Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Góp lời với Việt An và Trần Đăng Khoa

Lưu Quốc Hòa
Thứ bẩy ngày 12 tháng 5 năm 2012 9:45 PM
 
Tôi đã đọc rất kĩ bài báo của Việt An trên trang của Trần Đăng Khoa về cải cách giáo dục.
Tôi đã gặp Việt An tại Sài Gòn trong một chuyến đi sáng tác dài ngày ở Côn Đảo, Củ Chi và miền Đông Nam Bộ. Cuộc gặp tuy ngắn nhưng trong tôi đã có nhiều cảm tình với Việt An. Anh là người hiểu biết có bài bản về tự nhiên và xã hội.
Việt An không mang danh hiệu nhà báo  hay nhà văn nhưng thực tế, Việt An trong những cảm nhận đã chỉ cho tôi nhiều điều thuộc về học thuật, thậm chí có những điều đáng là bậc thầy của tôi. Đó là lời gan ruột chân thành  tôi dành cho Việt An chứ không có ý định tô hồng lăng sê nhau.
Việt An (VA) tên thật là Sinh, kém tôi một hay hai tuổi gì đó (có thể là tuổi Đinh Dậu) trong cái nhóm bạn Hải Dương ( Chu Nhạc Trọng Huân, Trần Đăng Khoa). Một lần Khoa về nhà tôi cùng Chu Nhạc, hai người kể khá kĩ về khả năng toàn diện của VA…
VA là Doanh nhân của Sài Gòn và có cơ sở đồ điện để anh phát huy sở trường khoa học tự nhiên là Kĩ sư điện.
  Điều đáng bàn là bài báo VA đã nêu về cải cách giáo dục. Tôi nghĩ bài viết ấy phải được đặt trịnh trọng trên bàn làm việc của nguyên thủ Quốc gia và các cơ quan  làm công tác giáo dục vì giáo dục là nền tảng cho một đất nước thăng tiến trường tồn.
Để có bài báo như VA, thú thực tôi không đủ trình độ, tôi chỉ hùa theo với những chuyện nực cười  khi tiếp xúc với học sinh thế hệ con cháu hiện nay như một minh họa .
Cạnh nhà tôi có một học sinh giỏi văn cỡ tỉnh.
Điều khá bất thường là một học sinh giỏi văn lại tránh tiếp súc với một người làm văn cỡ tuổi  ông nội ông ngoại nó, thậm chí trốn chạy là đằng khác. 
Một lần đến chơi,  ông nội cháu có ý định nhờ tôi kèm cặp về tư duy sáng tạo văn chương. Nhân thể cháu còn đang đi học chưa về, tôi xin phép ông cháu cho ngó qua một số bài văn cháu đã làm và bổ ngửa ra…Văn chương gì mà “khủng khiếp” quá thể.
Một bài văn nói về Bác Hồ có đoạn mở đầu “tuyệt cú mèo” như thế này: Từ xưa đến nay, nhân dân ta đã coi Bác Hồ là vị anh hùng dân tộc”.
Chắc cháu này nhầm lẫn đoạn văn nào đó khi nói về các anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Lý Thường Kiệt hay một số anh hùng thời tiền sử. Bác Hồ là của thời đại chúng ta…Vậy “từ xưa” và “coi” trong đoạn văn này thật vừa sai vừa bất kính, vừa ngây ngô buồn cười khi cháu nọ lại là “học sinh năng khiếu văn”, thử hỏi nếu không “năng khiếu” thì còn kinh khủng đến đâu.
Khi tôi phân tích điều này với ông cháu, ông mới ngây ra. Ông hốt hoảng hỏi tôi: Thế là sai hở ông, phản động hở ông?.
Tôi cười: Không đến nỗi như thế đâu, không phản động mà phản cảm. Phản động thì thấy ngay, pháp luật can thiệp liền và tội có thể xử bắn nhưng phản cảm là điều tối kị trong văn chương, điều sơ đẳng và cần thiết để cho một học sinh trước khi cầm bút viết một câu văn.
Hai hôm sau, nhân ngày chủ nhật, ông dẫn con bé đến nhà, tôi hỏi cháu: Cháu làm đoạn văn này à, cháu nghĩ thế nào về câu mở bài này.Con bé như gà mắc tóc và bị tôi và ông cháu truy vấn, nó khai: đây là bài “mẫu” cô giáo làm và bắt cháu và các bạn chép để học thuộc.
Tôi và ông nó cùng kiểm chứng khi con bé cất giọng đọc thuộc lòng như con vẹt.
Nhà tôi vang lên tiếng một con vẹt, trong trẻo, ngây thơ, đáng yêu và cũng …đáng thất vọng.
Cô giáo làm bài mẫu, đẻ ra một câu văn phản cảm ngây ngô rồi tống, rồi nhồi cật lực cho lứa học sinh, cô đã có công “đẻ” ra một đàn vẹt.
Tôi được biết cô giáo ấy là một người được cấp danh hiệu “giáo viên gỏi cấp Thành Phố, cấp tỉnh” …Kinh không chứ? Mườn nượp học sinh cắp sách đến nhà học thêm, cô vui vẻ chấp nhận dạy dỗ, vui vẻ nhận tiền và vui vẻ xếp cho các em chỗ ngồi trong cái lán để xe nóng như lò bát quái. Các em vui vẻ ngủ gật, vui vẻ nói chuyện riêng.
Từ ví dụ trên tôi suy ra cách “cải cách giáo dục” của chúng ta. Có thể nói đấy là cách: CẢI CÁCH ĐỂ LẤY TIỀN HỌC SINH BẰNG MỌI CÁCH.
---------
Rất nhiều bạn văn đã đến nhà tôi đều biết cháu Châu Giang của tôi, một con bé thông minh, nhạy cảm và hát hay không kém gì bé Xuân Mai, cháu thuộc hầu hết các làn điệu Quan họ và Dân ca Hà Nam do tôi dạy.
Dạo này cháu tôi đi học và ở riêng với bố mẹ.
Một lần sau tết trên đường đi, tôi thấy cháu còng lưng khoác cặp đi trên vỉa hè, tôi dừng xe ngắm gương mặt nhễ nhại của cháu mà nản. Mới học lớp Một sao mà lắm sách vở thế kia, thảo nào con gái tôi hay về van nài đục khoét tiền ông bà ngoại để mua sách giáo khoa và bao thứ tạp nham cho việc học của cháu.
Tôi cho cháu vào một cửa hiệu và “cải tiến” cái cặp khoác vai bằng cái cặp có hai càng kéo bánh xe (kiểu như khách du lịch lên máy bay)…Cháu lại nhễ nhại kéo như bác lao công trên hè phố. Cháu tha cái đống sách giáo khoa khổng lồ ấy mà tôi biết, đa phần mớ giấy má kia cháu chả hiểu thứ gì, có thứ thật không cần nhồi vào óc làm gì cho vô bổ, chỉ có tiền mua sách là có thật.
Ngày nào cháu cũng đến trường, sáng học chính, chiều học thêm kể cả chủ nhật.
Mới 7 tuổi mắt cháu đã bắt đầu kém thị lực, người ngây ra, đần độn, có lúc như bà cụ non,. có  lúc lại lảm bẩm như ma nhập.
Nhận rõ nguy cơ làm hỏng con bé, tôi đến trường gặp cô giáo chủ nhiệm với tác phong rất thiếu kiềm chế: Tôi phản đối kịch liệt cách giáo dục, chỉ trích thẳng thừng nhà trường. Bà Hiệu trưởng lôi ra một đống công văn giấy tờ của cấp TW, cấp tỉnh, cấp Phòng. Tôi gạt phăng những giấy tờ chỉ thị rất “đúng” kia và nói rằng: Giáo dục là vì con người, giáo dục kiểu các cô là giết người, giết tuổi thơ, tôi không cần biết các thứ công văn của các cô, tôi cần sự an toàn cho tuổi thơ cháu tôi. Nếu học thêm như tôi thưở nhỏ, chỉ học mà không đóng tiền, các cô vì tiền chứ không phải vì giáo dục”
Cô giáo chủ nhiệm đưa ra tờ giấy cam kết mà bố cháu đã kí để “tình nguyện” cho con học thêm, tôi chộp lấy và bảo cô giáo: Tôi không là trẻ con để cô lòe bịp, tôi thừa hiểu trò ma giáo này”.
Thấy tôi cương quyết, các cô đấu dịu vì thừa biết tôi qua các tham luận vừa êm ái, vừa chua ngoa kẻ chợ ở Hà Nam nên không dám lộng ngôn chứ gặp người non tay yếu lý chắc còn bị lên lớp và đe dọa  nhiều điều.
Giáo dục chúng ta tệ lắm rồi, tệ đến mức phẫn nộ là đằng khác. Học suốt ngày, học đến lồi mắt ra, học đến mụ mị, phát điên phát dại .
Ấy  là học thật
Còn học đểu nữa mới đáng nguyền rủa.
Tôi có cô bạn đang nhấp nhinh tranh cử một chân trong xã, cô học lớp Bảy ngày xưa thế mà bây giờ học một ngày 3 lớp, học hùng hục như đào mả trộm lấy vàng. Khi tôi hỏi một số điều sơ đẳng cũng tắc tị…Cô thú nhận: Em và cả lớp cứ đóng tiền cho giáo viên, bí quá nhờ người học hộ, vẫn có bằng Đại học như ai.
Hỡi ôi Đại học! một bằng cấp cao quý bị đem ra làm trò đùa, trò đùa ấy táp vào xã hôi và đẻ ra những căn bệnh trầm kha cho một thể chế, nó như liều thuốc công hiệu, hủy diệt đất nước này bằng học vấn, nhất là cấp xã, kiểu “học đểu” này khá phổ biến.

Từ ngày cởi trói cho bé Châu Giang tội nghiệp của tôi, cháu chỉ học một buổi sáng và chiều về với ông bà, cháu trở lại gần như bình thường. Cháu được đi đánh chắt đánh chuyền, thả diều và hát Dân ca,  giờ học, giờ chơi thoải mái.
 Tôi bảo bố mẹ nó: Nếu bắt con mày thành đứa vừa mù, vừa lú hay học thành con vẹt, chúng mày chọn con đường nào?.
Tôi lại nhớ đến câu ngạn ngữ: CÁ TRONG LỜ CON MẮT ĐỎ HOE/ CÁ NGOÀI LỜ NGO NGOE CHUI VÀO.
 Tôi nghĩ nhiều con cá ngoài lờ đang muốn chui vào trong dịp hè sắp tới bằng cái lờ: DẠY THÊM HỌC THÊM.
 Sinh mệnh con người, nhất là tuổi thơ là quan trọng nhất. Sau sự tồn vong ấy mới là kiến thức. Sự quan hệ của nó rất biện chứng bởi một con người có theo phép tự nhiên mới có thể lực, có tâm hồn nhạy cảm để tiếp thu kiến thức. Dễ hiểu như vậy nhưng nhìn vào kiểu học tập hiện nay, chúng ta đang thấy nó đang đi ngược quy luật tự nhiên.
Xã hôi ta nhiều Tiến sỹ giấy quá, nhìn đâu cũng thấy Đại học, cái đáng sợ là nhiều giá trị bị đánh tráo.
Xin cảm ơn VA, cảm ơn Trần Đăng Khoa và các độc giả từng đọc để chúng ta cùng có một tiếng nói chung gửi lên cấp vĩ mô.

Viết trên đường đi công tác trưa 7/5
LQH