Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đồng dao thời hiện đại

Nguyễn Đức Huệ
Thứ bẩy ngày 12 tháng 5 năm 2012 10:29 AM

(Trích tiểu thuyết “Hai người trên đảo Không Tên- NXB Hội Nhà văn -2007)
 

Từ khi thành phố có chủ trương “Trải thảm đỏ”, những ông chủ đầu tư trong và ngoài nước đến vùng này nhiều thật. Đảo Không Tên là một trong những điểm đầu tiên. Đây là dự án của một công ty du lịch, có vốn hàng nghìn tỷ. Theo sơ đồ dự án thì đầu tiên họ đắp đường ra đảo, sau đó dựng lên giữa những cánh rừng thông xanh mát một danh lam thắng cảnh thời hiện đại với những công trình lớn kiểu dáng tân kỳ có đầy đủ tiện nghi sang trọng mang đậm phong cách châu Âu xen giữa những khách sạn xây theo kiểu Á Đông ít nhiều mang dáng dấp cung đình và thấp thoáng đó đây là nhưng điểm vui chơi giải trí nhiều hình vẻ. Chỉ tiếc ở chỗ sau khi dự án được phê duyệt, người ta chuẩn bị bắt tay vào việc thực thi thì bị mắc.
Thoạt đầu dân làng đảo rất mừng. Chỉ riêng việc nối đảo với đất liền đã là hay lắm, lại còn biến thành khu du lịch thì quá tuyệt. Thế nhưng khi nghe phổ biến về cơ chế bồi thường thì chẳng ai chịu cả. Họ áp giá kiểu gì mà thấp thế, mỗi mét vuông có hơn trăm bạc, trong khi giá đất đang tăng. Trong thành phố ấy à, rẻ cũng phải non chục triệu một mét vuông, cao gấp mấy trăm lần, chưa nói sau này đây trở thành khu du lịch thì giá đất còn lên nữa. Làm thế thì dân quá thiệt!
Già Thông không tính chuyện thiệt hơn như vậy nhưng cũng không muốn dời đi một chút nào. Ngôi nhà này tuy có đơn sơ nhưng cảnh quan rất thích và còn lưu giữ bao kỷ niệm một thời. Cái thời hoạt động bí mật, nhiều đồng chí của già đã từng sống và làm việc tại đây. Cái phiến đá to ở đầu nhà, nơi các đồng chí thường ngồi ăn khoai vẫn còn nguyên như cũ. Mỗi lần nhìn nó, Già Thông lại không khỏi bồi hồi xúc động. Giờ mà để họ phá đi có khác gì bắn đại bác vào lịch sử? Không thể được, dứt khoát không thể được! Mặc người ta đến tận nhà giải thích, rồi mời ra họp tại trụ sở ủy ban, họp lên họp xuống nhiều lần, Già vẫn một mực lắc đầu, kiên quyết không đi đâu hết. Bà con thấy vậy càng vững chí, cứ ỳ ra, mặc kệ. Cực chẳng đã, ban lãnh đạo xã phải làm “một cái văn” gửi lên thành phố, đề nghị điều chỉnh giá bồi thường cho phù hợp. Thành phố cũng làm “một cái văn” chuyển xuống, đại ý là không điều chỉnh được, đây là luật, căn cứ vào điều A điểm B theo nghị định CP ra ngày… và nghị quyết TW ra ngày... nói chung cái văn ấy rất dài dòng văn tự nhưng tóm lại là yêu cầu bà con phải chấp hành nghiêm túc, Đảng viên đi trước làng nước theo sau, nếu không Thành phố buộc phải dùng biện pháp mạnh, tức là cưỡng chế.
