Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tâm tình trong miền hư ảo

Nguyễn Bá Cự
Thứ bẩy ngày 23 tháng 6 năm 2012 3:42 PM
(Đọc tập thơ "Miền hư ảo" của Phan Cát Cẩn NXB hội nhà văn 2012 )
Có lẽ người thơ ấy - Phan Cát Cẩn đã tuổi ngoại lục tuần không thể nào bỏ người mình yêu - nàng thơ mà anh day dí suốt từ thời trai trẻ. Tất cả vốn sống, kỷ niệm đau vui đến độ chín, phải đến kỳ sinh nở. hãoNên tập thơ  "Miền hư ảo" có muộn chăng ? Tôi tin rằng chưa. Như câu thơ ông nói : "Việc gì đến rồi cũng phải đến / Lần lữa mãi in thơ - rồi đến lúc / Sức nóng của trái tim rạo rực thơ "  (Khai sinh)
Có lẽ đấy cũng là điều tự sự khi ông cho trình làng "Miền hư ảo" : "Tôi đi làm giá thú / Cho cô vợ cũ nàng thơ…/con của vợ cũ cũng được khai sinh ra đời…" (Khai sinh)
Nó ra đời bởi cuộc đời ông thấy đó là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Mọi lắng đọng chắt chiu của năm tháng nặng nợ mà ông thốt lên : " được viết ra từ cảm xúc / Trời có lúc xanh lúc xám / Đất có lúc lành lúc nứt/ Thơ cũng ngất ngưởng, thất thường tình người bây giờ huỵch toẹt”. Người đọc vỡ ra cảm thông chia sẻ với tác giả từ suy nghĩ kín cạnh đó, để rồi chính mình lại băn khoăn, cật vấn. "Liệu có gì thay đổi / Cho cuộc sống này thêm đẹp, thêm tươi ". 
Tôi muốn nói tới bài thơ "KHAI SINH" trước vì tác giả để bài này ở cuối tập, nhưng nó chính là mở cho mọi suy nghĩ của mình dọc một thời đã sống, đã nhận, đã cho … phần đời trong trẻo, phần đời đi vào suy tưởng về lẽ sống, cuộc sống khi con người ta bước vào độ tuổi không còn vô tư mãi được nữa. Phan Cát Cẩn viết thơ rất sớm, từ thủơ còn là chàng trai mộng mơ, nhưng cái thời kiếm kế sinh nhai "Không thể đùa với khách thơ". khốn khổ chẳng có cơ mà khai sinh những đứa con tinh thần. Nặng nợ với vùng quê Phú Thọ nơi trải một thời trai và bén duyên thơ. Cùng quả đắng của bước thơ chập chững mà chính bạn thơ huyễn hoặc lừa phỉnh đến trắng tay. Cái lớn nhất không phải là của cải đối với chàng trai làm nghề nông lâm, mà chính là lòng tin bị đánh cắp … Phan Cát Cẩn từ sôi nổi đến dụt dè, đến tự ti với nàng thơ khổ thế ! Vậy mà thủơ ấy, đầu thập kỷ 70 những vần thơ trong trẻo vẫn xui khiến chàng trai âm thầm viết ra trong sổ tay để đấy, mấy chục năm qua, khi xuôi thuyền trên sông lô để thấy: " Thuyền ắp bưởi Đoan Hùng vàng bến / Để tình thêm bao tứ ngọt ngào / Sau tắm gội cọ xoè bao vương miện / Chụp lên đầu bao đồi cọ ngàn năm / Xanh mát mắt bãi bờ và rừng thẳm". Câu thơ trẻ ngọt ấy đưa người chưa tới thèm khát đồi cọ xoè vương miện ra sao khi nắng, khi mưa. Cứ vậy nàng thơ đồng hành cùng chàng trai dọc mọi miền đất nước để yêu, để nhớ đến thảng thốt. “Ta đi dọc chiều dài dân tộc / Thấy hồn thơ ta xanh thắm một màu!" (Đến An Giang ). Hoặc khi qua Sa Huỳnh sau ngày đất Nước giải phóng chưa lâu, anh uống ngụm nước dừa không bõ khát thèm, dù chỉ là phép ẩn dụ trong thơ nhưng vẫn thấy cái khát của miền quê " … Xin em gầu nước tiếng cười chứa chan / Dừa quê Mỹ phá tan hoang / Nước trong uống tạm lòng vàng không phai". Thơ của Phan Cát Cẩn có sức nặng của tư duy sâu kín như: " Cùng một thời loạn lạc hai mươi năm / Mảnh hồn người - văn hoá cà fê đắng / Đang đổi màu trên mỗi tư duy" (Qua Đèo Cả ). Tôi cho rằng Phan Cát Cẩn đã điểm huyệt đúng nàng thơ, sự phát hiện tròng lòng người u ẩn, tác giả nói sâu kin bằng ngôn ngữ của thơ. Thơ ông nặng về suy tư vòng đời, khi đọc bài " Quân đèn cù" thứ trò chơi dân gian, bài thơ có tứ, có ý rất sâu. "Ông cha khéo xếp cái quân đèn cù / Vòng quanh nó lại tít mù / Vua quan – sĩ - tử tít mù vòng quanh / Nhênh nhang nhặng xị trong lồng / xếp ngôi đổi thứ những mong làm gì". Trò chơi cổ ấy nhưng âm hưởng ngôn ngữ hiện đại được khéo đồng hiện đưa vào rất kín đáo là chữ “NHÊNH NHANG NHẶNG XỊ” làm cho người đọc không khỏi sững sờ, tới "Anh thì múa mép, vuốt râu / anh thì