Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ VỚI THÁNH MẪU NGUYỄN THỊ LỘ VÀ DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI NGUYỄN TRÃI

Trần Văn Hạc
Thứ năm ngày 7 tháng 5 năm 2009 9:12 PM
 
 Ngày 4.5.2009, tức ngày 9.4 năm kỷ sửu, không biết có phải do thần nhân chỉ lối, tôi có duyên may được trở về thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, dự lễ hội vinh danh Lễ nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ và danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, đồng thời cầu siêu cho những oan hồn, cùng linh hồn các chiến sỹ đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ Quốc, và lập đàn cầu mát vào hè cho dân làng, cùng đoàn của Trung tâm văn hóa Người cao tuổi Việt Nam.
Quần thể di tích nhỏ gọn, xinh xắn, các cán bộ Đảng và Chính quyền cùng bà con địa phương nồng nhiệt đón chúng tôi như đón những người con xa quê trở về. Nỗi xúc động cứ từng đợt trào dâng nghẹn lòng, những khuôn mặt rạng ngời, cùng những giọt nước mắt hạnh phúc long lanh trong niềm vui vô bờ bến. Tượng Lễ Nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ bằng đồng nổi bật trên nền trời xanh biếc, soi bóng xuống hồ nước xanh trong, bên đền thờ Cụ cùng danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ngắm dung nhan Đức Thánh Mẫu, tôi vô cùng xúc động, bởi sao mà gần gũi thân thương, nhân từ và cao quí đến nhường vậy. Tôi như thấy khuôn mặt của bà, của mẹ tôi, của những người nông dân một nắng hai sương, tần tảo, bao dung vì gia đình, vì quê hương đất nước, song vẫn toát lên thần thái của một bậc văn tài, tâm đức tỏa sáng như trăng thu vằng vặc, như trong trí tưởng tượng của mình. Tôi chợt nhớ tới tâm sự của Thiếu tướng - nhà văn Chu Phác khi đến thăm đền thờ Cụ Nguyễn Thị Lộ ở Khuyến Lương - Hà Nội: “Chúng tôi xúc động đứng lặng yên… thì bóng người con gái mặc áo dài trắng ra đón chúng tôi từ lúc dừng xe nay lại xuất hiện” và  ông không khỏi giật mình khi xem bức vẽ của họa sỹ Trịnh Yên trong cuốn: “Lễ nghi Học Sỹ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên” do nhà giáo Hoàng Đạo Chúc làm chủ biên và vong linh gặp ở Khuyến Lương giống nhau đến thế?
Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc kể lại: “Nhà giáo và họa sỹ Trịnh Yên thành tâm thắp hương, ngồi thiền mấy đêm liền, mắt đăm đăm nhìn vào khoảng trống trong nhà, cầu xin Cụ cho được chiêm ngưỡng dung nhan để ghi lại cho hậu thế được chiêm ngưỡng. Thế rồi một quầng sáng xuất hiện, chân dung Đức Bà hiện lên vài giây rồi biến mất, kịp cho họa sỹ khắc sâu vào trí nhớ và thể hiện một cách chân thực và tài tình”. Dung nhan cao quí ấy toát lên vẻ đẹp không chỉ được xếp vào hàng một trong bảy mỹ nhân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi của Cụ sánh cùng với Công chúa Huyền Trân, Công chúa Ngọc Hân... như trong một cuốn sách do NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành, mà còn là một bậc nữ lưu kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam: “Bà đã soạn thảo và cho chấn chỉnh nhiều phong tục từ trong cung cho đến ngoài triều… xin chỉ dụ của Vua để mở mang học vấn dân tộc, khuyến khích phụ nữ học chữ thánh hiền”. Bà “có trình độ văn hóa rất cao, người đã dâng trọn cuộc đời phục vụ cho sự bền vững của Vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông đất nước”.  Linh thiêng là vậy, phải chăng ở thế giới bên kia, Người đã thấu hiểu lòng thành của con cháu! Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc cho biết khi cùng nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng về đền thờ Cụ Nguyễn Thị Lộ tại khuyến Lương để khấn vái và gọi hồn hai cụ, theo cô Bích Hằng, Cụ Nguyễn Trãi nói rằng: “Cụ đã được Vua Lê Thánh Tông giải oan, nhưng còn bà Nguyễn Thị Lộ, thì nhân dân sẽ giải oan cho bà, nếu xây dựng đền của bà thì tôi xin tặng bà ấy bốn chữ: “Trung trinh tiết liệt”. Còn bà Nguyễn Thị Lộ thì nói rằng: “Khi tôi cùng ông nhà tôi bị nỗi oan thì chúng tôi đều nghĩ rằng dân tộc ta đã có hàng ngàn, hàng vạn con người hy sinh cho Tổ Quốc, hiến dâng cả tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc, nên chúng tôi không bao giờ nghĩ tới nỗi oan của riêng mình. Nếu cần thiết thì chỉ cần làm lễ cầu siêu cho những con người vô tội bị giết chết, kể cả ông già và trẻ em, trong việc thi hành lệnh tru di tam tộc của triều đình”. 
Đã gần 600 năm trôi qua, vụ án Lệ Chi Viên gắn với số phận ba con người: Vua Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Ba số phận ấy ràng buộc với nhau bởi quan hệ vua - tôi, chồng - vợ, trong khuôn khổ  “Tam cương” của Khổng giáo. nhưng cho đến nay trong lòng người Việt và những người nước ngoài yêu văn hóa Việt vẫn không nguôi trăn trở, xót xa và không chỉ làm cho các nhà nghiên cứu trong nước dành bao thời gian, tâm sức tìm lời giải đáp, mà còn thu hút sự chú ý của cả một số nhà nghiên cứu nước ngoài.  Nữ nhà văn Pháp - bà Yveline Feray đã viết một tiểu thuyết dày hơn 1.200 trang về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, về thời đại họ sống và tấn thảm kịch Lệ Chi Viên với nhan đề: “Vạn Xuân”. Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà thơ Huy Cận đã nhận xét: “Tác phẩm của Yveline Feray đã phục hiện cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, tâm trạng và tâm tình của Nguyễn Trãi với một sự thấu hiểu tâm lý sâu sắc. Hiểu được tâm hồn Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ qua cuộc tình duyên đẹp đẽ mà như có dấu ấn của số mệnh in vào”. Còn  trong lời phi lộ, nữ văn sĩ Yveline Feray đã phải thốt lên: “Độc giả sẽ say sưa kinh ngạc trước tài năng đa dạng của kẻ sĩ Việt Nam này vì ông vừa là một thi hào, một nhà viết văn cừ khôi, vừa là một chiến lược gia có tầm mắt nhìn viễn thấu, một nhà ngoại giao tài tình, một nhạc sĩ lịch lãm, một nhà địa lý thông thái, một nhà sư phạm tuyệt vời”. Theo bà, tấn bi kịch đó là bi kịch của một vĩ nhân sống trong một xã hội quá ư bé nhỏ và chật hẹp. Nhìn lại vụ án Lệ Chi Viên, thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời đã thốt lên : Tội ác này lá rừng Việt không đủ để ghi, vết nhơ đó nước biển Đông không đủ để rửa .
Hôm nay Đất nước của chúng ta đã giải oan cho Cụ Nguyễn Thị Lộ, tôn vinh Cụ là Thánh Mẫu. Đất nước ta trải mấy nghìn năm năm văn hiến vốn có truyền thống thờ Mẫu. Tôi chợt nhớ tới lời của đại văn hào M.Gorki đã từng thốt lên từ trái tim mình: “Không có mặt trời thì hoa không nở. Không có tình yêu thì không hạnh phúc. Không có đàn bà thì không có tình yêu. Không có người mẹ thì cả nhà thơ và người anh hùng đều không có…Mọi cái làm cho thế giới này tự hào đều do người mẹ làm ra cả”. Bác Hồ kính yêu của dân tộc ta, được một người mẹ tuyệt vời nuôi dạy, góp công to lớn tạo nên nhân cách cao cả của một lãnh tụ thiên tài đã từng nói: “Non sông Việt Nam gấm vóc do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà trở nên tốt đẹp rực rỡ”.
Chúng ta tự hào đã có Mẹ Âu Cơ, Mẹ Hai Bà Trưng, Mẹ Liễu Hạnh… những bà Mẹ Việt Nam anh hùng, “Những bà mẹ đo chân vào thần tích/ Để hoài thai triệu triệu những anh hùng” ( Nguyễn Khoa Điềm).  Tôi luôn tin lời dạy của ông bà ta: “Phúc đức tại mẫu”. Những người mẹ Việt Nam đời đời thầm lặng vun trồng cây Phúc - Đức cho muôn thế hệ và: “Sắc đẹp của người phụ nữ là ngọn nguồn của những cảm xúc thẩm mỹ, còn phẩm hạnh của người mẹ là cơ sở bất tử của loài người”.
Ngày 22.2 năm Kỷ Sửu (18.3.2009) chúng ta đã tổ chức lễ Hô Thần nhập tượng cho Thánh Mẫu. Ngày ấy với sự chứng giám của Đất Trời, cùng lòng thành của những người con đất Việt, không biết Thánh Mẫu có thấu, mà sau đêm đó, khi đèn bật lên, bà con không cầm được nước mắt khi thấy từ khóe mắt của Thánh Mẫu nước mắt chảy dòng dòng. Cụ khóc vì được trở về quê Cha đất Tổ. Cụ khóc vì gần 600 năm rồi mới được giải oan. Cụ khóc vì hạnh phúc trước tấm lòng của những người con hiếu nghĩa! Ngày 12.4 năm Kỷ Sửu (6.5.2009) Trung tâm văn hóa Người cao tuổi Việt Nam cùng các nhà ngoại cảm về xã Tân Lễ để mời Hương hồn Thánh Mẫu trở về phù hộ cho muôn dân, cho kẻ sỹ, cho người nông dân… hiền lành chân chất. Trời đang âm u, mưa bay lắc rắc, bỗng bừng sáng. Trước sự chứng kiến của nhân dân, bằng phương pháp kiểm định đặc biệt của nhà nghiên cứu về năng lượng phong thủy, tiến sỹ hóa học Đặng Văn Phú, tất cả mọi người có mặt không kìm được niềm vui mừng tự đáy lòng, vì qua các chỉ số đo được, năng lượng của khu đền tăng lên rất nhiều. Cụ mãi mãi bên con cháu, bởi ai cũng hiểu từ ngàn xưa, ông cha ta đã biết coi trọng: “Âm phù, dương trợ” trong chữ Hiếu - Trung - Hòa - Thuận.
Với ba khu di tích thờ cúng Cụ Nguyễn Thị Lộ và danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi ở Khuyến Lương - Hà Nội, Tân Lễ - Thái Bình và Lệ Chi Viên - Bắc Ninh, như một tam giác Thiên - Địa - Nhân. Khi chúng tôi đến Tân Lễ, dù khuôn viên còn khiêm nhường, nhưng với sự chung tay của các cấp Đảng và chính quyền cùng bà con, phật tử… và các nhà hảo tâm, khu di tích bề thế và tôn nghiêm. Thì ở Lệ Chi Viên, tuy khuôn viên rất rộng, ý nghĩa nơi đây rất đặc biệt, thì mới chỉ có được ngôi đền thờ khiêm nhường, xung quanh mọc toàn cỏ dại, không hề thấy một cây vải nào, lơ thơ mấy cây nhãn và đa, trong khi Giáo Sư, viện sỹ Nguyễn Trường Tiến, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng Hà Nội đã từng cung tiến 300 cây vải được chiết từ cây vải Tổ? Chúng tôi cứ tự hỏi: Sao các cấp Đảng và chính quyền nơi đây không cùng nhân dân địa phương và các nhà hảo tâm chung tay, xây dựng Lệ Chi Viên xứng với tầm vóc của lịch sử, trong khi đã từng có những cuộc hội thảo rất lớn và dự kiến khánh thành khu di tích Lệ Chi Viên vào 16.8.2009 này? Bởi đó không chỉ là thái độ sống biết tôn trọng Tổ Tiên, góp phần khơi dậy tình đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, mà còn làm cho nơi đây trở thành một điểm đến đầy sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Vụ án Lệ chi Viên đã đi vào lịch sử, những giá trị tốt đẹp đã được trả lại chân giá trị. Những người con ưu tú của dân tộc đã được minh oan. Nhưng giọt lệ “Lệ Chi Viên” bằng đá hoa cương tại Côn Sơn, giọt lệ của nhân dân xót thương cho nỗi oan khiên dậy cả đất trời của những người con Trung - Hiếu - Tiết - Nghĩa, đồng thời đó còn là Trái tim nhân ái của người anh hùng  dân tộc còn mãi với thời gian, như luôn nhắc nhở chúng ta phải biết sống, biết yêu thương, biết tha thứ khoan dung, nhân ái. Bởi những người anh hùng của dân tộc ấy không bao giờ khóc cho riêng mình, mà khóc bằng dòng máu thắm hồng cho nỗi khổ đau của muôn dân trong hành trình nhân thế.
Xin được nói thêm rằng, có được cả ba khu di tích khiêm nhường, nhưng thiêng liêng như hôm nay, không thể không nói đến công lao to lớn của nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, người đã không quản tuổi tác, bệnh tật đi khắp mọi nơi, gặp biết bao người biết yêu Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, quyên góp, tổ chức xây dựng để có được như hôm nay. Ông không nói về mình mà chỉ đau đáu một nỗi niềm: Nếu như được những người có trách nhiệm và các nhà hảo tâm quan tâm, đóng góp thêm, để có thể xây dựng các khu di tích thờ hai Cụ Nguyễn Thị Lộ Và Nguyễn Trãi xứng với tầm vóc lịch sử, để lại cho muôn đời con cháu.