Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tưởng niệm 2trieeuj đồng bào chết đói tháng 3 năm Ất Dậu

Phạm Mạn
Thứ bẩy ngày 21 tháng 4 năm 2012 9:20 AM

Hồi tưởng lại những ngày thê thảm ấy. Năm nay tháng BA lại đến, những nhân chứng sống, mỗi năm một vắng dần.Vì thế, chuyện về năm Ât dậu cũng thưa dần.
   Sau đây tôi  ghi lại lời ông anh vợ tôi, năm nay ông tròn 80 tuổi. Kể về năm đó, ông nói: “Gia đình  chúng tôi năm 1945 ở thành phố Nam định. Mẹ tôi bán hàng cơm nhỏ trên hè phố nên cả nhà cũng không đến nỗi đói. Tôi mới 12 tuổi, hàng ngày cầm chiếc đòn gánh đứng gác bên quán hàng cơm, đề phòng những người đói đột xuất xông vào cướp cơm. Một lần, chúng tôi lang thang tò mò theo hai anh cảnh sát đi vào ngõ sâu. Trong ngõ có một ngôi nhà, liền sau nhà là khu vườn hoang. Trong nhà có hai người đàn ông xanh xao phù thũng, trông rất sợ. Cảnh sát khám xét và tịch thu nhiều cái nồi đất. Trong nồi có thịt kho. Khi cảnh sát dẫn hai người ra sau vườn, tôi thấy có khoảng 9, 10 cái đầu trẻ con nằm rải rác. Cảnh sát bắt hai ông chủ nhà mang theo tang vật áp giải về đồn. Đến đây, tôi không biết sự việc tiếp diễn ra sao, vì họ không cho chúng tôi vào. Chúng tôi lại dẫn nhau đi xem cửa hàng bán thịt người. Hồi ấy trong thành phố có chuyện gì to nhỏ thì cái mạng lưới trẻ con chúng tôi đều biết trước và lan truyền cho nhau rồi kéo đến xem.
  Nạn đói tháng 3/năm Ât dậu (1945) ở thành phố Nam định thật khủng khiếp. Người từ Thái bình, từ các vùng nông thôn đang đói kéo nhau về thành phố tìm cái ăn. Cứ sáng dậy nhìn ra vườn hoa là thấy rải rác những con người da bọc xương, quần áo rách tả tơi, hoặc không quần áo, chỉ quấn bao tải rách che thân. Có người đã chết lạnh cứng từ ban đêm, có người còn thoi thóp, có ngưòi còn tri giác nhưng không còn sức để nói, chỉ thều thào! Nhưng tất cả đều bị lẳng lên những cáí xe ba gác một người kéo, ba bốn người đẩy; họ  đến thu gom.  Họ là những kẻ làm vệ sinh thành phố. (Ngày xưa, họ chỉ quét lá dẵn cành, làm sạch đẹp thành phố; có lẽ trước đây chẳng ai nghĩ là có ngày phải dọn “cái rác người”. Cái rác họ phải dọn lại là “đồng loại” “đồng bào” của họ! Trong khi họ đang làm công việc “thu dọn xác người chết đói”thì chính họ và vợ con họ, bà con chú bác họ ở quê cũng đang đói hoặc quằn quại sắp chết đói).
   Làng quê tôi cách Thành phố chừng 10 cây số. Trừ một số ít nhà giàu, hào lý, còn cả làng đều đói lắm. Lúc ông bố tôi mất vì bệnh đậu lào, dân làng đói quá, tìm không ra ngươi khênh quan tài, các hào lý trong làng phải đến khênh. Cánh đồng lúa bát ngát sau xóm tôi ở, lúa đang  lên xanh tốt, Phát xít Nhật buộc nhổ hết để trông đay. Trong khi đó chính sách “cưỡng bức thu thóc tạ”, vét cạn cả nguồn thóc còn lại trong các gia đình phú nông,địa chủ.”
   Trong khi ông già đang kể chuyện, các cháu tuổi còn thanh niên xúm quanh chăm chú nghe. Nhiều cháu sửng sốt vì mới được nghe lần đầu. Các cháu khống sao hình dung nổi cái vườn hoa Cửa Đông mà các cháu từng dẫn nhau ra đó ngồi ghế đá dưới bóng cây gạo xum xuê, đã từng diễn ra cảnh dân ta chết đói thê thảm như vậy. Lịch sử dân tộc Việt nam qua 4.000 năm chưa bao giờ diễn ra thảm cảnh đó: trong một thời gian ngắn, (gần 2 tháng)  mà phải tức tưởi chết đói  số đòng bào là HAI TRIỆU người, (10% dân số Việt nam thời đó). Lại nữa, con người từ giã cõi đời có nhiều kiểu chết, đứng về mặt sinh học mà ngẫm, thì CHẾT ĐÓI là cách chết đau đớn thê thảm nhất; bởi vì trước khi “được” tắt thở, thân xác sinh học và tâm thức con người bị ma đói hành hạ từng giây, từng phút trong một thời gian dài mà nạn nhân không thể biết trước là bao lâu! Vì vậy, mấy chữ HAI TRIỆU ĐỒNG BÀO CHẾT ĐÓI NĂM ẤT DẬU (1945)! Thật là khủng khiếp về số lượng khổng lồ, và tàn khốc biết bao về thảm hoạ!
     Bức tranh về “THẢM HOẠ ĐÓI” dài và rộng khôn cùng. Dài và rộng như nỗi đau khôn xiết của 2 triệu đồng bào vì đói mà quá cố! Hàng năm, chúng ta vinh danh những cá nhân có công, những tập thể anh hùng…, việc ấy hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, cũng cần thiết hình thức nào đó để tưởng niệm về THẢM HOẠ DÂN TỘC NĂM ẤT DẬU. Để hậu thế quên đi HAI TRIỆU ĐỒNG BÀO CHẾT ĐÓI LÀ CHÚNG TA CÓ LỖI. Tôi nhớ vào năm tròn 60 năm kỷ niệm thảm hoạ đói Âts dậu (1945), có một phóng viên hỏi một vị lãnh đạo sao không tổ chức lễ tưởng niệm năm ấy. Vị lãnh đạo cười xuê xoa
và nói, năm ấy đói vì mất mùa(!).Cũng không trách vị lãnh đạo nọ.Vì lẽ, ông sinh ra và lớn lên ở Nam bộ.Ông tham gia C.M. lúc còn trẻ, lúc tập kết ra Bắc thì đi học trường Bổ túc Công Nông, không có cơ hội tiếp cận thông tin đầy đủ về nạn đói 1945. Cũng năm đó (2005), tôi chỉ bắt gặp một bài báo của giáo sư Vũ Khiêu viết về nạn đói 1945, nhất là ở Thái bình, quê tác giả.       
        Lịch sử Dân tộc ta, lẽ nào  bỏ quên năm tháng giỗ một phần mười dân tộc bị chết đói thê thảm 1945. Cần có tượng đài, sách báo, giáo trình, hiện vật cho con cháu đời sau nhớ đến. Chúng ta rất mừng, vừa qua có một quyển sách nói về nạn đói năm 1945 được trao giải thưởng. Nhưng liền theo đó cần có sự giới thiệu sách trên đài báo và các hình thức khác nữa nhằm tưởng nhớ  lan truyền xuyên hậu thế. Nếu không, quyển sách, sau khi được thưởng sẽ chìm vào quên lãng cùng nỗi đau Dân tộc. 

Những ngày tháng ba Nhâm   thìn (2012) giáp hạt nhưng no đủ.
PHẠM  MẠN