Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đôi lời cùng ông Lê Nguyễn

Vân Long
Thứ năm ngày 21 tháng 6 năm 2012 6:12 PM
Hà Nội ngày 21 tháng 6 – 2012

Kính gửi ông Lê Nguyễn,
Tôi rất vui khi được đọc thư của ông trên trannhuong.com về bài Kẻ ở (Dặm về). Cùng thời điểm ông đọc bài đó ở báo Nhân loại thì một số học sinh yêu thơ ở Hà Nội chúng tôi cũng lưu truyền cho nhau bài thơ ấy, bài thơ đi theo sổ tay những người từ vùng kháng chiến trở về. Hồi ấy tôi cũng biết bài này được in trong Tuyển thơ các thi sĩ tiền chiến ở Sài Gòn với bút danh Quang Dũng, nhưng không nhớ rõ nhà xuất bản hoặc ai đứng ra biên soạn, đài Pháp Á cũng cho ngâm bài thơ này đều giới thiệu là của Quang Dũng…Thư của ông xác định thêm sự ngộ nhận rất phổ biến ở cả hai miền Nam Bắc.
Tư liệu của tôi đưa ra chắc ông đọc chưa kỹ, bài thơ đó không còn là việc phải thảo luận của tác giả nào, mà là sự nhắc lại để đính chính thông tin từ nguồn Cty Văn hoá truyền thông Nhã Nam tổ chức buổi tọa đàm phát ra, một việc đã được kết luận từ năm 1989, sau 44 năm bài thơ được lưu hành dưới tên Quang Dũng, tất cả mọi người đều    cho là của Quang Dũng (trừ bản thân Quang Dũng). Ở miền Bắc khi chưa thống nhất đất nước, nhà xuất bản tư nhân là rất hiếm, làm các Tuyển tập thơ từng giai đoạn đều do cơ quan xuất bản nhà nước đứng ra, cử ra một nhóm nhà thơ có uy tín làm việc này. Khi đã xuất bản Tuyển thơ đó, coi như những bài ấy đã được ghi nhận vào văn học sử, vấn đề chính xác nguồn gốc, nhất là nhân thân tác giả không được phép nhầm lẫn. Chỉ sau khi báo Văn Nghệ công bố “Bài thơ tìm được tác giả”, nhà xuất bản Hội Nhà văn có dịp tái bản Tuyển thơ giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1945-1954 mới bổ sung bài đó vào.
Bài thơ ông thuộc cũng gần đúng với bản của tác giả. Bài thơ lưu lạc ngần ấy năm tất nhiên phải có những dị bản. Dị bản ở miền Bắc  quê hương tác giả không dễ bị sai lạc do ngôn ngữ vùng miền. Câu cuối của Nguyễn Đình Tiên rất hay, lại mang bản sắc Quang Dũng (lãng mạn và khí phách, mà chính vì một chữ trong câu này mà chúng tôi càng ngộ nhận khi chưa có đủ chứng lý kết luận:
                       Buồn dựng đôi mi, ngàn lại ngàn
Đó là chữ dựng hơi ngang tàng, rất may tiếp đó là đôi mi (gần với  nữ tính của nhân vật, dựng đôi mi để nhìn xa hút ngàn lại ngàn chứ không dựng đôi mày như trong tư thế “quắc mắt coi khinh nghìn lực sĩ”) của một nam nhân…Buồn dâng đôi mi thì yếu và sượng quá!
Còn về chứng lý của bài thơ xin ông cứ yên tâm: một trong hai người anh em ruột còn sống của ông Nguyễn Đình Tiên, là GSTS Đình    Quang, nguyên thứ trưởng bộ Văn Hoá, chúng tôi thường gặp trong các cuộc họp. Khi kết luận về bài thơ này, còn nhiều người khác còn sống như nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, người bạn vong niên của chúng tôi.
Tôi rất cảm ơn ông đã góp thêm tiếng nói để thấy sự phổ cập của   bài thơ đã rộng khắp trong giới yêu thơ trên cả nước.
Vân Long