Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hỏi chuyện một "thày cãi"

Vũ Quốc Túy
Thứ bẩy ngày 3 tháng 3 năm 2012 8:09 PM

PV(Phóng viên) -Thưa ông, xin ông biết về cái gọi là tội giết người
TC(Thầy cãi)- Giết người là hành vi vô tình hoặc cố ý gây ra chết người hoặc có nguy cơ gây ra chết người.
PV- Như vậy người dùng súng  bắn vào người khác đúng là phạm tội giết người. Nhưng bắn kẻ cướp để bảo vệ tải sản của mình do lao động mà có thì đó là phản ứng tự vệ chứ, thưa ông?
TC- Phản ứng tự vệ gồm hai trường hợp. Một là phản ứng có sự  chuẩn bị trước, hai là không có sự chuẩn bị. Người biết rõ âm mưu, kế hoạch tấn công của đối phương, lên kế hoạch chuẩn bị phương tiện hành động chống trả thuộc trường hợp thứ nhất. Người vô tình bất ngờ bị tấn công, không chủ động phòng bị nên theo phản xạ tự nhiên chống trả bằng tất cả những vũ khí gi  hay vật gì có thể vơ được trong tầm tay là trường hợp thứ hai.
PV- Những hành vi ấy có thể gây ra cái chết cho đối phương, nhưng có khi cũng vì thế mà đối phương nổi khùng lên tấn công mạnh hơn khiến người đó phải chết. Vậy ai phạm tội giết người?
TC- Trường hợp này, kẻ tấn công trước phạm tội giết người.
PV- Nhưng người tấn công trước lại là người thi hành công vụ?
TC- Tấn công người không phạm tội hoặc chưa rõ biểu hiện hành vi phạm tội là sai!
PV- Nhưng tấn công theo lệnh của chỉ huy, thưa ông.
TC- Người chỉ huy ra lệnh tấn công sai trước. Lính chỉ là người chấp hành mệnh lệnh.
PV- Người thi hành công vụ làm trái luật, người chống lại những sai trái đó có được gọi là phạm tội chống người thi hành công vụ không?
TC- Dù đúng hay sai thì công vụ vẫn là pháp lệnh. Chống lại là vi phạm.
 PV- Xin lỗi ông, nếu cho phép, xin được nói một câu thành ngữ dân gian lấy thịt đè người hay cả vú lấp miệng em?
TC- Bất cập!
PV- Vậy chống lại hay không chống lại đều bị oan sai. Trường hợp bắn súng vào người thi hành công vụ để tự vệ có thể kết tội là tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép, thưa ông?
TC- Còn tùy sự phán xét của quan tòa. Vấn đề cơ bản ở đây là luật phải rõ ràng, các điều khoản phải minh bạch, chuẩn xác, không đa nghĩa và phát triển tiến kịp với sự phát triển của xã hội. Nhất là các văn bản không chồng chéo, mâu thuẫn với nhau. Luật phải được học tập, tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong nhân dân và nhất là đội ngũ cán bộ quản lí cấp cơ sở phải là người am tường luật pháp, có năng lực tư duy, năng lực hành động, tổ chức quản lí và năng lực tiếp thu kiến thức.
PV- Dường như ta đang...lạm phát luật, thưa ông?
TC- Luật ban hành nhiều, nhưng đi vào cuộc sống chậm và ít.
PV- Khi một vụ việc xảy ra, đem đối chiếu với các điều khoản ghi trong luật, tôi cứ thấy rối tinh rối mù, mới đọc qua đã thấy nhức đầu, nói chi đến hiểu đúng và thi hành đúng. Dường như nhiều điều khoản chỉ để dành trong ngăn kéo, khi cần thiết lại lấy ra để bảo vệ cái sai.
TC- Nhà báo hơi quá lời. Nhưng công bằng mà nói, hệ thống của chúng ta cũng có phần lỗi, đó là sự cẩu thả.
PV- Vâng, xin cám ơn ông!