Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẠO PHẬT TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ DÂN TỘC

Đắc Trung
Thứ sáu ngày 8 tháng 5 năm 2009 2:23 AM

                                                                                  
                                                      1
   
       Cùng với đạo Hồi và đạo Thiên chúa, đạo Phật là một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới , tới nay ước có khoảng hơn nửa tỷ tín đồ.  Người sáng lập đạo Phật là Tất-đạt-đa Cồ Đàm.
     Ngài sinh khoảng năm 566 tr.CN trong một gia đình quý tộc dòng Thích-ca tại Ca-tỳ-la-vệ ( thuộc Nê-pan ngày nay ). Cha ngài là vua Tịnh Phạn, mẹ là Ma Đa. Mới được bảy ngày tuổi, mẹ qua đời, Tất-đạt-đa được người dì nuôi dạy, 16 tuổi lấy vợ, 29 tuổi có con trai và cũng năm ấy ngài quyết rời nhà ra đi tìm triết lý bản chất cuộc sống và số phận con người. Hai lần theo hai bậc đại sư nhưng vô vọng. Ngài ép xác khổ hạnh cùng nhiều nhóm tăng sĩ khác nhau cũng thất bại không đạt giải thoát, Tất-đạt-đa từ bỏ phép tu này, vào rừng ngồi trầm tư thiền* ngẫm dưới gốc cây bồ đề và bảy năm sau đạt giác ngộ* hoàn toàn, nhập Niết-bàn*, được mang danh hiệu Thích-ca Mâu-ni*. Ngài rời núi chu du giảng giải về những triết lý của mình, chủ yếu cho 16 đồ đệ để họ tiếp tục đi rao giảng. Ngài trình bày con đường dẫn đến giác ngộ và giải thoát trên cơ sở kinh nghiệm bản thân. Các bài truyền bá của ngài được tập hợp thành kinh gọi là « Kinh Tam tạng ». Triết lý của ngài thật sâu sắc và uyên bác. Ngài đúc kết thế giới gồm ba đặc tính chung :
     1.    Vô thường : Là mọi vật đều hữu hạn, có mở đầu, có kết thúc, đều qua thành,trụ,hoại,diệt không gì vĩnh hằng. Đối với con người sinh, lão, bệnh, tử là quy luật tất yếu không thể khác.
     2.   Khổ và tứ diệu đế : Khổ là cơ sở của tứ diệu đế ; là tất cả mọi hiện tượng vật chất và tâm thức đều chịu dưới quy luật thay đổi, kể cả những sung sướng an lạc đang có cũng là khổ vì đều bị hoại diệt. Cùng với sự tồn tại hữu hạn là đau khổ và sung sướng. Hai cái đó cùng tồn tại trong nhau. Tứ diệu đế là bốn chân lý cao cả, là gốc của Phật pháp gồm : « Khổ đế » - mọi dạng tồn tại đều mang sự khổ ; « Tập khổ đế » - nguyên nhân phát sinh
 cái khổ là tham vọng và thù hận ; « Diệt khổ đế » - khi tham vọng và thù hận được tận diệt thì sự khổ cũng tận diệt ; « Đạo đế » - phương pháp để đạt sự diệt khổ là bát chính đạo*.
Vô ngã và duyên sinh : Sự vật không hiện hữu vĩnh hằng, song cũng không tuyệt đối không hiện hữu. Cái ngã - cái « tôi » mỗi con người đều nằm trong vòng vận động của thành, trụ, hoại, diệt liên tục và tương tác với nhau. Mọi hành vi cố ý đều mang theo những hậu quả gọi là duyên sinh. Thân phận con người có những giai đoạn khác nhau. Những hành động quá khứ ảnh hưởng chi phối tương lai thể hiện qua « Luật nhân quả » và « Luật luân hồi ». Bản chất « Luật nhân quả » là sự công bằng. Nó ứng với tất cả mọi người. Có nhân tất có quả. Quả là sản phẩm của nhân. Nhân thiện cho quả phúc. Nhân ác cho quả họa. Nhân thiện không chỉ cho quả phúc mà cho cả cây phúc, cành phúc, lá phúc, hoa phúc, rễ phúc và nhân ác cũng thế. Ta sống đây là đang nhận quả từ các kiếp trước và gây nhân cho các kiếp sau. Nhân thiện sẽ cho bao thứ phúc mà người gieo được hưởng. Kiếp này chưa hưởng thì kiếp sau sẽ hưởng. Đời mình được hưởng và đời con cháu được hưởng. Nhân ác sẽ có bao thứ họa mà người gieo phải gánh. Kiếp này gánh chưa xong thì kiếp sau phải gánh. Đời mình gánh chưa hết thì đời con cháu phải gánh.
« Luật luân hồi » cũng là nền tảng giáo lý đạo Phật. Con người sau khi chết sẽ được đầu thai kiếp khác. Nếu ở đời sống lương thiện , nghĩ điều nhân, nói lời ái, làm việc đức thì sẽ sớm được đầu thai trở lại kiếp người. Hơn thế được làm người khoẻ mạnh, đẹp đẽ, thông minh, sống được trọng vọng, no đủ, chết có nơi ở, được lập đền thờ, có con cháu cúng giỗ, không phải làm ma đói vô tự lang thang. Không phải làm người ốm đau bệnh tật, nghèo khổ, ngu đần bị khinh rẻ. Không phải làm vật bị hành hạ giết thịt.
Phật giáo tin vào trí tuệ chứ không tin vào sự mê tín, huyền hoặc. Là học thuyết mang tính nhân sinh, nhân ái, nhân đạo cao cả. Phật giáo chủ trương chân lý không có biên giới, không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân hay thế lực nào. Phật giáo cho rằng những việc không làm mình toại nguyện trước mắt chính là kết quả những gì mình đã làm trước đây. Bởi thế phải dũng cảm chấp nhận, tìm cách hoá giải chứ không oán trời trách người. Phật giáo không quan niệm con người có số phận do tiền định không thể thay đổi, trái lại con người là chủ nhân của chính mình, quyết không để ai thao túng tương lai tiền đồ, thành, bại, phúc, họa của mình. Nỗ lực phấn đấu, tu rèn theo thiên ý sẽ có tương lai huy hoàng, sẽ cải thiện được những tai ương do quá khứ gây ra. Bởi thế Phật khuyên con người phải luôn có niềm tin, trước hết tin ở chính mình.
Cốt lõi triết lý của Phật là mọi vật đều hiện hữu giới hạn và đều thay đổi luân hồi dưới tác động của thành, trụ, hoại, diệt, của sinh, lão, bệnh, tử và nhân quả...
Những tư tưởng cơ bản ấy được Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni truyền bá cho các đồ đệ để họ tiếp tục đi rao giảng. Từ đời này qua đời khác, phát triển, mở rộng, hình thành hệ thống giáo lý ngày càng hoàn chỉnh với biết bao bộ kinh, sách về mọi lĩnh vực.
Ảnh hưởng của Phật Tổ và giáo pháp lan truyền rất nhanh. Người tự nguyện theo Phật gọi là tỳ-khưu. Cộng đồng tỳ-khưu được tổ chức thành tăng-già. Đức Phật gạt bỏ mọi sự phân biệt đẳng cấp, rất quan tâm đến mọi người, ai cũng có thể nhập tăng-già. Tổ chức tăng-gìa có quy mô từ nhỏ đến lớn và chặt chẽ để duy trì đoàn kết truyền bá tu dưỡng trên cơ sở giáo pháp. Ban đầu hầu hết họ là những khất sĩ lang thang khắp nơi, hằng năm quy tụ lại với nhau vào mùa mưa cùng tụng kinh suy niệm. Sau đó có xu hướng định cư tạo lập nếp sống tu trì. Giới luật cũng thay đổi cho phù hợp. Từ đời sống tu trì xuất hiện các khu trú xứ của tăng-già đồng thời với điện Phật gọi là Phật đường.
      Sống đến năm 80 tuổi, đức Thích-ca tịch diệt đúng vào ngày rằm tháng tư. Trong khi hoả thiêu có nhiều hiện tượng lạ. Xá-lợi* của ngài được chia làm tám phần và được thờ trong các tháp khác nhau. Việc thờ cúng bắt đầu từ việc thờ xá-lợi Phật Tổ trong các bảo tháp rồi nhân rộng ra bằng cách rước chân hương cùng với những quy định nghi lễ, hành lễ ...
      Mặc dù cuộc đời Phật Tổ được bao phủ bởi nhiều huyền thoại, nhưng các nhà khảo cổ học và nhân chủng học đều nhất trí công nhận ngài là nhân vật lịch sử và là giáo chủ của đạo Phật.