bảnh choẹ trên lầu thảnh thơi … Dẻo mồm một lũ ba hoa". Cứ vậy tác giả đưa người đọc thấy đủ hạng người mà trò chơi dân gian xếp cả vào chiếc đèn kéo quân, thấy mà chả thấy, đó chỉ là sự khôn ngoan của tác giả mà "Loanh quanh hết một đêm dài / Vì anh nên đĩa dầu vơi cạn dầu". Nhân sinh quan, thế giới quan trong con mắt và cảm quan của Phan Cát Cẩn đều được suy ngẫm rồi chắt lọc thành ý, tứ cho bài thơ. Một tập thơ dẫu không có nhiều câu thơ tài hoa, nhưng tứ thơ đều loé lên ý tưởng được chọn lọc bằng cảm xúc thật chứ không sa đà vào ngôn ngữ thường đời, hay đại ngôn để cố tạo ra cái tôi (Mà hiện nay mắc không ít ở một số người làm thơ, với ý thích hão danh, câu chữ lổn nhổn, rồi mang tới NXB họ xem qua cấp giấy phép nộp tiền là in tập thơ). Ở một chiều xóm núi Ba Vì phải tha thiết tình yêu quê, yêu cuộc sống thì tác giả mới gọi được câu: " Sông mờ lan toả xóm Mường xa/ Chim núi gù nhau nghe thiết tha / Gió hanh se lạnh từng cọng rạ / Lúa vàng mơ gương mặt em nhoà" nhoà ở dây là đôi mắt em, gương mặt đẫm mồ hôi, nhoà của chính lòng tác giả khi nhìn em sự thương cảm muốn sẻ chia sự nhọc nhằn. Tác giả đưa người đọc tới câu thơ gợi mở rồi đau đáu suy nghĩ. Đi mỗi bước từng trải trong đời là tình yêu vẫy gọi, là sự đam mê của ái tình, của thất vọng, là miếng ngon vật lạ của đời. Cuối cùng vẫn chẳng đâu bằng: "Dù ai ngang dọc hải hà / Chôn nhau cắt rốn ấy là quê hương" câu thơ này thường thôi, nhưng tôi muốn nói rằng qua các bài thơ của tác giả trong tập thì mọi thứ nhận ở đời dù đau, vui thì chốn quê lòng mẹ vẫn gọi ta về là hơn cả. Hoặc Phú Thọ miền quê tác giả gửi một thời trai: " Trung du mảnh đất bạc màu" Đủ nói lên nỗi truân chuyên của đất và người. Song vẫn còn sự ngọt ngào trái cây - đời mà tác giả nói mượn bằng "Mít trung Ngãi, nhãn Thành long / Con gái bến Đà quê Đồng Luận xưa / Yến Mao, Yên Đức … " Đọng mãi trong tiềm thức vẫn gọi ta về thăm lại với cả sự tri ân. Chao ơi cái nghèo dẫu đến hôm nay rồi. "Nắng quê sơn thuỷ dây buồn / Tường nan mái lá nghèo hơn thủa nào" ? Những tấm lòng cứ nấn níu: "Bâng khuâng chân bước ra về / Hắt lên sương khói chiều quê xuống dần” (Thăm quê Phú Thọ)  Tác giả thơ với trái tim yêu đam mê, nhạy cảm với nỗi niềm làm cho người đọc luôn bất ngờ. Trong nỗi đau bất chợt vọng lên câu thơ mà chỉ có Phan Cát Cẩn mới nhìn ra "Em ơi một nắm rêu hèn / Cũng là một tấm thảm len trải giường / Bây giờ đá hoá kim cương / Bồ câu nhỏ lệ thành hòn ru bi / Có xe du lịch em đi / Cơm Tàu, nhà Nhật vậy thì quên nhau?" Có những ý thơ làm thảng thốt người đọc. Tác giả thầm kín với nhân tình thế thái thật đau khi (Sang sông mua chó): "Chó đốm nên khoang trắng ,khoang đen / Hai mắt giả chửi liều hai mắt thật / Hai chân chó có huyền đề không biết / Nó đẹp chăng / Cả nhà anh suýt xoa … " Đó là bài có tứ thơ lạ đề cập tới việc đi mua chó. Rồi không dừng ở đó, tác giả liên tưởng qua con chó chuyện người ta, chuyện mình. Trò chơi chó đến hợm hĩnh với những cái tên "Mỹ miều" như Mi nga “Hai từ mi nga thi cổ nào ra / Tứ thư, ngũ kinh, hay điều thường nhật / Nhân hậu, nhân văn sao cao sa !?!" Chao chát đến thế chỉ biết nhìn ra sông mẹ vốc những vốc nước nặng phù sa đất việt đắp bồi lên bờ bãi quê thôi.
Với miền hư ảo mà chẳng chút hư ảo. Tác giả Phan Cát Cẩn đưa người đọc tới mọi miền quê đất nước, đưa người đọc vào thế giới nội tâm cùng suy nghĩ về nhân tình thế thái, cái được, cái mất của hôm qua, hôm nay gặp trong bài "Bất cập" những câu "Đất Nước rộn ràng đắp đắp xây xây / Tưởng phút chốc thành mây rồng cọp hổ / Những bất cập mọi nơi mọi chỗ / dự án bỏ hoang nhà cửa quá thừa…" với đứa con đầu mà phan Cát Cẩn khai sinh thấy có sức lực đáng trân trọng chứ không phải thứ thơ ghi lên bìa cho oai. Hy vọng đứa con thứ của tác giả sẽ làm mê đắm lòng người.
 Xứ Đoài tháng 6-2012
Nguyễn Bá Cự
 (Hội Nhà văn Hà Nội)