Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÁC HỒ VỚI TRUYỆN KIỀU

Đắc Trung
Thứ sáu ngày 8 tháng 5 năm 2009 10:12 PM
        Cách đây nửa thế kỷ,một nhà báo đã viết: “Người Việt Nam nếu chưa biết truyện Kiều thì chưa phải người Việt Nam”. Phải chăng ý ông muốn nói kiệt tác bất hủ đó là biểu tượng văn hoá dân tộc. Đã là người Việt Nam không thể không biết,không hiểu,không tự hào về nền văn hoá của mình. Bác Hồ kính yêu của chúng ta không chỉ là danh nhân văn hoá Việt Nam ,mà còn là danh nhân văn hoá thế giới. Người đã từng đặt chân đến hầu hết các châu lục,tiếp cận với biết bao nền văn minh,thông thạo ít nhất sáu ngoại ngữ,lại bận trăm công nghìn việc,vậy mà Bác vẫn thường xuyên đọc Kiều,nghiền ngẫm về Kiều,thuộc và hiểu sâu sắc truyện Kiều,hơn thế,Bác còn vận dụng truyện Kiều trong công tác cách mạng. Nhiều,nhưng tôi chỉ xin đơn cử mấy trường hợp sau đây …
        Năm 1946,với tư cách là khách mời đặc biệt,Bác sang dự Hội nghị Phông-ten-blô tại Pháp. Trước khi về nước bà con Việt kiều ta tại Pa-ri mời Bác tới thăm và nói chuyện. Buổi nói chuyện hết sức xúc động và Bác đã kết thúc những ý cuối cùng của mình bằng hai câu trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du:
                              “ Gìn vàng giữ ngọc cho ngay
                           Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”
      Đó là câu 545,là lời của Kim Trọng trước khi về Liêu Dương chịu tang chú,dặn người yêu là Thuý Kiều: Em hãy giữ gìn tình yêu trong trắng,tâm hồn vàng ngọc của mình để yên lòng anh nơi quê hương xa cách. Bác dùng lời Kim Trọng dặn Thuý Kiều để muốn nói với bà con Việt kiều của ta rằng: Dù ở xa Tổ quốc,tại Pháp,Mỹ,Canađa …hoặc bất kỳ đâu,bà con luôn nhớ mình là người Việt Nam,phải giữ gìn nhân cách,phẩm giá,bản sắc người Việt Nam,hướng về Việt Nam để yên lòng những người thân yêu của mình nơi quê hương đang ngày đêm chịu đựng gian khổ,thắt lưng buộc bụng chiến đấu giải phóng đất nước. Không phải ngẫu nhiên Bác trích dẫn truyện Kiều, hàm ý sâu sắc của câu Kiều đó khiến bà con Việt kiều của ta vô cùng thấm thía và đã trở thành đề tài để mọi người luôn nhắc nhở nhau thực hiện.
        Mười hai năm sau,1958,đồng chí Vô-rô-xi-lốp,Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô (cũ) sang thăm Việt Nam. Bối cảnh lịch sử lúc đó như sau: Chủ nghĩa xét lại hiện đại mà Khơ-rút-sốp được coi như người khởi xướng bị những người cộng sản Trung Quốc công kích mạnh mẽ. Bất đồng xảy ra giữa hai đảng cộng sản của hai nước lớn. Bởi thế trong chuyến thăm này,đồng chí Vô-rô-xi-lốp rất muốn biết thái độ của Đảng Lao động Việt Nam đối với vấn đề đó ra sao. Nhưng đây là việc rất tế nhị không thể bộc lộ bằng văn bản,hoặc lời nói trực tiếp. Bác rất hiểu điều đó,cũng muốn đáp ứng yêu cầu của bạn,nhưng thật khó. Tưởng rằng không thực hiện được,nhưng rồi nhờ truyện Kiều …
        Sáng hôm sau đoàn bạn về nước,thì tối hôm trước Bác cho gọi một nhóm văn công vào Dinh Chủ tịch biểu diễn nghệ thuật. Bác ngồi trên chiếc ghế mây đặt giữa,một bên là đồng chí Vô-rô-xi-lốp cùng các thành viên trong đoàn nước bạn,một bên là Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các thành viên trong đoàn Việt Nam,đối diện là các diễn viên. Nhóm diễn viên có cả nam và nữ,trong đó một cô ôm đàn Ăc-coóc-đê-ông (ôm cầm). Sợ thất lễ các cô muốn lùi xuống sau để các nam diễn viên đứng trước. Thấy vậy,Bác đứng dậy,bước đến,Bác bảo cô gái ôm đàn đứng giữa,những cô khác đứng hai bên,còn nam diễn viên đứng cả phía sau. Xong,quay trở lại,trước khi ngồi xuống ghế,nhìn đồng chí Vô-rô-xi-lốp đầy ý nghĩa,Bác đọc hai câu Kiều :
                                          “  Đã nguyền hai chữ đồng tâm
                                       Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”
        Nghe xong đồng chí Vô-rô--xi-lốp đứng dậy ôm hôn Bác thắm thiết và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cười rất vui vẻ. Vậy là điều bạn muốn biết,Bác đã nói và bạn đã hiểu.