                                                       
                                                       2
    
        Đạo Phật có hai trường phái chính : Đại thừa và Tiểu thừa. Cả hai cùng chung cội nguồn là giáo lý của Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni, * cùng lấy Niết-bàn là mục đích, cùng xuất hiện khoảng thế kỷ 1 tr.CN, nhưng khác nhau về quan niệm và phương pháp tu hành giáo lý. Tiểu thừa tập trung vào con đường đi tới sự giác ngộ và giải thoát cho cá nhân mình. Đại thừa lại mong muốn giải thoát và cứu độ cho cả chúng sinh. Hình tượng tiêu biểu của Tiểu thừa là A-la-hán, là người dựa vào tự lực để giác ngộ. Hình tượng tiêu biểu của Đại thừa là Bồ-tát mà đặc tính vượt trội là lòng từ bi. Tiểu thừa cho rằng có đức Phật đầy quyền năng ở ngoài ta, chi phối ta (Phật giáo quyền năng), bởi thế tuyệt đối hoá việc tu xuất gia vì cuộc sống tại gia sẽ không thể giải thoát và trung thành với lối sống cam chịu, ép xác, khổ hạnh. Bản thân lo tu thiện, không làm điều ác cốt để đức Phật quyền năng biết đến đợi khi chết được lên Niết-bàn, không muốn chống lại điều ác vì cho rằng kẻ nào làm ác tất sẽ bị đức Phật quyền năng phán xét, trừng phạt khi chết phải đầy xuống địa ngục, bị nấu trong vạc dầu hoặc chó ngao xé xác. Đại thừa lại cho rằng Phật không ở ngoài ta mà ở chính tâm ta (Phật giáo chính tâm). Mỗi chúng sinh đều mang Phật tính và tà tính. Nghĩ điều thiện, nói lời thiện, làm việc thiện thì Phật ứng. Nghĩ điều ác, nói lời ác, làm việc ác thì quỷ ứng. Không tôn thờ lối sống cam chịu ép xác khổ hạnh. Bản thân lo tu thiện và coi chống lại ác cũng là tu thiện. Trọng vị tha hơn vị ngã. Biết tu tập để tích Phật tính,tẩy diệt tà tính sẽ đạt giải thoát. Bởi thế không nhất thiết phải tu xuất gia mà chủ trương cả tu tại tâm, tu tại gia. Tiểu thừa thịnh hành ở các nước Nam Á như Thái Lan, Miến Điện,Campuchia, Lào... Đại thừa thịnh hành ở Tây Tạng,Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.
     Từ những triết lý cơ bản trên, trong tiến trình phát triển cả hai trường phái Đại thừa và Tiểu thừa không ngừng mở rộng, khai thác thêm nhiều khái niệm cùng các phương pháp tu tập đã ảnh hưởng rất lớn, rất sâu rộng tới thế giới quan và nhân sinh quan của mọi tầng lớp Phật tử, tác động mạnh đến đời sống xã hội.
                                 
                                                       3
       
        Những vấn đề cơ bản chúng ta cần tìm hiểu là : Phật giáo vào Việt Nam từ bao giờ ? Những dòng đạo chính ? Những trung tâm lớn ? Những tên tuổi tiêu biểu ? Hệ thống giáo lý ? Vị trí, vai trò Phật giáo trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ? ...
      Truyện « Nhất dạ trạch » trong cuốn « Lĩnh nam chích quái » (sách sưu tập văn học dân gian xuất hiện thời Lý-Trần) kể chuyện Chử Đồng Tử học đạo Phật như sau : «  Một thương nhân nước ngoài bảo Tiên Dung rằng «  Quý nhân hãy bỏ ra một dật vàng, năm nay cùng ta ra nước ngoài mua vật quý, đến sang năm sẽ được lãi mười dật ». Tiên Dung vui mừng bảo Chử Đồng Tử « Vợ chồng ta là bởi Trời mà nên. Nhưng cái ăn, cái mặc là do ta làm lấy. Nay nên đem vàng ra nước ngoài buôn vật quý... ». Chử Đồng Tử cùng thương nhân lênh đênh. Đến núi Quỳnh Viên ghé thuyền vào lấy nước. Trên núi có am nhỏ do tiểu tăng tên Phật Quang trụ trì. Đồng Tử lên thăm được nghe thày giảng Phật pháp, thấy hay liền đưa vàng cho thương nhân đi tiếp, mình ở lại học đạo. Lúc thương nhân trở về, ghé vào đón. Đến nhà Đồng Tử đem đạo lý Phật nói với Tiên Dung. Tiên Dung ngưỡng mộ bèn cùng Đồng Tử du phương tìm thày học đạo ».
      Sách về dư địa chí thời Lê Thánh Tông có viết về núi Quỳnh Viên nằm tại cửa Nam Giới, thời ấy thuộc vương quốc Chiêm Thành.
      Theo dân gian Chử Đồng Tử là con rể vua Hùng. Nếu đúng thì đó là đời vua Hùng nào ? Căn cứ « Đại việt sử ký toàn thư » của Ngô Sĩ Liên, cùng những bản ngọc phả liên quan tới triều đại Hùng Vương (lưu giữ tại Bảo tàng Đền Hùng-Phú Thọ) và những tài liệu khảo cổ, thì có khả năng vị vua thời Chử Đồng Tử là Hùng Nghị Vương thứ nhất hoặc thứ hai, tức khoảng thế kỷ 2-3 tr.CN.
      Nhiều sách viết về lịch sử Phật giáo cũng khẳng định vào những năm 247-232 tr.CN vua A Dục (Ấn Độ) lệnh cho các phái đoàn tăng lữ đi khắp nơi để truyền bá đạo Phật. Tập diễn ca lịch sử bằng văn nôm «Thiên nam ngữ lục» viết : chùa Trúc Viên có từ thời Lữ Gia, tức vào khoảng năm 110 tr.CN. Đặc biệt sách « Thiền uyển tập anh » (cuốn sách rất quan trọng viết về các thiền sư Việt Nam từ cuối thế kỷ 6 đến đầu thế kỷ 13, là tài liệu cổ nhất về lịch sử Phật giáo nước ta xuất hiện vào năm 1337 đời Trần Hiếu Tông còn lưu giữ được) viết rằng : năm 1096 Hoàng Thái hậu Ỷ Lan hỏi Quốc sư Thông Biện về sự xuất hiện và tồn tại của Phật giáo nước nhà. Thông Biện tâu : «  Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn hai mươi ngôi, độ tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển vì nó có trước vậy. Vào lúc đó đã có khâu ni danh Mâu Tử, Khương Tăng Hội. Nay lại có Pháp Hiền,Tì-ni Đa Liu Chi truyền thông phái của Tam tổ là người hàng Bồ-tát đang ở chùa Chúng Thiện dạy dỗ học trò, lớp học không dưới 300 người... » . Có thể hiểu bài tấu của quốc sư Thông Biện là : Đạo Phật từ Thiên Trúc (Ấn Độ) thẳng một phương đến Giao Châu ta. Lúc ấy thì Giang Đông (thuộc nước Ngô-Trung Quốc do Tôn Quyền làm Hoàng đế) chưa có. Tại Luy Lâu (Giao Châu-thuộc địa phận Bắc Ninh ngày nay) chùa hơn hai mươi ngôi, độ tăng hơn 500 người, dịch được 15 quyển kinh. Những tên tuổi lớn trong hàng đại sư có Mâu Tử, Khương Tăng Hội.
      Theo nhiều nhà nghiên cứu thì vào khoảng thế kỷ 1-2 sau công nguyên Luy Lâu là trung tâm Phật giáo có trước cả hai trung tâm của Trung Quốc là Lạc Dương và Bành Thành. Các tăng sĩ Ấn Độ đến Luy Lâu bằng đường biển trước khi họ vào Trung Quốc. Tài liệu khảo cổ học Óc-eo cũng khẳng định rằng vào những thế kỷ đầu dương lịch, vùng biển phía Nam nước ta đã nhộn nhịp thương thuyền từ các quốc gia thuộc nền văn minh Ấn Độ. Điều đó cho thấy Phật giáo Việt Nam ban đầu được du nhập trực tiếp từ Ấn Độ chứ không phải từ Trung Quốc truyền xuống.
      Nếu những cứ liệu trên đủ tin cậy thì phải chăng Phật giáo vào nước ta từ thời Hùng Vương và Chử Đồng Tử là người đầu tiên được tiếp thu Phật pháp qua thiền sư Phật Quang tại ngôi chùa trên núi Quỳnh Viên thuộc nước Chiêm Thành ? Giả thuyết này rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên ngành tôn giáo, lịch sự, khảo cổ, nhân chủng, kinh tế, văn hoá, xã hội...cùng tham gia nghiên cứu và giải đáp.
      Chúng ta cùng chờ đợi .
                                                             *
    
       Phật giáo thời Hùng Vương hãy tạm xếp trong giả thuyết. Nhưng từ sau đó (bài viết này chỉ giới hạn đến thời Lý-Trần) chúng ta có những tài liệu làm căn cứ để tìm hiểu, nghiên cứu và có thể tạm chia thành từng thời kỳ.
      Từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 6 (sau công nguyên).
      Bối cảnh lịch sử thời kỳ này là: nước ta bị nhà Hán đô hộ. Tô Định làm thái thú rất tàn ác. Năm 40 Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa thắng lợi giành độc lập. Năm sau nhà Hán cử Mã Viện đem 20 vạn quân sang đánh. Cuộc chiến kéo dài đến năm 43, ta thất bại, Hai Bà Trưng tự vẫn trên sông Hát Giang.
      Nước ta bị Bắc thuộc lần thứ hai.
      Nhà Hán đổi Giao Chỉ thành Giao Châu đưa người sang định cư, tìm mọi cách đồng hoá ép người Việt theo văn hoá, tín ngưỡng, tập quán, từ chữ viết, ăn mặc, nghi lễ, tư tưởng đều phải « quy phục Thiên tử » và hằng năm phải cống nạp vật quý, thợ giỏi.
      Năm 222 nhà Hán tan rã, Trung Hoa chia thành tam quốc, Giao Châu thuộc Đông Ngô của Tôn Quyền. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên, tiêu biểu là cuộc chiến do nữ tướng Triệu Thị Trinh chỉ huy (năm 248) kéo dài được sáu tháng. Bà Triệu hy sinh trên Núi Tùng (Hậu Lộc-Thanh Hoá). Khởi nghĩa thất bại.
      Năm 265 nhà Tấn đánh bại cả ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Giao Châu thuộc nhà Tấn. Năm 420 nhà Tống dẹp nhà Tấn. Năm 497 nhà Tống bị Tề dẹp. Năm 503 Tề lại bị nhà Lương dẹp. Nhà Lương cử Tiêu Tư sang làm thứ sử Giao Châu.
      Không chịu nổi sự tàn bạo hà khắc của kẻ thù, năm 542 Lý Bí chỉ huy khởi nghĩa thắng lợi, lập ra nước Vạn Xuân, xưng đế hiệu là Lý Nam Đế (năm 544). Do đau yếu Lý Nam Đế trao quyền cho tướng tâm phúc của mình là Triệu Quang Phục và qua đời vào năm 548. Năm 549 Triệu Quang Phục xưng vương hiệu là Triệu Việt vương. Năm 571 Lý Phật Tử phản trắc bất ngờ đánh úp. Do không phòng bị Triệu Việt vương thua, phải tự vẫn ở cửa biển Đại Nha (thuộc Nghĩa Hưng-Nam Định ngày nay).
      Cướp được ngôi Lý Phật Tử xưng đế. Trung Quốc lúc đó nhà Tuỳ đã dẹp yên Nam-Bắc triêù thống nhất đất nước. Năm 602 cho quân xâm lược Giao Châu. Lý Phật Tử hèn nhát đầu hàng.
      Nước ta lần thứ ba bị Bắc thuộc.
      Phật giáo thời kỳ này đã tồn tại và phát triển trong bối cảnh lịch sử như thế.
      Thần tích tìm thấy trong một số đền miếu cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ cho biết có những tướng của Hai Bà Trưng sau khi bị Mã Viện đánh bại đã mai danh ẩn tích dưới dạng nhà tu hành trong các chùa để lánh nạn và chính những vị đó tiếp đến những người kế nghiệp họ đã tập hợp các bài viết, các bản kinh Phật lưu hành lúc ấy để sau này đại sư Khương Tăng Hội dịch thành Hán văn dưới nhan đề «Lục độ tập kinh» và « Cựu tạp thí dụ kinh ».
       Qua đó thấy rằng từ xa xưa Phật giáo đã là nơi che chở cho những người con yêu nước và không ít những người yêu nước cũng chính là Phật tử.
      Trung tâm Phật giáo thời ấy là Luy Lâu, ra đời trước và nổi tiếng không thua kém Lạc Dương và Bành Thành của Trung Quốc, ngoài ra còn hơn hai mươi ngôi chùa được đặt trong sự coi sóc của những bậc đại sư danh tiếng như Mâu Tử, Khương Tăng Hội...
      Người đời sau biết nhiều đến Mâu Tử nhờ sách « Lý hoặc luận » của ông. Trong phần mở đầu sách này (các nhà nghiên cứu thường gọi là đoạn tự truyện) và những tài liệu khác mà ta biết được đôi nét về ông.
      Mâu Tử ra đời khoảng năm 160 tại quận Thương Ngô (Trung Quốc) trong một gia đình trung lưu. Từ nhỏ rất thông minh, hiếu học « sách không kể lớn nhỏ, không sách gì không thích ». « Sau khi Hán Linh đế băng hà, thiên hạ nhiễu loạn chỉ có Giao Châu tạm yên, người từ phương Bắc kéo nhau đến lánh nạn, phần nhiều là kẻ có học », trong số đó có Mâu Tử đem mẹ theo. Năm 26 tuổi Mâu Tử trở về Thương Ngô cưới vợ rồi đưa vợ sang Giao Châu. Khi còn ở quê thái thú Thương Ngô nghe tiếng ông tài giỏi đến thăm và mời làm quan, nhưng ông từ chối « nghĩ đời nay nhiễu nhương chẳng phải lúc làm rõ mình » nên như « Lão Tử tu thân giữ chân, vạn vật không ngăn nổi chí, thiên hạ không đổi niềm vui, Thiên tử không được bề tôi. Đó gọi là quý ». Do thế ông dốc chí vào đạo Phật. « Bọn thế tục nhiều kẻ chê », nói ông « bỏ đạo Ngũ kinh theo đạo khác ».  « Cãi thì không phải,mà im thì không thể », nên ông đã « lấy bút mực dẫn lời hiền để chứng giải viết nên « Lý hoặc luận ».
      Sống tu tập, nghiên cứu đạo Phật trên đất Giao Châu cho tới khi ông tịch diệt vào khoảng năm 230.  « Lý hoặc luận » chính là tác phẩm giáo lý Phật pháp giá trị được lưu hành thời kỳ ấy. Sách viết theo cách hỏi đáp, cả thảy chỉ 37 thiên, nhưng phân tích mới thấy nội dung rất rộng : khái quát, cụ thể và sâu sắc. Từ sự tích đức Phật, giáo lý, tập hợp được cả những kinh điển do Phật Tổ trước tác đến lối sống do ngài thiết định. Bàn về mối quan hệ giữa Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Chỉ ra mâu thuẫn, thiếu sót cần bổ sung điều chỉnh. Trên quan điểm Phật giáo ông phê phán những tư tưởng sai lệch của Khổng giáo, Lão giáo họăc của Mạnh Tử trong « Hiếu kinh » ... Mâu Tử là người Việt gốc Hán, nhưng ông mạnh mẽ chống lại chính sách đồng hoá nô dịch của chính quyền Hán và khẳng định rõ tinh hoa văn hoá Hán người Việt luôn rộng mở tiếp thu, nhưng chính sách nô dịch văn hoá thì không thể chấp nhận. Trong khi người Hán ép người Việt coi « Thi thư » như những « lời phán truyền » bất di bất dịch của Thánh hiền, coi  « đất Hán là trung tâm của trời đất » thì Mâu Tử trong « Lý hoặc luận » tuyên bố  « « Thi thư » chưa hẳn là lời Thánh hiền » và  « đất Hán chưa hẳn là trung tâm của trời đất ». Có đặt « Lý hoặc luận » của Mâu Tử trong bối cảnh Phật giáo nước ta ở thời điểm chính trị xã hội ấy mới thấy được giá trị của nó, mới lý giải được tại sao một dân tộc nhỏ bé như ta có thể tồn tại và đối đầu tư tưởng với một quốc gia lớn gấp nhiều lần, mới thấy sự tham gia của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập. Chính Mâu Tử thông qua  « Lý hoặc luận » đã tạo tiền đề cho Khương Tăng Hội rồi các thiền sư, Phật tử sau này kế thừa khẳng định vị trí văn hoá dân tộc Việt Nam và kiên trì chống lại văn hoá nô dịch.
      Vị thiền sư thứ hai không thể không kể đến trong thời kỳ này là Khương Tăng Hội. Cuộc đời Khương Tăng Hội ta được biết chủ yếu qua hai bản tiểu sử cổ nhất còn lưu giữ được. Một trong « Xuất tam tạng ký tập » của Tăng Hựu (445-518) và một trong « Cao  tăng truyện » của Huệ Hạo (496-553).  « Tổ tiên ông là người Khương Cư, mấy đời ở Tây Trúc (Ấn Độ). Cha là thương nhân đến Giao Chỉ buôn bán. Năm 10 tuổi cha mẹ qua đời Khương Tăng Hội xuất gia đi tu, siêng năng hết mực, rộng rãi nhã nhặn, dốc chí hiếu học, có tầm hiểu biết sâu rộng, giỏi việc thuyết giáo, rành việc viết văn. Bấy giờ Ngô Tôn Quyền đã xưng đế ở Giang Tả mà Phật giáo chưa thịnh hành » ...
