Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hà Nội-một cảm nhận

Trần Trung
Thứ bẩy ngày 21 tháng 4 năm 2012 9:18 AM
Hà Nội

Lò Ngân Sủn

Hà Nội
Ban ngày như sông suối chảy
Ban đêm như bộ đèn nhấp nháy
Người Hà Nội
Suốt ngày lượn đi lượn lại như rong chơi
Suốt đêm xuôi đi xuôi về như nhàn rỗi
Ở Hà Nội – gặp nhiều quen ít
Ở Hà Nội – không thể nghe được tiếng chim.
Hà Nội
Đường rộng mà hóa hẹp
Nhà to mà hóa nhỏ
Hà Nội mênh mông đông chật như củi bó
Đâu cũng có quán có chợ
(Chợ họp suốt đêm ngày
Quán mở suốt ngày đêm)
Người xa đến
Nhìn – hoa mắt chóng mặt
Người núi ra
Nghe – nhức đầu, mệt óc, điếc tai.
Hà Nội
Cái rốn người đông vui bất tận.
                                               1993
 
HÀ NỘI – MỘT CẢM NHẬN

Nếu làm phép tính đếm – từ tên bài thơ “Hà Nội” thì, hai mươi mốt dòng thơ trong thi phẩm này, thi sĩ vùng sơn cước Lò Ngân Sủn đã có tới tám(8) lần điệp từ, điệp khúc: Hà Nội.
Viết về Thăng Long – Hà Nội trong lãnh địa thơ ca, xưa nay đã có nhiều thi nhân cảm nhận, nghĩ suy qua những cảm thức đa chiều. Và, cả từng thời nữa.
Với bài thơ “Hà Nội”, thi sĩ họ Lò đã tự bật thốt lên cảm nhận cảm hứng khá thú vị. Trước hết, là cái cách cảm nhận theo lối tư duy – thẩm mĩ của một thi sĩ ở miền núi, miền xa, qua lối trực cảm và so sánh trực tiếp(sử dụng từ “như”!). Tám dòng thơ đầu của Lò Ngân Sủn đã tạo mở ra lối trực cảm, trực quan…rất hồn nhiên và sinh động về miền đất thủ đô:
“Hà Nội
Ban ngày như sông suối chảy
Ban đêm như bộ đèn nhấp nháy
Người Hà Nội
Suốt ngày lượn đi lượn lại như rong chơi
Suốt đêm xuôi đi xuôi về như nhàn rỗi
Ở Hà Nội – gặp nhiều quen ít
Ở Hà Nội – không thể nghe được tiếng chim.”
Những con chữ, hình ảnh trong thơ Lò Ngân Sủn cứ như đầy tràn lên trong cảm giác của mắt nhìn, tai nghe, nhận biết:
- Hà Nội như dòng sông, dòng đời chảy mãi. Đã chảy. Đang chảy. Và, tất nhiên sẽ còn chảy( Hà Nội ban ngày như sông suối chảy).
- Hà Nội ban ngày tràn sinh lực của sức sống. Và, ánh sáng của về đêm như lại nối tiếp( Ban đêm như bộ đèn nhấp nháy)
- Cảm nhận về Hà Nội, lối so sánh trực tiếp của Lò Ngân Sủn như một cách nhắc nhở người ta khi nhìn vào thành phố này, mà nhất là những con người sinh sống và trưởng thành ở nơi đây:
“Người Hà Nội
Suốt ngày lượn đi lượn lại như rong chơi
Suốt đêm xuôi đi xuôi về như nhàn rỗi”
- Rồi nữa, Lò Ngân Sủn lại cất lên tiếng lòng nhận biết về quan hệ giao tiếp. Nhất là nhận biết thứ thanh âm trong lành không có ngay giữa náo nhiệt thị thành:
“Ở Hà Nội – gặp nhiều quen ít
Ở Hà Nội – không thể nghe được tiếng chim.”
Theo mạch cảm xúc từ hình thức, sau tám (8) dòng thơ đầu của “Hà Nội” thi nhân lại đi tiếp trong những cặp hình ảnh tương phản – sát hơn là sự tương phản mà đồng nhất. Sử dụng cách diễn đạt về không gian vật chất, Lò Ngân Sủn mở tiếp về thứ không gian tinh thần trong sự nhận biết về Hà Nội. Tôi thích cách so sánh và liên tưởng rất thú vị này của Lò Ngân Sủn:
“Hà Nội mênh mông đông chật như củi bó”
Thế nên nhận biết, cảm nhận về Hà Nội vừa như đang mở rộng. Mà, lại vừa như xóa nhòa ranh giới không gian và thời gian:
“Đâu cũng có quán có chợ
(Chợ họp suốt đêm ngày
Quán mở suốt ngày đêm)
Thi sĩ vùng sơn cước mà cảm nhận về nhịp sống, cuộc sống của con người đất “kẻ chợ” quả là tinh và tài. Và, quả là Lò Ngân Sủn đã tinh nhạy mà nói hộ cảm nhận bởi giác quan của những con người từ những miền đất xa, có dịp tìm đến, tìm về Hà Nội:
“Người xa đến
Nhìn – hoa mắt chóng mặt
Người núi ra
Nghe – nhức đầu, mệt óc, điếc tai.”
Có thể lạ! Có thể “nhức đầu, mệt óc, điếc tai” với những “người xa đến” hoặc “người núi ra”. Ấy là lẽ thường tình. Những con chữ của Lò Ngân Sủi – về hình thức ngỡ như đang chê, đang “mệt óc, điếc tai” về đất Thăng Long – Hà Nội. Mà, hóa ra lại đang tìm thấy niềm vui, niềm tự hào về chốn này.
Thế nên, hai câu thơ kết mới thú vị làm sao:
“Hà Nội
Cái rốn người đông vui bất tận.”
Học theo cách nói của danh tài Gorki(Nga), người viết bài này muốn tham góp cho vui cùng thi sĩ họ Lò. Rằng: nên chăng, chữ người trong câu thơ cuối này cần viết hoa(Người). Hình như có thế mới thấy hết niềm vui và tự hào muôn thuở về mảnh đất và Con – Người – Hà Nội.
Hà Nội 17/04/2012