Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Sóng sánh lời yêu của người Thơ núi Tản

Chử Thu Hằng
Thứ hai ngày 5 tháng 3 năm 2012 5:02 PM

Là người cộng tác với Nhà thơ Bành Thanh Bần trong Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống, tôi được ông trao tặng tập thơ Thả nhớ vào sông. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy ông chọn tên sách, lại càng ngạc nhiên hơn khi đọc thơ ông. Trời ơi, tuổi đã quá lục tuần rồi sao thơ ông còn say đắm thế? Thơ ông phần lớn viết về tình yêu. Những bài thơ của ông được viết bởi cảm xúc tràn đầy quả là rất “sóng sánh”

Vầng mây ấm, nụ môi mềm
Tôi ngợp thở trước sân thềm... ngợp mưa
(Cô giáo vùng cao)
Lòng em, tôi ngả đầu lên
Bồng bềnh sóng…
Nhịp thở em sâu đằm
Tim em đứng, tim tôi nằm
Suối tóc nghiêng xuống tim thành... tim nghiêng
(Tim nghiêng)

 Đọc tập thơ, tôi bỗng nhận ra: tình yêu của ông không dành cho một người cụ thể. Đó là tiếng hát cất lên từ trái tim của một người thiết tha yêu cuộc sống, yêu đất nước, yêu gia đình… Trong thơ, nhiều lần ông nhắc đến chữ “lòng”: “Lòng anh thành đá-người-xưa”; “Lòng như máng cỏ mượt mềm” ; rồi “Lòng rưng rưng một chiều quê thanh bình”… Tôi hiểu rộng hơn, đó là tấm lòng bao dung, nhân ái của thi nhân muốn trải ra với cuộc đời, để sớt chia, bù đắp cho những người còn gặp khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống. Những người đó có thể là Nhà thơ như Phùng Quán “Cá câu trộm/ Sách viết chui/ Đời quanh năm thiếu nợ”, là một Nhà văn như Sơn Tùng “Đói nghèo bệnh tật suy tư/ Theo anh cho đến bây chừ… Anh ơi”. Nhưng cũng có thể, chỉ là một người hành khất bên đường, run run chìa “… nón ngửa/ Hứng từng đồng xu rơi”…
Nhiều người biết Nhà thơ Bành Thanh Bần với tư cách một doanh nhân, một Chủ tịch Quỹ với những khoản tiền không nhỏ hỗ trợ cho các Nhà văn trong nước và các công việc từ thiện, ít ai biết rằng trước khi là một doanh nhân, Nhà thơ Bành Thanh Bần cũng là một người lính, cũng trải qua những ngày tháng nhọc nhằn kiếm sống nên ông rất hiểu, rất thông cảm với những người nghèo khổ
 Những đứa trẻ bắt đắc dĩ chào đời
Đêm múa lân cười như nắc nẻ
Những người mẹ từ chối quyền làm mẹ
Những ni cô làm mẹ thay người…
Còn bao nhiêu ngang trái ở đời
Sinh con ra không thể nuôi con được
Bầu sữa cương, đêm đêm nhức buốt
Mái chùa xa
Con khóc xé trời
(Đêm Trung thu ở chùa Bồ Đề)
 Những lúc trà dư tửu hậu, ông hay kể câu chuyện vui vui: Vợ một ông bạn thơ cấm chồng không được chơi với ông, “Vì ông ấy yêu nhiều” (!) Mà quả là ông yêu nhiều thật, dường như mỗi nơi ông qua, mỗi người con gái ông đã gặp đều lưu lại nét yêu kiều trong thơ ông. Từ một cô gái dân tộc thiểu số ở Sa Pa
 lòng anh thành đá người xưa
nụ cười lúng liếng em vừa khắc lên...
(Ở bãi đá cổ Sa Pa)
đến một thiếu nữ trên phố đông Hà Nội
 Sang đường
Em nép vào tôi
Dòng sông khựng lại
Chơi vơi phố chiều...
(Chiều Hà Nội)
 rồi cô gái nào đây như trong truyền thuyết hiện ra, giữa Tản Viên Sơn thơ mộng
bất ngờ
nàng ngã vào tôi
bất ngờ
ngã một nụ cười vào mây
bất ngờ
mây ngã trên tay
tóc nàng đổ xuống ngã đầy vai tôi
(Trên Tản Viên Sơn)
 … và còn nhiều, nhiều nữa những bóng hồng ông đã gặp trên mỗi chặng đường ông qua. Khi bài thơ Ngoài này Hà Nội vẫn mưa đăng ở Tạp chí Sông Hương, nhiều người gọi điện tò mò, muốn biết ai là người con gái ông nhắc đến trong thơ. Nàng đẹp lắm, quí phái lắm qua lời thơ ông viết
 đường trần
có lấm gót son
áo em thả tím hoàng hôn phương nào
nón bài thơ
gió nghiêng chao
môi hồng
đã giọt mưa nào đặt lên
tóc mây
buông xõa vai mềm
 Những người giàu trí tưởng tượng lại hình dung ra giữa thi nhân và người đẹp đã có một mối tình rất sâu sắc, nên ông mới viết được câu thơ “bão nổi” thế này
Trường Tiền
cong nét mi cong
nhớ anh đừng chớp
kẻo giông bão về…
Vâng, thì cứ cho là thế đi! Huế thương, Huế mộng, Huế mơ… tượng hình lên thành người con gái Huế, để thi nhân tương tư không chỉ một lần. Yêu đất Huế, người Huế, ông còn lặn lội vào tận nơi để “Thả nhớ vào sông”, để thêm một lần được
 Ngả nghiêng say…
nhớ con thuyền bến xưa
Bồng bềnh theo nhịp phách đưa
Thương câu ca Huế “Dạ, thưa” điệu đàng
 Đọc thơ Bành Thanh Bần, ta tưởng như ông còn rất trẻ, bởi cái lãng mạn trong thơ ông không thua một nhà thơ trẻ nào, thậm chí còn táo bạo hơn, khát khao hơn
 Em - Tôi, một trẻ, một già
Ấp iu nhau tựa như là... Mẹ - Con
Vai trần bầu ngực săn tròn
Bỗng thèm làm đứa bé con thuở nào...
(Tim nghiêng)
 Đôi môi tươi thắm quá chừng
Em ơi
Anh chẳng thể đừng được đâu
Cho anh cúi xuống nguyện cầu
Môi hồng em
Nhuộm tím mầu môi anh
Trái thơm...
Thèm được vin cành
Chúm môi mơ nếm ngọt lành... lại thôi
(Áo tím bằng lăng)
 Có một bài ông băn khoăn không biết có nên đưa vào tập thơ không, bởi mấy ông bạn Thơ chân tình khuyên ông cất đi, kẻo “Già rồi, viết thế, sợ mọi người cười”. Đó là bài thơ ông viết khi thăm núi Cô Tiên ở Hà Giang
áo mây, gió vén bất ngờ
giữa thung xanh
nhú đôi gò mướt xanh
áo ai hờ hững mong manh
gió tinh nghịch…
níu mắt anh chạm vào…
trời thì ngăn ngắt tầng cao
mây thì nõn thế
lẽ nào…
nõn ơi…
(Nõn xuân)
 Cũng bài này, “gã đầu bạc tuổi tiền mãn teen” Phạm Xuân Nguyên lại rất tán thưởng. Nó “hé” cho ta thấy một Bành Thanh Bần rất “gian”, rất nghịch, và cũng còn rất trẻ trong tư duy, trong cách ngắt câu, đùa chữ ỡm ờ khá thú vị.
 Trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, đi lễ chùa và góp “giọt dầu” để xây chùa là một việc rất tự nhiên. Nhà thơ Bành Thanh Bần hay cùng vợ đi lễ chùa. Trong khi bà vào lễ và cung tiến trong chùa, thường không nhanh chóng gì, thì ông vẩn vơ vãn cảnh, lãng đãng tìm tứ thơ. Chùa chiền là một mảng đề tài gợi nhiều cảm hứng, để ông viết được những bài thơ hay
 sân chùa thu đã rắc vàng
tôi nâng chổi quét khẽ khàng, nhẹ thôi
ngước lên gặp một nụ cười
ngẩn ngơ
tôi đứng vái trời: Nam mô!
(Sân chùa vào thu)
 Ai đã đi lễ chợ Viềng đều biết, nơi này vốn nổi tiếng linh thiêng. Ngày lễ hội, người đến lễ đông như nêm, chen vai thích cánh nên còn gọi là Hội Chạm. Sự chen lấn, xô đẩy nhau ở ngoài đời nhiều lúc cũng gây phiền toái, kêu ca, nhưng Nhà thơ Bành Thanh Bần đã thanh lọc đi những bon chen trần tục, chỉ còn lại những con người tìm về đất Phật với một chữ Tâm trong trẻo, nên sự va chạm đó lại rất dễ thương
 Lễ xong, ra đến cửa Đền
Nhấp nhô sóng lễ bơi trên sóng người
Ngực em chạm phải ngực tôi
Để mâm lễ cứ chơi vơi trên đầu
Lóng ngóng, tay biết đặt đâu
Đưa lên, ngực lại chạm nhau… bồi hồi
Mâm chao, mấy thiếp vàng rơi
Tôi cúi nhặt, chạm nụ cười thật duyên
(Tha thẩn chợ Viềng)
 Đã mấy lần tôi nghe ông kể về tuổi thơ của mình, khi ông vẫn là chú bé Bành Văn Bầu 10 tuổi, ở Thượng Cát, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội. Hôm ấy trời nắng chang chang, ông đi học về, bụng đói, áo quần lem luốc. Ông thấy căn nhà tranh vách đất của gia đình mình đã được ngăn ra cho một cặp vợ chồng người Tầu thuê. Ông thầy Tầu xoa xoa lên đầu ông và phán mấy điều mà đến giờ ông vẫn nhớ nằm lòng: một là ông sẽ bị hoán danh, hai là ông sẽ li hương, ba là ông sẽ làm chủ một vùng đất lớn phía Tây. Khi đó, ông không hiểu phép lạ nào sẽ làm được những điều ấy. Cha ông mất sớm, mẹ ông tần tảo nuôi mấy chị em bằng thửa ruộng bạc mầu và rau quả bòn mót ở vườn nhà. Chiến tranh, ông vào bộ đội thông tin, mấy ông quân lực chữ “tác” đánh thành chữ “tộ” đã vô tình hoán cải tên ông thành Bành Thanh Bần. Ông rất tâm đắc và tự hào mang cái tên này, vì Thanh Bần tức là nghèo khó nhưng trong sạch. Cô gái Đinh Thị Thuận là vợ ông bây giờ đã neo ông lại với Xứ Đoài và chính sách thời mở cửa đã làm nốt điều cuối cùng trong lời tiên đoán: ông trở thành chủ nhân Hồ Tiên Sa, vùng đất thiêng dưới chân núi Ba Vì bằng những đồng tiền chắt chiu sau bao nhiêu nghề khó nhọc khác.
 Thơ của Bành Thanh Bần không phải là thơ của một đại gia học đòi thơ phú. Mỗi người Việt khi sinh ra đều mang trong mình bản chất người nông dân, được nuôi lớn bởi dòng sữa thi ca ngọt ngào của dân tộc. Nhà thơ Bành Thanh Bần là một người nông dân chất phác nên thơ ông cũng mộc mạc như con người ông. Chất nông dân của thơ ông bộc lộ trong những bài thơ đa phần là thể loại lục bát, trong những chủ đề viết về một địa danh, một sự việc, một con người cụ thể. Những câu triết luận trong thơ ông không nhiều, và nếu có, cũng chỉ tựa như những lời chiêm nghiệm rút ra từ cuộc đời. Đó là những nốt thăng hoa của một người nông dân đã từng mặc áo lính, “Với tay mơ hái sao trời/ Mong thơ dang cánh nâng đời bớt đau”. Do vậy, thơ ông dễ đọc, dễ nhớ, mang lại những cảm xúc trong sáng và thanh bình.
  Nói về Nhà thơ Bành Thanh Bần, không thể không nhắc đến vợ ông, một doanh nhân có tấm lòng Bồ Tát, lấy việc làm từ thiện và chăm sóc con cháu làm niềm vui. Người con gái Xứ Đoài đảm đang, nhân hậu ấy đã đồng hành cùng ông gần nửa thế kỉ, qua bao thăng trầm có nhau nên cái tình của ông dành cho vợ thật đằm thắm, nồng nàn
 Để anh đi tất cho em
Đêm qua lại thức trắng đêm, ốm rồi

Như tình yêu của chúng ta
Dẫu trăm năm mãi vẫn là thanh tân
Nào em, em hãy nâng chân
Để anh đi tất, chớm xuân, lạnh trời…
(Sắc xuân)
Hình như chưa có nhà thơ nào lấy việc đi tất cho vợ để làm thơ, mà chắc cũng chẳng có nhiều ông chồng tuổi quá lục tuần còn nâng chân bà vợ thưở hàn vi của mình với thái độ trân trọng, ân tình đến thế. Được tặng bài thơ này, trái tim phụ nữ của bà chắc phải mềm ra vì yêu thương, tự hào và thông cảm cho ông chồng thi sĩ lãng mạn của mình
 Anh lơ lửng giữa đất trời
Rượu thơ - thơ rượu khóc cười nhân gian
Công danh, lợi lộc chẳng màng
Đêm đêm thao thức gọi
- Nàng Thơ ơi
(Ru người – Ru thơ)
 Tình yêu và lòng biết ơn của ông dành cho vợ còn thấp thoáng trong nhiều bài nữa nhưng tôi không tọc mạch chuyện vợ chồng của ông, tôi chỉ lặng lẽ đọc thơ ông và ngắm bà cười rạng rỡ, viên mãn trong hạnh phúc gia đình. Thơ và công việc từ thiện đã mang lại cho ông bà một cuộc sống ý nghĩa hơn, phong phú hơn và thanh thản hơn trong cuộc đời này.
 Chớm xuân, trời lạnh, nhưng Hồ Tiên Sa vẫn nồng nàn, sóng sánh những lời yêu…
 
Viết xong lúc 14h45 ngày 19/12/2011
Chử Thu Hằng