      Tôn Quyền, rồi đến Tôn Hạo kế ngôi, sau khi tiếp kiến, được Khương Tăng Hội giảng giải Phật pháp cùng với những diệu nghiệm được mục kích cả hai vua đều ngưỡng mộ đạo Phật, lệnh cho dựng tháp, xây chùa và mời ông thuyết pháp. Những năm này Khương Tăng Hội ở chùa Kiến Sơ (Trung Quốc). Ông đã dịch và chú thích được nhiều bộ kinh từ chữ Phạn, đặc biệt cuốn « Lục độ tập kinh » từ chữ Việt sang chữ Hán.
      « Lục độ tập kinh » là bản đầu tiên và xưa nhất tập hợp thành những chủ đề lớn của dân tộc ta như : nhân nghĩa, trung hiếu, tình yêu đất nước, lòng tự hào, ý thức độc lập tự chủ, tôn giáo, tín ngưỡng ...
      Đó là nền tảng cho chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam và truyền thống văn hoá Việt Nam. Sách gồm 91 truyện, từ nguyên bản tiếng Việt được Khương Tăng Hội dịch sang chữ Hán với tên là « Xuất tam tạng ký » hiện còn được lưu giữ trong Đại Tạng (Trung Quốc). Điều đáng quan tâm là qua bản dịch này có thể thấy Khương Tăng Hội nắm rất chắc tiếng Việt, toát lên tấm lòng yêu tha thiết văn hoá Việt của ông, rất trung thành với nội dung, nhuần nhuyễn về ngôn ngữ, có những yếu tố trong từ vựng và cú pháp như được truyền thụ từ chính mẹ đẻ của mình. Phải chăng khi đến Giao Chỉ làm ăn cha của Khương Tăng Hội đã kết duyên với một cô gái người Việt và ông chính là sản phẩm cuộc hôn nhân ấy. Cũng qua đó đủ thấy văn hoá Việt Nam cũng như Phật giáo Việt Nam luôn có sức sống riêng, rất mãnh liệt, kẻ thù không dễ đồng hoá nổi.
      Từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 8.
      Bối cảnh lịch sử nước ta thời kỳ này có thể tóm tắt như sau : nhà Tuỳ chia Giao Châu làm ba quận : Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Hai mươi tám năm sau nhà Tuỳ đổ, nhà Đường thay, chúng chia nước ta làm 12 châu, 59 huyện, đổi tên Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ, đứng đầu là kinh lược sứ. Ba thế kỷ dưới ách thống trị của nhà Đường nhiều phong trào khởi nghĩa nổ ra, đặc biệt cuộc nổi dậy do Mai Thúc Loan lãnh đạo.
      Mai Thúc Loan quê Thạch Hà (Hà Tĩnh). Mồ côi cha, nhà nghèo mẹ phải đi làm thuê nuôi con. Mai Thúc Loan thông minh, sức khoẻ hơn người. Một hôm mẹ bị hổ vồ, Mai Thúc Loan đánh nhau với hổ. Hổ bỏ chạy, mẹ chết, từ đó Mai Thúc Loan phải sống một mình. Ông là đô vật nổi tiếng, là thợ săn lừng danh, dân địa phương coi ông như thủ lĩnh.
      Năm 722 Mai Thúc Loan cùng đoàn phu gánh vải đi cống nạp bị bọn quan lính nhà Đường hành hạ. Mai Thúc Loan kêu gọi mọi người đánh trả và biến cuộc bạo động thành cuộc khởi nghĩa lớn được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Quân Đường thua chạy. Đất nước ta giải phóng. Ông được tôn làm Hoàng đế hiệu là Mai Hắc Đế.
      Vua Đường huy động 10 vạn quân sang đánh. Mai Hắc Đế rút vào rừng rồi ốm chết. Quân Đường tàn sát dân ta và càng xiết chặt vòng kiềm kẹp.
      Chịu không nổi, năm 771 Phùng Hưng cùng hai em là Phùng Hải, Phùng Dĩnh dấy binh chống lại. Phùng Hưng quê làng Đường Lâm (Sơn Tây), con nhà hào phú, sức khoẻ phi thường, giết được hổ, hạ gục trâu. Cuộc chiến kéo dài suốt hai thập kỷ. Năm 791 trận quyết chiến nổ ra, Phùng Hưng đại thắng, lấy lại giang sơn. Ông điều hành đất nước được 7 năm thì qua đời, con là Phùng An nối ngôi, tôn hiệu cha là Bố cái Đại vương.
      Năm 802 nhà Đường cử tướng Triệu Xương đem đại binh sang đánh. Quân ta thua. Nhà Đường càng tàn ác, áp dụng mọi chính sách, mọi thủ đoạn nhằm đồng hoá dân ta, đặc biệt văn hoá và tín ngưỡng.
      Dù trong bối cảnh xã hội như thế, nhưng Phật giáo Việt Nam thời kỳ này vẫn phát triển và mang tính chất riêng. Đặc biệt là sự ra đời của Dòng thiền Pháp Vân.
      Khai sáng Dòng thiền Pháp Vân là Tì-ni Đa Liu Chi. Qua sách « Thiền uyển tập anh » ta biết về Tì-ni Đa Liu Chi như sau : ông người nước nam Thiên Trúc (bắc Ấn Độ), một quốc gia sùng bái Phật giáo Đại thừa, dòng dõi Bà-la-môn, thuộc đẳng cấp trí thức, ra đời khoảng năm 528. Từ nhỏ đã mang chí xuất tục, đi khắp Thiên Trúc cầu tâm ấn Phật. Nhân duyên chưa gặp đạo, ông xuống vùng đông Nam tới Trường An (Trung Quốc) vào năm 574, không ngờ đúng lúc Chu Võ Đế diệt phá Phật pháp, đành phải sống ẩn cư trong chùa Chế Chỉ tại Quảng Châu. Sáu năm dịch được các kinh « Tinh xá đầu voi » và « Báo nghiệp »...Tháng ba năm Canh tý (580) sư tới chùa Pháp Vân nước ta.
      Chùa Pháp Vân tọa lạc tại làng Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Xây dựng từ thời Sĩ Nhiếp thứ sử nhà Hán cai trị đến lúc ấy đã có mấy trăm năm lịch sử. Tại đây Tì-ni Đa Liu Chi gặp thiền sư Pháp Hiền. « Pháp Hiền người Chu Diên, họ Đỗ, từ nhỏ đã đến thọ giới với đại sư Quán Duyên tại chùa Pháp Vân » (« Thiền uyển tập anh ») học thiền pháp theo kinh « Lục độ tập ». Nhưng Phật giáo nước ta thời kỳ đó đã phát triển cao hơn đặt ra nhiều vấn đề mà « Lục độ tập » và một số kinh khác chưa giải đáp thoả đáng được. Tư tưởng về Phật giáo của Tì-ni Đa Liu Chi giống như luồng gió lành mở ra  những quan niệm mới góp phần khai sáng bế tắc. Đó là dòng thiền lấy  «  Phật giáo chính tâm » làm nền tảng. Phật không phải đấng quyền năng ngoài ta, không có chân hình ở đời, mà Phật ở chính tâm ta. Nói cách khác là muốn nhập được thiền, đạt giác ngộ thì tâm ta, thân xác ta phải trong sáng, tinh khiết, hướng thiện. Tư tưởng ấy Tì-ni Đa Liu Chi gọi là « Tâm ấn chư Phật ». Dòng thiền Pháp Vân không coi  « đức Phật cho ta » mà là « đức Phật tự ta », đề cao khả năng tu tập tự giác ngộ của mỗi người. Nghĩa là từng cá nhân đều mang phẩm chất của Phật bất luận giầu nghèo, sang hèn. Nếu mỗi người đều tăng chất Phật trong mình thì hiển nhiên cả thế gian sẽ bao trùm tính Phật.
      Dòng thiền Pháp Vân là sự phát triển sáng tạo rất khác biệt khẳng định tính độc lập tự chủ của Phật giáo Việt Nam, không giống Phật giáo nước khác kể cả Trung Quốc, Ấn Độ và không ngừng phát triển kế tiếp nhau suốt 19 thế hệ kéo dài hơn 600 năm thu nạp nhiều bậc đại sư tên tuổi lớn bóng cả che rợp bầu trời Phật giáo nước nhà như : Tì-ni Đa Liu Chi, Pháp Hiền, Thông Biện, Định Không, Duy Giám, Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Minh Không, Viên Thông ...
      Từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 10.
      Lịch sử nước ta thời kỳ này đầy biến động rất quan trọng.
      Đánh bại Phùng An nhà Đường càng tàn ác. Năm 864 Cao Biền sang làm Tiết lộ sứ, cho đắp thành Đại La nhằm chống lại phong trào khởi nghĩa của dân ta. Từ cuối thế kỷ 9 nhà Đường suy, Trung Quốc rơi vào đại loạn « ngũ bá tranh hùng ». Nhân cơ hội ấy, năm 905 Khúc Thừa Dụ, một hào phú quê Hải Dương dấy binh khởi nghĩa thắng lợi. Tránh thách thức với chính quyền phương Bắc, ông chỉ xưng là Tiết lộ sứ, song điều hành đất nước bằng đường lối độc lập tự chủ. Hai năm sau ông trao quyền cho con là Khúc Hạo.
