Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chuyện khôi hài quanh việc sáp nhập Nhà hát Kịch Quốc gia thành... Nhà hát Kịch Quốc gia

Cao Minh
Thứ bẩy ngày 12 tháng 5 năm 2012 2:34 PM

     Chuyện tách, nhập ở nước ta là “ chuyện thường ngày ở huyện”, vì thế dân gian mới có câu: “ Văn minh như thể nước Nga, người ta cũng vẫn tách ra nhập vào/ Lạc hậu như thể nước Lào, người ta cũng vẫn nhập vào tách ra/ Nữa là như thể nước ta....”. Mới đây, chuyện tưởng như đùa, ấy là việc sáp nhập Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam thành Nhà hát Kịch Quốc gia.
    
   Mặc những phản ứng, kiến nghị... của các nghệ sĩ tên tuổi, những người từng là lãnh đạo của Bộ, Cục, Vụ...trước đây và dư luận xã hội... Hơn tháng trước ( 5-4 ), Bộ VHTTDL vẫn công bố quyết định sáp nhập hai nhà hát: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ thành Nhà hát Kịch Quốc gia, với quan điểm như Thứ trưởng của Bộ, ông Hồ Anh Tuấn nói: “ Để củng cố sân khấu kịch phía Bắc...”. Và mới hôm 8-5, ông Hồ Anh Tuấn vẫn khẳng định: “ Tiêu chí ban đầu thành lập Nhà hát Kịch Quốc gia là rất tốt. Đây là mơ ước lớn của nhiều thế hệ nghệ sĩ...”.
  Sau hơn một tháng ra đời “ cái hình hài” Nhà hát Kịch Quốc gia, chiều ngày 8-5, sau buổi làm việc với các nghệ sĩ tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL lại tuyên bố tạm dừng quy trình sáp nhập hai nhà hát, và đơn vị nào vẫn giữ nguyên đơn vị ấy. Chuyện thật mà cứ như đùa trước quyết định của một cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật ở cấp cao nhất! Ô hay, thế ra trước khi ban hành quyết định sáp nhập, Bộ VHTTDL với đầy đủ các cơ quan tham mưu, tư vấn cấp nhà nước lại chẳng nghiên cứu, tìm hiểu; và có lẽ cũng chẳng tham vấn lịch sử cũng như quá trình và uy tín lấy lừng của hai nhà hát, với biết bao nhiêu nghệ sĩ mà tên tuổi lừng danh trong nước và ngoài nước... Mặc dù như ông Tuấn khẳng định: “ chúng ta làm theo đúng quy trình, dân chủ công khai minh bạch và thời điểm phù hợp. Các cơ quan chức năng của Bộ đã tiến hành đúng quy trình, thẩm quyền, nhưng cách làm còn chưa đầy đủ và chưa toàn diện”. Sau đó ông Tuấn lại thừa nhận: “ Lỗi một phần ở Bộ là tin anh Hùng ( Đạo diễn, NSND Lê Hùng )”, và “ đá” trách nhiệm sang các nghệ sĩ: “ Một phần do các nghệ sĩ cũng không cương quyết đấu tranh...”. Hay thật, những chuyện chỉ có ở nước ta: Ùn tắc giao thông là do lỗi của người tham gia giao thông. Xóa sổ hai thương hiệu nghệ thuật lâu đời là do lỗi của các nghệ sĩ...!.
   Cứ theo đà này, nếu như việc sáp nhập hai nhà hát suôn sẻ thì chẳng mấy nữa sẽ lại có quyết định sáp nhập Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, hát Xẩm, hát Xoan thành một nhà hát mang tên, đại loại: Nhà hát Quan Ca Xẩm Xoan. Bởi lẽ, ôi dào thì cũng cùng là dân ca cả mà! Và cũng với mục đích “ nhằm củng cố, nâng cao, phát triển...”. Chuyện không phải là không có cơ sở, bởi một quan chức cấp Vụ trưởng của Bộ ( vụ quan trọng ) đã từng nói với các nghệ sĩ, nhà quản lý nghệ thuật, tinh thần là: Sáp nhập là việc bình thường và phù hợp. Vừa rồi Bộ đã sáp nhập Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng thành Bảo tàng Lịch sử Quốc gia...Lại thêm chuyện tưởng như đùa chỉ có ở nước ta, khi mà cán bộ cấp Vụ trưởng lầm lẫn tính chất, bản chất của hai việc sáp nhập là một.