Và người ta làm thế thật. Đúng ngày quy định, một đoàn cán bộ liên ngành với danh nghĩa “Ban giải tỏa mặt bằng thành phố” kèm theo một số công nhân chuyên nghề tháo dỡ, xuống tàu tiến ra làng đảo. Đã biết trước chuyện này, bà con làng đảo hẹn nhau hôm đó tất cả đều nghỉ việc, ở nhà xem động tĩnh ra sao. Mấy chú bé được phân công trèo lên một cây to, hễ thấy ca nô chở họ ra là phải phi báo ngay lập tức. Quả nhiên một lát sau chiếc ca nô xuất hiện, mọi người lập tức đổ ra đứng chật đường, người nào người nấy tay cầm cuốc xẻng, sào chống hoặc bơi chèo với tư thế sẵn sàng chiến đấu. Có cảm giác chỉ cần một hồi trống nữa thôi là họ sẽ ào ạt xông lên đánh giáp lá cà. Đoàn giải tỏa đến nơi thấy thế vội chùn cả lại, tuy vậy sau khi nghe ông trưởng đoàn nói nhỏ câu gì đó, họ lại tiếp tục tiến lên, vui vẻ hỏi bà con làm gì ở đây mà đông vui thế. Đáp lại một già làng râu tóc bạc phơ từ đám đông khoan thai bước tới, dõng dạc hỏi các anh các chị đến đây có việc gì. Thưa rằng chúng tôi đến để thực hiện nhiệm vụ thành phố giao cho ạ. Nhiệm vụ gì? Dạ thưa chúng tôi có nhiệm vụ giải tỏa mặt bằng xây dựng ạ. Giải tỏa ở đâu? Dạ ở đây! Tưởng bà con đã nhận được thông báo rồi chứ ạ? Dân đảo chúng tôi không ai biết chữ, có nhận được thông báo cũng không đọc được, xin hỏi các vị định giải tỏa thế nào? Dạ thưa, theo chỉ thị của lãnh đạo thành phố, nếu đến ngày hôm nay bà con vẫn chưa chịu di dời thì buộc lòng chúng tôi phải tiến hành... cưỡng chế ạ. Cưỡng chế, tức là kéo quân đến phá nhà dân có phải không? Dạ! Xin phép hỏi anh, ai ký lệnh này? Dạ, đó là đồng chí Hoàng Thạch ạ. Hoàng Thạch là ai? Dạ, đó là... Ông trưởng đoàn giải tỏa chưa nói hết câu chợt thấy một người râu hầm hàm én, mắt trợn tròn xoe, tay cầm “bát xà mâu”, tức là cái lao xiên cá, từ sau lưng cụ già nhảy vọt ra, quát to như sấm, làm cho ông ta suýt nữa thì té xỉu. Này mấy người kia, đừng có nói lôi thôi nữa, có biết cụ già đây là ai không, chính là cụ Lê Thông, bố vợ ông Hoàng Thạch đó! Ta nói cho mà biết, trong hai mươi tư giờ tới, nếu các người cả gan đụng đến bất cứ một ngôi nhà nào ở đảo này thì đừng có trách, bọn ta sẽ không để yên đâu. Biết điều thì rút khẩn trương trước khi quá muộn. Đoàn cán bộ liên ngành nghe thế thì hoảng quá, không dám ho he một tiếng nào, kéo nhau xuống ca nô chuồn thẳng.
Ngay chiều hôm đó, Hoàng Thạch đích thân đáp xuồng máy ra làng đảo. Đầu tiên anh đến ủy ban, quán triệt tinh thần cho cấp dưới, sau đó mới vào thăm ông bà ngoại. Đến nơi thấy Già Thông đang đi dạo trên bãi biển, anh liền chạy theo ra, lựa lời thuyết phục:
- Ông thấy đấy, vùng đất này từ trước đến nay có gì đâu. Một cái thị xã nhỏ con, nhà cửa tuyềnh toàng, lúp sa lúp súp nối nhau từ rừng xuống biển. Đường xá thì vừa chật hẹp vừa bụi bặm, xe buyt từ Hà Nội về đây mất gần trọn ngày trời, khách du lịch mỗi lần về phát khiếp. Vì vậy tiềm năng thì nhiều mà nguồn thu thì ít. Nếu không mở cửa, gọi vốn đầu tư thì làm sao có thể khai thác tài nguyên được? Người ta có tiền, mình có đất, coi như cùng nhau góp vốn làm giàu, con nghĩ không có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Còn trong khi vận dụng thì phải uyển chuyển, dĩ bất biến ứng vạn biến, cứng nhắc như thời bao cấp thì một bước cũng không đi nổi, đúng không ông? Con cho rằng với cách làm này, chỉ trong mươi năm tới, chắc chắn tỉnh chúng ta sẽ trở thành một tỉnh giàu mạnh, và thị xã này sẽ trở thành một thành phố lớn...
- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Anh hãy đi vào chuyện chính đi!
- Vâng, nếu ông cho phép, con xin được nói ngay đây ạ. Con muốn ông giúp một tay trong việc xây dựng đảo thành khu du lịch, nhờ ông giải thích cho bà con hiểu rõ vấn đề.
- Tôi làm sao giải thích cho họ được, trong khi quyền lợi sát sườn của người ta thì các anh không tính đến?
- Không phải thế đâu ông ạ, thực ra chúng con đã tính cả rồi, nếu để nguyên hiện trạng thì đất ở đây quả thực không đáng giá. Để biến nó thành một khu đô thị, người ta phải đắp đường ra đảo, phải mất công san gạt, phải đầu tư biết bao tiền của chứ đâu phải như bà con nghĩ ạ.
- Vậy sao anh không tự đi mà giải thích cho người ta, sao lại phải nhờ tôi mới được?
- Vì con nghĩ một lời của ông gấp mười lần con nói. Ông mà nói thì ai cũng phải tin. Ông là con người mẫu mực, là nhà cách mạng lão thành, lại có tài hùng biện và...
- Thôi được rồi, đừng có bốc thơm tôi nữa, rút cục là anh muốn tôi bảo họ thế nào đây, nhanh chóng di dời đi chỗ khác chứ gì?
- Dạ đúng như thế ạ, mong ông hết lòng giúp đỡ con.
Già Thông lắc đầu cười.
- Hay đấy! Nhưng đáng tiếc là tôi không thể nhận lời anh được.
- Vì sao ạ?
- Vì chính tôi cũng không muốn rời khỏi chỗ này, còn nói ai được nữa?
- Ông cứ đùa con mãi. Ông sao có thể như họ được, ông cần gì chúng con phải có trách nhiệm, việc gì phải lo mấy cái đồng bạc bồi thường ấy?
- Đây tôi không nói chuyện tiền nong, anh nên nhớ ngôi nhà này vốn là cơ sở cách mạng hồi chống Pháp!
- Vâng, con biết, nếu cần chúng con sẽ cho xây dựng tại đây một Đài kỷ niệm, để mọi người luôn ghi nhớ.
- Vậy có nghĩa  rằng các anh vẫn có quyền sử dụng đất theo ý muốn, kể cả khi đã giao hẳn cho doanh nghiệp?
- Chỉ giao trong một khoảng thời gian nhất định thôi ạ. Tất nhiên là khi thống nhất hợp đồng rồi thì sử dụng thế nào là quyền ở họ, nhưng dù sao với bọn con việc này cũng không có gì khó cả. Hàng ngàn héc ta thì cắt ra vài lô đất đáng gì.
- Vậy tôi hỏi thật nhé, phần đất ở đảo này, anh có mấy lô, riêng anh đấy?
Thạch liếc nhanh về phía Già Thông. Già Thông cũng nhìn lại anh với nụ cười ranh mãnh. Suy nghĩ vài giây, anh quyết định chơi bài ngửa. Anh tiến lại gần bố vợ, khẽ thì thầm câu gì đó. Tưởng ông cụ sẽ mừng, không ngờ nghe xong, Già Thông nghiêm mặt lại.
- Tôi đoán không sai, rõ ràng từ trước tới nay các anh toàn vụ lợi. Mỗi một dự án đưa các anh phê duyệt đều thế cả!
- Ông thông cảm cho, con làm thế cũng chỉ vì các cháu thôi mà. Ông ạ, con tính rồi đây phải cho chúng đi du học nước ngoài, mà phải đi các nước tiên tiến như Anh, Mỹ để trang bị cho hoàn hảo, để sau này về chúng còn kế tục sự nghiệp của cha ông chứ? Cho nên...
- Cho nên anh phải làm những việc bất chính như vậy để có tiền, phải vậy không?
- Khổ, thời đại này mà ông vẫn còn theo cái nếp suy nghĩ ấy! Con chỉ tranh thủ trong phạm vi cho phép thôi mà.
- Ai cho phép?
- Ông cứ bắt bẻ thế thì con chịu, nói ông đừng giận, ông đúng là...
- Đúng là cổ hủ phải không? Thì cứ cho là tôi cổ hủ đi, nhưng tôi nói thật, nếu anh không dừng ngay cái trò đục nước béo cò như vậy, tôi sẽ không bỏ qua đâu. Là người giữ trọng trách trong guồng máy xã hội mà còn thế, huống hồ kẻ khác. Anh ăn được thì người ta cũng ăn chứ kém à? Anh muốn đưa con anh đi nước ngoài đào tạo cho hoàn hảo, dễ thường người ta không muốn thế? Rồi tất cả sẽ trở thành gian dối hết. Rồi các cháu tôi nó cũng học anh, làm theo cách đó, dẫu có thành đạt cũng chẳng ra gì, thậm chí còn hỏng hẳn.
- Ông cứ quan trọng hóa vấn đề, con cho rằng...
- Không có cho rằng gì cả! Tôi nói cho anh biết: Sự đổi mới, mở cửa hội nhập là xu thế thời đại, các anh làm thế là đúng hướng, hợp lòng dân, nhưng nếu lợi dụng nó để vơ vét cho cá nhân mình thì tác dụng sẽ hoàn toàn ngược lại. Anh không thấy sao, người ta đang nói rất nhiều về chuyện rửa tiền. Vì sao phải rửa tiền? Vì đó là những đồng tiền bẩn. Đồng tiền bẩn mới phải tìm cách rửa, nhưng rửa được tiền liệu tay có sạch không? Có rửa đến muôn đời không sạch! Cứ bảo vì sao dân người ta mất lòng tin, vì tay mình không sạch chứ còn sao nữa. Tay mà không sạch thì ai người ta thèm bắt tay mình, thế thì hội nhập làm sao được? Hãy thôi đi, đừng làm thế!
Biết không lay chuyển được “cụ khốt” này, Thạch chuyển sang đề tài khác, sau đó xin phép về, lấy cớ tối nay còn bận họp. Già Thông khẽ phẩy tay:
- Không sao, cứ việc về mà họp, nhưng chớ có nói một đằng làm một nẻo. Điều đó tồi tệ lắm. Thời chúng tôi tuy có những sai lầm, nhưng chỉ sai về phương pháp chứ không phải là bản chất, còn các anh bây giờ... Mà thôi, nói nhiều chẳng giải quyết gì, chỉ nhắc anh một điều : Đức tin, đó là điều quan trọng nhất đối với mỗi cộng đồng người. Thời đại nào, quốc gia nào, khuynh hướng chính trị nào mà không chú ý gây dựng nó thì dẫu cơ đồ có đẹp mấy cũng không thể bền vững được. Tôi già rồi, sắp xuống lỗ rồi, có mấy lời quê kệch giãi bày với anh như vậy, nghe hay không thì tùy.
Không biết Thạch nghĩ thế nào về những lời khuyên bảo của Già Thông mà sau đó không thấy anh quay lại làng đảo nữa, mặc dù anh đã hẹn sẽ làm việc với ủy ban xã thêm một buổi. Ban giải tỏa mặt bằng cũng mất hút luôn. Nghe đâu người ta đã thu xếp cho ông chủ dự án kia một khu đất mới. Có thể là như vậy, bởi ít ngày sau tự nhiên thấy họ rút quân về, không thi công nữa. Bao nhiêu máy móc thiết bị mới hôm nào được đưa ra đảo, giờ lại hò nhau khuân hết xuống tầu, chở đi nơi khác. Riêng cái tấm biển đề tên công ty thì họ quên không rút, vẫn còn cắm ở bến thuyền, nơi họ định đổ bê tông móng để đắp đường ra đảo, về sau thành tấm bia cho bọn trẻ hàng ngày tập phóng lao săn cá. Chúng phóng lao thế nào mà làm tróc hết những dòng chữ viết bằng sơn trắng trên tấm biển, dần dần chỉ còn mấy chữ tiếng Anh:“Welcome to” ở góc trên cùng. Một lần bọn trẻ hỏi nhau : Welcome to gì nhỉ? Một đứa trả lời : Welcome to Không Tên! Cả bọn reo lên : Hay đấy, hay đấy! Thế là chúng hoan hỉ nắm tay nhau nhảy vòng quanh tấm biển, vừa nhảy vừa hát một bài ca do chúng tự đặt ra. Bài ca ấy như vầy:
Welcome to Không Tên
Đi xuống lại đi lên
chẳng thấy ai đến cả
chỉ thấy con kền kền
Welcome to Không Tên
Biết ai nhớ ai quên
Hết mưa rồi lại nắng
Chỉ có một con thuyền
Welcome to Không Tên...