Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHONG DAO HUÊ TÌNH

Phùng Hồng Kổn
Thứ ba ngày 12 tháng 5 năm 2009 5:01 AM

khát vọng và sự phản kháng của người phụ nữ  dưới chế độ phong kiến
   
         Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ phải tuân theo lễ giáo “Tam tòng tứ đức”. Tứ đức: “Công, dung, ngôn, hạnh” là một trong những nét đẹp của nho giáo. Còn Tam tòng: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con). Nếu đó là một người chồng tốt, một người cha mẫu mực, một người con hiếu thảo thì khỏi phải nói, điều gì mà người phụ nữ chẳng theo! Nhưng trong thực tế cuốc sống lại có những ông chồng như thế này:
     Chồng em nó chẳng ra gì
Tổ tôm xóc đĩa nó thì chơi hoang
Nói ra xấu thiếp hổ chàng
Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà
       Chính vì vậy, người phụ nữ đã không chịu “tòng” mãi. Trong kho tàng tục nhữ ca dao Việt Nam có một mảng phong dao nói lên khát vọng sống, khát vọng làm người của chị em, phản kháng lại những bất công của xã hội.
       Có những người con gái không cam chịu tục lệ hà khắc “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, họ đã chủ động đến với người yêu:
   Trầu này trầu tính trầu tình
Trầu nhân trầu nghĩa trầu mình với ta
Trầu này têm tối hôm qua
Giấu cha giấu mẹ đem ra cho chàng.
     Tình cảm trai gái thì không luật lệ nào kiểm soát nổi, ta hãy xem nỗi nhớ bi thiết của cô gái:
   Nhớ ai em những khóc thầm
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai.
   Hoặc:
  Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than.
   Có những cô gái không chịu đứng ngồi nhớ nhung mãi, họ trực tiếp kiếm tìm hạnh phúc:
    Anh đã có vợ con chưa?
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào
Mẹ già anh ở nơi nao?
Để em tìm vào hầu hạ thay anh.
   Việc lấy chồng là do cha mẹ sắp đặt, nhưng lấy chồng cũng là nhu cầu nhiều mặt của người con gái. Cho nên nhiều lúc họ cũng lo:
    Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ
Biết đâu trong đục mà chờ
Hương thơm hết tuyết nương nhờ vào ai.
   Đã thế ngời đời còn nhạo báng:
       
    Đi đâu mà chẳng lấy chồng
Người ta lấy hết chổng mông mà gào
Gào rằng đất hỡi trời ơi
Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng
Ông trời ngoái cổ xuống trông
Mày hay kén chọn ông không cho mày.
    Nỗi khổ của người làm dâu, làm vợ thời trước ai mà chẳng biết, thế mà lại có những câu trách móc này:
  Ới thày mẹ ơi cấm đoán con chi
Mười lăm mười tám sao chẳng cho con đi lấy chồng?
    Đạo nho dạy: “Nam nữ thụ thụ bất thân”, điều này thật trái với qui luật của tạo hóa. Bản năng của con người và sự đấu tranh để đòi quyền tự do cho bản năng đó đã được thể hiện ở rất nhiều câu phong dao, tục ngữ, câu đố…
   Đến nhà sư còn thất bại trước tiếng gọi của bản năng:
   Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm  lăn ốm lóc cho sư trọc đầu
Ai làm cho dạ sư sầu
Cho ruột sư héo cho bầu đứt dây.
   Thậm chí các nhà nho cũng không thể tránh được sự thôi thúc của bản năng:
   Văn chương chữ nghĩa bề bề
Thần l… ám ảnh cũng mê mẩn hồn
   Còn đây là tiêu chuẩn người chồng tương lai của các cô:
   Không giầu thì phải đẹp trai
Không thông kinh sử phải dài cái kia.
   Người con gái có chồng mà không được thỏa mãn, họ không âm thầm chịu đựng, trước tiên họ chia sẻ với chị em:
   Cái thằng chồng em nó chẳng ra gì
Đêm nằm nó ngáy khì khì
Một giấc đến sáng còn gì là xuân
Chị em ơi hoa nở mấy lần?
   Tiếp đến, tất cả những lễ nghi, luật pháp không thể ngăn được cái bản năng thiên phú của họ, và họ cũng không ngại ngần dấu diếm:
   Trời nắng thì mặc trời mưa
Tính tôi hoa nguyệt tôi chẳng chừa được đâu
Tính tôi chẳng chừa được đâu
Lệ làng làng bắt mất trâu mặc làng.
   Ngay cả đối với chồng:
   Anh đánh thì em chịu đòn
Tính em hoa nguyệt mười con em cũng chẳng chừa.
   Thời phong kiến có luật: Chồng chết vợ phải để tang ba năm rồi mới được đi lấy chồng khác. Người phụ nữ phải sống cô buồn tủi:
 Lênh đênh chiếc bách giữa dòng
Thương thân góa bụa phòng không nhỡ thì
Gió đưa cây trúc ngã quì
Ba năm trực tiết còn gì là xuân.
    Và đây là tiếng khóc của người góa phụ:
    Giầu thì thịt cá cơm canh
Khó thì lưng rau  đĩa muối cúng anh tôi đi lấy chồng
Hỡi anh chồng cũ tôi ơi
Anh có khôn thiêng anh giở dạy ăn xôi nghe kèn.
   Người phụ nữ dưới chế độ phong kiến có rất nhiều tính cách đẹp, tuy nhiên cũng có chị em mắc căn bệnh “lẳng lơ”. Ai lẳng lơ thường bị chê cười – dĩ nhiên, nhưng nếu xét trong hoàn cảnh hầu hết chị em phụ nữ đều cam chịu những bất công phi lí của chế độ cũ thì những người phụ nữ này lại đáng khen bởi họ có tinh thần phản kháng, họ gay gắt chống đối lại những hủ tục lạc hậu và dám thể hiện khát vọng sống của mình.
Dân gian đã đúc kết:
  Chỉ đâu mà buộc ngang trời
Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ.
   Căn bệnh không có thuốc chữa ấy chẳng qua chỉ là một nhu cầu sinh lý rất đời thường của con người:
   Của chua ai nấy chẳng thèm
Em cho chị mượn chồng em mấy ngày
Chồng em nào phải trâu cày
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm.
   Nhu cầu ấy khiến cho thiếu phụ phải thở than:
   Đêm qua anh ngủ nhà ngoài
Để em thở ngắn than dài nhà trong
Ước gì anh được vô phòng
Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan.
   Nó làm cho cô gái quá lứa nhỡ thì  sầu tủi, oán thán đến tội nghiệp, sót sa:
   Cứ đêm đêm tôi nằm tôi vuốt bụng tôi gọi trời
Xin ông thí bỏ cho tôi chút chồng
Tôi về tôi làm lễ  tế ông
Mổ con bò béo, ông cho tôi lấy đức ông chồng cho nó to
Bõ công tôi mượn chú lái đi mổ bò.
    Vẫn nhu cầu ấy khiến cô gái vì “cả nể” nên dở dang:
    Phềnh phềnh nhớn giữ nhớn ra
Mẹ ơi con chẳng ở nhà được đâu
Ở nhà làng bắt mất trâu
Cho nên con phải đâm đầu ra đi.
    Để biện minh cho hành vi của mình, các cô còn lý sự:
    Lẳng lơ cũng chẳng có mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để dành
Lẳng lơ chết cũng ra ma
Chính chuyên chết cũng tha ra ngoài đồng.
Có cô lại trâng tráo hơn:
     Hỡi cô mặc yếm hoa tầm
Chồng cô đi lính cô nằm với ai
Cô đẻ thằng bé con trai
Chồng về chồng hỏi con ai thế này?
Con tôi đi kiếm về đây
Có cho nó gọi bằng thầy thì cho.
    Việc làm lẽ ngày xưa thì thật lắm chuyện tức cười, phong dao đề cập đến khía cạnh tế nhị trong quan hệ vợ chồng:
  Thân em làm lẽ chẳng hề
Có như chính thức mà lê giữa giường
Tối tối chị giữ mất buồng
Cho em manh chiếu nằm riêng chuồng bò
Mong chồng chồng chẳng xuống cho
Đến khi chồng xuống gà đã o o gáy dồn
Cha mẹ con gà kia sao mày vội gáy dồn
Mày làm cho tao mất vía kinh hồn về nỗi chồng con.
     Có lẽ vì “nỗi chồng con” ấy mà khi có điều kiện, người vợ lẽ đã tận dụng triệt để sự che trở của chồng,–như ta thấy  trong tranh Đông Hồ Đánh ghen: người vợ lẽ - trong tình trạng trần trụi, vẫn trơ trẽn giơ nắm tóc thách thức người vợ cả - cắt.
 
    Ở nông thôn xưa, trong sinh hoạt hàng ngày, việc chửi gà mắng chó cũng là việc thường – như ta đã thấy cô vợ lẽ chửi con gà gáy sớm làm cho cô ta “mất vía kinh hồn”!, còn đây, các bạn hãy nghe người đàn bà muốn ngoại tình chửi:
    Sáng ngày đi chợ cầu Đông
Xem một quẻ  bói lộn chồng được chăng
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lộn thì lộ được nhưng năng phải đòn
Mồ cha đứa có sự đòn
Miến là lấy được chồng ròn thì thôi.
   Đứa “có sự đòn” là đứa nào? “Chồng ròn” là chồng thế nào?
  Người Pháp có câu: “Muốn là có thể”, với những người phụ nữ này thì: “Muốn là phải được”.
     Đến đây không thể không nhắc tới Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ nôm, nếu bàn về lĩnh vực huê tình thì cũng phải mời bà lên chiếu trên, bởi lẽ hầu hết những tinh túy của mảng phong dao này – kể cả tiếng chửi, đều được bà đưa vào thơ một cách đắc địa nhất:
     Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười họa chăng hay chớ
Một tháng đôi lần có cũng không…
  Ngày nay, với sự tiến bộ của xã hội, với những thành tựu của y học hiện đại, người phụ nữ đã có quyền bình đẳng với nam giới, họ chủ động xây dựng  cuộc sống hạnh phúc cho mình mà không cần phải “phản kháng” như xưa nữa.