Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nước chẳng còn có Sử Ngư

Vũ Bình Lục
Thứ sáu ngày 22 tháng 6 năm 2012 5:15 AM

(Về bài thơ MẠN THUẬT- số 14 của Nguyễn Trãi)
 

Án tuyết mười thu uổng độc thư
Kẻo còn lọt lọt chữ Tương Như
Nước non kể khắp quê hà hữu
Sự nghiệp nhàn khoe phú Tử Hư
Mắt hoà xanh, đầu dễ bạc
Lưng khôn uốn, lộc nên từ
Ai ai đều đã bằng câu hết
Nước chẳng còn có Sử Ngư!

Bốn câu đầu, thất ngôn, tác giả kể về việc dùi mài Kinh Sử, và tự chỉ trích:

  Án tuyết mười thu uổng độc thư
Kẻo còn lọt lọt chữ Tương Như

Nguyễn Trãi từng đôi ba lần nói về việc khổ công đọc sách. Thơ chữ Hán Thập tải độc thư bần đáo cốt ( Mười năm đọc sách nghèo đến xương). Nhưng đây lại là độc thư trên án tuyết, cũng lại là một điển bên Tàu, nói về Tôn Khang đời Tấn. Nhà nghèo, không có đèn đọc sách, thường nhờ ánh sáng của tuyết để học, nên có điển “án tuyết”. Khổ công đến vậy, mong có thể đỗ đạt mà cầu lấy công danh, đem tài giúp nước. Nhưng Án tuyết mười năm uổng độc thư, thì lại là bi kịch mất rồi. Tài năng không được dùng, đành ngậm ngùi than thở, uổng phí cái công phu bồi đắp không ngừng , không mệt mỏi của kẻ sỹ. Thế mà vẫn còn thấy rõ mồn một chữ nghĩa của Tương Như, Kẻo còn lọt lọt chữ Tương Như. Nghĩa là trong bụng vẫn đầy ắp văn chương thơ phú lịch lãm của thi nhân nổi tiếng đời Hán có tên là Tư Mã Tương Như. Mà “hà hữu”, làm gì có cái chuyện tự cho là mình đã giao du rộng khắp núi sông non nước, mà thu vào tầm mắt muôn trùng nước non kỳ thú trong thiên hạ, như một thi nhân nổi tiếng đời Tống từng nói đại ý, rằng kẻ sỹ trong mắt phải chứa những hình ảnh kỳ lạ của núi sông, cho dù trong bụng đã chứa ba vạn quyển sách? (Hung trung vô tam vạn quyển thư, nhãn trung vô thiên hạ kỳ sơn xuyên, vị tất năng văn). Thi nhân tự cười mình, tự trào phúng một tý. Đã thế, lại còn khoe mẽ, thì bảo rằng thôi đừng khoe mẽ làm gì cái tài văn chương thơ phú như Tử Hư, nhân vật công tử trong bài Tử Hư phú của Tư Mã Tương Như đời Hán bên Tàu!...
 Đấy là bốn câu thất ngôn liên tiếp, ôm chứa cái tâm sự ưu tư thầm kín của Ức Trai. Có chút tự trào, nhưng tựu chung vẫn thấp thoáng xa xôi nỗi chua xót vì tài năng bị ruồng bỏ.
 Câu 5 và 6, bỗng chuyển đổi lượng từ trong câu, thành một cặp câu lục sóng đôi (6/6) và đối xứng, tiểu đối, như thể những châm ngôn được rút ra từ thực tiễn sinh động nhãn tiền. Tác giả viết:
 
  Mắt hoà xanh, đầu dễ bạc
   Lưng khôn uốn, lộc nên từ.

Nguyễn Trãi từng viết: Tuổi cao, tóc bạc, cái râu bạc / Nhà ngặt, đèn xanh, con mắt xanh…Với thi nhân Ức Trai, mắt xanh chính là con mắt tinh đời, có thể nhìn thấu sáu cõi, cho nên, người có con mắt xanh đương nhiên biết nhiều. Biết nhiều, nên phải nghĩ nhiều. Nghĩ nhiều, nên đầu sớm bạc. Vậy thôi! Người xưa rừng nói Nhân sinh túc tự đa ưu hoạn, (Người nhiều chữ nghĩa- học vấn cao sâu- thì suy nghĩ lo lắng nhiều), chẳng phải vậy đấy sao? Câu Lưng khôn uốn, lộc nên từ, đối với câu trên, như một châm ngôn rất đanh và gọn, lại tiểu đối trong một câu sáu chữ, nhịp 3-3, thể hiện một thái độ dứt khoát. Thời thế bấy giờ nhiễu nhương hết chỗ nói. Biết tính sao? Kẻ hèn hạ khom lưng uốn gối làm quan kiếm chút bổng lộc, đầy rẫy khắp nơi, theo họ, hay nên về? Tất nhiên, một nhân cách như Nguyễn Trãi, thì tất sẽ chọn con đường của Đào Tiềm, quyết không vì mấy đấu gạo mà chịu khom lưng uốn gối: Lưng không uốn, lộc nên từ!
  Hai câu cuối, thất ngôn kèm lục ngôn kết thúc bài thơ, cũng là kết luận chung, có tính thời sự: Ai ai đều đã bằng câu hết / Nước chẳng còn có Sử Ngư!
 Thiên hạ đục hết cả rồi, Ai ai đều đã bằng câu hết thì người trong sạch chính trực làm sao có thể tồn tại? Thiên hạ ai ai cũng uốn lưng luồn cúi như lưỡi câu cong, cũng đều là “Hèn đại nhân” cả, thì đất nước đâu còn có người ngay thẳng cương trực như vị quan chép sử nước Vệ đời Chiến quốc, có tên là Ngư? Trực tai Sử Ngư! (Sử Ngư thẳng thắn thay!) Đó là lời khen của Khổng Tử dành cho Sử Ngư, một nhân cách khả kính, tấm gương sáng của muôn đời. Còn như ở nước ta bây giờ, làm gì có Sử Ngư nào nữa! Thật đáng buồn thay!

Một triều đại không có Sử Ngư, trong triều nhan nhản kẻ mặc áo ngắn vạt trước, thì triều đại ấy đang ở giai đoạn suy đồi. Sau suy đồi thì đến giai đoạn tan rã, rồi tiêu vong. Rất may sau đó trời thương nước ta mà sinh thánh, tức vua Lê Thánh Tông, vận nước mới lại hưng thịnh. Tuy nhiên, những điều lo nghĩ và cảnh tỉnh của Nguyễn Trãi trong Mạn thuật này, chắc không bao giờ cũ!
     
Hà Nội mùa thu 2011
V.B.L