  Lại còn chuyện không tuân thủ quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo theo quy định của nhà nước. Ngược thời gian đôi chút, cách đây chừng ba năm, Nhà hát Kịch Việt Nam xảy ra mất đoàn kết trầm trọng và kéo dài, ảnh hưởng lớn đến uy tín của một nhà hát kịch hàng đầu Việt Nam, và gây hoang mang trong đội ngũ nghệ sĩ của nhà hát. Bộ đã đình chỉ chức Giám đốc của người đương nhiệm và bổ nhiệm đạo diễn, NSND Lê Hùng ( đang là giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ) kiêm Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam. Nay, sáp nhập hai nhà hát thành Nhà hát Kịch Quốc gia, thì vẫn ông Lê Hùng làm giám đốc. Trong khi đó, ông Lê Hùng đến tháng 9-2012 sẽ nghỉ hưu theo chế độ quy định. Thật là hay, bổ nhiệm một vị trí lãnh đạo nghệ thuật quan trọng của quốc gia với hơn 300 con người, mà chỉ cho người ta được hơn ba tháng để điều hành...!
  Khôi hài nhất là chuyện sáp nhập Nhà hát Kịch Việt Nam thành Nhà hát Kịch Quốc gia. Bởi lẽ,  Nhà hát Kịch Việt Nam được thành lập năm 1952, khi còn ở chiến khu Việt Bắc. 60 năm qua, tên tuổi nhà hát là niềm tự hào của giới sân khấu và công chúng cả nước. Nhà hát được mệnh danh là  “ Anh cả đỏ” của kịch nghệ Việt Nam. Và rõ ràng từ trước đến nay Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn là nhà hát mang tầm quốc gia, của quốc gia. Nay, sáp nhập thì chẳng là Nhà hát kịch Quốc gia ...thành Nhà hát Kịch Quốc gia sao! Hay là, có sự hiểu sai, hiểu lầm cần phải thay đổi ở đây vì rằng Việt Nam chỉ là một đơn vị nằm trong Quốc gia! Đại loại như Nhà hát Kịch Hà Nội hay Nhà hát Kịch Quân đội! Thế thôi!
   Ơ hay, chớ có coi thường trí tuệ, văn hóa của nhiều nhà quản lý văn hóa nước ta. Họ được học hành bài bản lắm và bề dày thực tiễn của họ thì miễn bàn! Hôm nay có thể họ làm nông nghiệp, làm thương mại, làm tuyên truyền, làm thuế, hải quan...; nhưng ngày mai họ làm văn hóa thì... đừng có bàn! 
Không nên xóa sổ thương hiệu nghệ thuật
  Nhà hát Kịch Việt Nam với bề dày lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển, luôn luôn có vị trí hàng đầu trong lòng khán giả cả nước. Nhà hát đã từng là đơn vị kịch nói duy nhất đi biểu diễn ở nhiều nước và được giới nghệ thuật nhiều quốc gia đánh giá tốt.Từ nhà hát, tên tuổi các nghệ sĩ cũng là những nhân vật hàng đầu của kịch nghệ Việt Nam, được ngưỡng mộ và kính trọng. Tôi dám chắc rằng không biết đến bao giờ kịch nói Việt nam mới lại có những tên tuổi lừng lẫy như: NSND Thế Lữ, NSND Song Kim, NSND Đào Mộng Long, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Trúc Quỳnh, NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, NSND Doãn Châu...
  Nhà hát Tuổi Trẻ với 34 năm phát triển nhưng đã để lại dấu ấn không thể nào phai trong công chúng. Hôm nay, khi mà sân khấu thưa vắng khán giả thì Nhà hát Tuổi Trẻ là đơn vị duy nhất ở phía Bắc vẫn luôn sáng ánh đèn. Từ Nhà hát Tuổi Trẻ, nhiều tên tuổi đã là niềm yêu mến và trân trọng của khán giả cả nước bởi phong cách sáng tạo và tài năng của họ như: NSND-đạo diễn Phạm Thị Thành ( nguyên giám đốc Nhà hát ), NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSUT Chí Trung, NSUT Anh Tú, NSUT Ngọc Huyền...
   Hai nhà hát với hai phong cách nghệ thuật khác nhau đã tạo nên hai bản sắc sân khấu không lẫn trộn. Mấy chục năm dày công vun đắp và sáng tạo của bao thế hệ nghệ sĩ, diễn viên mới tạo nên bản sắc riêng và một thương hiệu nghệ thuật không thể thay thế. Ấy vậy, chỉ bởi những lý do này kia mà người ta đang tâm định xóa sổ hai thương hiệu nghệ thuật, hai bản sắc sân khấu trong sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của nước nhà. Thế chẳng phải là đi ngược lại định hướng phát triển văn hóa của Đảng sao! Đó là: Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản