Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NÊN HAY KHÔNG NÊN DUY TRÌ KIỂM DUYỆT BÁO CHÍ

Nguyễn Xuân Diện
Thứ năm ngày 14 tháng 5 năm 2009 6:00 AM

(Viết nhân ngày giỗ Tản Đà)

1. Ngày 20 tháng 4 âm lịch là ngày giỗ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Ông sinh ngày 8 tháng 5 năm 1888 tại Sơn Tây- mất ngày 17 tháng 6 năm 1939. Bút danh Tản Đà (chữ Hán: 傘 沱,) của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, hai địa danh gần nơi ông sinh ra.
Ông là là một nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tạo. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực. Đi khắp miền đất nước, ông đã để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Ông đã từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng ngông nghênh, đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là "gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại".
Ngoài sáng tác thơ, Tản Đà còn giỏi trong việc dịch thơ Đường thành thơ lục bát và được biết đến như một người dịch thơ Đường ra ngôn ngữ Việt hay nhất.
2. Như các vị đã biết, Tản Đà từng làm chủ bút hai tờ tạp chí Hữu Thanh và An Nam tạp chí. Một người phóng túng như Tản Đà sẽ hành nghề như thế nào, trong tình hình báo chí bị kiểm duyệt gắt gao thời đó ? Ông có quan điểm và sự đối phó như thế nào đối với lưỡi kéo kiểm duyệt?
Lâm Tuyền Khách kể lại trong bài “Một tháng với Tản Đà”(viết tại Chợ Ngọc 29.6.1939) như sau:
“Tôi còn nhớ một ông chủ báo  - nếu tôi nhớ không lầm thì có lẽ là ông Mai Dụ Lân, chủ bút báo Thực nghiệp mà hồi ấy vì cái thuyết hoài nghi của ông người ta gọi đùa Mai phu tử - đến phỏng vấn tiên sinh về việc xin tự do ngôn luận cho các báo tự do ở Bắc Kỳ.
- Bây giờ làng báo ta – lời ông Lân – định bỏ tòa kiểm duyệt tiên sinh nghĩ thế nào?
Tản Đà tiên sinh đáp:
- Xin bỏ kiểm duyệt à? Nếu nhà nước chiều lòng các ông mà bãi tòa kiểm thì riêng một mình An Nam tạp chí của tôi xin kiểm duyệt.
Ông Lân ngạc nhiên hết sức không hiểu cớ sao tiên sinh là một nhà báo lại không muốn có sự tự do ngôn luận. Ông ngồi ngây ra không nói được nửa lời. Tiên sinh điềm nhiên tiếp:
- Từ Hà Nội sang Gia Lâm có cái cầu Pôn – Đu me thì ai đi chẳng được? Nay bắc một cây tre mà đi được mới tài! Cho nói thì thằng nào chẳng nói được? Cái này không cho nói mà nói được mới khéo. Đấy rồi ông xem …nếu xin bãi được tòa kiểm duyệt thì rồi chán vạn đứa ngồi tù …
Rồi tiên sinh cười ha hả”
(Chén rượu vĩnh biệt Tản Đà. Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1989, tr.70-71)
Nhân ngày giỗ Tản Đà, xin thắp nén hương thơm tưởng niệm Người, và gửi gắm đôi dòng tới anh chị em làng báo nước nhà, trong tình hình kiểm soát báo chí hiện nay (kể cả các báo quốc doanh lẫn các blog, website cá nhân), anh chị em sẽ tìm ra cách làm của mình, mà không quay lưng với thời cuộc, với đất nước và nhân dân.
Nhân ngày giỗ Tản Đà (20.4.2009)
Nguyễn Xuân Diện