Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Suy nghĩ từ một tấm gương tốt

Bùi Đức Khiêm
Thứ năm ngày 21 tháng 6 năm 2012 10:07 PM

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6): 
   Ngày 20 tháng 6, Báo Điện tử VN Express đăng tải bài viết: "Tài xế taxi trả lại 400 triệu đồng khách bỏ quên"-nói về tài xế Trần Văn Quý (Công ty CP Saigon sân bay) ngày 19/6 sau khi phát hiện khách đi xe để quên túi xách, trong đó có 400 triệu đồng, 1 máy iPad, máy quay phim và một số vật dụng cá nhân khác... đã chủ động báo với tổng đài tìm cách liên hệ trả lại cho khách.Khách đi xe là chị Nguyễn Thị Minh Thu và con gái từ Kon Tum xuống sân bay Tân Sơn Nhất rồi bắt taxi đi thẳng về nhà người quen. Mãi lâu sau mẹ con chị Thu mới biết mình bị mất hành lí, mà không xác định được là mất ở đâu, khi nào? Chị Thu tá hỏa điện thoại đến đường dây nóng của Saigon Airtaxi và được biết, trước đó tài xế Trần Văn Quý đã giữ lại số tài sản và chờ khách đến nhận lại.Kèm bài viết trên có bức ảnh chân dung anh Quý và ảnh mẹ con chị Thu nhận lại đầy đủ số tài sản mình để quên...
  Bài viết không dài, nói đúng hơn đó chỉ là một cái tin...nhưng nội dung và sự việc làm nhiều người xúc động! Chỉ một hai giờ sau khi bài viết được đăng tải có hàng chục ý kiến phản hồi từ bạn đọc với những lời trân trọng, khâm phục dành cho anh Trần Văn Quý như: " Một trường hợp hiếm hoi ";" Cần khen thưởng và nhân rộng ";" Cảm phục ";" Quân tử "; "Cuộc đời này vẫn còn rất nhiều người tốt"; "Hoa sen vẫn nở giữa đời thường "...Rõ ràng tin, bài viết về những sự việc, những tấm gương tốt, nét đẹp trong cuộc sống đời thường hằng ngày vẫn là đề tài "hot", có giá trị tuyên truyền và chiếm được tình cảm của đông đảo người đọc.Lại nhớ, cách nay khoảng hai tuần, cũng trên VN Express có bài viết về một trường hợp tương tự, đó là lái xe taxi Phạm Thế Vịnh ở Bà Rịa-Vũng Tàu trả lại 56 triệu đồng cho khách và cũng nhận được nhiều lời ngợi khen từ bạn đọc như anh Quý!
   Rất tiếc những sự việc, nghĩa cử đẹp của anh Vịnh, anh Quý không được nhiều báo in, báo mạng khai thác, phân tích, đăng tải biểu dương từ nhiều góc độ khác nhau.Chẳng hạn, anh Quý, anh Vịnh xuất thân từ đâu, trình độ học vấn thế nào, hành nghề lái taxi đã bao lâu, cuộc sống gia đình, vợ con hiện tại giàu nghèo ra sao ( người viết bài này được biết, phần lớn tài xế taxi là những người lao động ở các tỉnh, trình độ học vấn hạn chế lên thành phố để mưu sinh và thường phải thuê nhà để ở)...sao lại có nghĩa cử đáng để nhiều người phải suy nghĩ, cảm phục và noi theo như vậy?Với đơn vị chủ quản, các tổ chức công đoàn, Đoàn thanh niên, Hiệp hội ngành nghề... hình như sau đó cũng chẳng có hình thức biểu dương khen thưởng gì?
  Cũng những con người ấy, nếu là sự việc theo chiều ngược lại, chẳng hạn: Nếu tài xế taxi Quý và Vịnh sẵn lòng tham, nhất mực từ chối " không biết, không thấy" cho dù khách khẳng định để quên trên xe của họ thì có kiện nhau ra tòa cũng không có cơ sở khẳng định đâu là sự thật. Hoặc giả tài xế Quý, Vượng lại là người cướp giật đồ của khách đi ngang đường rồi phóng xe bỏ chạy, trên đường gây ra tai nạn liên hoàn làm chết người, hay trên đường tháo chạy taxi đâm đổ ngôi nhà bên đường gây ra một vụ cháy, nổ...thì chắc chắn đó sẽ trở thành một sự kiện mà nhiều tờ báo ngay lập tức cử phóng viên đến săn nội dung và chụp ảnh hiện trường, tìm hiểu bằng được các góc cạnh, xuất xứ đời tư của thủ phạm.Thậm chí ảnh hiện trường, chân dung thủ phạm còn được một số báo giăng to một phần ba hay cả nửa trang báo là chuyện thường. Rồi hàng chục tờ báo in, báo mạng khác sẽ "mại" lại nôi dung, đăng tải...cứ như tin, bài do bổn báo mình trực tiếp phát hiện vậy?...
  Sự việc anh Trần Văn Quý trả lại 400 triệu đồng cho khách ( một số tiền không hề nhỏ so với thu nhập hàng tháng từ nghề taxi của anh Quý ) diễn ra ngày 19/6, ngày 20/6 rồi ngày 21/6- Ngày Báo chí Việt Nam- ngoài Báo điện tử VN Express đăng tải như đã nói, tịnh không thấy một tờ báo chính trị, xã hội hay đoàn thể nào có bài ra bài cả. Cũng chẳng thấy có tờ báo nào khai thác phỏng vấn xem chị Nguyễn Thị Minh Thu có suy nghĩ, cảm kích gì về người tài xế tốt bụng,khi được nhận lại tài sản, hành lí của mình. Nên có tin, bài như thế lắm chứ. Lại nghĩ, nếu như chị Minh Thu là nạn nhân bị hại một lúc 400 triệu đồng, chắc chắn sẽ có phóng viên tìm gặp bằng được, hỏi xem chị bị hại trong hoàn cảnh nào, mất mát đó ảm hưởng đến gia cảnh của chị ra sao?
   Nhân chuyện gương tốt của anh tài xế Trần Văn Quý, người viết bài này xin lạm bàn và nhắc lại cuộc " khẩu chiến - báo lá cải" ồn lên cả tuần lễ trước công luận cả nước cách nay chừng hai chục ngày. Một số tờ báo ở TP. Hồ Chí Minh quy kết một số phụ trương, ấn phẩm phụ của vài tờ báo ngành ở Trung ương là " lá cải ". Các tờ báo ở Trung ương vặc lại " căn cứ nào bảo là lá cải"? Lẽ đời, hòn bấc ném đi hòn chì quăng lại...với những lời lẽ, câu chữ nặng nề chưa từng có trong làng báo chí Việt Nam trước nay. Chắc chắn đã có sự lưu ý, nhắc nhở từ cơ quản quản lý báo chí với " hai phe " nên cuộc "bút chiến" lắng lại sau một tuần, nhưng dư chấn của nó đang còn đó trong các cuộc trao đổi bên lề của chính báo giới, nhất là cư dân mạng.Không là người trong cuộc, cư dân bloc nhìn nhận cuộc " khẩu chiến-báo lá cải" với những ngôn từ còn chua chát, gai người hơn: " Tởm, trên cả tởm"; có bạn đọc nhìn nhận các tờ báo đăng tải dày đặc các bài viết về tình, tiền, tù,  tội " còn hơn cả lá cải, đó là lá ngón..." (thứ lá có ở miền núi, khi người ăn phải sẽ dẫn đến tử vong)...
  Rạch ròi, đúng sai của cuộc " khẩu chiến - báo lá cải " mới diễn ra khó kết luận,hay chưa có ai kết luận. Nhưng công bằng mà nói, việc càng những năm gần đây càng có nhiều những tờ báo chính, nhất là các phụ trương, ấn phẩm phụ...mà trong mỗi tờ xuất bản từ trang đầu cho đến trang cuối chỉ rặt những tin, bài về mặt trái, chuyện tiêu cực chém, giết, cướp, hiếp...rồi chuyện đời tư, chuyện phòng the của nhân vật này, ngôi sao kia ở trong nước và nước ngoài. Nói một các khác, tin bài có nội dung tích cực từ cuộc sống, những tấm gương, nghĩa cử đẹp của người lao động đủ các nganh nghề chưa hề được các báo chú trọng khai khác, đăng tải, nếu có thì cũng chỉ rất ít? Câu chuyện về tài xế taxi Trần Văn Quý, Phạm Thế Vịnh nói trên chỉ là một ví dụ, và chắc chắn đây không phải là đề tài, những nhân vật nằm trong "tầm ngắm" để  các báo chính thống hay những ấn phẩm được cho là "lá cải" để tâm khai thác.
  Đây có phải là một "lỗ hổng" đáng suy nghĩ đặt ra đối với những người làm báo, kể cả với các cơ quan quản lí báo chí?
                                                                                                               
BÙI ĐỨC KHIÊM ( 0913222634)