Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ai giúp người đốt nhà ?

Nguyễn Văn Thịnh
Thứ năm ngày 29 tháng 3 năm 2012 5:24 AM

Dư luận xã hội rất lo lắng về kết quả thảm hại của môn Sử học qua các kỳ thi
tốt nghiệp PTTH và tuyển sinh kể cả cuộc điều tra thăm dò trong giới sinh viên gần đây. Đã có không ít những điều lý giải: nào lỗi của trò, lỗi của thầy, lỗi của sách giáo khoa, lỗi của nhà quản lý… nhưng chưa có sự đánh giá tổng quan thỏa đáng.

Trong bài viết  của ông Trần Văn Chánh trên tạp chí Nghiên cứu và phát triển số 4 (87) – Thừa Thiên Huế, có nêu ý kiến của một nhà giáo dạy sử lão thành: “Tôi biết trẻ em đứa nào cũng yêu thích môn lịch sử. Chính người lớn làm cho nó hết yêu” và tác giả hỏi lại: Người lớn là những ai? Trong đó có những nhà sử học hay không? Thế mà nhân danh tư duy mới về sử học, nhiều luận điểm ông Chánh nêu ra làm người đọc dù ít nhiều từng trải cũng rối mù lên không biết đâu là hay dở, chính tà huống chi là lớp trẻ!

Những vấn đề về học thuật xin để các nhà sử học luận bàn. Chúng tôi chỉ nêu vài dẫn dụ của ông thật khó tạo được mối đồng cảm với người đọc. Dù rằng sử học không phải là môn trọng yếu nhưng nó lại rất quan trọng trong việc hình thành tư cách công dân. Danh tướng Pháp Napoléon Bonapart nói: “Đạo đức lớn nhất của một con người là lòng yêu nước”, mà môn Sử học dạy lòng yêu nước. Nếu như mỗi người trong cộng đồng dân tộc đều có lòng yêu nước cùng với người thủ lĩnh tài ba như dân tộc Nga với Kutuzov thì Bonapart đã không được coi như một thiên tài quân sự ngoài cái tiếng tăm là nhà độc tài của châu Âu.

Ông Chánh nói: “Chiến tranh là hành động bất đắc dĩ nếu không muốn nói là xuẩn ngốc, bởi nó luôn đem lại sự đau thương chết chóc cho tất cả các bên tham gia chiến cuộc. Trong mọi cuộc chiến tranh đều có kẻ thắng người thua nhưng chiến công của một người hay của một nhóm lớn người này lại là sự đau khổ và thua thiệt của nhóm người khác chiến bại nên nếu đứng từ góc độ nhân bản sẽ chẳng thấy có gì đáng để tự hào”. Cùng với việc ông vội mừng rằng đến một ngày nào sẽ xóa bỏ đi những trường học, công viên mang biểu tượng cho lòng yêu nước như “ngọn lửa Lê Văn Tám” thay vì tên những con người như Gia Long, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký… Cái lập luận lửng lơ mập mờ đó cùng với xu hướng phục hồi những nhân vật có nhiều tỳ vết làm người ít tìm hiểu sâu về lịch sử cũng không biết thế nào là đúng sai huống chi là tuổi học trò!

Trước hết không nên mơ hồ với điều gọi là nhân bản và cần hiểu nó với tinh thần tích cực. Nhân bản nghĩa là lấy con người làm gốc, làm trung tâm cho các hoạt động xã hội để từ đó đánh giá dở hay. Điều tiên quyết với con người là quyền được sống. Hủy hoại cuộc sống của người khác và không biết tự vệ để người khác hủy hoại cuộc sống của mình đều phạm điều nhân bản. Cũng như với một cộng đồng hay một quốc gia, kẻ xâm lược và người cam phận làm nô lệ đều là đồng phạm – Người ta đứng bởi vì ta quỳ xuống! Cho nên luôn luôn phải biết phân biệt chính tà, cụ thể ở đây là phân biệt rõ chiến tranh phi nghĩa và chiến tranh chính nghĩa. Một quốc gia chân chính không đi xâm lược. Một dân tộc biết tự trọng không chịu để mất nước – Nước mất nhà tan là điều ai cũng rõ. Tuy nhiên xã hội loài người không đơn giản vậy. Một thời người ta quy cho chủ nghỉa cộng sản nuôi dưỡng chiến tranh mặc dầu trước đó đã có không ít cuộc chiến tranh tôn giáo vô cùng thảm khốc. Nhưng khi chủ nghĩa cộng sản không còn là cao trào nữa thì chiến tranh càng mở rộng hơn, quyết liệt hơn, thậm chí lôi kéo nhiều quốc gia liên minh liên kết thành những phe khối đối lập làm cho các sự cố càng thêm rắc rối. Và chiến tranh vẫn như lưỡi gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu nhân loại!

Trong con người có phần con và có phần người. Phần con là bản năng ích kỷ giành giật để sinh tồn. Phần người là tư duy trí tuệ hướng đến những hành động nhân văn. Kẻ trội phần người mang sự lành đến cho mọi người. Kẻ nặng phần con mang điều dữ làm hại người ta. Một xã hội mà giới cầm quyền nặng phần con thì dân chúng điêu linh và các quốc gia dân tộc lân bang chẳng thể sống yên. Tuy nhiên cuộc chiến tranh nào cũng lôi kéo được một bộ phận dân chúng đi theo. Hoặc bị lừa gạt – càng dốt nát càng dễ bị lừa gạt; hoặc bị ép buộc; hoặc bị mua chuộc bằng những quyền lợi thiết thân. Trong các Tòa án chiến tranh, người ta phân biệt rõ kẻ đầu sỏ chủ mưu và những kẻ bị lợi dụng để định tội. Một sự thật là trong chiến tranh không hẳn cứ chính nghĩa là tất thắng và phi nghĩa là tất bại. Sự thắng thua phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong sự thắng và sự thua cũng có nhiều điều phải lý giải và phân tích ngọn ngành. Chính nghĩa mà thắng là nỗi vui chung, là sự cổ vũ con người tin vào lẽ phải, là nhân văn nhân đạo. Phi nghĩa mà thắng là mối đe dọa không chỉ riêng ai, đạo đức suy đồi và sẽ là họa diệt chủng! Nhà trường thông qua môn Sử học dạy cho những công dân tương lai biết phân biệt phải trái, chính tà; biết căm giận và biết yêu thương; biết chấp nhận và biết loại trừ; cao hơn nữa là biết ủng hộ điều chính nghĩa và chống lại điều phi nghĩa.

Những tấm gương trong sử học như cây cầu nối giữa quá khứ với hiện tại nên phải rõ ràng. Hoặc là tấm gương sáng để noi theo hoặc là tấm gương phản diện để tránh đi vào vết xe đổ đã từng. Nguyễn Ánh bằng mọi giá theo đuổi cuộc chiến tranh phục thù tới cùng và khi là người chiến thắng ông ta đã hành xử tàn bạo vô nhân thế nào với những người có công lớn giữ nước và cả với những người có công to phò tá ông ta? Trong khi đề cao vua Gia Long, ông Chánh lại lắt léo hạ thấp chiến tích lẫy lừng của vua Tây Sơn đã thành nét son trong lịch sử dân tộc bằng cách đưa ra một luận thuyết của ai đó rằng: “Một phần quan trọng là nhờ nhà vua (Tây Sơn) đã biết sử dụng khéo léo các lực lượng hải khấu ở biển Đông”. Cứ cho điều đó là có thật thì cũng không phải là yếu tố quyết định thắng lợi mà chỉ là hành động yêu nước truyền thống của người dân Đại Việt biết gác thù riêng đền nợ nước khi quốc gia vong biến. Khác hẳn với Nguyễn Ánh dù là dòng dõi đại công thần mà trong lúc xã tắc ngả nghiêng lại cho đội tàu chở lương thực từ phía Nam mang ra tiếp sức quân Thanh, có khác chi là nối giáo cho giặc đâu! Giả như không có trận bão tố nổi lên đánh đắm đoàn tàu cứu viện bất lương đó ở ngoài khơi Ninh Bình–Nam Định thì cũng không cứu nổi thảm bại vua tôi nhà Thanh tự chuốc vào mình. Với Phan Thanh Giản cũng vậy. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Nói như ông Chánh rằng ông ta “đã từ bỏ cái quý nhất của con người là mạng sống khi vì tình thế bức bách khách quan phải giao thành cho giặc để tránh cho sinh linh đỡ bị tàn sát” hoàn toàn là ngụy lý. Nước loạn mới biết tôi trung, tránh sao cái tội: “Đối với trách nhiệm giữ gìn đất đai của tổ tiên mà lại ươn hèn đến thế” như nghị án của triều đình Tự Đức! Là người tu học thành danh từ nơi cửa Khổng sân Trình há Phan không biết điều là tôi bất trung khi dám cải lệnh vua, là quan bất nghĩa khi đẩy dân đen xuống hầm tai vạ đó sao?

Hầu như cả năm 2009, một số tờ báo, đặc biệt là tuần báo Văn nghệ TPHCM có nhiều bài viết vạch ra bản chất tiêu cực của triều Nguyễn, trong đó chỉ rõ thực chất phản dân hại nước của con người này đúng với tinh thần như ông Chánh mong mỏi là “dựa trên cơ sở sử liệu đầy đủ và được thẩm tra rất kỹ”. Kết cục là ngày 16/4/2009, Văn phòng BCHTWĐCSVN ra thông báo số 7098-CV/VPTW đề nghị “Hội Sử học VN, các cơ quan thông tấn, báo chí không trao đổi, tuyên truyền những vấn đề liên quan đến các chúa Nguyễn và các vương triều Nguyễn” cũng như “Tỉnh ủy Bến Tre tạm dừng các hoạt động, công trình liên quan đến cụ Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký”. Vậy mà sao ông Chánh đã vội khẳng định rằng: “Từ giờ trở đi nhân dân Việt Nam khỏi phải mất công tranh cãi nhau dài dòng về tư cách tốt xấu của cụ Phan Thanh Giản nữa”?! Ở đây tôi nói rõ lại đôi điều về ông quan đại thần này đã để lại nhiều tai tiếng nhất trong lịch sử nước ta: 

Thứ nhất là việc kết tội ông ta không phải do các nhà sử học giáo điều chính trị nhất thời đến nay mới đưa ra. Trước hết nghĩa quân Trương Định cùng những sỹ phu yêu nước dưới ngọn cờ “Bình Tây” đã vạch mặt chỉ tên “Phan-Lâm mại quốc” ngay lúc Phan vừa bán đứng ba tỉnh miền Đông. Trong khi dù là một cốt một đồng nhưng với một bầy tôi “thủy chung đều quanh quất, lời lẽ không theo được việc làm”, năm 1868 vua Tự Đức đã phê cái án nặng nề: “Truy đoạt chức tước, phẩm hàm và đục bia Tiến sỹ, để lại muôn đời cái án trảm hậu”. Đến khi Đồng Khánh đăng quang (1885), Đại quan Cơ mật viện tham tá Trương Vĩnh Ký bẩm ngay với Nhà bảo hộ: “Trong cái nhìn đặc biệt về lợi ích của nước Pháp, việc Đồng Khánh lên ngôi quả là may mắn” và nhanh nhảu hứa: “Tôi sẽ trấn áp những hãnh thần (những người có tư tưởng chống Pháp) và sẽ bao vây lấy nhà vua”! Đúng thế, Đồng Khánh là kẻ sính Tây và là ông vua đầu tiên công nhận nền bảo hộ của chính phủ Pháp. Để làm vừa ý ông chủ, tân vương ra sắc chỉ hết lời khen Phan: “Phẩm vọng ngươi cao như núi Thái Sơn, văn chương ngươi như mây bay nước chảy, được xưng tụng cao nhất một đời” và “khai phục hàm cũ là Hiệp tá Đại học sỹ”. Tất nhiên bia được dựng lại sau khi bị đạp đổ đã nhiều năm! Trong cuộc hội thảo năm 2008 ở Thanh Hóa về vương triều Nguyễn, các nhà sử học hiện đại cũng chỉ điểm bốn triều vua đầu mà bỏ qua những vương triều sau Tự Đức, hàm ý nó thật sự là bù nhìn của ngoại bang – trừ mấy vị vua yêu nước Thành Thái, Hàm Nghi, Duy Tân lại sớm bị đi đày, thì việc xóa án ấy phỏng còn ý nghĩa gì? Nhà đại chí sỹ cách mạng Phan Bội Châu mà toàn dân đều kính trọng cũng kết tội Phan Thanh Giản là hạng “gan dê chó”! Trong Hội nghị sử học toàn miền Băc tháng 8/1963 đánh giá tổng quát: “Để mất nước, các vua nhà Nguyễn là chính phạm, các triều thần trong đó có Phan là đồng phạm. Riêng trong sự kiện hai lần dâng thành giao đất cho giặc để mất cả Nam kỳ thì Phan là chính phạm bởi tính bạc nhược, hèn nhát, thỏa hiệp với giặc. Chủ hòa thực chất là chủ nghĩa đầu hàng – Đó là bản chất của giai cấp phong kiến cầm quyền lúc suy vi”. Thiết nghĩ đó là sự đánh giá rất độ lượng, có thể tình đúng mức do yêu cầu lịch sử.

Thứ hai là qua hai lần dâng thành giao đất giao dân cho giặc lộ rõ ra quá trình đầu hàng có hệ thống của một viên quan ươn hèn bạc nhược mà tham quyền cố vị. Lần đầu lược quyền vua dâng ba tỉnh miền Đông (Gia-Định-Biên) cho giặc với cái hàng ước nhục nhã đến nỗi vua Tự Đức phải kêu lên: “Đến ngày ta nằm xuống, mặt nào nhìn tổ tông”? “Hai người (Phan-Lâm) không những chỉ là tội nhân của triều đình mà còn là tội nhân muôn đời của hậu thế”! Được giao cai quản ba tỉnh miền Tây (Vĩnh-An-Hà) còn lại nhưng Phan không hề tổ chức phòng thủ dù biết rằng Pháp sẽ còn lấn nữa và ông ta mong đợi: “Trong 5 năm sau này (1862-1867) những đêm nằm mơ tôi thấy người ấy (tướng Bonard, người ký chấp nhận hàng ước của Phan 1862) đã đến gần tôi” trong khi người Pháp dự đoán dưới sức ép của phe chủ chiến, có khả năng Phan sẽ đào tẩu chạy về Sài Gòn tị nạn. Rõ ràng rằng chủ mưu đầu hàng đã thành ý thức chủ đạo trong viên đại thần lá mặt lá trái này. 

Với khoảng 2.000 binh sỹ, ngày 20/6/1867, tàu Pháp buông neo trước thành Vĩnh Long “là một thành khá kiên cố, địa thế rất dễ phòng thủ”. Phan điềm nhiên dẫn bày thuộc hạ xuống tàu và khi thầy trò lên bờ thì binh lính Pháp kéo vào chiếm thành. Có phải là viên quan già lọc lõi này bị giặc lừa chăng? Ngày 22/6 mất Châu Đốc và ngày 24/6 mất Hà Tiên. Viên Đại tá Thomazi viết: “Đến tháng 6/1867, binh lính ta đi chơi một bữa thế là xong hết cuộc chinh phục toàn xứ Nam kỳ, công cuộc khó nhọc bắt đầu từ năm 1858”. Có là điều khác thường không khi Phan còn sai thuộc hạ mở kho công khố nộp đầy đủ các khoản gọi là bồi thường chiến phí trong khi giặc đã hoàn toàn bội ước? Chẳng những thế Phan còn gởi công thư – thực chất là thư dụ hàng như ông đã từng làm mấy lần bất thành với Trương Định, cho các quan thuộc quyền hãy trao thành cho Pháp với lời lẽ không tìm thấy ở đâu trong lịch sử: “…Người nào thuận theo lòng trời thì còn, người nào nghịch theo lòng trời thì chết mất… Trời đã cho con người có lý trí. Con người phải sống tùy theo ý chí ấy… Chúng ta yếu ớt không thể chống nổi người Phú-lang-sa, tướng soái lính tráng đều bị đánh bại… Người Phú-lang-sa muốn đến đâu cũng đặng. Không người nào có thể chống lại… Mình còn ngốc khi mình đánh người Phú-lang-sa bằng vũ khí, cũng như con nai muốn bắt con cọp… Các quan văn cũng như các tướng võ hãy bẻ gãy giáo gươm và giao thành trì khỏi chống lại…”! Ông ta biện lẽ: “Bản chức tùy theo thiên ý mà tránh đỡ giùm dân đen tai họa rớt trên đầu họ” và khuyên dụ dân hãy tin vào giặc vì “những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi” là sự dối trời lừa dân có một không hai! Các nhà sử học có đầy đủ tư liệu về tội ác của giặc Pháp trong gần một trăm năm đô hộ nước ta, chúng có để dân ta sống yên mà làm ăn no ấm? Hẳn quý vị biết trong chiến tranh Pháp-Xiêm 1940, người dân Nam kỳ phẫn uất vì bị bắt làm bia đỡ đạn đã nổi lên chống lại và bị đàn áp thế nào? Thế chiến II, hơn 20 vạn người Việt Nam bị bắt vào đội lính Lê dương đã có hơn 8 vạn người bỏ xác trên các chiến trường châu Âu và Bắc Phi để chiến đấu vì nước Pháp!