      Năm 907 nhà Đường đổ, nước ta nằm dưới quyền đô hộ nhà Hậu Lương. Tiếp tục đường lối độc lập tự chủ Khúc Hạo tiến hành nhiều chính sách cải cách nhằm xây dựng chính quyền thống nhất tập trung.
      Năm 917 Khúc Hạo qua đời nhường ngôi cho con là Khúc Thừa Mỹ. Đô hộ nước ta lúc này từ nhà Hậu Lương chuyển qua nhà Hậu Hán. Năm 923 vua Hán sai tướng Lý Khắc Chính sang đánh bắt Khúc Thừa Mỹ, chiếm Giao Châu.
      Năm 931 Dương Đình Nghệ, tướng của Khúc Hạo quê Thanh Hóa mộ quân đánh thắng Lý Khắc Chính, vẫn xưng Tiết lộ sứ.
      Sáu năm sau Dương Đình Nghệ bị tên nha tướng là Kiều Công Tiễn sát hại đoạt chức. Nhân dân phẫn nộ, Kiều Công Tiễn sợ hãi cho người sang cầu cứu quân Nam Hán bán rẻ Tổ quốc ta cho giặc.
      Ngô Quyền, người làng Đường Lâm (Sơn Tây), là tướng và cũng là con rể Dương Đình Nghệ cầm quân nổi dậy dẹp tan lũ phản loạn Kiều Công Tiễn, năm 938 đại thắng quân xâm lược Nam Hán trong trận thuỷ chiến Bạch Đằng lịch sử quét sạch kẻ thù.
      Năm 939 Ngô Quyền xưng vương.
      Năm 944 ông qua đời. Ngôi vua được trao cho con cả là Ngô Xương Ngập. Ngô Xương Ngập còn nhỏ, Dương Tam Kha là cậu ruột cướp ngôi tự xưng là Bình Vương. Ngập chạy thoát về Nam Sách (Hải Dương) thay tên đổi họ, trốn vào núi. Dương Tam Kha bắt em Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn về làm con nuôi tính kế mị dân.
      Năm 950 Ngô Xương Văn được các tướng giúp bắt Dương Tam Kha, nể tình cậu cháu không giết. Văn xưng vương hiệu là Nam Tấn vương, cho người đi tìm được Ngô Xương Ngập về kinh, mời cùng làm vua xưng là Thiên Sách vương. Đó là thời kỳ lịch sử đặc biệt của nước ta, một triều hai vua cùng nhiếp chính, gọi là « nhị Ngô vương ». Ngô Xương Ngập âm mưu hại em nhằm độc chiếm ngôi báu, nhưng việc chưa thành thì ốm chết.
      Nhà Ngô suy yếu. Thổ hào các nơi nổi lên cát cứ. Năm 965 Ngô Xương Văn tử trận khi cầm quân dẹp loạn, con trai là Ngô Xương Xí nối ngôi. Đất nước rơi vào đại loạn « thập nhị xứ quân ».
      Thủ lĩnh một xứ quân là Đinh Bộ Lĩnh (quê Hoa Lư-Ninh Bình) thanh thế ngày càng mạnh, dụ được Ngô Xương Xí đầu hàng, đánh đâu thắng đấy, dẹp xong loạn ông xưng đế hiệu là Tiên Hoàng đế, đóng đô tại Hoa Lư, đổi tên nước thành Đại Cồ Việt, phong Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân.
      Đinh Tiên Hoàng phạm sai lầm lớn là Đinh Liễn, theo cha lập bao chiến công, không được kế vị, lại phong con út là Hạng Lang làm Thái tử khiến mầm họa nổi ngay trong hoàng tộc. Năm 979 Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị tên Đỗ Thích sát hại. Triều đình giết Đỗ Thích đưa Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi.
      Đinh Điền và Nguyễn Bặc thấy vua còn nhỏ, quyền trong tay Lê Hoàn cả, lại nghi ông tư thông với Dương Vân Nga liền cất quân nổi dậy nhưng bị Lê Hoàn giết chết. Nhà Tống nhân cơ hội áp sát biên giới, nền độc lập quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng, Lê Hoàn cử tướng Phạm Cự Lượng đi chống giặc. Trước khi xuất chinh Phạm Cự Lượng kêu gọi binh sĩ tôn Thập đạo Lê Hoàn làm vua. Quân sĩ nhiệt liệt hưởng ứng. Đặt vận mệnh xã tắc lên trên, Thái hậu Dương Vân Nga lấy long bào trao Lê Hoàn trong tiếng hò reo dậy đất của tướng sĩ.
      Lê Hoàn quê Thọ Xuân (Thanh Hoá), lớn lên theo Nam Việt vương Đinh Liễn, trí dũng song toàn, có nhiều công lớn dẹp loạn « Thập nhị xứ quân », được vua trao quyền thống lĩnh toàn bộ quân đội.
      Năm 980 Lê Hoàn qua đời. Lê Long Việt, con thứ ba được vua chọn kế vị. Nhưng mới nhiếp chính được ba ngày thì bị em là Lê Long Đĩnh giết chết cướp ngôi. Đĩnh tàn ác, bạo ngược, tráng táng vô độ, làm vua được bốn năm thì ốm chết.
      Triều thần tôn Lý Công Uẩn lên làm vua. Đó là năm 1009.
      Trong bối cảnh lịch sử đầy thăng trầm sóng gió như thế Phật giáo nước ta vẫn không ngừng phát triển, sáng tạo, vẫn theo xu hướng độc lập tự chủ. Cùng với sự lớn mạnh của Dòng thiến Pháp Vân là sự ra đời của Dòng thiền Kiến Sơ.
      Đặt nền móng Dòng thiền Kiến Sơ là thiền sư Vô Ngôn Thông. Ngài « vốn người Quảng Châu, họ Trịnh. Tuổi nhỏ đã mộ đạo, đến thọ nghiệp tại chùa Long Lâm ở Vu Châu, tính tình trầm hậu, ít nói và thông tuệ mọi việc (nên người đương thời gọi là Vô Ngôn Thông)... Sau khi đến Mã Tổ được bái yết thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, được giác ngộ, bèn trở về Quảng Châu trụ trì chùa Hoà An... Tháng 9 năm Canh tý (820) sư đến chùa Kiến Sơ (Đại Việt). Ngoài việc cơm cháo sư lấy thiền làm trọng, thường ngồi xoay mặt vào vách, nhiều năm không ai biết. Chỉ có đệ tử là Cảm Thành chùa đó lòng càng lễ kính, nắm cầm huyền cơ được hết yếu chỉ. Một hôm sư không bệnh, tắm rửa thay y phục, gọi Cảm Thành đến ...» dạy những điều tâm huyết cuối cùng qua bài kệ rất quan trọng.  « Xong, sư chắp tay mà mất. Cảm Thành hoả táng, thu xá-lợi, dựng tháp tại núi Tiên Du. Bấy giờ là tháng giêng năm Bính ngọ (826) » (« Thiền uyển tập anh »).
      Chùa Kiến Sơ do sư Cảm Thành lập nên từ ngôi nhà mà vị hương hào họ Nguyễn dâng cúng, tọa lạc tại làng Phù Đổng (huyện Gia Lâm-Hà Nội ngày nay).
      Nội dung bài kệ thiền sư Vô Ngôn Thông truyền dạy Cảm Thành rất phong phú và sâu sắc thể hiện nền tảng Phật pháp của Dòng thiền Kiến Sơ. Một mặt khẳng định sự đúng đắn của hệ tư tưởng  Dòng thiền Pháp Vân là « chính tâm chư Phật », là Phật nằm ở sự giác ngộ của từng con người. Mặt khác phát triển thêm nội dung rất mới nữa là đất Phật không phải đâu xa mà ở ngay quê hương mình . Nghĩa là muốn có nền Phật giáo độc lập và hưng thịnh thì phải gắn với nền độc lập và hưng thịnh của quốc gia mình.Dòng thiền Kiến Sơ đã nêu vấn đề rất đúng đắn về mối quan hệ giữa Phật giáo và dân tộc.
      Có đặt sự ra đời của Dòng thiền Kiến Sơ trong bối cảnh lịch sử đầy thăng trầm, biến động ở thời kỳ này mới thấy được ý nghĩa đặc biệt quan trọng và giá trị thực tiễn tích cực của Phật giáo Việt Nam với sự nghiệp dựng nước, giữ nước.
      Từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14
      Lý Công Uẩn quê Cổ Pháp (Bắc Ninh), sinh năm 974, mồ côi, làm con nuôi thiền sư Lý Khánh Văn và được đại sư Vạn Hạnh chăm lo dạy dỗ, thông minh và ý chí khác thường, lớn lên theo Lê Hoàn làm tới chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ, tài đức song toàn, được triều thần nhà Lê tôn làm vua lúc 35 tuổi, hiệu là Lý Thái Tổ. Ông vẫn lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt, nhưng rời đô ra Thăng Long (năm 1010), là người đức tài xuất chúng, mở đầu một triều đại rực rỡ trong lịch sử nước ta kéo dài 215 năm kế nhau 9 đời vua. Tuy nhiên chủ yếu mấy vị vua đầu là minh quân sáng suốt tài đức song toàn, tận tâm vì xã tắc như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông các vua sau đa phần hèn yếu, sa đọa khiến nhà Lý suy đồi.
       Năm 1225, bằng đẳng cấp chính trị siêu phàm Trần Thủ Độ dụng « kế mượn quyền » thuyết phục Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, thực hiện cuộc bàn giao lịch sử vĩ đại không đổ máu.
      Nhà Trần chính thức điều hành đất nước từ vị vua đầu tiên là Trần Thái Tông. 12 đời (tính đến năm 1400 trước khi Hồ Quý Ly cướp ngôi) nhưng cũng chỉ mấy vua đầu là minh quân đưa quốc gia tới đỉnh vinh quang như Trần Thái Tông,Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông còn những vua sau cũng hèn yếu, thậm chí trác táng khiến nhà Trần suy đồi.
      Nhìn chung gần bốn trăm năm dưới hai triều Lý-Trần xã tắc ổn định, kinh tế thịnh vượng, quân sự vững mạnh. Nhiều chính sách mới được ban hành, đất hoang được khai khẩn, chăn nuôi phát triển, đê điều, thuỷ lợi được củng cố xây dựng. Đầu xuân nhà vua đích thân xuống đồng cày ruộng dể cổ vũ nông dân, nêu gương dùng hàng nội, chống xa sỉ. Thống nhất tiền tệ, mở rộng giao thương với nước ngoài, khuyến khích nghề thủ công, xây dựng luật pháp làm công cụ quản lý quốc gia. Điều tra dân số, tăng cường quân đội, thực hiện « tĩnh vi dân, động vi binh », củng cố biên giới. Đánh thắng Chiêm Thành mở rộng giang sơn vào phía Nam. Chiến thắng oanh liệt các cuộc xâm lược quy mô lớn do giặc Tống, giặc Nguyên-Mông phát động bảo vệ vững chắc lãnh thổ phía Bắc. Kiên trì đường lối độc lập tự chủ. Đặc biệt cả hai triều đều rất quan tâm phát triển đạo Phật và giáo dục, coi đó là quốc sách nhằm thống nhất hệ tư tưởng làm nền tảng đoàn kết dân tộc và đào tạo nhân tài cho đất nước. Năm 1049 vua Lý Thái Tông cho xây chùa Diên Hựu, một công trình kiến trúc độc đáo thờ Phật. Năm 1105 vua Lý Nhân Tông cho tu sửa lại to đẹp hơn. « Đại Việt sử ký toàn tư » chép « Các vua tôn sùng đạo Phật, dốc mộ thắng nhân ». Không chỉ Diên Hựu, mà nhiều chùa lớn như Phổ Minh (Nam Định), Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), Lý Quốc Sư (Hà Nội)... đều được dựng thời Lý-Trần. Không chỉ các vua triều Lý, mà các vua triều Trần cũng  « tôn sùng đạo Phật ». Không chỉ chùa chiền được xây dựng mà hệ thống giáo lý Phật pháp cũng được nghiên cứu truyền bá cùng với việc tập hợp Phật tử trong các tổ chức tăng-già thống nhất toàn quốc.
      Song song là phát triển giaó dục. Năm 1070 vua Lý Thánh Tông cho xây Văn Miếu thờ Khổng Tử thể hiện việc quyết định chọn Nho giáo làm nền tảng cho hệ thống giáo dục quốc gia. Sáu năm sau Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên của nước ta. Ban hành nhiều chính sách khuyến học, mở các khoa thi, hạ chiếu tuyển chọn nhân tài.
      Trong bối cảnh lịch sử như thế Phật giáo càng phát triển mạnh. Sự kiện rất quan trọng thời kỳ này là việc ra đời Dòng thiền Thảo Đường.
      Sáng lập dòng thiền này là vua Lý Thánh Tông và Quốc sư Thảo Đường.
      Lý Thánh Tông ( 1023 – 1072 ) vị vua đời thứ ba triều Lý, nổi danh với tấm lòng từ bi, thương dân như con và người rất sùng tín Phật Giáo, lấy triết lý Phật pháp làm nền tảng cho hệ tư tưởng để đoàn kết thống nhất đại dân tộc và là người có công rất lớn trong việc phát triển Phật Giáo ở nước ta.
      Năm 1096 Lý Thánh Tông đích thân cầm quân chinh phạt Chiêm Thành, bắt được vua Chế Củ cùng hàng nghìn tù binh đưa về Thăng Long. « Chế Củ xin đem ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội. Vua ta chấp nhận rồi thả Chế Củ về nước » (« Đại Việt sử ký toàn thư »). Trong số tù binh có một nhà sư tên là Thảo Đường, được đem cho một vị tăng lục làm nô tỳ. Một hôm vị tăng lục đang viết sách « Ngữ lục », để trên bàn, ra ngoài. Nô tỳ Thảo Đường vô tình đi qua đọc lén, rồi cầm bút sửa. Vị tăng lục đem việc ấy tâu lên Lý Thánh Tông. Vua cho phép bái kiến, cảm phục trước đức độ và sự uyên thâm Phật pháp của Thảo Đường vua giải phóng và phong làm Quốc sư, từ đó thường xuyên đạo đàm giáo lý càng ý hợp tâm đồng và rồi Dòng thiền Thảo Đường dần dần hình thành lấy chùa Khai Quốc (Thăng Long) làm trung tâm.
      Kế tục tư tưởng « chính tâm chư Phật » của Dòng thiền Pháp Vân và quan hệ giữa Phật giáo với dân tộc của Dòng thiền Kiến Sơ, Dòng thiền Thảo Đường mở rộng, nâng cao, cụ thể hơn về mối tương quan giữa đạo Phật với cuộc đời. Trong đời có tính Phật và tính Phật ở ngay trong mỗi cuộc đời. Lo tốt đời sẽ tốt đạo và lo tốt đạo sẽ đẹp đời. Đạo và đời luôn gắn với nhau bởi thế không tuyệt đối hoá  xuất gia. Chân tu đắc pháp đồng thời hoàn thành nghĩa vụ trách nhiệm với đời, với cộng đồng xã hội, với Tổ quốc. Chính từ nhận tức tư tưởng đó mà trong thời kỳ này nhiều vua anh minh tài đức song toàn hết lòng vì xã tắc, nhiều danh tướng lập chiến công hiển hách hầu hết là Phật tử. Và, nhiều tên tuổi lớn, đức độ cao siêu, trí tuệ uyên bác trong Phật giới hầu hết là quân sư cố vấn cho triều đình, hơn thế có người còn trực tiếp tham gia chinh chiến, đóng góp rất quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
      Cũng từ những tư tưởng nền tảng của ba dòng thiền trên mà sau này Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã cùng hai môn đệ của mình là cao tăng  Pháp Loa và Huyền Quang lâý chùa Phổ Minh (Nam Định) và chùa Yên Tử (Quảng Ninh) làm trung tâm phát triển thành dòng thiền thứ tư là Dòng thiền Trúc Lâm.
      Trần Nhân Tông (1258- 1308) tên huý là Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông. Năm 16 tuổi được lập là Hoàng Thái tử, cố nhường cho em nhưng không được, ông trốn triều đình tìm đến núi Yên Tử ( Quảng Ninh ) để tu học. Được tin vua cha liền sai quan thỉnh ông về kinh đô. Năm 21 tuổi ông lên ngôi Hoàng đế, là bậc minh quân, hết lòng thương dân và tận tụy vì xã tắc, dũng cảm, quyết đoán, từng chỉ huy đánh bại giặc Nguyên xâm lược. Dù ở địa vị tột cùng quyền lực nhưng ông luôn rất sùng mộ đạo Phật, sớm tối tu thiền, nghiền ngẫm giáo lý, tinh thông kinh pháp, giữ mình thanh tịnh, ăn chay niệm Phật. Năm 1293, mới 35 tuổi, ông nhường ngôi cho con là Anh Tông rồi sau đó xuất gia tu hành. Ông không chỉ là vị vua lỗi lạc mà còn là một Thiền sư uyên thâm đạt đạo, là Tổ thứ nhất của dòng thiền mang ý nghĩa nhập thế sâu sắc này. Ngài và hai sư đệ của mình là Pháp Loa, Huyền Quang được người đời sau đặt ngang hàng với 6 vị sư Tổ của Thiền tông Trung Quốc và 28 vị Tổ của Thiền tông Ấn Độ. Ngày mồng 1 tháng 11 năm 1308, vào nửa đêm, giờ Tý, tại chùa Yên Tử, Thiền sư thanh thản nằm theo thế sư tử an nhiên rồi viên tịch. Được vua Trần Anh Tông tôn hiệu là « Đại Thánh Trần triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Huệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật ». Xá lợi của Ngài được chia làm hai. Một đưa về Phổ Minh lưu giữ trong Bảo Tháp, một đặt trên Huệ Quang Kim Tháp tại chùa Vân Yên ( Hoa Yên ) núi Yên Tử.
       Pháp Loa ( 1284 – 1330 ) tên là Đồng Kiên Cương, quê làng Cửu La, phủ Nam Sách, Hải Dương, 20 tuổi xuất gia tu hành được Thiền sư Trần Nhân Tông nhận làm sư đệ và được theo học Hoà thượng Tịnh Giác. Năm 1306 sư làm chủ giảng tại chùa Báo Thiên, rồi được Thiền sư Trần Nhân Tông kèm dạy và trở thành vị Tổ thứ hai  Dòng thiền Trúc Lâm. Ngài viên tịch khi mới 47 tuổi.
       Huyền Quang ( 1254 – 1334 ) không chỉ là một đại Thiền sư mà còn là một nhà thơ lớn, nhiều trước tác của ông lưu truyền đến ngày nay. Ông đọc nhiều hiểu rộng, đa văn bác học, tinh thông đạo lý, làm quan tới chức Hàn Lâm đời vua Trần Anh Tông, ngưỡng mộ Đạo Phật, ông từ quan xuất gia tu hành được trụ trì chùa Vân Yên. Sau khi Pháp Loa qua đời ông kế thừa làm Tổ thứ ba của Dòng thiền Trúc Lâm. Ngày 23 tháng 1 năm Giáp Tuất ( 1334 ), Thiền sư viên tịch, hưởng thọ 80 tuổi.
      Dòng thiền Trúc Lâm   khẳng định, củng cố và phát triển học thuyết của ba dòng thiền trước, đặc biệt đề cao  tu tại tâm, tu tại gia và đặt sự tồn tại, phát triển của Phật giáo trong sự tồn tại phát triển của dân tộc.
                                                         
                                                                *

      Không thể quên vai trò và sự đóng góp của giáo dục Phật giáo trong tiến trình lịch sử dân tộc.
      Trước khi có hệ thống giáo dục quốc gia, chức năng đào tạo nhân tài chủ yếu do Phật giáo đảm trách. Đó là nền giáo dục dựa vào hệ thống chùa chiền với nội dung chương trình tổng hợp, ngoài giáo lý Phật pháp còn bao gồm cả Khổng giáo, Lão giáo, Mạnh giáo, lịch sử, văn chương, toán học, địa lý, địa linh, thiên văn, đồ vĩ, hội hoạ, kiến trúc ... nhằm đào tạo những trí thức toàn diện. Tên tuổi lớn trong Phật giới là đại sư Định Không , trí tuệ uyên thâm, đạo đức thánh nhân, không chỉ tinh thông Phật pháp, ông còn là người khai sáng khoa địa linh học của nước ta.
       Từ mấy nghìn năm trước, trong khi các bộ tộc chung quanh mới chỉ bán khai thì Trung Quốc đã có một tổ chức nhà nước chặt chẽ, tôn giáo ( nhất là Phật giáo ) đã mang tính xã hội sâu rộng, có chữ viết tượng hình ( chữ Hán ), phát minh kỹ thuật làm giấy, công nghệ in, soạn lịch pháp, chế tạo thuốc nổ, la bàn... Nhờ thế họ đã thống nhất được đất nước bao la với hàng trăm dân tộc khác nhau. Cũng bằng sức mạnh và nền văn minh ấy họ đã chinh phục được các dân tộc, nhất là các rợ phương Bắc, một thời làm mưa làm gió, bách chiến bách thắng trên phần lớn lục địa Âu, Á. Họ đã đồng hoá các nền văn minh khác, các tôn giáo khác, các học thuyết khác bắt lệ thuộc và mang màu sắc Trung Quốc.
      Triều nhà Đường, Phật giáo thịnh hơn ở Ấn Độ nhiều, không chỉ các Hoàng đế như Võ Tắc Thiên, Hiến Tôn, Tuyên Tôn ... hết lòng mộ đạo, không chỉ hệ thống chùa chiền phát triển với quy mô lớn, không chỉ số Phật tử tăng nhanh và đựơc tổ chức chặt chẽ mà đặc biệt là sự xuất hiện những bậc cao tăng tên tuổi, nhân cách, trí tuệ lớn như Pháp Hiển, Nghĩa Tĩnh, Đỗ Thuận... đã dày công nghiên cứu Phật pháp, cống hiến nhiều tư tưởng mới làm giầu cho kho tàng kinh luận của Đạo Phật. Trong đó đặc biệt phải kể tới Đại sư Huyền Trang. Ông quê Hà Nam, sinh năm 602, xuất gia tu hành từ khi còn trẻ, năm 629 một mình vượt sa mạc dài hơn 500 cây số tới nước Cao Xương, được vua nước đó rất trọng, rồi leo núi Thông Lãnh cao 7.200 thước trong dãy Thiên Sơn tới Thiết Môn Sơn, một nơi vô cùng hiểm trở. Từ đây ông theo hướng Đông Nam qua nhiều nước nhỏ, vòng qua Đại Tuyết Sơn rồi sang Tây Trúc (Ấn Độ). Ông đi hết nước Tây Trúc, đến tận những nơi có di tích của Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni, lưu lại hơn một năm ở chùa Nalanda, lớn nhất, đẹp nhất, nổi tiếng nhất và cũng là Phật đường cổ nhất. Ông học hết bộ Du già luận, học thêm cả triết lý Bà la Môn và Phạn Ngữ, tìm hiểu nhiều giáo phái khác. Kiến thức của ông vô cùng uyên bác, tới đâu ông cũng thuyết pháp, cũng được hoan nghênh, nơi nào cũng muốn lưu giữ ông lại. 16 năm du ngoạn khắp Tây Trúc tầm kinh, học đạo, năm 645 ông mới về tới Tràng An, tổng cộng đi gần 30.000 cây số, qua 128 nước lớn nhỏ, đem về được 657 bộ kinh. Không nghỉ ngơi, ông bắt tay ngay vào việc tổ chức dịch kinh, viết sách để truyền bá Phật pháp. Nhiều vị cao tăng thông tuệ cả Hoa Ngữ và Phạn Ngữ tìm đến hợp tác. Tới năm 663 đã dịch được 600 quyển. Ngoài dịch thuật, riêng ông còn viết bộ  Đại Đường Tây Vực ký  gồm 12 quyển ghi chép những điều mắt thấy tai nghe trong suốt hành trình sang Tây Trúc thỉnh kinh. Đó là bộ sách rất quý cho các nhà khảo cổ Ấn Độ và Trung Á sau này. Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng giúp các học giả sửa lại nhiều điều sai lầm trong lịch sử của họ vào thế kỷ thứ 7. Những công trình của ông chẳng những làm cho đạo Phật phát triển mạnh ở Trung Quốc và Đông Nam Á, mà còn tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ, phong phú ngôn ngữ và văn học. Đại sư Huyền Trang viên tịch năm 664, hàng triệu người ở Tràng An và khắp thập phương tiễn đưa linh cữu ông.
     Đường Đức Tông là người rất sùng mộ đạo Phật. Vua thường tổ chức các buổi giảng Phật pháp ở Kinh đô Tràng An. Đại sư Định Không danh tiếng lừng lẫy của ta được mời sang, ngồi trên long sàng vua ban giảng cho các quan trong triều. Khi về nước ông được nhiều danh sĩ nổi tiếng Trung Quốc lưu luyến trong đó có tiến sĩ Dương Cự Nguyên, một đại quan làm thơ tiễn biệt. Thi phẩm « Cung phụng Định pháp sư quy An Nam » của ông sau này được Lê Quý Đôn chép lại trong « Kiến văn tiểu lục ».
      Không chỉ đại sư Định Không, mà hai thiền sư Duy Giám và Nhật Nam cũng được vua Đường mời sang giảng Phật pháp tại Kinh đô. Triều Đường lấy đạo Phật làm quốc giáo, các hoàng đế đều sùng mộ, thày trò Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh được phản ánh trong tác phẩm nổi tiếng « Tây du ký » chính là vâng ý chỉ nhà vua.
      Một quốc gia có nền văn minh khổng lồ và văn hoá Phật giáo cao như thế, có những Đại sư lỗi lạc như thế mà trân trọng mời các thiền sư của ta đến giảng Phật pháp tại cung vua, đủ thấy những trí tuệ, nhân cách ấy siêu phàm nhường nào. Điều đó chẳng đáng để chúng ta tự hào lắm sao ?
      Sản phẩm nền giáo dục Phật giáo còn nhiều bậc đại trí đại nhân khác. Đó là thiền sư Pháp Hiền, người đã cùng Tì-ni Đa Liu Chi sáng lập Dòng thiền Pháp Vân; là đại sư Khuông Việt 40 tuổi lừng danh thiên hạ, được Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng phong làm Tăng thống đứng đầu tổ chức Phật giáo cả nước và làm cố vấn cho vua; là thiền sư Pháp Thuận được Lê Đại Hành coi như tâm phúc. Ông giúp vua những quyết sách đúng đắn về quân sự, chính trị, ngoại giao; là thiền sư Vạn Hạnh rất thông tuệ, lời nói như sấm truyền, tiên đoán như thần, được các triều vua từ Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, tới Lý Công Uẩn đều coi là đại sư phụ (Ngô Thì Sĩ, nhà sử học lớn viết về Vạn Hạnh “kiến thức vượt ra ngoài mọi vật”), hết lòng tận tâm với đất nước và Phật giáo, vì hạnh phúc của dân tộc và con người Đại Việt.Giáo dục Phật giáo cũng đào tạo được những vị vua anh minh, đưa nước nhà đạt đỉnh cao vinh quang. Đó là Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông...
      Lấy Phật pháp làm nền tảng tư tưởng để tập hợp đoàn kết đại dân tộc, đồng thời thấm nhuần giáo lý của bốn dòng thiền Pháp Vân, Kiến Sơ, Thảo Đường và Trúc Lâm các vua đã kết hợp cả pháp trị và nhân trị trong điều hành xã tắc bằng tấm lòng Bồ-tát để dưỡng dân, giáo dân, quản dân. Vua Lý Thánh Tông nhân một buổi chầu đã nói “ Ta ở trong thâm cung, sưởi lò than lại choàng thêm áo lông chồn, thế mà khí lạnh còn như vậy. Huống nữa là ở trong lao tù bị cái khổ xiềng trói, việc thẳng cong chưa rõ mà bụng lại không đủ no, mình không đủ đắp ấm. Vạn nhất mà bị khí lạnh thổi ép thì há không chết vì vô tội sao ? Ta rất thương xót” ( “Đại Việt sử lược”). Người vi phạm pháp luật bị giam cầm mà nhà vua còn quan tâm sâu sắc như thế, thì với lương dân sẽ được ưu ái tới mức nào. Điều đó rõ ràng nhà vua chịu ảnh hưởng tư tưởng Bồ-tát của Phật giáo.
      Giáo dục Phật giáo không chỉ tạo ra những nhân tài xuất chúng, mà sản phẩm của nó còn biết bao di sản văn hoá vật thể, phi vật thể trường tồn vô giá. Đó là những công trình kiến trúc chùa chiền độc đáo, là những tác phẩm hội hoạ sinh động, là những áng thơ văn bất hủ, là hệ tư tưởng sâu đậm giáo lý Phật, là những nghi lễ, nếp sống mang yếu tố tâm linh, Phật linh...
      Giáo dục Phật giáo còn góp phần rất quan trọng bảo tồn, phát triển truyền thống văn hoá dân tộc và quyết liệt chống lại văn hoá nô dịch, đồng thời tạo cơ sở  tiền đề cho sự ra đời và phát triển của hệ thống giáo dục quốc gia.
      Chỉ riêng lĩnh vực đó thôi cũng đã thấy sự đóng góp của Phật giáo trong dựng nước, giữ nước to lớn và quan trọng thế nào.
                                                        *
      Phật giáo ra đời khoảng đầu thế kỷ thứ 6 tr.CN tại Ấn Độ do Tất-đạt-đa Cồ Đàm khai sáng, không ngừng phát triển, là một trong ba tôn giáo lớn nhất thế giới hiện nay với hệ thống giáo lý phong phú, sâu sắc về bản chất cuộc sống, về số phận con người, về phương pháp tu tập để đạt chính quả. Có hai trường phái chính là: Đại thừa và Tiểu thừa, tuy cùng nguồn gốc từ Phật Tổ, nhưng khác nhau trong khái niệm về sự tồn tại của Phật và con đường đi tới giác ngộ.
      Phật giáo du nhập vào nước ta từ rất lâu, chủ yếu phái Đại thừa. Qua hàng nghìn năm đồng hành với lịch sử dân tộc, gắn bó mật thiết nhau, quan hệ tương tác nhau, không ngừng phát triển và có sức sống riêng, đặc trưng riêng, không giống, không bị chi phối bởi Phật giáo nước khác. Điều đó được khẳng định bằng sự ra đời của bốn dòng thiền : Pháp Vân, Kiến Sơ, Thảo Đường và Trúc Lâm. Nền tảng tư tưởng bốn dòng thiền ấy không đồng nhất nhưng thống nhất bổ trợ nhau tạo thành cơ sở Phật pháp đã ảnh hưởng lớn, chi phối sâu sắc tới thế giới quan và nhân sinh quan không chỉ trong Phật giới mà cả ngoài xã hội. Đó là Phật tại chính tâm ta. Đất Phật cũng chính là nơi ta ở. Muốn có nền Phật giáo độc lập và hưng thịnh thì phải gắn với nền độc lập và hưng thịnh của dân tộc. Đạo Phật luôn gắn với đời. Sống tốt đời sẽ đẹp đạo. Phật không ở ngoài ta. Tu tại tâm, tu tại gia cũng là con đường dẫn tới chính quả. Người người tính Phật, nhà nhà tính Phật, cả thế gian chan hoà tính Phật. Đẩy lùi hướng tới tận diệt tham vọng và thù hận. Mọi người sống với nhau bằng tấm lòng Bồ-tát, bằng nhân ái vị tha thì “Cõi Niết Bàn của Phật” cũng sẽ hiện hữu ngay thế gian này ./.
                                                             Hà Nội đêm   24 – 3 - 2008 
         

• Thiền : Là phương pháp tu tập Phật đạo. Nền tảng của thiền là thiện. Nền tảng của thiện là Thiên bẩm. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”- con người khi mới sinh ra bản chất thiện. Nhìn qua đôi mắt trẻ thơ cũng thấy bản thiện ấy. Sau này lớn lên do tác động của môi trường sống, do sự tu rèn mà sinh tính thiện, hoặc ác. Thiền là phương pháp tĩnh tâm nhìn vào chính cái thiện và cái ác để phát huy cái thiện, đẩy lùi diệt trừ cái ác.
• Giác ngộ:  Theo ngữ nghĩa tiếng Phạn “giác ngộ” chỉ trạng thái trực nhận. Ở trạng thái ấy con người mới thấu hiểu được thể tính mọi hiện tượng. Thế giới của sự giác ngộ vô cùng phong phú và nhiều đẳng cấp, mức độ khác nhau. Người đạt giác ngộ hoàn toàn là đức Phật Thích-ca Mâu-ni .Bởi thế đạo Phật còn đựợc gọi là “Đạo giác ngộ”.
• Niết-bàn:     Là mục đích tu hành của mọi trường phái Phật giáo. Nó được coi là đoạn triệt luân hồi đi vào một thể tồn tại khác không bị chi phối bởi sinh tử, nhân quả. Khái niệm Niết-bàn rất rộng, rất sâu, các trường phái Phật giáo không ngừng khai thác, phân tích, phát triển theo nhiều hướng khác nhau nên càng phong phú.
• Thích-ca Mâu-ni:    Còn có truyền thuyết rằng mẹ Tất-đạt-đa nằm mơ thấy một vị Bồ-tát trong dạng con voi trắng nhập vào mình. Ngài sinh ra từ bên hông của mẹ, sau đó đi 7 bước. Dưới mỗi bước chân của ngài là một đoá sen. Trong tranh tượng ở các chùa thường diễn tả tích này.
• Bát chính đạo:     Là tám nhánh giải thoát khỏi khổ gồm: “Chính kiến”- quan niệm đúng về giáo lý. “Chính tư duy”- suy nghĩ sâu sắc và không sai lầm. “Chính ngữ”- không nói dối. “Chính nghiệp”- không phạm giới luật. “Chính mệnh”- không làm điều ác gieo đau khổ. “Chính tinh”- tích thiện, diệt ác. “Chính niệm”-thận trọng từ ý nghĩ, lời nói, việc làm. “Chính định”- kiên định vững vàng.
• Xá-lợi:    Là những gì sót lại sau khi thiêu thân Phật.
• Ngoài Phật Tổ là Thích-ca Mâu-ni còn các vị Phật khác, như Phật A-di-đà xuất hiện khoảng thế kỷ 1 sau CN. Tương truyền ngài là một vị vua, sau khi phát tâm mộ đạo đã từ bỏ ngôi báu, quyết tu hành đắc pháp thành Phật. A-di-đà là giáo chủ cõi cực lạc. Ngài dạy “Sau khi ta đạt chính quả mọi chúng sinh chỉ cần nghe đến tên ta, muốn thác sinh trong tịnh độ để trau dồi thiện nghiệp thì họ được toại nguyện...Lúc lâm chung mà nhớ nghĩ đến ta, ta sẽ hiện đến cùng quyến thuộc xung quanh để giúp họ khỏi sợ hãi và sớm siêu thoát”. Hoặc Phật Quán Thế Âm,thường được miêu tả dưới dạng nữ nhân nghìn mắt, nghìn tay. Tương truyền bà là một công chúa đi tu đắc pháp hoá Phật luôn cứu độ chúng sinh nhất là trong các nạn hoả, thuỷ, quỷ dữ, đao kiếm và đặc biệt phụ nữ hiếm con.