Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Trường cũ - tình xưa

Trịnh Kim Thuán
Thứ ba ngày 13 tháng 11 năm 2012 9:16 PM

Năm học 1968 – 1969, tôi học lớp Đệ Tam C – Trường Trung Học Công Lập Thoại Ngọc Hầu – Long Xuyên.

Sau Tết Mậu Thân 1968, Thầy giáo dạy môn Văn (môn chính của Ban C), Thầy Lã Phượng ( nhà văn Lữ Phương  xin đọc hồi ký NHỮNG CHUYẾN RA ĐI ) từ giã học trò (không báo trước) vào chiến khu tham gia  Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam.

Nhà trường bố trí Thầy Lê văn Trung dạy tiếp, Thầy Trung dáng người hơi thấp, đạo mạo, hiền từ, đúng nghĩa nhà mô phạm .

Trong các giờ của năm học, chúng tôi say mê nhất là khi Thầy giãng dạy Truyện Kiều, bình Kiều … , được biết toàn Truyện Kiều có  3.254 câu              Thầy thuộc lòng cả.

Thầy hướng dẫn việc đọc sách, Thầy bảo Văn học Trung Hoa, nên đọc 4 bộ tiểu thuyết : Tam Quốc Chí của La Quán Trung , Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, Thủy Hử của Thi Nại Am, Đông Châu liệt quốc của Phùng Mộng Long-Sái Nguyên Phong, còn các truyện khác không cần … Đến nay hình dáng và giọng nói của Thầy vẫn còn in đậm trong tâm khảm của tôi.

Thường lệ, vào dịp Xuân hàng năm, trường Thoại Ngọc Hầu đều có in Giai phẩm Xuân để phổ biến rộng rãi, nhưng có lẽ thời cuộc lúc ấy có quá nhiều biến động, nên Xuân 1968, trường không có Giai phẩm Xuân.

Niên học 1968 – 1969, chúng tôi học lớp Đệ Nhị C, nhà trường vẫn không có Giai phẩm Xuân, các bạn trong lớp bàn và thống nhất : Góp tiền và góp thơ làm tập thơ nho nhỏ : Thi Tuyển Tình Ca, chủ đề là tình yêu quê hương ,trong đó có 1 tí cách mạng, phản chiến, vì  có chị Hoàng Việt học cùng lớp, cháu ruột của cô Sáu Việt Bích ,( lúc giải phóng xong mới biết cô là Việt cộng nằm vùng, làm Trưởng Phòng Giáo Dục TX Long xuyên) chúng tôi thường đến nhà chơi, rất mê cô Sáu nói về cách mạng , không có thơ siêu thực, siêu nhiên, lãng mạng …

Tập thơ tuyển chọn xong, đến nhà in Thế Hùng – Long Xuyên, được biết là phải có giấy kiểm duyệt của Ty Thông Tin Chiêu Hồi An Giang cấp, mới được in. Vậy là đi xin phép, nhưng với các bài thơ nầy, hình như cán bộ kiểm duyệt của Ty Thông Tin Chiêu Hồi nhận ra có điều chi không ồn, nên không cấp phép.

Xin đơn cử vài đoạn :

* Phần mở đầu  :   TRÌNH BÀY     . . . . . . . . . . và chúng ta sẽ làm gì ? Để mẹ Việt Nam thôi sầu, cho chúng ta không còn thao thức vì chiến tranh, cho dãy đất thân yêu nầy chóng được thanh bình ? Nếu chờ đợi đến lúc thanh bình mới có thái độ, thì liệu khi đỗ đạt xong ta có còn được mái nhà Việt Nam yêu dấu vốn đã xiêu vẹo rồi không ? Và nếu ta muốn chối bỏ chiến tranh, liệu chiến tranh có buông tha chúng ta không ? ………

* Bài thơ   ĐOÀN XE VÀO THÀNH PHỐ  của bạn Lâm Sơn Dũng :

- Đoàn xe vào thành phố.
- Đêm đen lạnh chiến bào.
- Tiếng động buồn rần rộ,
- Lưỡi lê buồn dựng cao                     
                                                           Đoàn xe vào thành phố,
                                                           Cát bụi bay mịt mù,
                                                           Người đi từ hầm hố?
                                                           Người về từ biên khu?
- Đoàn xe vào thành phố,
- Những con mắt vươn nhìn,
- Từng mặt mày gian khổ,
- Ngồi cúi đầu lặng thinh.
                                                           Đoàn xe vào thành phố,
                                                           Rồi xa dần con lộ.
                                                           Đầu mủ nâu lố nhố,
                                                           Đầu súng nào lô nhô.
- Lớn lên mình chợt hiểu,
- Non nước mình buồn đau,
- Quê hương mình nhược tiểu.
- Tủi nhục mình lên cao .

Thử nghĩ khi có ai đọc bài thơ nầy xong, còn ai muốn đi lính VNCH nữa không hỡi quí vị ?
Không được cấp phép, nhưng chúng tôi nói dối với Nhà in là đã có giấy phép, in luôn 1.000 số, chúng tôi cùng nhau đi BÁN  THƠ . Hôm ở các trường Mỹ Luông, Chợ Mới, Hội An, ngày ở Trường Tạ Thu Thâu (Lấp Vò) Đức Thành (Lai Vung)  Sa Đéc, hôm ở Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc) , Thốt Nốt ……

Tập thơ cũng bán hết, kỷ niệm thật tuyệt vời, kế đó là kỳ thi  TÚ TÀI 1, rồi mỗi người vào đời bằng mỗi lối, đến nay kẽ ở lại, người ra đi cũng nhiều . Cuộc đời mà , biết sao hơn !

