Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tư tưởng khoan thứ sức dân qua một Lễ hội đã có từ hàng ngàn năm trước

Nguyễn Anh Tuấn
Thứ bẩy ngày 12 tháng 5 năm 2012 3:22 PM
 
Tạp chí Văn Hiến Việt Nam số mới nhất ( 3/ 2012 ) có một bài viết khá lý thú: Mùa xuân xem lễ rước Vua. Chỉ có điều hơi tiếc là,  bài viết không có một hình ảnh minh họa khả dĩ giúp người đọc thêm tin tưởng và có thể hình dung được rõ nét hơn về Lễ Rước vua độc đáo này! Là người cũng đã từng chứng kiến toàn bộ Lễ hội trên, và ghi lại được khá đầy đủ hình ảnh của nó, tôi xin tham góp một số hình ảnh cụ thể, cùng đôi lời bổ sung...
Tương truyền Thục chủ An Dương vương xây Loa thành, cứ ngày đắp thì đêm lại bị phá đổ; nguyên do bị Bạch Kê Tinh (gà trắng hóa thành tinh) ban ngày trú ẩn ở núi Thất Diệu, ban đêm lại xuất hiện phá hoại. Vua bèn làm đài cầu khẩn, được Huyền Thiên Trấn Vũ sai thần Kim Quy (tức sứ Thanh Giang) hiện ra mách bảo kế giết Bạch Kê Tinh. Sự tích Kim Khuyết Cung còn lưu giữ tại đình Nhội có chép: Vua cùng Rùa Vàng đến vùng núi Thất Diệu tìm cách trừ Bạch kê Tinh. Khi đến nơi thấy phiến đá có in dấu chân người, Rùa vàng cho vua biết: đây là nơi Đức Huyền Thiên tu luyện và đã giáng để trừ yêu ma giúp dân an cư lạc nghiệp... Sau khi trừ được yêu quái, thành ốc xây xong, để tưởng nhớ công đức của Huyền Thiên Trấn Vũ, vua Thục đã cho xây đền trên núi Sái - ngọn núi lớn nhất của Thất Diệu Sơn, đổi tên làng Ma Lôi thành Xuân Lôi; thời An Dương vương đền có tên là Kim Khuyết Cung, đến thời nhà Mạc (1590) gọi là Quán Chân Linh, tức đền Sái nay, thuộc làng Thuỵ Lôi, hay làng Nhội (Đông Anh- Hà Nội). Đức Lý Thái Tổ sau khi dời đô ra Thăng Long, đã đến núi Sái & đền Sái này để cầu Huyền Thiên và sinh được hoàng tử. Nhà vua đã cho xây đền Trấn Vũ (tức đền Quán Thánh) ở phía Bắc kinh thành để thờ Huyền Thiên, và Huyền Thiên trở thành vị thần trấn ngự phía Bắc của Thăng Long tứ trấn.
     Còn đình Thuỵ Lôi (tức Đình Nhội) nằm ở trung tâm làng Nhội, là một ngôi đình cổ khang trang đồ sộ bậc nhất vùng Kinh Bắc còn sót lại, có kiến trúc cuối thời Lê đầu thời Nguyễn gồm 7 gian (Xem ảnh). Đình này thờ Huyền Thiên Trấn Vũ và Cao Sơn Đại Vương- con thứ hai của Lạc Long Quân và Âu Cơ. (Dưới chân núi Sái đi về phía đông theo một con đường dẫn tới một quả núi núi khác có đền Thượng cũng thờ thánh Cao Sơn Đại Vương.)
      Chính làng Nhội với các di tích lịch sử giàu màu sắc huyền thoại đó là nơi hàng ngàn năm qua vẫn diễn ra một lễ hội độc đáo có một không hai trên khắp nước ta: Lễ Rước Vua Rước Chúa.
      Nguyên cớ thế này: kể từ khi Loa Thành xây xong, hàng năm cứ đến tiết xuân, vua Thục lại triệu tập quan quân từ Cổ Loa kéo về đền Sái dâng hương bái yết Đức thánh Huyền Thiên... Sau, thấy đại giá đi lại làm dân mệt nhọc và khiến dân hao phí tiền bạc, nên vua đã giao cho dân làng có quyền thay mặt vua tiến hành nghi lễ Thiên tử xuất cung bái vọng, giả xưng quan tước- gồm một Đô tướng, một phó Đô tướng, một quan Trấn thủ, một quan Tán lý, một quan Đề Lĩnh... Đình Thuỵ Lôi đến nay còn lưu giữ một số câu đối nhằm minh chứng lễ hội rước Vua đã thành tập tục kéo dài hàng ngàn năm này là thực hiện theo chiếu chỉ của Thục An Dương vương, như:
Thục Đế triều đình cho phép dân khai hội lễ
Hương thôn tiên chỉ đại diện hành lễ bái tôn vinh
      Hội rước Vua Rước Chúa diễn ra hàng năm đã diễn lại tích xưa: An Dương vương cùng đoàn tuỳ tùng về bái yết Đức Thánh Huyền Thiên trên núi Sái. Sau đó vua quan lại trở về kinh đô Cổ Loa- chỉ cách đó trên 10 cây số, và nếu là ngày xưa với xa giá tiền hô hậu ủng thì cũng chỉ đi mất độ hai, ba canh giờ là cùng!
      Bài viết trên T/C Văn Hiến đã miêu tả khá kỹ lưỡng toàn bộ tiến trình cũng như các chi tiết của Lễ Hội, ở đây, tôi chỉ xin góp một lời bình: trên đất nước ta, từ hàng ngàn năm trước, người đứng đầu Quốc gia đã có tấm lòng thấu hiểu và thương dân sâu sắc, đã có một hành động khoan thứ sức dân hết sức cụ thể và ẩn chứa lòng nhân hậu; còn dân gian cũng đã cảm nhận được một cách sâu sắc tấm lòng ấy, rồi lưu giữ mãi từ đời này qua đời khác bằng một hội lễ sinh động, tưng bừng. Phải tận mắt nhìn thấy những thanh niên trai tráng khênh hai kiệu Vua - Chúa, nhiều lần tung hai chiếc kiệu có người đóng thế vua chúa lên một cách hăng hái, và chứa chan tinh thần Dân Chủ... thì mới cảm nhận được hết ngọn lửa của tình yêu và sự đồng cảm giữa Nhân Dân với những bậc cầm cân nảy mực thiên hạ ở cái thời xa xưa đó...

Bài & Ảnh: Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn