Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

100 NGÀY VƯỢT TRƯỜNG SƠN

Nhà thơ Ngô Minh
Thứ hai ngày 11 tháng 5 năm 2009 6:16 PM
50 NĂM ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN LỊCH SỬ (19-5-1959- 19-5-2009) :
  Trong  đời tôi có những năm tháng khắc tạc vào trí nhớ, không thể quên. Một trong những ký ức mãi tươi ròng không thành sẹo đó là 100 ngày vượt Trường Sơn đánh giặc. Hàng triệu người lính đã vượt Trường Sơn. Hàng vạn người  lính, đã nằm lại giữa lòng Trường Sơn. Trường Sơn là nơi thử thách ý chí và lòng người :Trường Sơn đông nắng tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa rõ mình ( Tố Hữu). Đường Trường Sơn luôn luôn là một bí ẩn không chỉ đối với kẻ thù mà cả đối với những người đã từng 100 ngày leo đèo vượt suối như tôi. Đi một chặng là hiểu thêm bao điều bi tráng, lớn lao của cuộc kháng chiến. Đã 36 năm rồi, cuốn “Nhật ký Trường Sơn” mỏng của tôi dẫu nhòe bụi thời gian vẫn nóng hổi từng con chữ. Xin gửi đến bạn đọc trẻ hôm nay những hồi ức chân thực rút từ cuốn nhật ký ghi vội giữa chiến trường năm ấy, để biết cha anh mình đã vượt Trường Sơn như thế nào…
               1.    LÊN TRƯỜNG SƠN
Tiểu đội chúng tôi trong đội hình Sư đoàn 325 khung vượt Trường Sơn năm ấy toàn sinh viên Đại học Thương nghiệp Hà Nội. Đứa đang ôn thi tốt nghiệp như tôi được công nhận tốt nghiệp đặc cách, đứa học năm thứ hai, ba. Tôi có mấy anh em thân thiết như ruột thịt  là Võ Văn Đảm, Lê Văn Trung ở Vĩnh Linh, Nguyễn Văn Dũng-Ý Yên ( Hà Nam), Nguyễn Hữu Thước, Nam Đàn (Nghệ An), rồi Hồng, Phan Văn Các, Cao Xuân Hậu.v.v.. Đóng quân ở Phổ Yên, sau  3 tháng đeo gạch, đá, tập leo đèo, vượt dốc mướt mồ hôi ở Tuyên Quang, Bắc Cạn, đi qua mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, chúng tôi sắp hành quân vào B2 . Đầu tháng 1-1973, việc cấp bách    trước khi lên đường là chúng tôi phải tổ chức đám cưới của cho đôi uyên ương Đảm – Quỳnh. Hai người yêu nhau thắm thiết ba bốn năm rồi. Đám cưới  được tổ chức tại  ngôi trường tiểu học của xã vào ngày chủ nhật. Hơn hai chục  anh em dân Đại học Thương nghiệp đóng vai nhà trai, mặc toàn đồ bộ đội. Để có phòng tân hôn, chúng tôi lấy tấm bảng lớp học, kê lên bàn học trò, trải chiếu chăn bộ đội, tăng võng mới phát đi B quây xung quanh rồi đẩy hai người vào. Sáng ra lại kê trả lại bàn ghế cho học sinh đến lớp. Phòng tân hôn “dã chiến” ấy hoạt động được hai đêm, thì có lệnh hành quân. Thế mà Đảm đã để lại đứa con Võ Thị Hồng Giang ( Vĩnh Giang là tên xã của Đảm), nay đã thành một người mẹ trẻ hai con ở thành phối Thái Nguyên. 
Từ Phổ Yên, đầu tháng 1-1973, chúng tôi hành quân bằng xe tải bịt bùng, chạy mấy ngày  thì đến thị xã Đồng Hới giữa khuya. Phố xá Thị xã Hoa Hồng của tôi bị bom đạn san bằng. Sáng sớm lại đi ca-nô lên Xuân Thủy. Có hai chục cây số đường sông mà cả sư đoàn phải di chuyển  một ngày trời . Từ đây về nhà tôi 20 cây số, chạy bộ chỉ hơn 3 tiếng đồng hồ, nên tôi ghé tai nói thầm với Đảm :” Khôi vù về thăm mạ chút. Về đây mà không  gặp mạ , sau này có chuyện gì ân hận lắm! Sáng mai lên sớm.”. Thế rồi tôi bỏ ăn tối, không xin phép Trung đội, sang đò, cắm cổ chạy . Đây là đường tôi đi học mấy năm cấp 3, nên rất thạo. Mười giờ đêm tôi về đến làng biển Thượng Luật. Thấy tôi xuất hiện đột ngột, mạ ôm lấy tôi sờ nắn chân tay rồi khóc nức nở:” Ôi, con ơi, gửi  cái thư về thôi, sao lại trốn !”. Mạ giục các anh  đi bắt gà  làm thịt, nấu cháo liên hoan. Đến 4 giờ sáng, mạ bắt thằng Quang, lớn tuổi hơn, nhưng gọi tôi bằng chú, lấy xe đạp xe đạp chở tôi lên đơn vị…
Từ sáng đó, chúng tôi bắt đầu đi bộ leo đèo , vượt dốc 100 ngày ròng rã . Ngày đầu chúng tôi đi theo đường 14 từ lúc trời chưa sáng rõ. Mới đi bộ vài tiếng mà đứa nào mồ hôi cũng vả ra như tắm. Hai vai tê dại. Chiếc ba lô căng phồng với trăm thứ đủ cho một người lính ra trận như quần áo dài, quần áo cộc, võng bạt, tăng, màn, chăn, lương khô, 4 gói muối bột, ruốc bông, thịt hộp, hộp thuốc bệnh, bao tượng hơn 5 cân gạo vắt vai. Số gạo ấy đủ ăn trong một tuần. Rồi còn  xẻng, cuốc, xè beng thìa để đào hầm cài xung quanh. Ngoài ra mỗi người lính còn phải mang súng AK, đạn, bốn quả lựu đạn, dao găm, bình tong nước, bát đũa, đèn pin.v.v... Tính ra mỗi người phải mang tới gần 40 kí lô trên vai. Ai đến phiên “trực nấu cơm” của tiểu đội còn phải mang thêm chảo, soong, môi thìa.v.v.. rất kềnh càng, nhem nhuốc…
Cả tuần hành quân bằng ô tô không biết  nặng. Bây giờ chiếc ba lô như một hòn núi trên vai. Mấy tiếng đầu thì còn đi đứng “oai hùng” lắm. Vài tiếng sau là lết từng bước. Thằng Dũng sợ nặng, đêm qua nó đã lén vứt bớt đi nào xè beng , cuốc. Hắn gọi là “làm một cuộc thanh trừng”. Còn tôi gầy gò nhỏ bé, chỉ nặng 40 ký, Đảm thấy thương nên ngày nào cũng mang hộ súng, gạo. Vậy mà tôi cứ đi sau cùng tiểu đội.  Chúng tôi đi tới 8 tiếng đồng hồ mới tới trạm T6, Trạm đầu tiên trên đất Hướng Hóa, Quảng Trị. Tới nơi đứa nào chân cũng nặng như đổ chì. Có đứa chỉ cần ngả  lưng bên đường, lưng tựa vào ba lô là ngáy. Giao liên phổ biến đã có rất nhiều người ngủ quên, đơn vị đi mất, thành lính “thu dung”, lạc đơn vị. Có đứa vì lạc đơn vị bơ vơ , rồi  nhập vào đoàn thương binh ra lại miền Bắc, như là một kiểu “đào ngũ thầm lặng”. Mệt thế mà đến đoạn rừng rẽ vào T6, thằng Dũng còn kéo Đảm , tôi, Thước chỉ vào hai anh chị thanh niên xung phong và bộ đội đang cởi trần  “quần” nhau dưới gốc cây quên cả trời đất. Dũng bảo :” Đấy, sống gấp đấy ! Hấp dẫn không !”.
Mấy hôm nay Hiệp định Raris về Việt Nam được ký kết, nên đường Trường Sơn đông như hội. Xe tải chở hàng đi từng đoàn nối nhau. Chiếc nào cũng gắn khẩu hiệu :” Một ngày bằng hai mươi năm”. Đến T6, bảng thông tin của Trạm  có dán bài thơ mới Việt Nam ,Máu và hoa của Tố Hữu: Ao ước trăm năm mãi đợi chờ / Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ…Tôi thấy mấy anh lính mở sổ tay chép. Tôi cũng chép thật  nhanh để còn đi nấu cơm. Mệt. Nhưng tôi và Dũng đến phiên trực thổi cơm. Thổi cơm dọc đường hành quân là một nghệ thuật siêu hạng, ai không qua không thể hình dung nổi. Hai đứa chặt cây làm đòn khiêng, buộc tăng vào, xuống suối lấy nước. Nước cáng về đổ vào một cái hố đào vội, lót tăng để dự trữ. Cáng đủ nước lên dốc đến chỗ trú quân bở hơi tai.  Lại phải đào bếp Hoàng Cầm để “nấu không khói”. Bếp Hoàng Cầm là loại bếp đào xuống đất, có chỗ  cho củi vào, bắc nồi lên là ánh lửa không  lọt ra ngoài, khói được dẫn bằng một đường ngầm phủ lá rừng dài để khói lan trên mặt đất chứ không lên cao. Phải nấu hai chảo cơm . Một chảo để ăn ngay, một chảo để làm cơm nắm mai  mang đi ăn buổi trưa. Rồi phải nấu canh, nấu nước cho anh em đổ đầy bình tông. Tất cả những việc ấy chỉ được làm trong thời gian ngắn theo lệnh Tiểu đoàn . Khi một tiếng, có khi chỉ 40 phút, vì sợ máy bay do thám OV10 phát hiện ra. Có bữa cơm vừa chín là phải hành quân, phải  khiêng chảo cơm vừa đi vừa ăn…Loại máy bay OV10 này chỉ có cái buồng lái ở phía đầu, còn toàn thân rỗng, đạn khó bắn trúng . Nó cứ vè vè suốt ngày trên đầu mình. Phát hiện ra  dấu hiệu khả nghi là nó gọi máy bay đến ném bom ngay, nguy hiểm lắm. Dọc đường hành quân, thỉnh thoảng tôi thấy những mộ nấm mộ bên đường. Có nấm mộ như mới  chôn hôm qua, có mảnh nilon ghi tên tuổi một cô gái, quê quán…Quảng Bình quê tôi ! Giao liên bảo đó là mộ cô thanh niên xung phong hy sinh tuần trước. Ôi, em nằm đây bao giờ mới về quê mạ ?...
        Mười ngày ròng rã chúng tôi hành quân ở Hướng Hóa, miền Tây Quảng Trị. Núi cao hiểm trở. Khổ nhất là vượt dốc 1001 trên đường 14. Từ sáng sớm leo lên, đến tối mịt mới sang bên kia chân dốc. Có khi phải bấm ngón chân leo qua các triền núi đá.  Chúng tôi ngày nào cũng phải vượt dốc, có ngày phải vượt tới 10 cái dốc, đầu gối đau ê ẩm. Cũng có ngày được đi chung đường với ô tô vận tải , gặp chị em thanh niên xung phong đang lấp  hố bom , mùi bom còn khét lẹt. Họ làm việc vất vả, nguy hiểm thế, nhưng  thấy đoàn lính trẻ mới từ Bắc vào, các cô lại cất tiếng hò Sông Mã :” Miễn là anh có lòng thương. Giữa đất cũng đặng chiếu giường mà chi”, rồi đấm vai nhau cười vang rừng. Giao liên giục đi nhanh, sợ máy bay địch quay lại, nhưng anh em thì mang nặng nên tốc độ rất chậm. Có khi một ngày chỉ đi được vài chục cây số. Mấy ngày này mưa liên miên.   Mưa Trường Sơn thật kinh khủng. Trời cứ như nghiêng thùng nước đổ vào đầu người vậy. Mùa mưa chỉ có người đi bộ  có thể đi được, còn vận tải ô tô, hoặc xe thồ gặp rất khó khăn vì sông suối đều dâng ngập, đường lầy lội. Chúng tôi nghe anh em ở Binh trạm kể rằng, từ năm 1968, các nhà khoa học Mỹ đã làm mưa nhân tạo để kéo dài vô hạn mùa mưa trên đường Trường Sơn bằng cách tạo mây để hạn chế vận chuyển của quân ta từ Bắc vô Nam.  Mây được tạo trong không trung bằng các đám khói bạc iodide và sau đó được kích hoạt bằng một mồi nổ bắn ra từ súng bắn pháo sáng. Việc làm mưa nhân tạo được thực hiện cho đến giữa năm 1972, nhưng cũng không ngăn được  người và xe từ miền Bắc vẫn tấp nập lên Trường Sơn …
Chiều đơn vị chúng tôi dừng chân bên một con sông dâng đầy nước. Ở đây có dấu vết của những ngôi nhà đổ nát và những vạt rau khoai lang, chứng tỏ một bản dân tộc đã dời đi. Mấy đứa thấy rau lang thì mắt sáng lên, không kịp cởi ba lô, tranh nhau hái. Khi nghe giao liên cho biết đây là sông Sê Băng Hiêng, Võ Văn Đảm nước mắt dàn giụa, rồi khóc hu hu như trẻ con. Đảm bảo sông Sê Băng Hiêng là đầu nguồn sông Hiền Lương, con sông giới tuyến. Nhà Đảm ở  xã Vĩnh Giang, ngay sát bờ bắc sông. Thế mà Đảm chưa một lần qua cầu Hiền Lương . Đến tuổi bộ đội phải vượt sông bằng đường Trường Sơn ! Đảm xúc động cởi quần áo, nhảy ùm xuống sông, rồi ngẫng lên, hướng về phía Đông, gọi to :”Mạ ơi, con vô đến sông Hiền Lương đây rồi ! Đánh xong giặc con về với mạ !”. Mấy đứa chúng tôi cũng không cầm được  nước mắt. Chao ôi, Đảm phải vào tận miền Đông Nam Bộ, đánh giặc xong rồi, nếu còn sống lại đi ra cả ngàn cây số nữa để qua cầu Hiền Lương về với mạ ! Giờ đây chỉ  vài chục cây số thôi mà không sao về thăm nhà…
Bữa cơm tối nay có rau lang luộc chấm với nước muối mà ngon miệng như ăn cao lương mỹ vị. Cấp dưỡng nấu một đứa hơn nửa ký gạo mà cơm hết vèo từ khi nồi hãy còn bốc khói. Vì đã  nửa tháng rồi không rau tươi, thèm lắm…
                 2. TRƯỜNG SƠN ĐÔNG -TRƯỜNG SƠN TÂY
               Lên Trường Sơn tôi mới biết, đường Trường Sơn không phải là một con đường mà có hai tuyến lớn là đường Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Mỗi tuyến đều có hàng chục con đường  ngang dọc chằng chịt, bí ẩn. Có giao liên dẫn mới đi đúng đường, không  dẫn là sẽ lạc. Hệ thống đường Trường Sơn phát triển thành một mạng lưới phức tạp của các con đường đất, đá rộng cho ô tô, cho người đi bộ và xe đạp thồ, bãi đỗ xe tải. Cạnh đường còn có kho, bãi chứa hàng, doanh trại, bệnh viện, đơn vị phòng không bảo vệ…. Tất cả được nằm dưới rừng già, máy bay địch khó phát hiện được . Sau này, tôi đọc được trong một tài liệu viết rằng, các lực lượng phục vụ trên Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km đường kín (đường K) trong rừng rậm cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm…Trong 16 năm tồn tại, đường Trường Sơn đã chuyển được hơn một triệu tấn hàng, vũ khí vào chiến trường, chỉ huy hành quân cho hơn hai triệu lượt bộ đội vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường…
      Đó là tài liệu tổng kết sau này. Còn khi vượt Trường Sơn năm ấy, vào ngày nghỉ rỗi rải, tò mò quan sát tôi thấy có những con đường đã mở rộng xe ô tô chạy được nấp kín dưới lòng rừng, lá phủ dày, chưa hề có dấu xe người. Chứng tỏ nó đã được chuẩn bị từ lâu lắm. Có ngày nghỉ , Trạm giao liên dẫn chúng tôi đi hàng năm ba cây số vào rừng sâu lấy gạo. Tôi thấy có những kho gạo lớn giấu trong rừng  đã từ lâu, mái kho lớp lá cọ rừng hay tăng bạt đã mục nát. Khi giao liên cào lớp lá mục, gỡ tấm bạt phủ bên trên ra, phải dùng xà beng cạy phần  mốc meo bên ngoài dày tới cả gang tay, mới tới phần gạo ẩm bên dưới.  Người vượt Trường Sơn ai cũng  phải ăn thứ gạo ấy. Ăn cơm nấu từ gạo ấy chua mốc, nhưng ai cũng hiểu rằng, tiềm lực dự trữ lương thực, đạn dược cho cuộc kháng chiến ở Trường Sơn rất lớn. Từ đó    càng tin vào thắng lợi ở phía trước. Nghe nói 559 có 6 tiểu đoàn vận tải bằng xe tải, 2 tiểu đoàn vận tải xe đạp thồ, một tiểu đoàn vận tải đường thủy, 8 tiểu đoàn công binh, và rất nhiều trạm giao liên. Có ngày chúng tôi đi qua  một hẻm núi vừa bị máy bay địch ném bom. Đất đỏ nhoe nhoét. Tôi thấy một kho đạn pháo lớn bị đánh trúng rìa, những hòm đạn vỡ văng ra đường, những viên đạn pháo vàng chói nằm bên đường. Có lẽ dây cũng là một kho đạn đã được cất giấu cho một chiến dịch trong tương lai. Lại có ngày nghỉ, mấy anh em chúng tôi đi hái rau rừng cải thiện, phát hiện ra một  hang đá chứa đầy xe đạp Phượng Hoàng Trung Quốc. Có đến cả ngàn chiếc bỗi mỡ sáng bóng. Đó là xe để cho các tiểu đoàn xe thồ vận chuyển lương thực đan dược dọc Trường Sơn. Nghe nói có người thồ đường núi tới 250 kí. Khiếp thật. Tôi nghĩ, nếu Bộ Quốc phòng và Binh đoàn 559 không có tầm nhìn xa như thế thì con đường Trường Sơn không thể trở thành hậu cứ lớn trực tiếp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi suốt 16 năm ròng được.
Chúng tôi hành quân mười ngày trên đất Quảng Trị mà không đi qua thôn bản nào. Bộ đội đi  5 ngày được nghỉ một ngày, đó là ngày “chủ nhật” của lính. Ngày nghỉ nhưng nhiều việc lắm. Tắm rửa, giặt quần áo, cắt tóc cho nhau, viết thư sẵn để gặp thương binh ra Bắc thì gửi,  rồi rủ nhau xuống suối mò cua, bắt cá cải thiện…Ngày 3-2-1973, chúng tôi được nghỉ đúng vào ngày 30 Tết Nguyên Đán Quý Sửu. Cả tiểu đội háo hức chuẩn bị Tết quên cả mệt. Chúng tôi sửa sang lại chỗ ăn cơm cho sạch sẽ. Thằng em út Lê Văn Trung đi hái đâu được mấy bông hoa rừng về cắm vào cái bình tong trên “bàn ăn” làm bằng lồ ô buộc mây mà “anh cả”  Võ Văn Đảm hì hục cả buổi sáng mới xong. Có hoa  là không khí tự nhiên “sang trọng” hẳn lên. Trung là đứa em  mới học năm thứ hai khoa kinh tế kế hoạch. Nó thông minh, lém lĩnh, có tài kể chuyển Tây Du Ký, Tam Quốc. Mỗi đêm nó đi kể chuyện Tam Quốc cho các trung đội khác, rồi “xin” mọi người trả thù lao bằng  thuốc lào, thuốc lá mang về chia cho những anh nghiện của trung đội. Về thực phẩm tiểu đội tôi còn  bốn hộp thịt kho thì A8 (tiểu đội 8) vay mất một hộp, còn 3 . Tiểu đội biểu quyết chiều nay khuy ăn bữa cơm tất niên 30 Tết bằng hết. Trạm giao liên “phân phối” tiêu chuẩn Tết một người 2 cái kẹo mềm Hải Hà, hai điếu thuốc Điện Biên bao bạc đã chớm mốc. Tôi nghĩ, lính tráng vào Nam đợt này  cả mấy sư đoàn, lo được thế là nhất rồi. Ăn xong cả tiểu dội ngồi  quay bên bếp lửa giữa đại ngàn Trường Sơn, đưa hát, đứa tranh nhau kể chuyện phong tục Tết quê mình…
Tôi ngồi trầm ngâm nghĩ ý thơ vừa tới, rồi xin Dũng cái vỏ bao thuốc lá chép vội để mai ghi vào nhật ký : Xuân rừng gợi nhớ xuân quê / Anh đón Tết bằng xôn xao kỷ niệm / Bằng nỗi nhớ em trĩu đường ra trận / Bóng hình em ấm áp Giao Thừa…Khuya rồi, Giao thừa Quý Sửu qua từ lâu rồi mà tôi không sao ngủ được. Tôi không ngờ đời mình lại đón Tết ở Trường Sơn, nơi đèo cao rừng rậm như thế này. Những ký ức tuổi thơ bên mạ,  rồi bạn bè trường lớp cứ dồn dập kéo về. Bỗng nhiên nước mắt cứ trào ra. Tôi thấy võng bên cạnh, Dũng, Thước hình như cũng không ngủ . Thế là cả ba anh em thức nói chuyện rầm rì cho tới sáng.
            Hôm sau, đơn vị chúng tôi chuyển hướng sang Tây Trường Sơn. Cấp trên phổ biến, đi vào B2 phải  đi trên đất Lào mới nhanh và an toàn, còn đường Trường Sơn Đông thì vào A Lưới, Thừa Thiên,  Hiên, Giằng Quảng Nam…địch bắn phá ác liệt lắm, chỉ dành cho các đơn vị đi B1, B3. Thằng Chiến, Trung đội 3 ,người Huế, bố tập kết đẻ hắn ở Hà Nội bảo rằng, từ Sông Hiền Lương vào Huế chỉ 100 cây số thôi. Từ A Lưới mà về Huế cũng gần trăm cây…Nó tiếc không đi đường ấy để nhìn bầu trời quê  hương.... Ngày hành quân đầu tiên sang đất Lào, tôi có một  kỷ niệm nhớ đời : Hôm ấy đến phiên tôi “trực nhật” làm cấp dưỡng, phải mang song chảo của đơn vị. Thằng Dũng đã giành mang cái  chảo to, để  hai cái song nhôm cho tôi. Tính tôi hay đãng trí. Bất cứ lúc nào trong đầu cũng nghĩ một ý tưởng gì đó, khi thì một tứ thơ, khi thì một hình ảnh  hoa rừng  vừa bắt gặp, hành quân lại  vội vàng nên lần ấy tôi đã quên mang theo  hai cái song nấu  bếp của tiểu đội . Đi được hai cây số mới nhớ ra. Thế là Đảm phải đôn đáo chạy trở lại để tìm. May mà  bãi khách chưa có  đơn khị khác ở. Từ đó Võ Văn Đảm và Lê Văn Trung  thay nhau mang  hộ song chảo  mỗi khi tôi trực nhật, vì sợ làm mất cái để nấu ăn hàng ngày !
             Qua đất Lào mới thấm câu hát “ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/ Bên nắng rát bên mưa quay”. Bên Việt hôm qua mưa như trút, thì hôm nay bên Lào thì nắng hầm hập như đổ lửa. Rừng Lào lại thưa, toàn cây lá gai trông nhức mắt. Bi đông thằng nào cũng cạn nước lâu rồi, mà nóng khát vẫn đày đọa con người. Suốt chặng  hành quân gần hai tháng trời mùa khô trên đất Lào chúng tôi đều “khát“ nước như thế. Có ngày  được nghỉ, tôi đi theo mấy đứa cấp dưỡng ra chỗ lấy nước để rửa ráy cho thoải mái. Nhưng, tới nơi tôi phải đứng nhìn vì không có nước để rửa. Ở Trạm này hôm nay có 8 tiểu đoàn bộ đội dừng nghỉ mà chỉ có một vũng nước ở giữa lòng con suối nhỏ, rộng chừng năm sáu mét vuông, sâu đến đầu gối . Cấp trên cấm không ai được lấy nước để rửa, ngoài việc nấu ăn. Thế mà lính phải vét từng “B52”( tên gọi loại bát sắt ăn cơm bộ đội do Trung Quốc sản xuất thời đó)  nhỏ nước bùn, rồi đợi cho  lắng bùn lắng mới dùng được. Nước  ngấy mùi lá  mục, mùi bùn, đến cơm cũng vàng khè bốc mùi mốc. Lính ta hành quân mồ hôi mồ kê lấm láp bụi đường, không có nước rửa, cứ  đeo tất vào mà ngủ…Thế mà thằng Trung, thằng Thước vẫn lầm rầm song ca  ...từ nơi em đưa sang bên nơi anh những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến, như tình yêu nối lời vô tận. Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn...
          Đi trên đất Lào khô nóng , nên mỗi lần dừng nghỉ  bên một con sông là niềm hạnh phúc cho lính. Tôi nhớ lần đầu tiên  nghỉ lại bên sông Sêpon, con sông chảy giữa biên giới Việt Lào, tất cả chúng tôi đều ào xuống sông tắm.  Tắm sông Sê pôn mát lắm. Tắm xong, lính rủ nhau vào bản Lào đổi hàng thì gặp một đoàn thương binh B2 ra Bắc. Họ cũng nghỉ ở một  bãi khách  gần chúng tôi. Thấy tân binh mới vô, các anh ý ới gọi chúng tôi ghé chơi , yêu cầu “kể chuyện miền Bắc” cho các anh nghe… Đoàn thương bệnh binh hôm ấy ra Bắc đông lắm, có tới trăm người.  Họ ăn mặc áo quần xanh đỏ tím vàng, ai cũng đeo đồng hồ orient, lazo chói sáng, đài sonny mở phát thanh Hà Nội oang oang, rồi cười nói, hát hò rôm rả. Nhưng khi đến gần tôi mới hay tất cả họ đều tàn phế. Người thì cụt một chân, người thì cụt hai tay, người chống nạng, người mù mắt, người thì đầu  đang quấn  băng trắng toát… Tội nhất là anh Tiến, quê Thanh Hóa, thương binh cụt cả hai tay hai chân . Anh nằm ngửa trên cáng như một khúc thịt, cười hồn nhiên :”Các em phải vui lên, ăn cho khỏe vào, đường còn xa lắm”. Hàng ngày anh được  người của Trạm giao liên cáng từ trạm này giao sang trạm khác. Các anh cho biết, đoàn đi từ B2 ra đến đây đã bốn tháng rồi. Ngày chỉ đi được mươi cây số. Ngẫm ra, các Trạm giao liên phục vụ các đoàn thương binh ra Bắc còn vất vả, khổ nhọc  gấp chục lần phục vụ  các sư đoàn bộ đội vào Nam. Vì họ thương tật, nhiều người không tự lo được các việc riêng cá nhân như tắm rửa, vệ sinh , tất cả  đều phải dựa vào các Trạm giao liên. Mà Trạm thì nhiều con gái, thương binh thì toàn đàn ông…Cuộc gặp gỡ những thương binh hạng nặng từ mặt trận trở về làm tôi ám ảnh suốt chặng hành quân sau đó. Rồi sau này, mình may mắn lắm mới còn sống để ra Bắc như họ. Được như thế là hạnh phúc lắm rồi ! Cuộc chiến đấu  khốc liệt đang chờ phía trước…
           Gặp gỡ các anh thương binh tới mặt trời lặn chúng tối mới  tìm được bản  Lào để đổi quần áo, muối, mì chính… lấy gạo nếp, gà, rượu..rồi lội suối  mò bắt được mấy xâu cá, lại ghé bãi khách thương binh  gặp mấy anh đồng hương Nam Hà của thằng Dũng ,  nấu nướng ăn uống với nhau cả đêm. Đi về mò mẫm đường rừng sợ lạc quá, thế mà tôi còm bấm đèn pin hạt đỗ ghi lại bài thơ Bữa cơm Trường Sơn mới đến dọc đường rừng : Đặt ba lô là vo gạo thổi cơm / Bếp đào chông chênh lưng chừng núi dựng / Cá khe Trường Sơn nướng lửa hồng vàng rộm/ Bữa cơm chiến trường thơm tỏa xuống thung sâu / Ai bảo Trường Sơn hiếm cá thiếu rau / Bữa cơm lính vẫn canh riêu ngọt lin / Muôn đời sau hẳn còn dự vị / Bữa cơm rừng tiểu dội chung tay… 
Mỗi lần lính Việt Nam dừng chân ở  Trạm, là dân các bản Lào gùi sắn, gạo, rau, bí ngô, bí đao, vịt gà…ra đổi  để lấy quần áo, mì chính, muối… Cứ đổi một gói muối nhỏ cũng được con gà  ký rưỡi. Cái quần đùi hay áo lót đổi được cả yến gạo nếp nương. Hình như đồng bào đã quen đổi như thế  với nhiều đoàn quân vào trước, nên họ ra giá bằng ngón tay rất nhanh. Việc đồng bào các bản Lào đổi hàng cho bộ đội diễn ra suốt đường hành quân, cũng là một cách để chúng tôi giao lưu, học hỏi. Định lượng mang đi có hạn, không hiểu kiếm đâu ra nhiều áo quần, muối, mì chính mà tôi thấy đến Trạm nào có dân là lính ta đều rủ nhau vào bản đổi hàng…Cũng nhờ những lần  đi đổi hàng  cho đồng bào  đó mà tôi nói được rất nhiều từ tiếng Lào như  pay là đi, mưa là về, xamakhi là đoàn kết, kinh khẩu, kinh nậm là ăn cơm, uống nước, khọxơn mà mời, tucay , khăm là vàng, tucay là con gà.v.v..
           Ấn tượng nhất có lẽ là  việc vượt đường số 9. Đường 9 là con đường nối  Đông Hà với Savanakhet.  Đường rộng, lại trống trải. Cấp trên phổ biến là ở đây địch cài thám báo nhiều, chúng  có thể chỉ điểm  cho  máy bay địch oanh kích. Nên phải tuyệt đối bí mật. Cấp trên còn nhấn mạnh hôm nay có Phái đoàn 4 bên  sẽ xuống cầu KaKi kiểm tra tình hình thực hiện Hiệp định Paris . Nên phải không để  phái đoàn phát hiện ra ta “vi phạm Hiệp định” vì tiếp tục đưa quân vào Nam.  Năm 1971, Mỹ-Ngụy mở chiến dịch Lam Sơn  719 ở đường 9- Khe Sanh- Nam Lào  nhằm cắt đứt đường tiếp tế Miền Bắc vào Miền Nam . Nhưng chúng đã thất bại thảm hại. Tất nhiên chúng không bao giờ bỏ việc canh chừng “ tử huyệt” này. Cấp trên  ra lệnh mỗi người phải bẻ một cành lá, đi qua đường thì quay lại xóa ngay dấu dép trên đường. Cánh giao liên lâu năm kể rằng, chục năm trước, ban đầu bộ đội ta  phải dùng hai miếng gỗ đặt dưới chân để vượt đường số 9, sau đó tìm ra cách rải tấm vải tăng hẹp qua mặt đường, người đi sau cùng sẽ cuộn mang theo. Tuy vậy, vượt đường số 9 bao giờ cũng mạo hiểm, dễ bị lộ. Có lần làm việc với lãnh đạo Binh đoàn 559, lo cho bộ đội, đồng chí Lê Duẩn đã gợi ý Đoàn nên nghiên cứu đào đường ngầm xuyên qua đường số 9. Mặc dầu phương án đào đường ngầm không thực hiện được, song gợi ý của đồng chí Lê Duẩn đã giúp Đoàn tìm được một chiếc cống ngầm, hai bên miệng cống có cây cối um tùm. Đường kính của cống chỉ một mét. Do vậy, muốn qua được, từng người phải lần bò khá vất vả. Nên bộ đội chỉ qua đường 9 ban đêm và chạy thật nhanh…
“Quán triệt”là thế, nên chúng tôi thức dậy từ 4 giờ sáng để vượt lộ. Mang nặng nhưng đứa nào cũng chạy vụt qua đường thật nhanh, chẳng cần cành lá hay tấm vải tăng gì cả. Chúng tôi qua cầu KaKi chẳng thấy bóng dáng Phái đoàn mô cả,  ngoài mấy chiếc tăng Mỹ bị bắn cháy từ Lam Sơn 719 cỏ mọc phủ kín cả xích xe.  Nhưng đúng là một bữa chạy đến đứt hơi. Nhiều lúc tôi tưởng mình sẽ ngã quỵ.
Chúng tôi đi trên đất Lào gần hai tháng. Từ  Sepol (Xavanakhet)   qua các tỉnh ven Trường Sơn như Xalavan, Atopư. Vào đầu tháng 3, chúng tôi vượt qua cao nguyên Boloven . Địa danh này tôi đã học trong lịch sử, bây giờ mới gặp. Thức dậy từ 4 giờ sáng, leo lên cao nguyên. Tôi thấy trên cao nguyên  chẳng có bản làng nào cả, mà toàn cây dầu cao vút, trơ trọi lá cành. Chỉ có những nền nhà xây đã thành phế tích. Có lẽ của người Pháp xưa.  Hành quân tới tận 8 giờ tối  mới tới bãi khách ở chân cao nguyên phía bên kia. Một ngày đi dài nhất. Ở Trường Sơn, từ “bãi khách”được nhắc đến nhiều nhất. Bãi khách là một khu rừng nơi bộ đội đóng quân, nấu cơm, sinh hoạt, mắc võng ngủ qua đêm để mai đi tiếp. Đến bãi khách việc đầu tiên là kiếm chỗ mắc tăng, võng. Tăng là mái nhà ( nhà thơ Nguyễn Duy có bài thơ Bầu trời vuông là nói về mái tăng bộ đội thời ấy), võng là giường ngủ. Sau mới đến chuyện làm  bếp, chỗ nấu ăn. Một Binh trạm của 559 tương đương một Trung đoàn, gồm  nhiều Trạm giao liên nối nhau. Từ trạm này qua trạm khác độ đường một ngày. Đến nơi, giao quân cho Trạm khác tiếp tục dẫn đường. Tổ chức như thế rất chặt chẽ và an toàn. Có đêm Trạm giao liên đón tiếp  hàng chục tiểu đoàn, mỗi đơn vị được bố trí một “bãi khách”. Rừng Lào mùa khô  trụi lá, cây lại thấp, nên tìm khó  ra chỗ mắc võng . Cả tiểu đội tôi phải chặt mấy cây lớn  chôn cọc, rồi buộc hai cây nằm ngang để mắc võng. Nghe nói từ đây bắt đầu đi đường bằng, không phải leo dốc nữa, đứa nào cũng mừng. Một thói quen đã khắc sâu vào trí nhớ , đến giờ tôi vẫn không quên là : cứ mỗi sáng thức dậy ở Bãi khách, trung đội tập hợp điểm danh . Điểm danh xong trung đội trưởng bao giờ cũng nhắc một câu đã thuộc lòng , nhưng ngày nào cũng phải nhắc lại :” Các đồng chí kiểm tra trang bị vũ khí coi có quên thứ gì không : Ba lô, súng đạn, lựu đạn, cuốc xẻng, tăng võng, bao gạo, bình tông, dao găm.v.v..” Nghĩa là xưng hết tất cả những thứ mà người lính phải mang theo dọc đường đi. Thế mà có đứa còn quên do mệt hoặc đau ốm…
Qua cao nguyên Bloven là đến  gần thị trấn Atopu, thấy cảnh sinh hoạt của  các bản Lào ở đây giàu có hơn, họ ăn mặc Âu hơn, diện hơn các tỉnh phía ngoài. Vì mai là ngày “chủ nhật” nên lính tha hồ đổi chác. Có đứa  buộc lủng củng trên ba lô hàng xâu gà. Mấy anh em tiểu đội tôi cũng mở ba lô lục lọi ra tất cả những thứ gì có thể đổi được mà không ảnh hưởng lắm đến sinh hoạt, để gom đưa cho Đảm và Trung đi đổi. Hai đứa đổi được 4 kí gạo nếp, hai chai rượu, 2 con gà. Rồi Trạm 80 cấp  cho gạo, thịt, vừng, mắm, nên bữa ăn chiều rất rôm rả. Thế mà hai ngày hành quân căng thẳng, tôi mệt không nuốt được cơm, thằng Thước thì sốt li bì không ăn gì được. Hôm qua thằng Tùng ( cũng lính Đại học Thương nghiệp, nó học Khoa ăn uống) cũng sốt phải đi cấp cứu trạm xá, không kịp hành quân cùng Sư đoàn. Thế là mất thêm thằng bạn lạc đơn vị….Trên đường hành quân nhiều đứa bị nạn một cách  bất ngờ lắm. Thằng Khỏe ở A3, nó khỏe như trâu, thế mà do đói, nó  thấy có cây giống cây môn dưới suối, nhổ luộc ăn,  thế là sùi bọt mép, cấm khẩu, phải đi cấp cứu. Rồi không biết tính mạng nó ra sao, chắc nó sẽ không về lại đơn vị nữa…
Trong lúc cả tiểu đội đang ăn cơm thì nghe tin dữ : thằng Hợi, lính cùng B2 ( B là trung đội)  đi ném cá cải thiện bị thác cuốn chết. Thật đau khổ cho gia đình đang mong dợi từng ngày ở hậu phương. Có người chết  nên cả Tiểu đoàn phải ở lại  chờ vớt xác mới đi tiếp. Chúng tôi phải phân công nhau túc trực ba ngày mới vớt được xác Hợi. Người hắn  trương phồng, co quắp và đã bốc mùi thối. Đêm cấp trên phải điều  ca-nô chở đi chôn. Không ai biết chôn ở đâu, có đánh dấu để sau này mà tìm đưa xác về quê không ?...
Những ngày trung tuần tháng 3 năm 1973, dọc đường mòn hành quân dưới rừng già trên đất Lào, chúng tôi thấy có  hai sự việc rất hi hữu mà lính bàn tán xôn xao suốt tuần liền : Một là chuyện Quốc vương Cămpuchia Xihanúc về thăm nước mình bằng đường bộ Trường Sơn và chuyện miền Bắc vận chuyển cả tiền vào cho miền Nam đánh giặc!
 Vâng, có ngày  chúng tôi thấy một đoàn bộ đội rất đông đang khiêng một chiếc cáng trĩu nặng đi ngang qua lối mòn gần bãi khách chúng tôi. Chiếc cáng ( hay võng ?) được trùm kín mít bằng  loại vải Tô Châu còn mới. Vài ngày sau , anh trưởng Trạm giao liên ghé tai thì thầm : Quốc vương Xihanúc về thăm Cămpuchia, vừa đi qua đây hai ngày trước. Cả Binh trạm được lệnh  tuyệt đối giữ bí mật và triển khai quân bảo vệ chu đáo. Ông Xihanúc là vua rất được nhân dân Cămpuchia tôn sung. Những năm  gần đây ông sống lưu vong, khi ở Pháp, nhưng phần nhiều thường ở Trung Quốc. Ông ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Ông cho bộ đội Việt Nam hành quân vào Nam qua đường Cămpuchia. Năm 1969, sau Mậu Thân, Mỹ  và quân đội Sài Gòn tập trung mở các cuộc hành quân lớn càn quét truy đuổi  bộ đội chủ lực quân giải phóng  rất khốc liệt. Nhiều sư đoàn bộ đội ta phải đứng chân trên đất Cămphuchia, vì được sự đồng ý của bạn. Chắc Quốc vương về nước bí mật để thị sát tình hình…. Là người lính, tôi  thấy đây là chuyện rất lạ. Thì ra đến vua cũng phải hành quân vượt Trường Sơn, nói gì đến lính tráng tôi, cứ nghĩ đến sự so sánh ấy là tự nhiên trong người đường xa mang nặng không biết mệt  . Những ngày hành quân ấy, tôi cứ tưởng đây là chuyện đồn thổi của mấy ông Binh trạm dọc Trường Sơn để làm tăng  vị thế của Binh đoàn 559 trong mắt bộ đội. Không ngờ  sau này mới biết chuyện Quốc vương Xihanuc về nước bằng đường Trường Sơn là chuyện có thật . Ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở Quảng Trị có ngôi mộ của  đại tá Đặng Tính, Chính uỷ của bộ đội Trường Sơn. Theo ghi chép “Thấp thoáng Trường Sơn “ của nhà văn Trần Nhương thì “Đại tá Đặng Tính đã hy sinh trên đường đi triền trạm cho quốc vương Xihanúc vượt Trường Sơn về Campuchia” . Hóa ra chuyện quốc vương Xihanuc vượt Trường Sơn là điều có thật !
Việc thứ hai là có lần được nghỉ một ngày, chúng tôi đi lội khe bắt cá. Bỗng gặp một đoàn  bộ đội khiêng cái gì vuông như chiếc hòm rất nặng đi qua đường. Chúng tôi hỏi dò cán bộ Trạm, họ to nhỏ cho biết đó là bộ đội ta đang vận chuyển tiền vào miền Nam để chi cho các nhu cầu hoạt động của cuộc kháng chiến. Cái hòm nặng mà họ khiêng ấy là cái két đựng tiền. Tiền đô-la và cả tiền của  Chính quyền Sài Gòn từ miền Bắc chuyển vào. Họ phải khiêng leo đèo lội suối vượt ngàn cây số vào tận Trung ương Cục miền Nam ( gọi là R) ở Tây Ninh. Tất nhiên là bộ đội Trường Sơn khênh chuyển truyền nhau từ trạm này qua trạm khác . Ra là vậy. Sau này về sự đoàn tác chiến ở miền Đông Nam Bộ, tôi mới tin điều đó là thật. Vì ở miền Đông Nam bộ, lính chúng tôi được phát tiền phụ cấp tiêu vặt, ngoài ăn uống. Sĩ quan cũng như lính đều 2000 đồng tiền Sài Gòn một tháng. Rồi phải mua gạo, mắm ,muối, cá, thịt, vải vóc.v.v.. cho như cầu của bộ đội đánh giặc. Mà cách mạng thì tập trung kháng chiến, chứ có buôn bán gì mà ra nhiều tiền. Tất nhiên nguồn tiền từ miền Bắc chuyển vô đó từ đâu ra thì ai mà biết được. Có thể do các nhà tình báo cách mạng đóng vai tư bản buôn bán ở Nômppênh, Băng Cốc, Viên Chăn, Hồng Công .v.v.mà có tiền. Ở Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 ( gọi theo ký hiệu chiến trường C7,D2, E141,F7) của tôi, anh chính trị viên đại đội rất dũng cảm tên là Nguyễn Ngọc Đại ( người Nam Định) là Việt kiều Thái Lan về nước những năm 1960. Khi rỗi rãi ở hậu cứ, thấy tôi là lính có học, lại hay viết báo, làm thơ, anh Đại thường tâm tâm sự với tôi, bố anh là nhà buôn lớn ở Thái Lan, nhưng là người của cách mạng. Có thể những người như thế đã làm ra tiền đóng góp vào cuộc kháng chiến của dân tộc.  
                         3. TỪ NGÃ BA ĐÔNG DƯƠNG
Qua hết tỉnh Salavan, Atopu là đến sông Sê kông. Thằng Trung có mang theo cái bản đồ nhỏ, tra mới biết sông Sê Kông bắt nguồn từ Trường Sơn, chảy qua núi rừng Salavan, Atopu (Lào) , vào đất Cămpuchia đến Kracheh thì đổ vào sông Mê Công. Đây là biên giới Lào-Cămphuchia. Nghe trưởng Trạm giao liên nói, ở đây về vùng Bờ Y tỉnh Công Tum Việt Nam chỉ hơn ngày đường. Nghĩa là đây là vùng NGÃ BA ĐÔNG DƯƠNG. Từ đây đường rừng bằng phẳng hơn, rừng cây rậm rạp hơn. Trên cho biết chúng tôi sẽ đi trên đất Cămphuchia cho đến khi gần Nam Bộ thì rẽ về nước. Cả đi bộ và đi bằng ca-nô. Dạo này ba nước Đông Dương hữu hảo, nên bộ đội Việt Nam được hành quân trên đất bạn. Nghĩa là con đường Trường Sơn mang trong nó cả cao nguyên Boloven Lào, sông Sê Công, Mê Công Cămpuchia . Đó là là điều kỳ diệu mà lúc ở miền Bắc ít ai tưởng tưởng ra !
Chúng tôi được ca-nô lớn chở đi dọc sông Sê Công . Dòng Sê Công lớn bằng sông Gianh, quanh co khúc khủy và có nhiều  bãi đá, thác đá lởm chởm. Bầu trời ngã ba Đông Dương không một gợn mây. Ca nô xuôi ngược trên sông tự do lắm. Máy bay địch bay quần đảo liên tục nhưng không phân biệt được  thuyền của dân và thuyền của “Việt cộng” nên đành  lượn vòng bỏ mấy quả bom vào rừng dọa rồi về.
Hành quân trên đất  Miên, nhật ký của tôi  ghi được nhiều kỷ niệm đẹp của đời lính vượt Trường Sơn. Một ngày nghỉ đợi ca nô bên bờ Sê Công, tôi và Phan Văn Các (cũng sinh viên Đại học Thương nghiệp, quê Quảng Bình) và Dũng, Trung gặp một đồng hương Quảng Bình rất thú vị. Anh tên là Dật, quê ở xã Quảng Thanh. Anh ở Tiểu đoàn đánh cá và sản xuất ruốc cá cho Quân giải phóng. Cá các anh đánh bắt dọc sông Sê Công, Mê Công là loại cá tra. Có con  nặng tới  ba bốn kí. Cá được tàu chuyển về căn cứ có xưởng biến thành  ruốc cá, đóng gói để cung cấp cho các Trạm giao  liên phục vụ bộ đội. Anh rủ chúng tôi vào hậu cứ của đơn vị anh chơi. Anh ở trong  lán lợp bằng lá trung quân, nhưng có giường nằm, gác để ba lô, bàn  ăn  đóng bằng tre, gỗ rừng rất tươm tất. Gặp đồng hương mới vào, anh vui lắm. Anh  rối rít đi kiếm cái  để thết đãi. Chỉ hơn tiếng đồng hồ bữa cơm đã dọn ra với nhiều thư thịt, cá , cơm trắng, rau cải xào, rồi rượu, thuốc lá “con gà”, “cô táp”, chè Miên… rất đàng hoàng. Thế mà anh cứ xuýt xoa là chẳng có gì, chẳng có gì”. Anh bảo anh vào chiến trường B2 đã năm năm. Đánh nhau bị thương ở đường 13, được về đây “tăng gia sản xuất” từ năm 1971. Rồi anh kể vợ chồng anh mới cưới mấy ngày thì anh lên đường. Anh đưa ảnh và thư vợ anh cho chúng tôi xem. .Bức thư viết sau một giấc mơ đẹp. Chị được đón anh về, để rồi tỉnh dậy bàng hoàng vì quờ tay không có anh bên. Chị mong có một đứa con trai nhưng anh đi vội quá . Cuối thư chị  ghi hai câu :” Anh đi em đảm việc nhà / Cho anh ở chiến trường xa yên lòng”. Đó là khẩu hiệu của Phụ nữ Ba đảm đang ngoài Bắc thời đó. Rồi anh bắt chúng tôi phải cắt tóc, vì “tóc đứa nào cũng sắp thành con gái rồi” ! Tôi thấy lạ là ở rừng râu thế này mà chỗ anh có cả bộ kéo, tong-dơ , dao cạo cắt tóc rất đàng hoàng. Khi chia tay anh bảo :”Vào chiến trường hãy thận trọng . Vì  bốn phía đều có địch. Cẩn thận nhưng  đừng yếu hèn…”.Rồi anh kể ở trong các bản người Miên gần đây có mấy đứa bội đội miền Bắc trốn đơn vị ở lại bản Miên, rồi lấy vợ đẻ con, sống chui lủi, đen nhẻm không khác gì người Miên, chẳng ra cái gì!
Tạm biệt anh, chúng tôi lên ca-nô lúc 4 giờ chiều. Đêm nay ca-nô  đi qua nhiều ghềnh đá lởm chởm, chảy xoáy trôn ốc. Chiếc ca-nô cứ lao như ô tô qua ổ gà, tưởng đến vỡ. Nhưng bù lại, trăng sáng lắm. Trăng lung linh làm cho mặt như dát bạc. Thế là đã ba mùa trăng rồi, tôi lên Trường Sơn…
Càng gần Nam Bộ, máy bay địch hoạt động càng ráo riết hơn. Bắt đầu từ sáng sơm máy bay địch đã hoạt động. Có lần cả tiểu đoàn phải ngồi im như đá giữa bãi trống. Nó mà phát hiện ra  thì đi đứt cả lũ . Máy bay phản lực, AC130 và cả B52 nữa. B52 đã ba lần rải bom dọc theo sông gần nơi tiểu đóng đóng quân. Hình như địch  ngửi thấy mùi các đơn vị lớn bộ đội miền Bắc đang vào Nam Bộ. Sau mỗi loạt bom, chúng tôi lại hì hục củng cố công sự. Đoàn Thanh Hóa ở ngay sát tiểu đoàn tôi đã bị bom trúng đội hình. Hai đứa chết, 10 đứa bị thương. Đất đá, cành cây bắn rào rào vào  bãi khách chúng tôi. Tiểu đoàn cấm lính ra sông rửa chân, tắm. Thế là ở bên sông mà phải đeo tất ngủ. Nguy hiểm nhất là loại máy bay AC130. Nó vừa là máy bay trinh sát vừa là máy bay chiến đấu. Phát hiện mục tiêu là nó rà xuống sát rạt,  bắn róc-ket, thả đạn cối . Để đối phó với máy bay AC-130, Binh đoàn 559 đã làm một tuyến đường kín ( ký hiệu mật đường K)  dài 800 cây số đưa vào sử dụng từ năm 1972. Trên tuyến này, xe chạy dưới tán rừng già âm u, có biển chỉ đường hẳn hơi, máy bay khó phát hiện. Các đơn vị phòng không của  559 đã dùng xe ô tô hỏng nghi binh giả chở hàng như đang chạy thật để bẫy AC-130 cho lực lượng phòng không bắn, thế là mấy chiếc AC-130 bị bắn rơi. Nhưng đó là chuyện của năm ngoái. Còn bây giờ  C130 đang  vòng vèo trên đầu chúng tôi. Thế mà tranh thủ giờ nghỉ trưa, tôi đã viết được lá thư gửi cho Nga, người yêu tôi đang công tác ở Hà Nội. Ở các Trạm giao liên trong này có rất nhiều thương binh ra Bắc, nên tôi đã viết rất nhiều thư cho Nga. Nghe Đảm kể hắn cũng cũng  đã gửi cho Quỳnh hơn 10 lá thư. Viết để làm nguôi lòng người hậu phương đang mong đợi. Chứ không mong gì hồi âm. Nga ơi, anh vẫn yêu em, vẫn thương em vô cùng…
Đơn vị đang vượt rừng đến  Trạm T90, thì một con nai từ trong rừng già bỗng phóng ngang qua đội hình. Có lẽ nó đang bị săn đuổi. Tiểu đoàn trưởng Ngàn nhanh như chớp rút súng ngắn bắn hai phát, con nai lăn xuống dốc. Mấy đứa chạy theo bắt được, khuân về. Nó nặng gần tạ. Thế là cả tiểu đoàn nghỉ  mấy phút để làm thịt nai. Lính Trường Sơn xẻ thịt nai rất thiện nghệ. Không cần nấu nước sôi, cạo lông gì hết.  Chỉ bằng dao găm và lưỡi  lam cạo râu, chưa đầy chục phút lính đã xẻ con nai làm 4 đùi chia cho 4 đại đội. Đại đội lại xẻ chia cho từng tiểu đội. Đến tối về Trạm nghỉ, chúng tôi mới cạo lông, cắt thái và xào nấu. Tối hôm ấy, có thịt nai nên chúng tôi  ăn rất ngon cơm . Mới hay cuộc sống Trường Sơn cũng tươi ra phết !
Trạm T96 là Trạm cuối cùng theo biên chế miền Bắc. Từ đầu tháng 4, chúng tôi được bàn giao cho Trạm 1 Quân giải phóng, trong tuyến giao liên Trường Sơn do Bộ chỉ huy Quân giải phóng ở R (Tây Ninh) chỉ huy. Đây là nơi đón quân từ Bắc vào B2 và làm chính sách cho thương binh ra Bắc. Nghe nói, so với các chiến trường, cuộc sống của bộ đội B2 là “đàng hoàng” hơn . Trạm đóng quân trong một  khu rừng rậm, có cổng chào, nhà cửa làm bằng gỗ, lớp lá trung quân, rất đàng hoàng, có câu lạc bộ thanh niên, báo tường, khẩu hiệu. Vào đây lính được đổi toàn bộ trang phục, tăng võng theo “kiểu B2”. Võng dù, tăng làm bằng vải nhựa rất mỏng, có thể gấp lại bằng nắm tay. Còn quần áo thì đủ màu sắc, may bằng vải ni-lon mỏng cho dễ khô, vì Nam Bộ sông nước nhiều. Thay ba lô con cóc bằng cái túi có quai đeo lưng gọi là “bòng”. Tôi nhìn anh em thương binh B2 chuẩn bị ra Bắc ăn mặc cũng xanh đỏ tím vàng , trông như văn công về làng diễn văn nghệ.
Vào đến Binh trạm Giải phóng, lính ăn theo tiêu chuẩn chiến trường B2 : Mỗi đứa  được phát 15 đồng Rịa (tiền Cămpuchia) một ngày để mua thức ăn (bằng khoảng 5 đồng tiền  Cụ Hồ cũ ). Còn gạo thì đến kho nhận. Mỗi tháng sĩ quan hay chiến sĩ đều được 150 đồng Rịa là phụ cấp tiêu vặt. 150 đồng đó có thể mua được chiếc đồng hồ Orien ba cửa sổ rất sang trọng. Khi về đến miền Nam sẽ được nhận phụ cấp bằng tiền Sài Gòn. Ngày hôm đó, tôi và thằng Thước được  tiểu đội cử  đi nhận thực phẩm của Trạm . Chà đủ thứ ngon lành như  chè gói, thuốc lá Cotáp, đường, sữa, ruốc cá, thịt hộp, rồi gạo trắng.v.v.. Có tiền, có  thực phẩm ngon, lính lại rủ nhau bù khú cho bõ những ngày hành quân khô khát. Được nghỉ, lính ra căng tin Trạm mua nước ngọt, thuốc lá…Giao liên kể, hàng hóa đó Trạm mua của các nhà tư bản ở Sài Gòn, Nôngpênh…Học đại học thương nghiệp, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy những thứ hàng có  bao gói, nhãn hiệu đẹp lộng lẫy như thế này…
Vào B2, chúng tôi chuyển sang hành quân đêm. Trên vai mỗi đứa đên 8 ngày gạo, rồi bao thứ thực phẩm, trang phục vừa mới được cấp phát làm chiếc “bòng” căng phè như cái bao tải, nặng hơn cả  lúc xuất quân ở Thái Nguyên. Đường đi tối om om. Qua quãng rừng thưa , đứa sau mới nhìn được đứa trước một cách lờ mờ. Còn trong rừng rậm thì chỉ bước theo tiếng động đằng trước. Hai mắt mở căng nhìn vào đêm tối, sợ lạc. Đứa nào cũng vấp ngã dúi dụi. Tôi cũng nhiều lần bị gập chân đau tận tim. Đi 3 tiếng đồng hồ  không giải lao, bình tong thằng nào cũng cạn nước, khát rát cổ mà không dám kêu. Nhiều anh không đi kịp, mệt mỏi ngồi tụt lại bên vệ đường trong đêm tối, không biết lính trung đội nào, ngồi như thế, ngủ quên dễ bị lạc đơn vị lắm…
 Hành quân đêm liên tục, anh em đứa nào cũng gầy rạc, con mắt cứ sâu hoắm. Nhìn bóng đoàn quân đi âm thầm dưới trăng mờ băng qua những cánh đồng trong đêm trăng mờ tôi cứ  nghĩ đến hình ảnh đoàn quân chinh  chiến trong phim Tàu. Sự cố gắng của mỗi người lính quyết liệt mà thầm lặng vô cùng. Những  người vào  B2 trước kể, trên đất Miên có những cánh đồng đi hai ngày chưa qua hết, lính giải phóng gọi là “cánh đồng chó ngáp”, vì chó qua đó cũng phải ngáp, huống người !
Ấn tượng nhất là qua sông Mê Công. Đời mình không  ngờ lại được soi mình  xuống dòng sông vĩ đại này. Lần đầu chúng tôi sang sông để qua Trạm quân giải phóng. Ca-nô chở mỗi chiếc một nửa đại đội. Đi sang ngang mà phải mất cả tiếng đồng hồ. Chúng tôi hè nhau vục đầy bình tông nước sông Mê Công để uống mà nhớ , để về khoe với em với mạ. Giữa sông tôi thấy rất nhiều đảo. Mùa khô nước sông cạn, mà nhìn sông mênh mông không thấy bờ bên kia. Đến mùa mưa chắc sông rộng lắm. Một lần khác, chúng tôi lại qua sông Mê Công. Nhưng lần này phải đi bộ 5 tiếng đồng hồ qua các thôn xóm đồng bào dọc sông, nên  lính ta rất phấn khích. Giao liên cho hay đây là vùng Stungtriêng. Bản làng sầm uất lắm. Họ làm ruộng ngay cạnh nhà.  Vườn nhà nào cũng có mít, chuối, xoài trĩu quả. Những hàng thốt nốt chạy dài trong hoàng hôn như đoàn người rũ tóc dưới trời. Không hiểu   Binh trạm với địa phương phối hợp thế nào mà dọc đường tôi thấy có từng tốp du kích Cămpuchia đứng gác, đen như tượng đồng, vác dao quắm dài sáng quắc dưới trăng trông rất sát khí. Thằng Trung bỗng cất tiếng chào “ Sốcxơbai !”,” “Campuchia trâydo” ( chúc sức khỏe, Cămphuchia muôn năm) Thế là mấy anh du kích Miên cười chào, rồi đồng thanh  hô “ Sốcxơbai Việt Nam ”,” Việt Nam traaydo”. Rồi họ vui bắt tay từng người.  Thằng Trung kể nó vừa học được mấy tiếng tiếng Miên xin chào, mời uống nước ( pậc tấc te) ở Trạm giao liên . Nó bảo nó còn nói được cả tiếng Nòng xalăn bòng tê ( Yêu anh không ) nữa cơ….Cái thằng giỏi thiệt.
Đi  suốt năm tiếng đồng hồ mới đến  bến qua sông. Sông Mê Công đoạn này nước đầy hơn, ít đảo đá, nhìn  sang  bên kia ngun ngút không thấy bờ. Mỗi ca-no chở 80 đứa lao trong đêm như tên bắn. Thế mà Đảm bấm đồng hồ phải 30 phút  mới sang được bờ bên kia. Cấp trên phổ biến , ở đây cách thị xã Kraicheh khoảng  bảy cây số, sẽ là nơi hành quân rẽ về Tổ Quốc. Từ Kraicheh về Biển Hồ ( hồ TongleSap ) không xa nữa, ở đó nhiều người Việt lắm. Những thông tin đó làm đứa nào cũng phấn chấn.
Từ Ngã ba Đông Dương, chúng tôi phải hành quân đêm đi qua tới 20 trạm giao liên mới hết đất Cămpuchia.  Lính mất ngủ, mệt bã người. Dạo này máy bay địch hoạt động dữ lắm. Chúng tôi đi qua nhiều bãi bom B52, còn mới nguyên . Có đêm đi dọc con lộ rất rộng, máy bay gầm rú rồi thả pháo sáng  ngay trên đầu. Cả tiểu đoàn phải dạt sang bên đường, ngồi im như đá. Có ngày địch bắn phá làm tắc đường  phải nghỉ hai ngày. Nhưng đã bắt đầu những trận mưa đầu mùa. Gần ba tháng đi trên đất Lào đến nay mới được trận mưa mát mẻ quá. Ở Trạm nghỉ, lính đứa nào cũng cởi trần nhảy nhót reo hò, tắm mưa như trẻ nhỏ. Ở Nam Bộ mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng Tư đến cuối tháng 10, mùa khô từ đầu tháng 11 đến giữa tháng Tư.
Ngày 21 tháng 4 năm 1973, chúng tôi  được hành quân ban ngày trên con lộ rộng từ Kraicheh thẳng về hướng Đông để về Tổ Quốc. Nghe nói sắp về tới Tổ Quốc thân yêu, đứa nào cũng bước hăm hở, chuyện trò rôm rả. Hôm nay máy bay địch cũng vắng. Đến bên con suối nhỏ thì dừng lại. Giao liên cho biết, đây là biên giới Việt Nam-Cămpuchia, con sông nhỏ là là Sông Măng . Con sông phân cách hai nước này như một con suối nhỏ ở trước nhà tôi. Mấy đứa Đảm, Trung, Dũng, Thước, Các, Hồng lội ào qua sông Măng  rồi bỗng sụp xuống cúi lạy sát đất, rồi đồng thanh  hét lên :” Tổ Quốc ơi, con đã đến đây !”. Tôi không kịp làm theo thì Đảm đã ôm lấy tôi khóc nức nở :” Khôi ơi, đến rồi, đến rồi !”.Chúng tôi là sinh viên đại học, dù Trường Sơn gian khổ, ác liệt, đói khát, nhưng bao giờ cũng sống rất lãng mạn và  rất sách vở . Đó là phẩm chất đã giúp chúng tôi giữ được niềm tin để đi trọn 100 ngày vượt Trường Sơn. Tranh thủ giờ giải lao, tôi lấy nhật ký ra ghi vội :” Thế là đã qua 3 tháng 10 ngày  hành quân liên tục. Mình đã đến nơi cấn đến. Cám ơn đôi chân dẻo dai, dù có lúc phải lê từng bước nặng nề. Cám ơn đôi vai đường xa gánh nặng, dù có lúc tưởng nát bầm ra. Cám ơn cây rừng Trường Sơn 100 đêm ta mắc võng. Mạ ơi, mạ có biết con vẫn rất khỏe sau cuộc trường chinh lội suối leo đèo suốt 3 tháng 10 ngày ? Nếu mạ nhìn thấy con bây giờ chắc mạ mừng lắm. Bây giờ con đang ngồi trên đất miền Nam, cách Sài Gòn chỉ hơn 120 cây số thôi để nhớ mạ…Nga ơi, anh đã đến nơi tập kết. Tình yêu em là Chúa đã đưa anh đến đích an toàn…”
Đây là đất Lộc Ninh, tỉnh Bình Long ( bây giờ là Bình Dương), là điểm cuối của con đường  Hồ Chí Minh lịch sử . Rừng cao su xanh tốt bạt ngàn. Sư đoàn tân binh đóng trong rừng su chờ phân về các đơn vị mới. Nghe nói phải chờ mấy ngày, nên  các tiểu đội phải làm nhà, đào hầm. Đang đêm một cơn lốc xoáy qua rừng su. Cao su gãy răng rắc. May “nhà” của  10 thằng tiểu dội tôi không việc gì. Nhưng  sáng ra nghe Đại đội thông báo đêm qua Đại đội 3 có  hai người bị cành su gãy đâm thẳng vào người, một đứa chết ngay trên võng, một bị thương… Ôi, đến nơi rồi mà cái chết vẫn đeo đuổi người lính…
Và cuộc chiến đấu những ngày sắp tới sẽ ác liệt hơn nữa…
                       4.   LỘC NINH ÁM ẢNH
            Sau này Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Binh đoàn 559 đã xác định  tuyến đường Trường Sơn huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh khởi đầu từ thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An và kết thúc ở Lộc Ninh. Ở Lạt, Binh Đoàn 559 đã xây dựng Cột mốc số 0 rất  hoành tráng ở Lạt. Còn bây giờ chúng tôi đang ở Lộc Ninh, điểm cuối của con đường lịch sử sau 100 ngày hành quân gian khổ, chờ các đơn vị về nhận quân. Trong thời gian chờ đợi hơn tuần ấy, tôi, Đảm, Dũng,Trung, Thước đã có một kỷ niệm nhớ đời với các chị nữ tù nhân vừa được trao trả tại sân bay Lộc Ninh theo Hiệp định Paris. Lật lại trang nhật ký ghi ở Lộc Ninh năm 1973, tôi bỗng bần thần ứa nước mắt. Bao nhiêu kỷ niệm cũ sống lại tươi rói. Ba mươi sáu năm rồi ngỡ như trí nhớ con người đã phôi phai theo thời gian lãng du và cuộc mưu sinh bầm dập sau chiến tranh, không ngờ tất cả vẫn còn. Những người nữ tù quê Quảng Trị, Huế gầy guộc, bủng xanh ngày ấy vẫn ám ảnh tôi. Đó là  đêm nói tiếng Quảng Trị ở làng 7, Lộc Ninh bên kia rừng cao su...
         Tháng tư, những trận mưa đầu mùa trút xuống rừng cao su nghe như bão. Đất miền Đông dính như bột sắn lọc nhuộm đỏ. Ra khỏi lán một quãng đế dép râu đã dày thêm cả gang đất. Ấy thế mà không biết ai đi đâu đưa về một tin làm chúng tôi náo nức : Có nhiều chị em nữ tù người Quảng Trị vừa được phía địch trao trả đang ở Lộc Ninh! Chả là tiểu đội tôi toàn anh em sinh viên cùng một trường Đại học Thương nghiệp ở Hà Nội nhập ngũ, trong đó có hai đứa dân Quảng Trị gộc là Võ Văn Đảm và Lê Nam Trung (người Vĩnh Giang, Vĩnh Nam, Vĩnh Linh). Còn tôi thì nửa nạc nửa mỡ : mẹ Vĩnh Linh,Quảng Trị, bố Quảng Bình. Ngoài ra còn nhiều anh em ở Nghệ An, Hà Nam ... Nên khi nghe tin có người Quảng Trị thì mừng lắm, kéo nhau đi tìm bằng được. Đường sá lạ hoắc, địch tình chưa thạo, thế mà chúng tôi cứ liều đi tìm. Ra khỏi rừng su thăm thẳm, ướt át, qua khỏi một đồi tranh, chúng tôi phát hiện ra mấy cái lán lợp tranh còn mới. Và hỏi thì đúng là lán của anh chị em tù vừa trao trả đang chờ hồi hương. Nhưng hỏi mãi mới hay mấy chị Quảng Trị cũng đang đi tìm đồng hương ở làng 7!
 Cuộc tao ngộ kỳ lạ và cảm động giữa anh em lính chúng tôi và các chị đồng hương diễn ra tại căn nhà gỗ lợp tồn của chú Sáu, dân Cam Lộ tha phương kiếm sống từ những năm bốn mươi. Biết chúng tôi là những sinh viên ở Hà Nội mới đi lính và vào tận B2 các chị rất cảm động và rất thương. Nhưng khi Đảm, Trung và tôi tự giới thiệu là người Quảng Trị thì các chị nhìn nhau tỏ vẻ nghi ngờ. Có lẽ vì anh em chúng tôi ở trong một đơn vị toàn lính miền Bắc, nên phải nói tiếng lơ lớ, pha Trung pha Bắc,  nói tiếng phổ thông , đồng đội mới nghe nhau được. Ngay các chị và chú Sáu tôi cũng nghe giọng đã pha Trung pha Nam, không còn từ ngữ và giọng Quảng Trị nữa. Đang  hồi gay cấn, chị Ngân, người lớn tuổi nhất bỗng nói một câu dài bằng tiếng Quảng Trị:
 - Mấy út nói mấy út người Quảng Trị miềng, mấy ả mờng hung lắm ! Răng mấy út nỏ nói tiếng Quảng Trị mô cả. Út mô nói một câu chi thiệt dài rặt tiếng Quảng Trị miềng coi?
 Như bấm đúng huyệt, căn phòng chú Sáu bỗng rôm rả hẳn lên. Đảm và Trung tranh nhau, hích vào vai nhau để giành nói. Chị Ngân thấy Trung trẻ nhất đám, chỉ vào nó : Út ni. Trung vốn là dân lém lỉnh, có tài kể chuyện, nên được chị Ngân chỉ định nói tiếng Quảng Trị, mắt nó long lanh rồi hấp háy, hai tay xoa xoa vào nhau làm bộ điệu :
 - Mấy ả ơi, mấy ả mần răng cho tui mạn cấy vá tui múc vá mói tui nêm tréc keng bù để tui bơng cho mệ tui một đọi , mệ tui húp cho mát rọt! ( Mấy chị ơi, mấy chị làm sao cho tôi mượn cái muôi tôi múc muôi muối tôi nêm nồi canh bầu để tôi bưng cho bà tôi một bát , bà tôi ăn cho mát ruột)
 - Rứa là thiệt người quê miềng đặc sệt rồi, chi nữa - chú Sáu cười ha hả, quờ tay xuống gầm tủ lôi ra chai rượu ...
 Chúng tôi cũng cười, thằng Nguyễn Anh Dũng, học đại học với tôi bốn năm ròng ở Hà Nội, ngày nào cũng nghe tôi nói tiếng miền Trung  “trọ trẹ”, mà lần này nghe thằng Trung nói xong, cứ ngớ ra, tròn xoe mắt chẳng hiểu mô tê gì cả. Còn cả sáu người phụ nữ Quảng Trị thì nước mắt ràn rụa. Có người khóc nấc lên thành tiếng. Thì ra đã bao năm tù tội mỗi người một phương, các chị chưa hề được lần nào nghe một câu nói tiếng quê hương đậm đặc đến như thế! Tôi cứ bàng hoàng không hiểu sao cái thứ ngôn ngữ quê mùa ấy nó lại có sức mạnh ghê gớm đến vậy. Sau đó các chị giới thiệu tên, kể chuyện nhà tù đều bằng tiếng Quảng Trị. Chúng tôi cũng giới thiệu tên từng đứa, kể chuyện hành quân bằng cái thứ tiếng mà thằng Trung đã nói. Cô Hồng (tức Tịnh) người trẻ nhất trong các chị quê ở Hải Quế, Hải Lăng, có đôi mắt rất xinh quay sang nói :
 - Em Khôi nói chi đi, răng mà bụt rứa!
 - Tui nỏ biết nói chi hơn, tui xin đọc thơ. Ở Quảng Trị miềng thời chống Pháp có nhà thơ Hồ Vi hay lắm. Eng mần thơ toàn bằng tiếng Quảng Trị, ai nói “quê” cũng không chịu sửa, cứ để vậy mà ai cũng nhớ, cũng thuộc .Tôi cũng nói “tiếng” Quảng Trị rồi đọc bài thơ Lời Quê của Hồ Vi : Mấy bữa ni rồi trời thiếu nắng / Chừng chưa bưa lụt nước còn cao / Khi hôm bộ đội hành quân tới / Trấn thủ dầm phơi chật cả sào. / Mạ mi đem dủi ra ngoài ruộng / Kiếm ít đam cua chút của đồng / Thêm đôi ba miếng anh em đõ / Của nhà quê kiểng buổi thu đông
  Bớ anh nội vụ khoan đi chợ
  Xa ngái đường trơn bấm cực chân
  Xuồng bên chị Mót buôn tơi nón
  Anh nhảy mà đi được đỡ chừng…
 
             Bài thơ Lời quê của Hồ Vi không ngờ lại làm cho không khí đêm vui trầm xuống, thâm nghiêm, xao xuyến. Chị Ngân bắt tôi đọc lại bài thơ một lần nữa, đọc rõ từng tiếng một .Vâng, “lời quê” đã vào thơ, đã vang lên trong tâm khảm, kéo con người về với cội nguồn. Nhiều chị rút khăn mùi xoa chấm , đôi mắt đỏ hoe. Tôi vừa đọc thơ vừa gìm giữ để không bật khóc !
 Những ngày sau đó, Đồng Hương Quảng Trị, Đồng Hương Bình-Trị-Thiên (vì trong đoàn các chị có cô Hương người Phong Điền) liên tục họp. Khi thì ở nhà ông Sáu, khi thì ở nhà của các chị tù nhân ở Lộc Thạch. Qua câu chuyện tôi biết thêm rất nhiều những người nữ tù nhân ấy. Các chị hoạt động biệt động, đi du kích, là cơ sở, giao liên bị lộ, bị bắt. Có chị đã bị tù mười năm, tám năm, qua nhiều nhà giam nổi tiếng như Thừa Phủ, Chí Hòa, Phú Quốc, Côn Đảo. Người bị tù ít nhất là Hồng cũng đã hơn bốn năm rồi. Chị nào cũng mang vết thương trên người do tra tấn. Hơn nửa số chị tôi quen bị chúng tra tấn đến triệt đường sinh sản, trong đó có người chưa kịp lấy chồng! Các chị đang an dưỡng, chữa bệnh trước khi về đơn vị cũ hay quê nhà, theo chủ trương của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Về khuya, sự quyến luyến càng tăng lên. Các chị tặng bọn lính chúng tôi những bài hát, bài thơ tự viết ở trong tù chép trên các đoạn giấy vệ sinh, là thứ giấy duy nhất được dùng tự do trong nhà tù. Các chị còn tặng một chiếc nhẫn sáng bóng mài từ mảnh ca nhôm vỡ trong tù. Trong tiểu đội cho tôi là người biết thơ phú văn chương, nên trao cho tôi giữ những tặng vật đó. 36 năm đi qua cuộc chiến tranh, đi qua cuộc sống xô bồ của kinh tế thị trường khốc liệt, hôm nay những kỷ vật trên đang ở trước mặt tôi, như người dẫn đường cho tôi có được những trang hồi ức này.
 Cuối tháng tư năm bảy ba, chúng tôi chia tay các chị xuôi về Đồng Xoài, Phước Vĩnh, Gia Nghĩa với những trận đánh chốt chặn nổi tiếng ác liệt trên đường 13, 14 miền Đông Nam Bộ. Tháng 2.1974, tại rừng Đồng Xoài, Phước Vĩnh bên bờ sông Bé, tôi nhận được thư chị Ngân từ Lộc Ninh gửi về theo một đoàn hậu cần Sư đoàn tôi đi họp Miền về. Theo đường dây nội bộ này Đảm, tôi, Trung, Dũng có trao đổi thư từ với các chị đồng hương Quảng Trị ở Lộc Ninh vài ba lá, sau đó chúng tôi về vùng sâu nên mất hẳn liên lạc. Giữa năm 1976, sau ngày giải phóng miền Nam, trên đường từ Sài Gòn ra Hà Nội, tôi ghé thăm nhà ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Mạ tôi cho hay rằng, đầu năm bảy lăm có chị tên Ngân từ miền Nam ra, có tìm thăm gia đình tôi. Tôi rất xúc động và thầm cám ơn cuộc sống và tiếng nói Quảng Trị thân thương.
 Trong sổ tay tôi vẫn giữ bút tích những dòng lưu niệm của các chị ở rừng cao su Lộc Ninh năm ấy với địa chỉ quê quán và lời hẹn mời ngày thống nhất ghé chơi nhà. Chị Hoàng Kim Ngân Ba Lòng- bây giờ chị đang ở khu chung cư Đống Đa thành phố Huế. Chị Ngân lấy chồng, nhưng không  thể sinh con vì bị địch tra tấn quá  nhiều. Anh chị  xin một đứa con nuôi. Cháu bây giờ đã tốt nghiệp đại học…Rồi chị Lê Thị Phát (Lựu), Lê Thị Thành ở Triệu Phong, chị Hồng (Tịnh), Hoa ở Hải Lăng, Hương ở Phong Điền (Thừa Thiên Huế) - tôi đang đi tìm và mong gặp các chị để biết những gì đang đến với các chị hôm nay, hạnh phúc hay bất hạnh. Gặp để báo tin về những đứa em kết nghĩa năm đó bây giờ  ra sao…

                                     VĨ THANH
Sau một tuần nghỉ ở Lộc Ninh, ngày 30-4-1973, chúng tôi được phân về các đơn vị chiến đấu. Không hiểu  họ phân công thế nào mà cả tiểu đội tôi 10 người, thì 9 người về Trung đoàn độc lập 205. Chỉ một mình tôi về Sư đoàn 7. Thế là  chia tay nhau nước mắt ngậm ngùi trước khi bước vào cuộc tử sinh  với giặc. Bạn bè thương cho tôi “cô đơn” một mình khi về  đơn vị mới. Chia tay, tôi ôm lấy từng đứa bạn thân, nước mắt dàn giụa. Sau ngày Giải phóng miền Nam 1975, đếm lại, tiểu đội chúng vượt  Trường Sơn năm ấy, hai người bạn thân yêu đã nằm lại chiến trường, còn tất cả đã đi đến  trận đánh cuối cùng của cuộc kháng chiến : Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Gài Gòn !Võ Văn Đảm hai tháng sau khi chia tay ở Lộc Ninh đã tham gia trận đánh chống địch lấn chiếm ở Chi khu quân sự Kiến Đức, tỉnh Gia Nghĩa. Trung đội trưởng, trung đội phó hy sinh. Đảm  lúc đó là tiểu đội trưởng, đã đứng lên chỉ huy trung đội tiếp tục đánh địch. Và anh đã hy sinh…Đảm không chờ được ngày chiến thắng, đi ra Bắc theo đường Quốc lộ 1A, qua cầu Hiền Lương để về Vĩnh Giang thăm mạ nữa rồi ! Đến nay chị Quỳnh, vợ Đảm, vẫn chưa tìm thấy mộ chồng. Thằng Thước, bây giờ là một lãnh đạo một vụ ở Văn phòng Chính phủ ở  phía Nam đang tìm cách liên hệ với các địa phương để tim mộ Đảm mà chưa thấy. Còn thằng Trung em út tiểu đội, chiến đấu cho đến ngày  29 tháng 4 năm 1975, trong đội hình Trung đoàn 205 tấn công vào Sài Gòn theo hướng miền Tây lên. Đến Bến Lức, Long An sát cửa ngõ Sài Gòn, một quả đạn 105 ly của địch bắn chặn, đạn không nổ, nhưng rơi trúng đầu nó. Thế là đứa em của tôi chỉ một ngày nữa thôi mà không được hưởng ngày toàn thắng !  36 năm nay, thỉnh thoảng tôi lại mở ra đọc lại những dòng lưu bút trong cuốn sổ nhật ký mỏng của mình khi chia tay . Đảm  viết:” Minh Khôi ơi, xa rồi! Nỗi đau lớn. Chúng ta đang bị vết thương lòng…”;  Trung viết với nét chữ rất đẹp :” Anh Khôi ơi, số phận không cản trở được niềm vui…” . Đó là những kỷ vật của tâm linh …
Viết lại những dòng hồi ức 100 ngày vượt Trường Sơn, trong tôi hiện lên hình bóng của đồng đội thân yêu, của Đảm của Trung, của Dũng, Thước, Các, Hậu, Hồng…  của các chị Đồng hương Quảng Trị gặp ở Lộc Ninh. Tôi mang trong tim như một món nợ không thể trả đi suốt cuộc đời thơ khó nhọc…
                                                                     Huế, tháng Tư- 2009
                                                                                            NM
Chú thích ảnh :
 1- Nhà thơ Ngô Minh  năm 1973, trước  khi vượt Trường Sơn
 2- Bộ đội Trường Sơn truy kích địch trong chiến dịch Đường
-Lam Lào
.