Xin trích lại 2 bài thơ trong Tập thơ Thi Tuyển Tình Ca 1969,  Hai tác giã sau nầy đều là nhà giáo, cũng là nhà văn của Hội Văn Học Nghệ Thuật An Giang (có nhiều tác phẩm được ấn hành), mà ngày nay không còn nữa, riêng đối với tôi đây là hai người bạn tuyệt vời.

• TÔI MUỐN VỀ THĂM THÔN XÓM EM
Tác giả Vũ Phương Thanh tên thật là Võ Phước Triệu, từng dạy học ở trường Thoại Ngọc Hầu, công tác ở Tòa Soạn Báo An Giang, Hội Văn Học Nghệ Thuật An Giang …. Bút danh  Ngô Khoai, Thiện Bằng …


             Tôi muốn về thăm thôn xóm em.
             Một chiều thu nhạt nắng êm đềm,
             Khi quê hương hết hờn chinh chiến.
             Cho mắt người thương … lóng lánh thêm.

                          Mình kể nhau nghe vạn ý tình …
                          Để không còn nữa … những mong manh.
                          Những đêm gió rét ngồi thao thức.
                          Lòng vấn vương bao chuyện chúng mình.

              Cho mắt em thôi đẩm lệ sầu.
              Nguyện cầu non nước hết binh đao,
              Cho mùa Xuân đến thơm hơi pháo,
              Không phải mùa Xuân đượm máu đào …

                          Tôi muốn về thăm thôn xóm nhỏ,
                          Lúc mùa Xuân đến lá chen hoa,
                          Đường hoa êm mát bên dòng nước,
                          Chào đón người xưa dưới nắng tà.

               Nhưng ước mơ sao chóng nhạt nhòa,
               Vì ngoài kia :tiếng súng vẫn vang xa.
               Vẫn nhiều trai tráng vui khăn gói.
               Giữ vẹn thề xưa cứu nước nhà.

                            Tôi thấy lòng tôi như tái tê,
                            Thương về bạn hữu chốn sơn khê.
                            Làm trai trong thuở thời binh lửa.
                            Có mấy người đi hẹn trở về ?

                 Tôi muốn về thăm thôn xóm em,
                 Cho tình quê đẹp ý vương thêm.
                 Nhưng tôi phải sống tròn câu hứa …
                 Đâu thể vì ai, dạ yếu mềm.

                              Ngày nào sông núi , gió mưa yên.
                              Nam Bắc cùng chung bóng mẹ hiền,
                              Nương cánh thuyền xưa về bến cũ.
                              Tôi sẽ tìm thăm thôn xóm em .

• NHỚ  QUÊ
Tác giã  Trần văn Khinh, thầy giáo, từng là Phó Phòng Giáo Dục Thị xã Long Xuyên, Hiệu Trưởng Trường PTTH  (cấp 3) Long Xuyên, cán bộ Sở Văn Hóa Thông Tin An Giang, bút danh  Chính Văn, Cửu Long …


Ta nhớ quê hương ta thiết tha.
Mõng đôi cánh trắng giữa chiều tà.
Xao xác đàn cò trong lửa đạn.
Tái tê bao nỗi giữa hồn ta.

                    Ta nhớ cau vườn soi  nắng mai.
                    Tung tăng đàn ngỗng trắng màu mây.
                    Long lanh đôi cánh vờn trong nước.
                    Vẫn giữ trong veo mặt nước đầy.

Giàn mướp bây giờ kết nụ chưa ?
Hay còn tơi tã … một chiều mưa,
Còn phô xanh thắm màu tươi mát.
Hay đã héo tàn một sớm trưa ?

                      Ta mến màu bông tím lục bình.
                      Tím giữa một rừng hoa lá xanh.
                      Tô điểm trời quê trong gió loạn.
                      Vương vấn tim ta một mối tình !

Ta nhớ đã lâu chưa được ăn.
Canh chua bông súng, cá sặc rằn.
Ướm một mùi hương nơi chốn cũ.
Hương của tình quê, của xóm làng.

                        Ngạt ngào bông bụp thoảng hương đêm.
                        Gió mưa bông bưởi rụng quanh thềm.
                         E ấp trăng gầy sau kẽ lá.
                        Nhìn trăng nhớ xóm, dạ buồn them.

Ta đã xa rồi những chốn xưa,
Biết bao nhung nhớ, nói sao vừa.
Ta mơ có lúc về quê cũ,
Buổi mai nào đó … Nắng lưa thưa …

Đến nay quỹ thời gian còn không được bao nhiêu nữa , nhớ lại những năm tháng dưới mái trường xưa , thời cuộc xoay vần, buồn vui lẫn lộn, nhưng lòng vẫn thấy tự hào . Hôm rày đọc tin trên báo thấy mấy cháu Việt Khang, Phương Uyên …. lâm vào vòng lao lý … buồn quá , sực nghĩ vào thời điểm chúng tôi làm tập thơ nầy lại không mảy may biết sợ là gì ! Nhưng việc làm như thế lại có thầy cô , bạn bè ủng hộ , nếu ở vào không gian nầy, thời gian nầy chưa biết sẽ ra sao ?

Nhớ lại 2 câu thơ của chị Dạ Thảo học cùng lớp :

              Thuở học trò thiên đường thơ mộng.
              Lưu bút hôm nay, kỷ niệm nầy.

Tội nghiệp cho các cháu .

                            12/11/2012  TRỊNH KIM THUẤN