Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ngôi nhà có ba người ở

Đoàn Nhất Trí
Chủ nhật ngày 4 tháng 3 năm 2012 5:47 PM
 Truyện ngắn 

Tôi có đứa bạn cùng học đại học nhưng khác trường. Ngoài giờ lên lớp nghe giảng, chúng tôi thường rủ nhau đi khắp cảnh đẹp của đất Thủ Đô ngàn năm văn hiến.
        Thông thường, cứ sau mỗi buổi đi chơi, thăm thú như thế, thằng bạn buông một câu chắc nịch trước lúc chia tay:
- Cảnh ở đây đẹp thật, nhưng còn lâu mới sánh được với quê tao!
Ban đầu, nghe nó nói thế, tôi trố mắt hoài nghi:
- Thật không?
- Thật!
- Bốc phét thì có.
Nó thản nhiên nói:
- Chẳng bốc phét tí nào. Quê tao là thiên đường, của mọi thiên đường. Đi cùng kỳ trái đất này, chẳng nơi nào đẹp giầu như thế!
Lâu dần, nghe quen, tôi không nghi vấn hay phản biện gì nữa. Coi như nó nói thật.
      Đến lần ấy, chẳng biết vì sao, hứng lên, thằng bạn bảo tôi:
- Nghỉ hè năm nay, mày về quê tao chơi nhá!
- Về thì về. Tôi trả lời ngay. Để vui lòng nó, cũng là để đi cho biết đó biết đây. Nhất là để xem thực hư thế nào mà nó ca ngợi quê hương bản quán ghê quá. Cứ như là mọi quê khác của người khác chỉ là cục cứt.
           Đi một ngày và gần hết đêm đoàn tầu hỏa mới đến ga xép bên một cánh rừng. Xuống tầu ở đây, chúng tôi đi bộ, rẽ sang hướng đông. Lại men theo lối mòn chui qua cánh rừng nữa tới một mỏm đá chênh vênh chìa ra phía trước. Không còn cây che khuất. Trước mặt chúng tôi hiện ra mặt nước hồ rộng mênh mông, mới nhìn, ai cũng tưởng là biển. Cả một vệt dài vô tận phía bên kia hồ là những thành phố sang trọng với những ngôi nhà chọc trời. Điện sáng như ban ngày, soi rõ từng cánh chim nhỏ bé bay lượn. Mặt hồ phía ấy rực sáng như hội hoa đăng. Những du thuyền sang trọng, trắng muốt như tuyết êm đềm soi bóng xuống mặt hồ giống những nàng thiên nga ngủ muộn. Tàu hàng, tầu chở khách xanh đỏ, trắng vàng, rực rỡ ngược xuôi, đan xen như mắc cửu… Tất cả đều in xuống mặt nước thành bức tranh lung linh, tuyệt đẹp, không bút nào tả nổi. Tôi thu tầm mắt lại gần. Phía bên này mặt hồ, là cảnh tượng trái ngược. Nước hồ xám đen, tịnh không bóng dáng một con thuyền, dù là nhỏ bé. Chim chóc trốn biệt đi đâu hết cả. Không gian thiếu vắng đến cả tiếng chim. Quần thể dân cư phía bên này dựng lều trại, xây cất những ngôi nhà ven theo bờ hồ sinh sống. Trong ánh sáng mờ nhạt của ban mai, tôi không thấy nơi nào có điện. Chỉ le lói đèn dầu đâu đó lọt qua những khe cửa trống hoác do thiếu vật liệu. Trong lúc đầu tôi nóng dần lên bởi những thắc mắc chưa kịp bật ra khỏi miệng thì thằng bạn nóng lòng kéo tay lôi đi. Nó bảo sắp đến rồi, nhà tao đang ở dưới kia, phía trước. Rời mỏm đá, chúng tôi chạy xuống dốc, hổn hển vượt qua trảng cát mênh mông trước mặt mới đến khu dân cư. Có điều đặc biệt, càng gần đến nhà nó, tôi càng nhận ra trong gió có mùi gì kinh khủng. Nó giống mùi cóc chết, cũng giống mùi xác chuột thối rữa lâu ngày. Càng đi tôi càng không sao chịu nổi. Ba lần không đừng được, cất mồm hỏi thằng bạn, cả ba lần, nó im như thóc, càng lôi đi khỏe hơn. Lúc này, phía bên kia mặt hồ, mặt trời đã lên cao bằng con sào đang tỏa sắc hồng xuống mặt nước như mặt gương phía ấy. Mặt nước phía bên này hồ cũng bắt ánh hồng mặt trời nhưng pha với màu xám xịt của nước chết nó biến thành màu tiết dê, tái xám, nuốt chửng mọi hào quang. Cảnh vật nhìn đã rõ. Giờ tôi mới hiểu ra, cái mùi hôi thối kinh khủng kia là từ những đống xác chết của muôn loài bốc lên.  Xác trâu bò, gà vịt, lợn chó có ở khắp nơi. Mặt nước hồ nổi lềnh bềnh từng tảng xác cá, tôm, cua, ốc… Có con cá to, nặng hàng tạ trương phềnh chẳng khác xác một con trâu con bò chết đuối. Nước hồ đen nhánh và đặc quánh, sủi tăm ùng ục. Tôi hỏi mặt hồ bên này tại sao lại như vậy, Nó miễn cưỡng đáp: Tại mặt hồ đã được chia bán cho những người nhiều tiền rồi chứ sao! Bố bảo đứa nào dám ra đấy quăng chài bắt cá. Thì ra thế!      
          Tay trái tôi bịt chặt hai lỗ mũi, tay phải bị thằng bạn nắm lôi đi xềnh xệch. Nó chỉ tay ra phía trước: nhà tao đây rồi. Tôi ngẩng mặt nhìn lên. Hai con mắt thêm một lần đập phải lối kiến trúc quái dị của những ngôi nhà dân cư nơi đây. Chúng lúp xúp, lụp xụp như những túp lều Chị Dậu trong văn chương ta vẫn gọi là hiện thực phê phán. Chen chúc nhau không ra hàng lối gì. Vật liệu xây dựng thì tạp nham, hẩu lốn, chắp vá, nào gạch vỡ tận dụng, nào phên liếp, tre pheo tạm bợ, nào bìa các tông, giấy dầu, giấy báo, thùng đựng hàng, vỏ bao xi măng, chiếu rách…Hàng nghìn những ngôi nhà như thế đeo bám vào mọi nơi, mọi chỗ quanh bờ hồ. Cứ như là cái hồ sinh ra chúng và chúng sống được là nhờ có cái hồ.
         Thằng bạn chỉ vào một căn nhà cấp bốn thấp lè tè nói nhà đây rồi. Chúng tôi lách qua chiếc mành tre cũ kỹ, rách nham nhở treo trước cửa, vào nhà. Tối om. Một lát định thần cho đôi mắt quen với bóng tối tôi mới nhận ra khuôn hình của ba con người. Một trên võng. Một trên giường. Một trên nền nhà đất nện. Tiếng thằng bạn chào rõ to và hồ hởi:
- Cháu chào ông. Con chào bố mẹ!
Chưa nhận ra ai rõ là ai, tôi cũng líu ríu lặp lại như cái máy đã lập trình:
- Cháu chào ông. Con…chào bố mẹ!
      Khúc chào hỏi đã xong. Tôi nhìn kỹ ba khuôn mặt người trong nhà thấy ai cũng cũ kỹ, nhỏ bé, gầy guộc, già nua nhưng ngời sáng vẻ đôn hậu, chất phác, chịu đựng. Mặt họ, nét thời gian khắc đậm dấu ấn cơ cực, lam lũ trên từng đường nhăn và màu da bắt nắng đen xạm. Họ đều vui khi thấy con cháu về nghỉ lại còn đưa theo cả bạn. Bà mẹ nhanh nhẩu bỏ lại cái cuốc đang chêm dở, xuống bếp nấu cơm. Ông nội hết hỏi han cháu xem đi đường có mệt không, lại hỏi tôi có đói không. Riêng ông bố sau phút xúc động ban đầu, giờ lại vừa đung đưa chiếc võng, vừa tay gẩy đàn, miệng hát một bài hát gì đó. Bài hát ấy được thể hiện bằng chất giọng rè rỉ, tôi không sao nghe rõ lời nhưng giai điệu thì trầm bổng quen như đã nghe được ở đâu và cũng khá hay. Thằng bạn rỉ tai tôi nói: “Bố tao là một nghệ sĩ lớn đấy! Ông chuyên sáng tác những bài ngợi ca. Mọi người mê lắm!” Ông nội ngồi trên giường lại đang mải mê với cái công việc như trò chơi trẻ con làm tôi không kìm được tò mò hỏi:
- Ông ơi, ông làm gì đấy ạ?