         Đó là câu 555,là lời của Thuý Kiều đáp lại Kim Trọng. Y’ nàng muốn nói rằng: Anh cứ yên tâm về Liêu Dương chịu tang chú cho trọn chữ hiếu. Em đã nguyện yêu anh thì suốt đời chung thuỷ với anh,chứ thề chẳng bao giờ “ôm cầm thuyền ai” khác. Mượn câu của Thuý Kiều trả lời Kim Trọng ý Bác muốn nói với đồng chí Vô-rô-xi-lốp: Thưa đồng chí thân mến,đồng chí có thể yên tâm về báo cáo với Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô rằng: Đảng Lao động Việt Nam đã chọn Chủ nghĩa Mác-Lê nin làm kim chỉ nam,thì suốt đời trung thành chứ không bao giờ “ôm cầm ”bất kỳ chủ nghĩa nào khác.
        Như vậy là nhờ truyện Kiều mà Bác đã nói lên được những quan điểm chính trị cực kỳ quan trọng. Mà như vậy cũng có nghĩa,không chỉ Bác,mà đồng chí Vô-rô-xi-lốp cũng rất hiểu truyện Kiều. Điêù đó càng chứng tở sự bất hủ của kiệt tác này. Nó đã vượt thời gian,không gian để đến với trái tim nhân loại. Mặt khác cũng chứng tỏ rằng,muốn hiểu một dân tộc nào,thì cần phải hiểu nền văn hoá của dân tộc đó.  Chính vì lễ ấy mà chúng ta mới tổ chức những “Ngày văn hoá Việt Nam tại Liên Xô” (Hoặc ở các nước khác) và ngược lại… Thế mới biết văn hoá là một thứ chính trị cao cấp là vậy.
        Ngày 14-5-1957,sau 52 năm xa cách Bác mới có dịp về thăm quê.  Bác đi trực thăng ra biển,rồi vaò miền Trung quãng Cửa Lò. Ngồi trên máy bay nhìn bà con làm nghề chài cá,Bác khẽ vỗ vai đồng chí Đặng Tính (bấy giờ là chính uỷ quân chủng Phòng không-Không quân) ngồi bên và đọc Kiều :
                                  “   Buồn trông cửa bể chiều hôm
                             Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa” ( câu 1048)
        Đồng chí Đặng Tính xin phép được đọc tiếp theo lối họa Kiều:
                                      “   Bác về thăm lại quê nhà
                                          52 năm ấy,bây giờ là đây”
        Một đồng chí trong tổ lái tên là Đặng Đình Ninh,vốn cũng được phục vụ Bác,biết Bác giỏi Kiều cũng xin phép Bác được hoạ tiếp:
                                        “   Bác đi gian khổ những ngày
                                             Bác về cờ đỏ tung bay rợp  trời
                                             Bác đi đồng ruộng của người
                                             Bác về rừng núi,đất trời của ta”
      Thế là mấy Bác cháu nhìn nhau cùng cười vui vẻ.
        Tháng 5 – 1965,khi “viết sẵn mấy lời để lại” (mà chúng ta gọi là “ Lời di chúc của Hồ Chủ tịch”) Bác lại hoạ câu 557 trong truyện Kiều: “ Còn non,còn nước,còn dài. Còn về,còn nhớ đến người hôm nay” thành câu: “ Còn non,còn nước,còn người. Thắng giặc Mỹ ta xây dựng hơn mười ngày nay”.
         Năm 1967,đoàn đại biểu đảng Cộng sản một nước bạn sang thăm nước ta,tới chào Bác,biếu Bác một món quà mà Bác thích. Tất nhiên trước đó người ta đã suy nghĩ kỹ về món quà sẽ biếu,để vừa thể hiện lòng tôn kính đối với Bác,với dân tộc Việt Nam,lại vừa nói lên nhiều ý nghĩa sâu sắc. Lụa là gấm vóc ư ? Không. Vàng bạc châu báu ư ? Không. Sơn hào hải vị ư ? Không. Những thứ đó Bác của chúng ta đâu có màng. Vậy món quà họ biếu Bác là gì ? Là hai bông hoa Trà Mi tươi cắm vào chiếc lọ thuỷ tinh trong suốt,tinh khiết. Tại sao họ biếu Bác hoa Trà Mi ? Và,tại sao chỉ biếu Bác hai bông ? Bởi họ biết rằng Bác của chúng ta rất thuộc,rất hiểu truyện Kiều. Mà trong truyện Kiều chỉ hai lần Nguyễn Du viết đến hoa Trà Mi ( vì thế họ tặng Bác hai bông ). Lần thứ nhất : Khi Thuý Kiều phải bán mình để lấy tiền cứu cha già,nàng bị Mã Giám Sinh,một tên ma cô chuyên dắt gái cho mụ chủ chứa Tú Bà đưa đi,và chính hắn đã phá hoại sự trinh tiết đời nàng. Đau đớn xót thương cho thân phận nàng,Nguyễn Du viết :
                                   “   Tiếc thay một đoá trà mi
                                  Con ong đã tỏ đường đi lối về “    (Câu 845)   
        Lần thứ hai là khi Thuý Kiều ở lầu Ngưng Bích,bị tên Sở Khanh,tay chân của Tú Bà giả hiền nhân quân tử rủ nàng đi trốn. Nhẹ dạ,nàng tin gã đốn mạt đó và nhận lời. Một buổi chiều khi hoàng hôn sắp tắt,ngóng đợi tên Sở Khanh tới đón,lòng ngổn ngang,nhớ nhà,nhớ bố mẹ,thương các em. Cảm thông với tâm sự đó,Nguyễn Du viết :
                                   “   Chim hôm thoi thóp về rừng
                                 Đoá trà mi đã ngậm trăng nửa vành”  (câu 1091)                 
         Biếu Bác hai bông hoa Trà Mi,các vị khách muốn nói rằng: Thua Chủ tịch ! Chúng tôi rất hiểu Chủ tịch,rất tôn kính Chủ tịch và rất ngưỡng mộ nền văn hoá Việt Nam,đạo lý lấy hiếu nghĩa làm trọng của người Việt Nam.
         Sáng hôm sau,bước lên cầu thang nhà sàn của Bác,đồng chí Vũ Kỳ thấy Bác đang ngắm hai bông hoa Trà Mi đó. Sợ ảnh hưởng tới xúc cảm của Bác,đồng chí Vũ Kỳ dừng lại. Thấy vậy,Bác vẫy tay gọi lên,rồi Bác hỏi :
- Chú thấy hoa Trà Mi có đẹp không ?
- Thưa Bác đẹp ạ..
Bác mỉm cười gật đầu rồi hoạ liền hai câu thơ :
                              “   Đẹp thay một doá Trà Mi
                              Con ong chưa tỏ đường đi lối về”  
        Hai câu thơ của hai nhà thơ lớn,hai danh nhân văn hoá thế giới,ở hai thời kỳ lịch sử khác nhau đã toát lên bản chất hai chế độ khác nhau. Xã hội truyện Kiều vào cuối thời Lê đầu thời Nguyễn bất công,thối nát,trong đó thân phận người phụ nữ chẳng khác bông hoa chỉ xoè nở mua vui cho thiên hạ,rồi đến khi hương tàn nhuỵ lạt liền bị quên đi một cách phũ phàng. Vì lẽ đó mà Nguyễn Du đã phải thét lên: “ Đau đớn thay phận đàn bà…” Còn trong thời đại của chúng ta,thời đại Hồ Chí Minh,quyền làm người được tôn trọng,nam nữ hoàn toàn bình đẳng,cuộc sống, con người vừa đẹp về thể chất,trong trắng tinh khiết về tâm hồn.
        Mấy câu chuyện trên hy vọng giúp bạn đọc hiểu thêm về Bác Hồ kính yêu của chúng ta,một lãnh tụ vĩ đại,một danh nhân văn hoá thế giới,hiểu thêm về sức sống mãnh liệt và “cái thần” của truyện Kiều bất hñ.