Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN THUÝ QUỲNH MÃNH LIỆT MÀ ĐÔN HẬU

Vũ Nho
Chủ nhật ngày 10 tháng 5 năm 2009 4:14 PM

 Nguyễn Thúy Quỳnh không còn trẻ nữa, nhưng so với các bậc đàn chị trên thi đàn thì cũng chưa phải là già. Tuổi bốn mươi là tuổi chớm “vào thu đang độ đẹp hết mình” ( Phan Thị Thanh Nhàn). Nguyễn Thúy Quỳnh làm thơ và đăng báo khi còn là sinh viên khoa Ngữ văn Đại học sư phạm. Đến bây giờ với hai chục năm làm thơ, in hai tập thơ dày dặn và số thơ đăng báo tập hợp cũng đủ một tập khác, chị đã là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên.
 Thơ Nguyễn Thúy Quỳnh có những hình ảnh về quê hương miền núi, về Thái Nguyên khá gợi cảm:
 Ngựa thồ nhịp nhịp qua cầu
 Những má đào phây phây gió
 Chợ phiên râm ran dốc phố
 Mái cọ lô nhô bóng trưa
   Na Rì
 Hoa sữa trắng đường hào phóng hương bay
 Ngỡ vốc được trên tay, cài trong tóc
 Ga Đồng Quang nhịp xe thồ lóc cóc
 Những quán hàng nhộn nhịp thắp đèn đêm
   Thơ trên đường về nhà
Nhưng ấn tượng về thơ chị không phải  chỉ là cảnh sắc thiên nhiên mà chủ yếu là một tâm hồn, một con người say đắm, mạnh mẽ, quyết liệt mà đôn hậu.
 Dễ dàng nhận thấy Nguyễn Thúy Quỳnh “già” đi khá nhanh ở trong thơ. Phải chăng vì hoàn cảnh riêng, lại là người lãnh đạo văn nghệ địa phương nên con người buộc phải “trưởng thành” sớm? Có thể. Nhưng có lẽ vì Nguyễn Thúy Quỳnh còn là người  khá nhạy cảm và cả nghĩ nữa chăng? Kí ức thời sinh viên chỉ như là một cơn mưa bóng mây trong bầu trời thơ nồng nàn mùa hạ:
 Bạn bè ơi, thèm một lần trốn học
 Lũ chúng mình trèo xe buýt rong chơi
    Với bạn
Và những tình cảm mãnh liệt của người con gái yêu “như kẻ mộng du”, không biết và không nghe gì hết, sẵn sàng bày tỏ tình yêu bất chấp lòng kiêu hãnh và quyền uy con gái của mình:
 Em sẽ chạy đến
 Quỳ xuống chân anh mà thú nhận
 Em yêu anh biết bao nhiêu
    Thứ bảy
…những tình cảm ấy cũng sớm qua nhanh. Cô gái yêu đến mức mạch máu cũng biết nói : “ Từng mạch máu trong ta nhắc tên người như dại như điên” ( Thơ cuối chiều) đã sớm chấp nhận hạnh phúc để rồi sau có lúc như hối tiếc “ Giá mà em từ chối”. Chỉ còn lại một Nguyễn Thúy Quỳnh từng trải, lắm khi cô đơn, hay chiêm nghiệm về cuộc đời, về tình người, về thơ ca trước những điều ngổn ngang cuộc sống. Tuy vậy phải công nhận rằng Nguyễn Thúy Quỳnh là người yêu mãnh liệt, hết mình:
 “ Ta đã từng tin trời sinh ta cho nhau/ Đã từng yêu như chẳng thể nhiều hơn được nữa/ Như hoang mạc chờ mưa, như rừng khô gặp lửa” ( Gửi một người). Tình yêu có gì đó trắc trở, không thuận chiều :
 Một ngày
 lời yêu bỗng dưng tuột xuống vực sâu
 người yêu bỗng dưng hóa người đâu đâu
    Xin lỗi
Bởi vậy mà Nguyễn Thúy Quỳnh thường có những câu thơ hoài niệm, nuối tiếc, băn khoăn, đôi khi dằn vặt, âm thầm đau xót:
 Phố núi chông chênh mình em lạc bước
 Lối cũ trăng gầy, tấm tức kỉ niệm rơi
              Ghi ở Na Rì
 Đã đành duyên nợ thì mang
 Nghĩ mình chưa nụ đã tàn lại đau
     Tặng
  Và nụ hôn thiên thần
           Xin để lại
 Thoáng giận hờn thành vĩnh viễn mang theo
 Tôi tiếc một lần yêu
     Sang ngang
Hoàn cảnh riêng có những éo le. Thêm nữa áp lực cuộc sống, áp lực lên người quản lí đã khiến cho Nguyễn Thúy Quỳnh cảm thấy căng thẳng. “Nhiều lúc không thể chịu đựng cuộc đời này thêm một giây nào nữa”  ( Nhớ Trịnh). Và những sự hẫng hụt dẫn đến trạng thái dường như vô cảm khi đã nhận những nỗi đau buồn quá mức của một con người ở chị là có thật :
 Đã bao lâu rồi, tôi không khóc, không đau
 Không yêu ghét chi ai, cũng chẳng còn thương nhớ
 Âm ỉ trong tôi, cái gì đang vỡ ra, cái gì đang hóa đá
     Tự cảm
Nhưng thật may là Nguyễn Thúy Quỳnh còn có tuổi trẻ, còn có bạn bè, có bao nhiêu “ những lấp lánh mắt cười” ( Thơ viết trên điện thoại) thân ái xung quanh, có nhạc Trịnh, nên chị có thể  như cỏ hồi sinh và phục sinh nhanh chóng : “ Giữa trăm vòng cuộn xoáy/Bật mầm ta hồi sinh” ( Với cỏ).
 Không khóc, không đau là trong một thời điểm khủng hoảng tinh thần mà nói vậy thôi. Trái tim đa cảm, đa đoan sao có thể dửng dưng trước nỗi đau của mình và nỗi đau của bao người. Sự nhạy cảm của trái tim phụ nữ dễ làm cho chị xao lòng, xốn xang. Tâm hồn chị đẫm nước trong cơn mưa  ướt sũng đá Đồng Văn, khi chị gặp em nhỏ lấy ô che cho củi:
 Mưa Đồng Văn đá cũng sũng nước rồi
 Có chiếc ô em che lên củi
 Củi ướt ai mua, làm sao đem về núi
 Mưa vô tình lây ướt cả sang tôi
   Một sáng Đồng Văn
Chị mất ngủ vì những mắt vịt con bị bỏ rơi ngoài đồng “ Triệu cặp mắt tròn kinh hãi xoáy vào đêm” ( Lời ru đàn vịt ngoài đồng). Mắt vịt xoáy vào đêm hay xoáy vào trái tim người lo lắng cho đàn vịt, lo cho những người nông dân mất gần như cả gia tài. Chị băn khoăn, cảm thông và xa xót trước những đồng hương, đồng bào dứt áo ra đi mưu sinh nơi đất khách quê người trên “chuyến xe đưa người”, mình đã khổ, mà những người ở nhà cũng đành mặc cho số phận:
 Bao nhiêu người đàn ông  hăm hở bán mồ hôi xứ dầu?
 Bao nhiêu người đàn bà gửi lại con mình
    vượt trùng khơi nuôi con thiên hạ?
 bao nhiêu người ngồi hóa thạch đầu sàn?
 bao nhiêu bé lớp một đến trường không cha đưa mẹ đón?
     Một chuyến xe khách
Chị cảm thông, trân trọng những người đàn bà “dầm chân trong buốt giá” giữa những ngày rét hại:
 Những người đàn bà bì bọp dặm trên mặt ruộng
 Những dảnh mạ chắt chiu xanh từ cân thóc giống cuối cùng
 Cách nhau một hàng rào B40
 Bóng những tòa nhà chọc trời
 đổ trên lưng họ
   Viết giữa ngày rét hại
 Nhà văn Nam Cao có viết với tinh thần bao dung mà chúng ta đều biết: “ Một người đau chân có bao giờ quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa” ( Lão Hạc). Nguyễn Thúy Quỳnh có nỗi đau riêng. Nếu chị chỉ nghĩ đến mình thôi thì ta cũng không nỡ trách. Nhưng  nhà thơ đã nén lại, đã vượt qua nỗi đau riêng để nghĩ đến những nỗi đau của người khác, những nỗi đau “không của riêng ai”. Đây chính là điều đáng trân trọng ở chị với tư cách một người phụ nữ, một công dân, một nhà thơ, người bạn đồng hành  của “phe nước mắt”. Đây cũng là điểm khác biệt với một số nhà thơ trẻ chỉ khai thác cái tôi cá nhân, mặc dù cái tôi thời nay không phải là điều kiêng kị và cũng không còn mới mẻ.
 Càng về sau này, thơ Nguyễn Thúy Quỳnh càng nghiêng về hướng suy tư, chiêm nghiệm “Thơ thao thức nỗi nhân tình thế thái” ( Đêm thơ ở Hòa Bình). Dù là Nghĩ chơi, dù là Bất chợt, Tự cảm hay Tự bạch hoặc Không đề,  Nguyễn Thúy Quỳnh thường gợi những dự cảm, suy tư, ngẫm ngợi về lẽ sống, về tình đời, về phận người, kể cả phận thơ  và phận người cầm bút.
 Trong ngày giỗ cha đỡ đầu, chị có câu thơ dự báo đầy thảng thốt:
 Dưới ba tầng đất sâu, bầy rô ron đêm đêm khát nước
 Phố đã tràn vào tận sân rồi
   Thơ trước ngày giỗ
Suy nghĩ về sự im lặng, chị đã ứng xử theo tinh thần của người xưa “một sự nhịn, chín sự lành”, chị đã “làm theo” lời khuyên với những mức độ khác nhau ( thuận tình- lẳng lặng- cúi mặt). Nhưng cuối cùng chị nhận ra rằng càng  “nhân nhượng” thì kẻ xấu càng lấn tới:
 Bây giờ
 bầy người điên nhảy múa trong ngôi nhà của tôi
 giật bốn bề tung tóe
 dẫm lên cái tên cha mẹ cho tôi
 và cười nhạo
 
 Tôi một mình đứng ngoài bờ giậu
 mới biết là mình câm
            Im lặng
Gửi các con thân yêu, gia tài quý giá của đời mình, chị dặn dò các con khi đã nửa đời từng trải:
 Con ơi, không phải chỉ đạn bom mới gây ra cái chết, sự giả nghĩa giả nhân còn hủy diệt hơn nhiều.
          Gửi các con
Nghĩ về cuộc sống hối hả, cuộn xoáy “Lợi danh xoay tít mù nơi quan trường”, chị biết ơn quán cà phê cho mình phút giây là mình, lắng lại, “trôi” đi:
 Nếu không quán nhỏ, chắc chi biết buồn
 Nhấp cà phê đắng, thấy mình thật hơn
    Trong quán cà phê
Và chính lúc ấy, chị ngộ ra :
 Cả triệu năm qua sông đơn độc
 Sự đơn độc nào chia cho ai được?
    Trong quán cà phê
 Trong thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, thường gặp những suy tư. Khi cuộc sống “hai mươi tư giờ chìm trong marketing” chị nhận ra chỉ có lòng tốt là không cần quảng cáo, chỉ có mùa xuân là không cần tiếp thị. Chúng không theo cơ chế thị trường ( Vừa đi vừa nghĩ). Chị suy tư về sự đổi thay khi nhìn tứ phía “ vô số mặt giăng giăng như mưa/ không biết đâu mặt thật đâu mặt nạ/ chết điếng nhận ra mình vô phương” ( Nghĩ chơi 2). Chị muốn nghĩ thật tốt về đàn ông với tiêu chuẩn lí tưởng “dầu nửa số mày râu trên thế giới này chẳng thể gọi là đàn ông được nữa”, nhưng không phải thế, vẫn nhan nhản các vị mày râu tham lam, la cà, be bét rượu bia, tự cao tự đại,…nhu nhược, đớn hèn ( Nghĩ về đàn ông). Chị phẫn nộ và buồn trước điều “ bỗng dưng nhìn thấy”, trước các thi hữu có “ những cái nhìn âm u/ những trận mưa ngôn từ rào rào/ nhân danh sự tử tế/ nhân danh thơ” ( Về một nhà thơ). Và Nguyễn Thúy Quỳnh cũng không cần vòng vo rào đón khi không đồng tình  “ Về một kiểu làm thơ”.
 Có thể thấy rõ Nguyễn Thúy Quỳnh đã vượt qua những định kiến, rào cản, kể cả những bức “tường thành ta và người dựng lên” để sống và sáng tạo. Dù gặp phải “ Những bàn tay nhẽo nhớp ngày càng nhiều/ mỗi lần chạm vào chúng ta toát mồ hôi lạnh” ( Lan man đêm); dù lòng tin có bị đánh cắp, nhưng vẫn tin “ Lòng tin sinh ra làm gì nếu không để tin người” ( Bảo trọng). Chị vẫn bền bỉ làm thơ. Tất nhiên, thơ không còn hồn nhiên như trước. Nguyễn Thúy Quỳnh viết nhiều về nỗi cô đơn là chuyện tự nhiên : “ Một mình gồng  gánh nỗi giận, nỗi thương, nỗi buồn, nỗi khát” (Viết giữa đêm và ngày). Đặc biệt là cảm nhận về con đường dằng dặc của cuộc đời. Người còn trẻ, người ít va vấp, người hồn nhiên không bao giờ cảm nhận cuộc đời như vậy. Trong khi đó ở thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, khá nhiều hình ảnh, cảm giác đường dài, đời dài, đường xa :
 Cõi người dằng dặc, lần đường lại đi
                        Đi chùa
 Những bàn chân lầm lũi bước
  còn xa lắm cái ngày kết thúc
 Những bước chân xoáy ngược chiều bão cát
 khúc trường- ca-độc-hành
                     Thơ về lạc đà
Các bài thơ Không đề 2, Về căn phòng của tôi, Sinh nhật 2, Lan man đêm, Sau tiếng sét đầu mùa, Đàn bà, Đồng hành đều  nói về con đường xa dằng dặc mà người thơ lầm lũi đi. Có thể cảm thông được vì sao nhà thơ mới bốn mươi tuổi, mới xuất hiện chưa lâu trên thi đàn mà đã viết:
 Em, con bò già kéo chiếc cày số phận
 Lê trên cánh đồng mờ mịt
 Cắt xuống mặt đêm vô vàn rãnh sâu
 rỉ nhưng giọt bầm đen
                            Đêm thứ 84
     ***
 Trong một bài thơ nhan đề Về căn phòng của tôi, một kiểu thơ tự bạch, chúng ta bắt gặp những câu thơ này:
  Một tôi
  mỗi sớm mở mắt lại phân thân
 Nửa tiếp tục rúc đầu vào đệm chăn thơm tho
 bật máy tính lang thang trong cõi chữ
 dung dăng bầy kí tự bé xíu và thân thiện,
    nhảy múa và hát nghêu ngao.
 Nửa rong ruổi những con đường sặc sụa khói bụi
 mê mải lặn ngụp cõi người
 sấp ngửa những tính toan
 lần hồi vui buồn mỗi ngày như hành khất lần tiền trong nón rách.
 Thật ra phân thân là chia cho rành rẽ, chi li ra. Chứ không ai có thể sống hoàn toàn phân thân như thế. Nhưng có một điều  chúng ta tin. Đó là vì có “rong ruổi những con đường sặc sụa khói bụi” và nhờ “ lặn ngụp cõi người” nên nhà thơ mới có cái mà lang thang trong cõi chữ, mới  có thể viết thành những bài thơ ngổn ngang những suy tư, chiêm nghiệm, không ít nỗi đau nhưng cũng rất đôn hậu và chân tình. Những bài thơ ấy làm nên gương mặt thơ Nguyễn Thúy Quỳnh riêng không nhòa lẫn.
                           Hà Nội, 8/3/2009