói chủ khách sạn là người Hải Dương, ngày xưa chuyên mua đồng nát. Ăn tối xong, một số thầy sung sức rủ nhau đi hát ca ra ô kê. Tôi cũng hăng hái tham dự, nhưng chỉ hát xong bài Lòng mẹ là hết sạch vốn.
     Ngày tiếp theo, chúng tôi bắt đầu cuộc khám phá vùng sông nước Cà Mau. Từ sáng sớm trời đổ mưa. Người ta bảo, Miền Đông mưa chiều, Miền Tây mưa sáng. Cho nên mùa này mưa buổi sáng ở Cà Mau là chuyện bình thường. Chín giờ sáng đoàn chúng tôi xuống ca nô, đi thăm Hòn Đá Bạc, cách Cà Mau chừng 50km đường thủy. Hai bên bờ sông Ghành Hào là dãy dài hàng cây số những ngôi nhà dựng trên những cọc xi măng hoặc cọc gỗ đóng xuống lòng sông, một mặt hướng lên bờ, một mặt hướng ra sông. Những ngôi nhà này cho cảm giác, bão nào của miền Bắc và miền Trung cũng có thể xô đổ. Kênh rạch chằng chịt như bàn cờ, hai bên bờ là những miệt vườn xanh mướt với những ngôi nhà đơn sơ náu mình dưới tán lá cây. Tôi say sưa ngắm cảnh. Dừa, cây ăn quả ở đây nhiều vô kể. Chúng tôi hỏi người đi xuồng bán hàng lưu động, giá bao nhiêu một quả dừa, thì được trả lời:  một ngàn. Quả rẻ. Mấy lần chúng tôi phải lên bờ để tăng bo ca nô, khi gặp những con đập ngăn nước mặn. Hôm nay biển động, cho nên ca nô chở chúng tôi không thể tiếp cận Hòn Đá Bạc được. Chúng tôi phải lên bờ, lội bộ hơn cây số. Nhưng lại hóa hay, vì chúng tôi được đi bách bộ, chụp ảnh trên cây cầu rất nên thơ xây trên biển, dài trên nửa cây số, được ngửi mùi moi biển rất đặc trưng mà chúng tôi coi đó là mùi biển vùng này. Hòn Đá Bạc rộng trên 6 ha, gồm ba hòn đảo nhỏ trên biển, nằm cạnh nhau, với hàng ngàn tảng đá to kềnh, cây cối mọc um tùm, như bàng, bồ đề…, nơi cao nhất là 50m trên mặt biển. Truyền thuyết dân gian kể rằng, xưa kia nơi đây là chốn bồng lai tiên cảnh, cho nên bây giờ vẫn còn thấy in trên đá những hình dạng lạ kỳ, như bàn tay tiên, bàn chân tiên, giếng tiên… Hòn Đá Bạc được công nhận là di tích quốc gia với nhà tưởng niệm Bác Hồ (lúc chúng tôi đến thăm nhà này đóng cửa), bia chiến thắng, tượng đài. Phải nói, Hòn Đá Bạc là một thắng cảnh kỳ thú ở miền sông nước và sình lầy. Tôi nghĩ bụng, chắc trên đường chở đá ra xây núi ở miền Trung và miền Bắc, Chúa Trời đã thả xuống đây một ít đá để bà con Cà Mau dễ mường tượng, đá núi nom mặt mũi nó như thế nào.
     Rời Hòn Đá Bạc, mục tiêu khám phá tiếp theo của chúng tôi là rừng U Minh Hạ. Đường đi qua nhiều kênh rạch đan nhau chằng chịt, người lái ca nô phải liên tục hỏi đường. Lúc lúc thầy Đặng Nam Chinh lại thông báo hướng đi cho người lái ca nô, vì thầy có bản đồ định vị  (dân trắc địa có khác). Tuy vậy, vẫn gặp rắc rối, vì trên bản đồ định vị không hiện hình các con đập ngăn kênh rạch. Chúng tôi đành phải hỏi đường. Hai người phụ nữ ngồi trên bờ kênh, một bà già và một cô gái, dùng tay ra hiệu chỉ đường rất nhiệt tình. Cô gái chỉ tay, bảo chúng tôi cứ đi thẳng, còn bà già chỉ tay, bảo chúng tôi đi hướng ngược lại. Chúng tôi chẳng biết nên nghe theo ai, đi theo hướng nào. Nhưng xét cho cùng thì cả hai đều có lý, vì kênh rạch chằng chịt như bàn cờ thế này thì đi hướng nào chả đến được nơi cần đến. Do nhầm đường cho nên chúng tôi đến U Minh Hạ chậm giờ so với kế hoạch. Cả đoàn cảm thấy rất ngon miệng khi dùng bữa cơm trưa tại một nhà dân ở sâu trong rừng tràm với món cá lóc nướng trui (nạc, thơm, ngon), lẩu mắm và rau muống Cà Mau, cọng to đùng. Trong khi ăn, thỉnh thoảng chú sáo trong lồng lại cất tiếng hót gọi khách với đủ các tông giọng làm chúng tôi vô cùng thích thú. Tuy nhiên, chúng tôi đã không thể leo lên Vọng Lâm Đài cao 26m, không thể vào rừng xem ong, xem chim, vì nước cạn, thuyền không vào sâu được. Bù lại, lúc về Cà Mau chúng tôi ghé thăm vườn cò rộng 2 ha, ngay trong thành phố, cạnh Công viên văn hóa Lâm Viên. Ngoài cò, về cư ngụ và sinh sản ở đây còn có mồng, két, le le, vịt nước… Lúc đó là khoảng sáu giờ chiều, hàng đàn cò, nhất là cò trắng, kéo nhau về vườn ngủ đêm; nhìn vào trong vườn tôi thấy cò đậu trắng xóa trên các ngọn cây. Đúng là đất lành, chim đậu. Tôi chạnh nghĩ, Hà Nội từng có một nơi đất lành chim đậu như vậy. Đó là phố Lò Đúc, nơi chiều chiều hàng đàn cò trắng bay về rợp trời, ngủ đêm, làm tổ trên những cây sao đen cao vút, thân thẳng tắp, kéo dài non cây số dọc theo tuyến phố.  Không biết, trong số hàng ngàn con cò đang đậu trong vườn cò ở đây có con cò nào là hậu duệ của cò Lò Đúc năm xưa? Tiếc thay, cái ngày xưa ấy đã qua rồi, không bao giờ trở lại nữa, chỉ còn là ký ức mà thôi. Cuộc tham quan vườn cò đã kết thúc mỹ mãn ngày khám phá thứ hai nhiều thú vị và lắm kịch tính của đoàn chúng tôi.
     Sang ngày khám phá thứ ba, ngay từ sáng sớm chúng tôi lên ca nô tiến về Đất Mũi. Sông lớn sông nhỏ chằng chịt, kéo dài chừng trăm cây số. Trong Đất rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi mà tôi đã đọc, đây là vùng rừng ngập mặn, nơi hình thành những tiểu đội du kích chống Pháp đầu tiên, với những địa danh nổi tiếng như Năm Căn, sông Bảy Háp, sông Cửa Lớn, với những lò than hầm gỗ đước sản xuất loại than củi nổi tiếng nhất của miền Nam mà đây đó chúng tôi vẫn còn nhìn thấy những dấu tích, nói đúng hơn là những phế tích. Ca nô chở đoàn chúng tôi chạy dọc sông Bảy Háp, sông to, nước lớn, sóng cả, khiến con tàu của chúng tôi cứ nhảy chồm lên rồi lại rơi xuống, chẳng khác gì ổ trâu, ổ gà trên đường bộ. Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những hàng cọc gỗ to đùng đóng xuống đáy sông, nom như thể cọc sông Bạch Đằng của cha ông ta ngày trước. Hỏi người lái ca nô thì được biết, đó là đáy cá, hay bẫy cá, một loại hình bắt thủy sản của người dân vùng sông nước Cà Mau. Dọc đường tôi lại say sưa ngắm cảnh, ngắm rừng ngập mặn, ngắm dừa nước, ngắm cây đước và cây mắm mọc ven bờ. Tôi thích thú quan sát một hiện tượng tự nhiên: Nếu cây đước rễ mọc tua tủa đâm thẳng xuống nước, thì cây mắm ngược lại, rễ tua tủa ngoi lên trên mặt nước, nom như những cây bụt mọc. Phải chăng đây cũng là một dạng “cân bằng sinh thái”? Cùng với cây đước, cây mắm là cây đi tiên phong trong việc giữ đất, lấn biển. Cho nên dân Cà Mau mới có câu:” Cây mắm đi trước, cây đước theo sau”. Con tàu đưa chúng tôi đi qua cồn Ông Trang rồi đổ bộ lên Đất Mũi. Đây rồi mảnh đất tận cùng biên giới phía nam Tổ Quốc, nơi mỗi năm lấn thêm ra biển 80 – 100m (tôi nhẩm tính, nước mình sẽ dài thêm 100 cây số nữa sau 1000 năm), đây rồi Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001, công trình trắc địa xác định chủ quyền Việt Nam. Tôi xúc động đến trào nước mắt. Tại vì, mùa đông năm ngoái, trong chuyến đi du lịch Hà Giang với Hội Nhà văn Hà Nội, tôi đã có cơ hội được leo lên chân Cột cờ Lũng Cú, ngôi sao cao nhất trên đỉnh chóp Việt Nam; còn hôm nay, tôi đang hiện diện ở đây, nơi tận cùng đất nước. May mắn này không phải ai cũng có được. Cả đoàn “Cao cấp” chúng tôi trang nghiêm đứng bên cột mốc, chụp ảnh. Đây phải là một tấm ảnh đẹp về mọi phương diện: Đẹp về địa điểm, đẹp về chủ quyền, đẹp về cảnh quan, đẹp về những gương mặt sáng ngời, đẹp về tâm hồn và tình yêu đất nước của các nhà giáo Việt Nam. Cùng hàng trăm du khách khác, chúng tôi leo lên đài quan sát cao 27 mét, chiêm ngưỡng cánh rừng ngập mặn đa dạng sinh học, ngắm nhìn biên giới phía Nam và chụp ảnh. Ai trong chúng tôi cũng mua một món quà kỉ niệm. Tôi mua năm bó đũa đước Cà Mau. Ra Hà Nội, mỗi bữa cơm, khi dùng đũa đước này, tôi sẽ nhớ Đất Mũi, nhớ Cà Mau. Chúng tôi ăn bữa trưa trong một nhà hàng lộng gió, xây trên mặt biển, cách bờ khá xa. Tôi thả mắt ngắm nhìn sóng nước, ngoài kia là đại dương bao la. Tôi chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu: “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”. Và  lúc này tôi đang ngồi ngay trước mũi con tàu (hay con thuyền) này đây.
     Chiều cùng ngày, đoàn chúng tôi trở về Cần Thơ. Dọc đường, xe dừng lại cho đoàn chúng tôi mua quà tại một cửa hàng ven đường ở Sóc Trăng. Bánh pía nhân sầu riêng, kẹo dừa là những món hàng được cả đoàn, nhất là các chị, mua nhiều nhất. Về đến Cần Thơ, do đã quá muộn, cho nên chúng tôi đi thẳng ra bến Ninh Kiều, lên tàu nhà hàng ăn tối và nghe đàn ca tài tử. Đêm miền sông nước Tây Đô lung linh, huyền ảo…
     Ngày khám phá thứ tư. Lại ca nô, lại sông nước. Chúng tôi đi thăm chợ nổi Cái Răng. Có lẽ do đến muộn, cho nên chợ không còn tấp nập thuyền bè. Tuy nhiên vẫn còn những thứ hoa quả mà chúng tôi háo hức. Cả đoàn nhảy sang một chiếc thuyền bán trái cây, trên thuyền có nào dâu da đất, nào ổi, nào chuối, nào mít tố nữ... Mít Tố nữ là thứ quả chúng tôi mong chờ. Có thể nói, đây là một bữa tiệc mít tố nữ thịnh soạn ở trên thuyền. Thầy nào cũng ăn mít, cô nào cũng ăn mít, cả đoàn cùng ăn mít, vui đáo để. Phải công nhận mít cực ngon, thơm, ngọt, cho vào miệng là tuột luôn xuống họng, “không thể hoãn cái sự sung sướng” lại được. Do khoái khẩu, có thầy, có cô “mần” liền hai quả mà vẫn còn thấy thòm thèm. Thực ra, hai quả cộng lại cũng chỉ được chừng bảy múi. 
