Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vĩnh hằng hóa quê hương

Trần Trung
Thứ bẩy ngày 23 tháng 6 năm 2012 10:06 AM
 
Lý Nhân ân nghĩa
 Trúc Thông

thấp thoáng trên đồng xanh
hồn nước
sau hàng trăm gương mặt mẹ ngồi chùa
hồn dân tộc
đồng xanh đồng xanh
lặn hết mồ hôi cho mát mắt
nâu trầm mặt mẹ
trùm bóng cây trưa hè
phủ Lý Nhân xưa
công chúa cũng Nguyệt Minh liệt nữ
Trạng Vật mà vang danh văn học 
       vật cổ Nguyên thù
Phạm Tất Đắc**hồn về quê mẹ
trông đàn cháu khăn rìu thượng võ
trống cờ
             nhã nhạc
múa khúc
            mừng công
VĨNH HẰNG HÓA QUÊ HƯƠNG

Sự lên tiếng của lòng ân nghĩa và tự hào được tựu lại trong tên bài thơ của Trúc Thông: “Lý Nhân ân nghĩa”(Tập thơ “Vừa đi vừa ở”, NXB Hội Nhà Văn, 2005).
Sắc mầu quê hương, “gương mặt mẹ” thanh thản tự tại “ngồi chùa” – những hình ảnh thơ thật riêng của một miền đất, miền quê(Lý Nhân) hóa ra lại dồn tụ, kết tinh “hồn dân tộc”. Cụ thể mà khái quát; ân tình và nặng sâu, được giãi bầy ngay trong khổ thơ đầu của tác giả:
“thấp thoáng trên đồng xanh
hồn nước
sau hàng trăm gương mặt mẹ ngồi chùa
hồn dân tộc”
Từ sắc mầu của “đồng xanh” quê, bài thơ của Trúc Thông lại hướng tới mầu sắc của ngoại cảnh và lại tiếp lắng sâu trong sắc mầu – tâm tư. Có lẽ vì thế thơ anh lại đựng chứa thêm một lớp nghĩa và biểu cảm riêng, thật tinh tế. Sự điệp lại của hai tiếng “đồng xanh”(3 lần) như trải mở ra sắc quê, tình quê đa chiều và dường như mang mang tình khôn tả.
Trúc Thông gửi thông điệp của lòng mình, của hồn mình vào “nâu trầm mặt mẹ”. Và, nhà thơ lại tiếp tục ngụp lặn tình quê vào “bóng cây trưa hè”, vào cả sự mát lành, dịu ngọt lẫn với thương cảm, xót xa:
“đồng xanh đồng xanh
lặn hết mồ hôi cho mát mắt
nâu trầm mặt mẹ
trùm bóng cây trưa hè”
Nếu xét về hình ảnh, ngôn từ mà tạo nên chất thơ, tạo nên cấu tứ “Lý Nhân ân nghĩa” của Trúc Thông, thì có thể cảm nhận rằng: mạch cảm xúc và suy tư của nhà thơ tựa vào thời gian, không gian. Thế nên cả quá khứ và hiện tại mà tường minh độc lập, lại vừa quyện hòa vào nhau. Điều đó giúp Trúc Thông có thể tỏ bầy xúc cảm cùng suy tư về mảnh đất và con người Lý Nhân quê anh. Mảnh đất bình dị mà thiêng liêng này đã tạo nên chất “Địa linh – nhân kiệt” trong cả quá khứ và hiện tại. Và, tất nhiên cả trong tương lai nữa – điều mà Trúc Thông không trực tiếp nói ra bằng ngôn ngữ và hình ảnh thơ. Đó chính là thứ “ý tại ngôn ngoại”(ý ở ngoài lời” trong thơ Trúc Thông.
Có một thực tế này cần ghi nhận về thơ Trúc Thông: từ phần thơ “chầm chậm tới mình” trong tập thơ viết chung với Đào Cảng, thơ anh luôn ý thức về sự kiếm tìm nghệ thuật – nhất là trong nghệ thuật biểu hiện(ngôn từ, hình ảnh, cấu tứ…)
Nhưng tôi yêu thương và quí mến thơ Trúc Thông vẫn là vỉa chìm chân thành, lặng lẽ mà sâu sắc của cái tình thủy chung trong thơ anh. Và, cái còn lại, bền lâu trong thơ Trúc Thông chính là nghĩa tình sâu nặng với Quê – Mẹ(viết hoa) – với quê hương xứ sở.
Hà Nội 21/06/2012