Không hề ngước mắt nhìn tôi, ông trả lời:
- Cháu không biết à? Ông đang xén và bó mạ để sớm mai mẹ cu Hy (Hy là tên thằng bạn tôi) cấy nốt mảnh đất ria hồ. Tôi sửng sốt:
- ???
- Nhờ có những nhà khoa học xuất sắc của chúng ta lai tạo nên cái giống này cho hạt thóc to gấp hàng trăn lần giống cũ, năng xuất gấp bội.
- Hạt thóc nó to bằng ngần nào hả ông? Tôi không kiềm chế nổi tò mò.
- Bằng quả ổi lai! Vì thế họ cũng phải chế tạo ra cái máy để xay xát nó. Và chúng ta thì no ấm đời đời, không bao giờ biết đói. Chỉ những người đi bán tóc mới là những người đói khổ thôi. Họ phải bán tóc của mình đi, lấy tiền mua cái ăn!               
             Mâm cơm đã được bê lên đặt trên mặt bàn uống nước. Nồi cơm to đầy. Mâm có hai món thức ăn. Bát canh nấu thứ rau gì không rõ hình thù. Đĩa thịt với những khoanh như chặt ra từ đùi gà. Ông nội bạn tôi hỉ hả nói: “Hôm nay ta đãi các con món thịt gà đặc biệt” Tôi đói, chúi mũi vào ăn. Chỉ nhác thấy cơm có mùi thum thủm như mùi khoai lang ngâm nước lâu ngày mang lên ghế cơm. Nó có màu xin xỉn. Nghe ông nói hạt thóc ở đây to thế sao bát cơm tôi cầm trên tay giống với cơm gạo tấm ta vẫn thường ăn. Bụng nghĩ, óc trả lời, chắc chiếc máy xay xát đã nghiền quá đà nên hạt gạo bằng quả ổi thành ra những mảnh vụn như tấm. Kệ, tôi cứ ăn đã.
       Ăn xong, mâm bát được bê đi. Cái bàn duy nhất trong nhà lại thành bàn uống nước, học tập hay làm việc, tùy theo yêu cầu từng thời điểm. Tôi nhìn quanh, mọi đồ vật trong nhà giống thời Chí Phèo của nhà văn Nam Cao bàn giao lại. Tôi lại tò mò hỏi ông:
- Ông ơi, ban nãy ông bảo thịt gà đặc biệt là gì hả ông?
Ông già bật cười hiền hậu:
- Là…làm gì có gà! Ở đây gà qué, ngan vịt cho đến trâu bò, chó má chết sạch sành sanh từ hàng chục năm nay rồi, do những bệnh dịch quái ác không sao diệt nổi. Nào là bệnh lở mồm long móng . Nào bệnh lợn tai xanh. Nào bệnh cúm gia cầm…thôi thì đủ cả. Ấy thế mà cháu biết không. Trời sinh voi ắt sẽ sinh cỏ. Nạn ô nhiễm môi trường đã tạo ra những con ếch, con nhái có sức chịu đựng dẻo dai và cao cường. Chúng biến đổi gien thành những con to hàng vài cân. Khỏe và to lắm, rất khó bắt được. Có con còn sinh ra hai đầu, sáu chân. Chân nào chân ấy to, chắc như đùi gà trọi. Hai đứa bay là gặp may nên hôm nay mới có mà ăn vì hôm qua ông mua lại được của ông hàng xóm có khẩu súng săn bắn đạn hoa cải.
               Nghe ông nói đến đây, đầu tôi bỗng nhiên choáng váng, mắt hoa, bụng cuộn thốc lên từng khúc ruột. Tôi len lén ra sau nhà cố móc tay vào mồm nôn thốc nôn tháo những thứ mình vừa háo hức tống đầy bụng. Xong rồi, tôi quơ cái mê nón bên cạnh úp chụp lên đống “sản phẩm” ấy, lảo đảo đứng lên, tựa vào tường vài phút cho trấn tĩnh rồi mới vào nhà. Từ đấy trở đi tôi không dám thỏa mãn tính tò mò của mình bằng những câu hỏi nữa, kể cả hỏi thằng bạn mình. Càng hiểu biết cặn kẽ, tôi càng choáng. Thằng bạn lôi tôi vào cái góc học tập yêu thích của nó từ thở bé, nói đủ thứ truyện về những kỉ niệm thời học phổ thông tươi đẹp. Tôi chẳng còn bụng dạ đâu để nghe nó tán dương, đầu chỉ toan tính làm sao lẻn được ra đường tìm mua thứ gì đó như kiểu hàng hóa hay thực phẩm nhập lậu về cho bữa tối nay. Nếu không tìm mua được khéo bữa tối tôi phải nhịn ăn mất. Ở đâu mà không có những thứ nhập lậu từ ngoài vào. Tối nay, chắc chắn tôi phải bịa ra một chuyện gì đó khẩn cấp để được ra về vào sáng sớm ngày mai. Tôi đã để ý rồi, ở đây người ta không dùng điện thoại. Di động càng không có.
        Chơi chán, thằng bạn nằm ngủ thiếp đi, thời cơ đã đến. Tôi lẻn ra ngoài. Đường phố không ra đường phố. Đường nông thôn cũng không phải. Mọi nẻo vắng tanh, không một bóng người. Tôi đi mãi, đi mãi, thấy duy nhất bóng ai phía trước, vội rảo bước đuổi theo nhưng đến một chỗ ngoặt, cái bóng người ấy mất hút cứ như là họ tàng hình vậy. Tôi nghĩ, có lẽ hôm nay là chủ nhật nên mọi người ở cả trong nhà tận hưởng một ngày nghỉ cho thoải mái chứ đi ra bờ hồ làm gì. Tuy nhiên, có một điều khác cũng làm tôi thắc mắc chẳng kém đó là hiện tượng, ngay từ khi tôi lén bước ra khỏi nhà, tôi như nghe thấy tiếng người nào đó bám theo tôi từng bước. Tôi đi nhanh thì tiếng bước chân ấy đi nhanh. Tôi đi chậm thì nó cũng đi chậm lại. Cứ như có ma. Trống ngực tôi đập rộn lên vì nỗi khiếp sợ. Tôi quay về và lại lén chui vào nhà mới hết cái cảm giác có người bám theo phía sau.
       Tối hôm ấy, tôi cáo ốm không chịu ăn gì làm cả nhà lo lắng thực sự. Bà mẹ nấu cháo ép tôi cũng không ăn. Khoảng chín giờ tối, tôi nói sáng mai tôi xin phép ông và hai bác tôi phải về ngay vì có tin nhắn: Mẹ ốm nặng, con về ngay! Tôi chìa màn hình điện thoại cho thằng bạn xem. Nó tin ngay. Thực ra đấy là những dòng chữ do tôi tự đánh vào máy.
       Sáng sớm hôm sau, từ bốn giờ tôi đã dậy chào từ biệt gia đình để quay trở về quê. Như tôi, thằng bạn còn được nghỉ hai tháng nữa mới trở về trường đại học. Nó bảo sẽ tiễn tôi đến ga xép bìa rừng. Người mẹ ngậm ngùi dúi và tay tôi gói cơm to, nóng hôi hổi với cái “đùi gà” nói: “Lên tầu con phải ăn ngay đấy. Đói lắm rồi còn gì. Tội nghiệp, từ trưa hôm qua đến giờ chẳng được miếng cơm nào vào miệng!” Tôi rưng rưng nước mắt, chẳng hiểu vì điều gì.
      Thằng bạn dẫn tôi đi theo con đường tắt cho gần. Ra khỏi khu dân cư, lúc này trời đã sáng rõ. Chúng tôi phải đi qua một khu nghĩa địa rộng mênh mông, có tới hàng triệu nấm mồ. Xoay người nhìn ra bốn phương, những tấm bia mộ liền sát nhau, chạy dọc ngang, tít tắp đến tận chân trời. Tôi hỏi vì sao người ta chết nhiều thế? Thằng bạn bảo, tuổi thọ trung bình ở quê nó chỉ khoảng trên dưới bốn mươi tuổi. Người quê nó không coi thế là chết sớm vì đã được hưởng một cuộc sống no ăn, đủ mặc như thế là hạnh phúc lắm rồi. Chết đi, được lên thiên đàng, đấy mới là cuộc sống vĩnh cửu và có ý nghĩa. Tôi không nói gì. Trước khi ra khỏi khu nghĩa địa, tôi lén bỏ lại nắm cơm với cái “đùi gà” ở đấy.
       Khỏi phải nói tôi sung sướng thế nào khi nhìn thấy ga tàu xép ngay trước mặt. Lòng khấp khởi mừng. Chỉ lát nữa thôi tôi sẽ rời khỏi nơi đây, được về quê thăm bố mẹ. Trước lúc chia tay, thằng bạn lại một lần nữa nói với tôi “Chỉ còn một năm nữa sẽ thi tốt nghiệp ra trường, mày nhớ phải về quê tao công tác đấy. Có bằng kỹ sư như chúng mình, xin việc ở quê tao, đâu người ta cũng nhận, chẳng mất một xu nào cả. Còn quê mày ư, vài trăm triệu cũng chẳng tìm đâu được việc làm. Mà nhà mày rớt mồng tơi, lấy đâu ra vài trăm triệu. Khổ thế, về quê mày làm đéo gì!” Nghe nó nói vậy, chẳng biết vì sao tôi lại bật khóc. Khóc to, rống lên như con trẻ trước hàng nghìn cặp mắt của khách trên tầu nhìn xuống, của khách còn đang đững trên sân ga cùng người nhà đi tiễn nhìn vào. Hai thằng đực rựa tiễn nhau lại ôm nhau khóc như những mụ đàn bà. Chẳng biết xấu hổ là gì. Tôi khóc vì tôi hay vì nó, cũng chẳng biết nữa. Một lúc sau, tĩnh trí lại, tôi tự nhủ, mình vẫn còn may mắn, nếu ở đến ngày mai, mọi chân lý trong tôi sẽ sụp đổ. Thay vào đó, tôi sẽ tin những bó tóc là bó mạ. Mạ ấy cấy xuống đất sẽ mọc lên cây lúa. Lúa cho hạt thóc to bằng quả ổi lai. Hạt thóc sẽ lại cho ra hạt gạo phải dùng máy nghiền mới thổi cơm ăn được. Tôi sẽ tin những con ếch, con nhái biến đổi gien do ô nhiễm môi trường có hai đầu, sáu chân là những con gà khỏe và nhanh như gà trọi, phải dùng súng săn mới bắt được chúng. Tôi sẽ tin ở cái mảnh đất chết chóc, tang thương này muôn loài đang bị hủy diệt, đang biến thành sa mạc hoang vu, con người vẫn tự tin mình đang được sống một cuộc sống ấm no hạnh phúc như ở thiên đường.
         Phút cuối cùng, tầu từ từ chuyển bánh, hai thằng cũng đẩy được nhau ra.  Tôi bước lên tầu. Người lắc lư theo nhịp tiếng bánh sắt nghiến vào đường ray rợn người và nghe sau lưng mình tiếng thở hộc lên của con tầu đang gắng sức lấy đà tăng tốc. Não nùng cả một cõi không gian tĩnh lặng vào buổi sớm.

Hà Nội, đầu năm 2012 đầy những biến động.
Đoàn Nhất Trí