Ngày 21 tháng 6 năm 2012, với sự đồng thuận cao, 495 trên 496 đại biểu, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật Biển Việt Nam. Một việc vô cùng hệ trọng là bộ Luật Biển Việt Nam Quốc hội vừa thông qua đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hoan hô Quốc hội!
Song, bên cạnh niềm vui, vẫn băn khoăn và canh cánh một điều. Ấy là, có một vị đại biểu không bỏ phiếu thông qua Luật Biển. Vị đại biểu đó là ai? Không đồng ý thông qua Luật Biển, vị đại biểu ấy muốn gì, và phản đối điều gì? Chẳng lẽ vị đại biểu ấy không đồng ý thừa nhận Trường Sa, Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc do ông cha ta bao đời đổ xương máu, công sức và mồ hôi dựng nên? Hay vị đó vẫn lo âu thấp thỏm, nơm nớp sợ hãi một điều gì? Hay vị ấy là … quả thật, không dám nghĩ đến… Nhưng hy vọng rằng, một phiếu không đồng ý thông qua Luật Biển ấy là do lỗi kỹ thuật. Mệt mỏi, sơ ý, và có thể trình độ sử dụng các thiết bị trong hội trường chưa cao nên vị đó ấn nút nhầm. Cầu trời là như vậy!
Khi đã có Luật Biển được Quốc hội thông qua khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt nam, thì các biểu ngữ trưng điều ấy lên trong các cuộc tuần hành, hoặc treo nơi công cộng, nhằm thể hiện lòng yêu nước và quyền được tôn trọng luật Quốc hội thông qua có bị làm khó dễ, có được hoan nghênh, có được ủng hộ, bảo vệ? Đồng thời người dân có được hành động nhằm phản đối khi một nước nào đó khơi khơi gọi Trường Sa và Hoàng Sa là đất của họ không? Theo thiển nghĩ của người viết bài này thì, ai ngăn cản công dân biểu hiện lòng yêu nước, biểu thị sự ủng hộ luật Quốc hội thông qua là hành vi phạm pháp.
Hay là phải chờ đến ngày 01 tháng 01 năm 2013, khi bộ Luật Biển Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành thì mọi động thái yêu nước nói trên mới không bí ngăn cấm?
Hãy chờ xem!
ĐK