Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Yên Kỳ tiết Thanh minh

Chử Thu Hằng
Thứ sáu ngày 20 tháng 4 năm 2012 5:59 AM

Nói về cái sự chết, câu thông dụng nhất ở Hà Nội là “đi Văn Điển” hay Mai Dịch. Hà Nội mở rộng, dân số tăng vọt, nghĩa trang Văn Điển không còn đáp ứng tiêu chí vệ sinh và nhu cầu của người Hà Nội nữa. Hết năm 2011, tại nghĩa trang Văn Điển chỉ còn Đài Hóa thân Hoàn Vũ hoạt động. Thành phố khuyến khích hỏa táng, mỗi suất hỏa táng được hỗ trợ 5 triệu đồng. Các gia đình ở Hà Nội bây giờ, khi người thân mất, nếu không muốn hỏa táng sẽ đưa thân nhân về nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng, cách trung tâm Hà Nội chừng 70 km. Chuyện này chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết sau. Nằm tạm đó vài năm, tắm rửa, thay “áo” xong, “ma khô” người Hà Nội sẽ được đưa về bến đỗ cuối cùng để ngủ giấc ngàn thu: Nghĩa trang Yên Kỳ, Bất Bạt, thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội cũng trên một tuyến đường, cách đó hơn 2 km.
   Chủ nhật mùng 1/4/2012 là một ngày “đẹp” hiếm có: ngày Thìn, tháng Thìn, năm Thìn. Đang tiết Thanh minh, gia đình tôi đi thăm mộ đầu năm ở nghĩa trang Yên Kỳ, Bất Bạt.
Qua thị xã Sơn Tây vài cây số, đường đông dần, rồi ô tô nối ô tô cho tới tận bãi đỗ xe của nghĩa trang. Chưa đến nỗi tắc đường, nhưng trong nghĩa trang đã kẹt cứng các loại xe 4 chỗ, 7 chỗ, ô tô lớn hơn kiên quyết không cho vào.  Chúng tôi đành chia nhau bưng xách đồ lễ, hương hoa.
 Trong tiết tháng Ba và dịp Một, Chạp,  vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, Hà Nội chợt vắng hoe. Thì ra, người Hà Nội tụ tập ở đây chứ đâu. Những ngày “đẹp” như hôm nay, có tới vài ngàn người Hà Nội tụ về. Nghĩa trang này rộng 40 ha đất với gần 100 000 mộ có danh và 20 000 mộ vô danh đã cải táng. Những người Hà Nội nhiều thế hệ đang an giấc ngàn thu xếp hàng hàng lớp lớp trên các ngọn đồi, đủ các màu đỏ đen trắng hồng lấp lánh trong nắng quái quả là rất ấn tượng, gây kinh ngạc cho những người lần đầu đặt chân tới đây. Bây giờ, Nghĩa trang Yên Kỳ như đô thị mới của người Hà Nội quá cố vậy. Là bởi, trong quá trình xây dựng và mở rộng thành phố, vài nghĩa trang nhỏ phải di dời, một số mộ quá lâu, không có chủ cũng được chính quyền thành phố đưa về đây, chôn cất cẩn thận. Nghĩa tử là nghĩa tận, chẳng ai dám sơ sẩy với người đã khuất. Nhiều nhà, khi thấy cạnh mộ người thân của mình có mộ không chủ, lại phát tâm xin phép Ban quản lí nghĩa trang cho bỏ tiền xây lại đẹp đẽ, để các cụ có bạn. Khi đến viếng mộ nhà mình, cũng thắp hương đốt tiền vàng luôn cho họ, coi như làm công đức cho người đã khuất. Mỗi mộ được hơn một mét vuông đất. Khi qui hoạch thì có lối đi ngang dọc giữa các hàng mộ, nhưng bây giờ, các chân mộ xây bè ra, hầu như không có chỗ đặt chân cho cỏ mọc. Đồ lễ được đặt ngay trên mặt mộ, chỗ nào rộng thì con cháu cùng vào khấn, chỗ nào chật thì từng người lách vào, chẳng ai lấy thế làm phiền. Hà Nội đất hẹp người đông, các cụ ở chật quen rồi. Khắp nơi nghi ngút khói hương và khói đốt vàng mã, tàn tro bay lả tả. Không có chỗ qui định nên nhà nào cũng đốt tiền vàng cạnh mộ của mình. Vô số các đống tro to nhỏ cũ mới rải rác khắp nơi. Phụ nữ cúng kiếng cẩn thận nên lâu hơn. Các ông làm tròn nghĩa vụ rất nhanh, tranh thủ vào hàng nước giải lao, “ăn” điếu thuốc.