Thứ ba là việc viên Khâm sai đại thần này uống độc dược quyên sinh không bi tráng như nhiều người lầm tưởng. Ông ta biết khi đặt bút ký chấp nhận yêu sách của giặc là xóa sạch đi công lao 300 năm khai phá của các bậc tiên vương tiên chúa thật “đáng tội chết” rồi. Dù nói rằng “lá cờ ba sắc không thể phất phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống!” nhưng không như Hoàng Diệu treo cổ chết ngay trong thành Hà Nội, Võ Duy Ninh tự thương chết ngay trước thành Gia Định mà Phan thủng thẳng ra sống tại một ngôi nhà tranh ở ngoại thành Vĩnh Long, tỉnh táo sắp xếp mọi việc chu đáo. Ông gởi một lá sớ lên vua Tự Đức: “Việc cõi Nam kỳ một chốc đến thế này, không thể ngăn cản nổi. Nghĩ tội đáng chết, không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho Quân phụ. Đức Hoàng thượng rộng xét xưa nay, biết rõ trị loạn…”. Ông gởi một bức thư dài cho Lagrandière, hết lời ca ngợi tình thân ái giữa các dân tộc bên hai bờ đại dương; ca ngợi Hải quân trung tướng Bonard với những võ công hiển hách chinh phục xứ này (!), là người đồng chung một ý tưởng từ lâu (!) về vấn đề lấy xứ Nam kỳ làm thực dân địa (!) và rất tiếc là người đã ra đi trước, bây giờ tử thần sẽ cho hai ta gặp mặt trong sự vĩnh cửu, sẽ sung sướng vô biên giới và tình huynh đệ không thể tan rã được (!); ca ngợi Đề đốc Rigault de Genouilly có tầm nhìn xa biết chiếm lấy Sài Gòn để xây dựng thành trung tâm bền bỉ lâu dài (!); ca ngợi Đề đốc Lagrandière là người tạo lập ra thuộc địa Nam kỳ (!). Ông lộ ý đã dành dụm được mấy ngàn quan (!) và ngỏ lòng giao cho các quan Tây đưa mấy đứa cháu lên Sài Gòn học thành tài! Ông cũng ngỏ lòng với cha Marc là muốn theo đạo Thiên Chúa! Ông căn dặn các con hãy qui phục nước Pháp, sống hòa bình với họ và chăm chỉ cần lao, ráng học hỏi cho bằng người Tây Âu để phò vua giúp nước may ra sau này làm vẻ vang cho Tổ quốc! Nghe ngóng động tĩnh từ triều đình vẫn bặt tin, ông thất vọng biết rằng tội kia không thoát chết! Gần một tháng sau khi phát thư dụ hàng thì ông “tuyệt cốc” (nhịn ăn). Nửa tháng không chết, ông uống á phiện pha với dấm thanh. Trong thời gian ấy nhiều quan lại cả tây và ta đến thăm, cho thuốc ông một mực từ chối. Theo thơ tường trình của Thiếu tá Ansart gởi lên Tổng tham mưu trưởng kể về những giờ cuối đời của ông quan này: “… Lúc các ông quan (Nam triều) còn lại ở Vĩnh Long, ông đã khăng khăng từ chối mọi thứ thuốc men, chúng tôi đã phải gần như ép ông và lợi dụng một trong những lúc ông ngất đi mới khiến ông nuốt được một chút giải độc. Nhưng ngay khi ông được biết là các quan đã bỏ đi và chỉ còn có mình ông với chúng tôi (mấy sỹ quan Pháp) thì ông đã thuận mọi điều. Than ôi, khi đó đã quá muộn!”. Cái chết nào cũng bi. Chết bình thường thì thương. Chết vì nghĩa thì tráng. Chết có toan tính thì hài!