     Chúng tôi đến thăm Làng sinh thái Mỹ Khánh rộng 8 ha với trên 20 chủng loại cây trái Nam Bộ, có cả cây ca cao quả xum xuê. Nom lạ và thích mắt tôi liền chụp ngay một “pô sinh thái”. Lần đầu tiên tôi được xem đua chó. Những chú chó chạy như điên, lao về phía trước như tên bay, làm tôi không kịp chụp ảnh. Rất tiếc hôm đó không có cuộc đua lợn. Nghe nói, các chú lợn tham dự các cuộc đua toàn là những “vận động viên” cừ khôi, rất nhanh và cực khôn, chứ không phải là “ngu như lợn” như chúng ta vẫn thường nghĩ.  Rồi chúng tôi xem xiếc khỉ, những chú khỉ láu cá, lợi dụng mọi cơ hội để trốn việc. Câu cá sấu cũng là một trò chơi cảm giác mạnh thú vị mà thầy Phong và một số thầy trẻ tuổi đã thử tài. Cũng tại đây chúng tôi được xem ngôi nhà cổ Nam Bộ trên 100 năm. Nhà làm toàn bằng gỗ quý, không hề có cửa sổ, lấy ánh sáng từ trên mái. Tôi bắt gặp tại đây cối xay lúa và chày giã gạo, những công cụ rất quen thuộc đối với tôi, hồi tôi còn ở làng quê. Sau bữa cơm trưa ngon miệng chúng tôi thưởng thức chương trình đàn ca tài tử dành riêng cho đoàn, với những bài vọng cổ, tân cổ giao duyên, dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu, Bài ca đất Phương Nam, Thương hoài ngàn năm… Đây quả là một bữa tiệc ca vọng cổ thịnh soạn và  rất bùi tai, với những giọng ca mùi mẫn khiến cả đoàn ngất ngây giữa đất trời Nam Bộ. Mọi người đua nhau lên tặng hoa “có thưởng” cho các nghệ nhân biểu diễn hết mình. Cuối cùng, thầy Hoàng Trần Cửu xung phong lên ca vọng cổ bài thơ thầy vừa ứng tác. Giọng thày sang sảng, nghe rất sướng tai, cả đoàn vỗ tay to hơn sấm. Phải công nhận thầy Cửu là người có nhiều cái nhất ở trong đoàn: Cao tuổi nhất, nhẹ ký nhất, dai sức nhất, ca vọng cổ hay nhất và mua quà cho cháu nhiều nhất.
     Cảm ơn và chia tay các nghệ nhân vọng cổ, chúng tôi lên xe đi Bến Tre. Tôi hí hửng, dọc đường sẽ được chiêm ngưỡng hai cây cầu treo hiện đại nhất Việt Nam - cầu Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận. Nhưng thật đáng tiếc, tôi chỉ được nhìn mỗi cầu Mỹ Thuận, còn cầu Cần Thơ thì không, vì xe qua cầu lúc tôi đang ngủ “sau rượu”, khi tỉnh dậy thì cây cầu này đã ở đằng sau tôi mất rồi. Dọc đường chúng tôi ghé thăm trại rắn Đồng Tâm. Cơn mưa chiều bất chợt, như trút nước, đã khiến cho cuộc tham quan không thực hiện được. Tuy nhiên chúng tôi vẫn hoàn thành mục tiêu quan trọng nhất. Đó là mua các loại thuốc được bào chế bằng nọc rắn. Quán triệt phương châm “lấy độc trị độc” thầy nào cũng mua, cô nào cũng mua, trừ tôi. Sau chuyến du lịch này, đại gia đình “Cao cấp” chúng tôi sẽ thanh toán tất cả các loại bệnh cần chữa trị bằng nọc rắn. Tôi thấy thầy Cù Trung Hàng vui ra mặt. Thầy bảo, mẹ thầy đang đau nặng, rất cần những thứ thuốc này. Thầy mua hẳn một bịch to. Đảm bảo, dùng hết bịch thuốc này là mẹ thầy khỏi bệnh.
     Sang ngày thứ năm, chúng tôi khám phá sông nước và đặc sản Bến Tre. Phải công nhận Bến Tre là một tỉnh còn nghèo. Thành phố Bến Tre khiêm tốn như những cây dừa chịu thương chịu khó, chẳng thấy có mấy nhà cao tầng của dân, đa phần nhà cấp bốn, nhà một tầng. Tôi thầm hy vọng, cầu Rạch Miễu mới xây sẽ mở đường cho bà con nơi đây đổi đời, làm giàu. Chúng tôi lại đi thuyền, lần này là xuôi dòng sông Tiền, ngắm cảnh bốn cù lao – Long, Lân, Quy, Phượng, ngắm rừng dừa quả, dừa nước, cây bần (vua gọi là cây Thúy Liễu) có quả nấu canh chua cực ngon (đấy là hướng dẫn viên du lịch nói, vì tôi chưa ăn). Cả đoàn đổ bộ lên điểm du lịch sinh thái Quới An. Tại đây, chúng tôi được thưởng thức món trà mật ong ngọt dịu, miễn phí, đặc biệt là uống nước dừa, mười ngàn một trái. Đây là bữa tiệc nước dừa căng bụng, trăm phần trăm dừa Bến Tre. Nhiều người