  Có cung thì có cầu, hàng nước mọc ra như nấm ở mọi ngóc ngách để phục vụ mấy ngàn người đi thăm mộ. Những hàng nước gần trung tâm cũng là nơi người ta giao dịch đủ loại dịch vụ cho người đã khuất: tô lại bia, sơn lại mộ, trồng cỏ hay trồng hoa, thay ốp đá mới cho đẹp... Mặc dù đã được chia thành hàng lối và đánh số cẩn thận từ khi mới thành lập nhưng vì quá nhiều mộ, lại giống nhau nên trừ những mộ có vị trí đặc biệt hoặc đi thăm nhiều lần nên nhớ còn thì dù biết số lô, số mộ nhưng vẫn rất khó tìm được mộ người thân của mình giữa thành phố của những người chết này. Đừng lo, đã có một đội ngũ những người lái xe ôm sẵn sàng chở bạn đến những khu mộ xa và rất đông những người dân địa phương từ bà già, con trẻ đến các phụ nữ, ai cũng săm sắn hỏi han, sẵn sàng dẫn bạn đi. Đến mộ, họ lau chùi, nhổ cỏ, quét dọn quanh mộ, chạy đi mua những thứ còn thiếu nếu bạn nhờ... Nếu trời mưa, còn có thêm dịch vụ căng bạt che mưa cho bạn thắp hương. Thù lao cho khoảng nửa tiếng quẩn quanh bên bạn ít nhất là 20 nghìn và hơn nữa. 
Gia đình tôi có 14 ngôi ở đây, thường mỗi năm lên thăm hai lần. Họ đông, nhiều con cháu, phải thuê xe riêng. Người đi lẻ, có thể mua vé được bù lỗ của Ban phục vụ tang lễ thành phố, chỉ 40 000 đồng khứ hồi. Tiết thanh minh, mùa cải mộ, từ mờ đất đã khoảng 30 xe, mỗi xe mấy chục người chạy rầm rầm qua nhà tôi. Buổi chiều cũng có xe chạy nhưng vắng hơn.
  Nhiều năm nay, chúng tôi đã ủy thác cho chú Thác có nhà cạnh đấy trông nom, hương khói hộ những hôm Rằm, mùng Một. Mỗi lần đi viếng mộ, chỉ cần gọi điện cho chú dặn dò, chú sẽ thịt gà, luộc sẵn để xe qua vào lấy mang ra mộ. Lễ xong, cả nhà lại vào đấy nghỉ ngơi, rửa tay chân, ăn trưa, coi như người nhà, tiền nong nhiều ít không quan trọng. Cửa hàng nhà chú bán đủ thứ trên đời. Ngoài các việc như xây mộ, ốp lát mộ, khắc bia... chú Thác còn có thêm một nghề nữa là tìm mộ thất lạc. Để làm được việc này, chú phải có trí nhớ rất tốt và sự kiên nhẫn, tỉ mỉ đáng phục: Những lúc rảnh, chú lần mò vạch cỏ đọc tên từng ngôi mộ chưa có người nhận, đánh dấu vị trí, ghi chép lại rồi báo cho người nhà biết. Tìm được mộ, gia chủ vui mừng, chẳng tiếc tiền thưởng, nhưng sự thành công không phải dễ dàng.
Khá nhiều người lại chọn cách đơn giản hơn là thuê một hai cái chiếu trải ngay trong các nhà nghỉ chân trong nghĩa trang, ngả đồ lễ ra thụ lộc như đi píc-níc. Nhà nọ kề vai sát cánh nhà kia, chuyện trò rôm rả lắm, phải cái hơi bụi. Cần ăn thêm cái gì, chỉ cần gọi, mấy cô hàng nước xinh xắn phục vụ liền.  Từ trứng luộc, bánh tẻ, khoai sắn luộc đến nấu thêm bát mì, pha ấm trà nóng, cái gì cũng có.
Đi thăm mộ ở Yên Kỳ, Bất Bạt, có một thú vui là thăm chợ họp ngay trong nghĩa trang, sầm uất chẳng kém bất cứ cái chợ nào. Đồ lễ cho người âm, đồ ăn uống, đủ cả. Nhiều nhất là bê thui, bày kín hai chục sạp, đỏ hồng, tươi roi rói. Người mua xúm đông xúm đỏ, chẳng rẻ hơn Hà Nội bao nhiêu nhưng cứ mua rồi khệ nệ tay xách nách mang về, coi như quà quê. Gà nhiều, trứng lắm, cá tôm trai ếch chẳng thiếu thứ gì. Các loại rau củ cây nhà lá vườn xanh tươi mát mắt. Đừng mua ốc ở đây. Trông vỏ đen bóng, nhưng chính hiệu ốc bươu vàng, nhiều người bị lừa rồi...
52 năm hoạt động, nghĩa trang Yên Kỳ, Bất Bạt đem lại nguồn thu cho dân Phú Sơn và các xã lân cận. Bám vào nghĩa trang làm các dịch vụ, tiết Thanh minh và mùa cải mộ, trẻ em cũng có thể kiếm được dăm chục một trăm. Sự hấp dẫn của đồng tiền khiến nhiều trẻ em bỏ học, cả ngày lang thang ở nghĩa trang. Lời tâm sự của chị Lê Thị Hội, người cùng hai em gái của mình có thâm niên làm nghề “dịch vụ lau dọn mộ” 40 năm đáng để ta suy nghĩ. Tương lai nào cho những đứa trẻ đang làm những việc này?
"Bọn tôi quá thiệt thòi, hồi bé chẳng đứa nào được học hành. Thấy có cái nghĩa trang của dân Hà Nội mở ở đây, bố mẹ chúng tôi ngày ấy bảo mấy chị em ra xem có ai thuê làm việc gì thì làm kiếm tiền. Vậy là ra làm riết rồi thành cái nghiệp luôn".
(Bài đăng báo Tiền Phong số 108 ngày 17/4/2012)