Sau khi Phan chết, Phó thủy sư đề đốc kiêm Thống soái Nam kỳ Lagrandière cử một đội lính tống tiễn linh cữu ông về tận nơi chôn cất như một chiến sỹ trận vong đúng theo nghi thức truyền thống Pháp, kèm thư gởi tới gia đình ông bày tỏ “lòng tôn trọng quan lớn Phan Thanh Giản bởi nơi triều đình Huế trừ một mình ngài thấy rõ đâu là điều ích nước lợi dân” và hứa “sẽ hết lòng bảo bọc cho con cháu ngài hoặc muốn ra mà giữ việc nhà nước hay là muốn tước lộc chi thì bổn trấn cũng vui lòng ban ơn theo như ý”. Và người Pháp đã làm như lời hứa. Với hai người con ông ta là Phan Liêm và Phan Tôn có đứng lên chống Pháp nhưng chỉ được ít lâu cũng thuận theo lời cha bẻ gãy gươm giáo không chống lại giặc nữa, bó thân về với triều đình và được vua bù nhìn Đồng Khánh ban cho lộc trọng quyền cao thì lại mang thân phò giặc đàn áp các phong trào yêu nước! Tên tuổi ba cha con họ Phan đều được Nhà nước thực dân – tất nhiên là cả chính quyền bản xứ lệ thuộc, bảo tiết tôn vinh như những tấm gương lớn về lòng yêu nước thương nòi, nhìn xa thấy rộng, thủy chung hợp tác với nước đại Phú-lang-sa để người dân Việt nhìn đó mà noi! Dù cho miệng thế cười chê nhưng chính sử lúc ấy làm sao dám nói đó là sự sỉ nhục đối với lịch sử nước nhà! Trải hàng trăm năm mấy ai săm soi góc cạnh ngọn ngành. Sự ngộ nhận đã thành nếp nghĩ, chỉnh sửa lại không là điều dễ! Phải chăng đó là tàn dư của văn hóa thực dân?

Cặp bài trùng Phan–Trương là bạn vong niên cùng sống đồng thời chẳng khác chi kẻ giúp người đốt nhà mình. Cả hai đều là ân nhân của nước Pháp vào buổi đầu chinh phục Việt Nam nhưng người kín đáo âm thầm, người công khai lộ liễu. Ông Trương học rộng biết nhiều, trẻ trung sắc sảo, những việc ông làm vì đấng Kito và vì Nhà nước bảo hộ rành rành được việc mà vẫn bị ông chủ lúc tin dùng khi hắt hủi lại không tránh được lời chê bai khắc nghiệt của người đời là “đồ phản phúc”. Đến khi nằm xuống đúng theo cái luật tử sinh, dù cũng được người Pháp tưởng công bằng nghi thức tống biệt không kém quan Phan trước đó mà ông chỉ để lại gọn lỏn một dòng di chúc trên mộ chí: “Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi!”. Bạn hữu của ông được mấy? Chỉ còn hậu thế thương hay không tùy họ. Vị Đại học sỹ họ Phan phẩm trật thì cao mà “tài thì hơi kém, trao cho công việc trọng đại đến nỗi vấp ngã” mang điều tiếng cho vua, gây khốn cho dân, làm hại cho nước cùng với bức thư mù mờ u ám gian ngay chẳng rõ mà khéo chọn cái chết làm nơi ẩn náu mong vớt lại chữ tiết của cái danh ô đánh lừa hậu thế! Con người ấy thật giả chẳng phân minh, sâu sắc, thâm trầm để kẻ khen người chê khó bề hòa giải mà lại có người phong thần phong thánh! Thế mới biết cái đạo nho tưởng rằng cổ lỗ bỏ đi với nền văn minh tây học tân tiến chưa biết ai đã hơn ai.
      
       Thành phố Hồ Chí Minh tháng 02 năm 2012