còn định mua dừa mang ra Bắc. Thầy Phạm Hoàng Lân mua một quả dừa Sáp chất lượng cao, giá 200 ngàn, để “khám phá” và thử cho nó biết (thầy Lân bảo vậy). Nghe nói bên trong quả dừa Sáp cơm dừa sền sệt như sữa chua, béo và giàu chất bổ, chỉ có đất Trà Vinh mới có loại dừa này. Chúng tôi tham quan nhà “bát dần” (tám cột, chứ không phải 8 con hổ), toàn bộ ngôi nhà làm bằng thân cây dừa và lá dừa. Quả của hàng chục giống dừa Bến Tre được trưng bày trong ngôi nhà này. Quầy thủ công mỹ nghệ bán toàn các sản phẩm làm bằng dừa (trừ sáo trúc mà thầy Chinh đã mượn miễn phí và ngồi thổi nghe rất du dương), có cả những bộ ấm chén bằng dừa để uống trà mà thầy Lân, thầy Cửu đã mua. Phải công nhận dừa Bến Tre bạt ngàn, dừa mọc dày đặc như thể người ta gieo hạt chứ không phải trồng từng cây. Nhìn rừng dừa ở đây tôi lại nhớ đến bà Nguyễn Thị Định, đến bài hát Dáng đứng Bến Tre… Chúng tôi dùng bữa trưa tại nhà nổi trên sông, bờ đối diện là làng dừa nom rất nên thơ. Bữa ăn có món đặc sản cá tai tượng chiên xù (nom rất giống một cánh quạt tai voi của Liên Xô ngày trước, nhưng to hơn) và xôi chiên phồng, nom như quả bóng cỡ bự màu vàng, xôi dẻo như oản, ngon. Sự tận tình phục vụ của cô nhân viên “tốn máy ảnh”, đẹp như tranh, miệng cười tươi như hoa dừa buổi sáng, rất dễ thương, khiến cho bữa ăn của đoàn chúng tôi càng đậm bản sắc, hương vị và “dáng đứng” Bến Tre…
     Ngay sau bữa cơm trưa, đoàn chúng tôi lên xe về thành phố Hồ Chí Minh. Dọc đường chúng tôi vào thăm chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho, thắp hương xin Đức Phật phù hộ độ trì cho tất cả các thầy các cô, sau chuyến du lịch khám phá Miền Tây. Cả đoàn chụp ảnh chung dưới chân tượng Phật Di Lặc. Ngài cười tươi, thể hiện sự an lạc và vui vẻ. Thấy rõ, Đức Phật rất hài lòng với thành công của chuyến du lịch của đoàn chúng tôi.
      Đêm cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi nghỉ tại khách sạn Hồng Thiên Lạc ở phố Phạm Ngũ Lão TP. Hồ Chí Minh. Đây là một con phố có rất nhiều khách sạn. Dân Sài thành gọi là “phố Tây ba lô”. Đêm giao lưu với các cựu sinh viên và các thầy từng giảng dạy tại Khoa trắc địa - bản đồ, hiện công tác và sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra trong không khí đầm ấm, tay bắt mặt mừng. Thầy Phan Xinh, thầy Nguyễn Tấn Lộc, các cựu sinh viên như anh Phạm Chí Tích, anh Thiệu… hiện là các quan chức của Bộ tài nguyên môi trường, đang công tác ở phía Nam, đã đến dự. Thầy Phong trân trọng mời các thầy và các cựu sinh viên, tháng tư sang năm ra Hà Nội dự lễ kỉ niệm 40 năm Ngày thành lập Bộ môn Trắc địa Cao cấp. Mấy chai Chivas 18 góp phần làm cho không khí của cuộc giao lưu đã “trắc địa” lại càng “trắc địa” hơn…
     Trưa hôm sau, khi đã mua sắm thỏa thuê, đoàn chúng tôi ra sân bay để về Hà Nội. Khoảng hai giờ chiều, máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài. Hà Nội hôm nay oi bức quá chừng. Hình như ông trời muốn cho chúng tôi thấy, khí hậu Hà Nội và khí hậu Cà Mau khác nhau như thế nào. Trên đường về nhà, chú lái xe ôm nói với tôi, gần tuần nay Hà Nội không có mưa. Tuy nhiên, khoảng chín giờ tối hôm đó, trời đổ mưa, mưa như trút nước, và khí hậu Hà Nội trở nên mát mẻ chẳng khác gì khí hậu Cà Mau. Ông trời chiều lòng các thầy các cô Bộ môn Trắc địa cao cấp đến thế là cùng.
                                                                          
                                                                                               L.B.T
                                                            

* Cựu cán bộ giảng dạy Bộ môn Trắc địa Cao cấp, Khoa Trắc địa – bản đồ, Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội.