Cứ về Hải Phòng (HP), dù vội mấy, tôi cũng đến thăm vợ chồng nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ông bà ở gác 2 ngôi nhà Pháp cổ trong ngõ 10 Điện Biên Phủ. Tôi không quên được cầu thang gỗ đen sờn mà giờ đây, nhà văn chỉ biết tựa vào thành tiễn khách, ngóng ra đường phố cách 40m qua mấy lần tường.
1. Cuộc đời nhọc nhằn nhiều mất mát đắng cay của nhà văn Bùi Ngọc Tấn (1934) và vợ Nguyễn Thị Ngọc Bích (1939) đủ để viết vài tiểu thuyết, không phải là tiểu thuyết tự truyện của ông mà là chất liệu cho các nhà văn khác, thậm chí đưa lên màn ảnh bằng phim dài tập.
Sau vẻ “nhát”, cả tin, nhạy cảm của họ, là tấm tình đôn hậu với mọi người. Mua thêm được căn phòng 20m2 kế bên của vị hàng xóm cựu Công an, ông Tấn mừng vì có 2 balcon trồng cây, hoa cảnh: sim, ngâu, mai chiếu thuỷ, thiết mộc lan, xương rồng, hồng tú cầu, ngũ gia bì, vạn niên thanh. “Vui lắm, chim về hót, ong rủ nhau hút mật. Hương toả cả vào nhà” - nhà văn hồ hởi.
Ngoài niềm vui giản dị này, thì từng ngày của ông đang chật vật. Tôi đến khi nhà văn vừa khám bệnh về: tim, huyết áp lên 180, lại đau răng hàm trên, đau hai khớp gối. Đi lại khó khăn, cơm nước trông vào vợ. Bà thì thiểu năng động mạch vành, đau khớp vai mãn tính.
Bất giác, tôi xin phép vợ chồng nhà văn làm cuộc “kiểm kê tài sản”. Ông bà vui vẻ chấp thuận. Căn phòng cũ của ông có TV Samsung 15 inch cũ, máy tính LG Flaton màn hình phẳng 14 inch kê bên chiếc giường đôi. Phía trên là gác xép, trên nữa là trần nhà tróc vôi. Phòng khách có kê tủ lạnh Panasonic mới. Bà Bích khoe: “Vợ chồng Hải Yến con gái thứ ba, định cư ở Sài Gòn từ 1990, vừa ra ăn Tết. Yến chỉ có một con trai 10 tuổi, thỉnh thoảng chúng tôi lại vào thăm con cháu. Yến sắm tủ lạnh cho bố mẹ. Tủ lạnh Toshiba nhỏ, chúng tôi trả lại con cả”. Ông Tấn nói thêm: “Với lại nó cũng biết bố chẳng còn ăn được mấy cái Tết đâu”.
Vội xua tan vẻ bi quan của ông, tôi tiếp tục kiểm kê: Phòng khách có bộ bàn ghế cũ và 5 cái ghế nhựa, tủ gương, tủ sách có cửa kính, ấm chén và phích. Nhà văn chỉ có 1 đôi giày da duy nhất, màu đen, hiệu Freelife, dùng lại của con rể lấy từ SG ra. Ông muốn có thêm đôi giày “lười” đi lại đỡ đau chân và được thay đổi, “chỉ cốt thế, chứ cả đời có ăn diện lần nào đâu”.
Ngõ 12 kế bên, có nhà của con gái thứ hai của nhà văn, chị Giáng Hương (1960-2005) đ• mất vì huyết áp thấp. Người con rể gà trống nuôi 2 con trai, ông bà ngoại thỉnh thoảng qua lại đỡ đần. Cậu cháu lớn Trần Hoàng Long 30 tuổi vừa xong thạc sỹ tài chính tại úc, đang làm cho Cty Bảo đảm hàng hải. Cậu nhỏ Hải Hà đang năm 1 ĐH Ngoại thương Hà Nội. Lâu không gặp, tôi bất ngờ khi thấy Long đĩnh đạc hẳn lên, khi cậu bê nải chuối sang biếu ông bà.
2. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn công tác tại báo Tiền phong từ tháng 5/1954 tới khi tiếp quản Thủ đô, ông chính thức là phóng viên báo này từ tháng 12/1959 đến tháng 1/1960, sống tại Hà Nội. Sau đó, ông chuyển về báo Hải Phòng, làm việc từ 1960 - 1968. Giai đoạn từ tháng 11/1968 đến tháng 3/1973, gần 4 năm rưỡi ông vướng vào lao lý, tù không xét xử, không có án, chuyện này không “bí mật” gì vì đ• gần 30 năm. Khi ra tù hơn 2 năm sau ông mới xin được về Liên hiệp Thuỷ sản HP, làm chân cán bộ thi đua cho văn phòng, tới lúc về hưu tháng 5/1995. Bất công thay, lương hưu của ông chỉ được tính năm từ 5/1975, không tính 14 năm công tác trước khi hoạn nạn, thời điểm về hưu là 160.000, nay là 1,4 triệu.
Bà Bích là kế toán Xí nghiệp may xuất khẩu HP, được cử lên Hà Nội học ĐH Ngoại thương, đang năm thứ hai thì bị gọi về, liên luỵ vì chồng mà không được học tiếp. Lương hưu bà Bích hiện lĩnh 1,7 triệu/tháng.
Vỏn vẹn 3,1 triệu cho hai ông bà đau ốm, sao đủ. Nhà tài trợ duy nhất của họ là con gái Hải Yến (công chức kế toán), mỗi tháng gửi cho bố mẹ 3 triệu. “Tháng nào phải mua nhiều thuốc men, tôi xin thêm con gái 2 triệu nữa”.
3. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn xuất ngoại muộn. Năm 2001, ông xuất ngoại lần đầu, tới Trung Quốc. Năm 2004, đi 5 nước Châu Âu, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, áo trong 2 tháng. Năm 2005, ông được mời sang Mỹ, Nga. Các chuyến bay đều được đài thọ. “May hồi ấy có sức mà đi, giờ thì chịu rồi. Đi xa là lao động cực nhọc, phải xoá các thói quen, thích ứng mọi điều kiện, lúc này tôi không kham nổi” - nhà văn buồn rầu. Bạn bè qua đời v•n cả, còn ông bạn thân - dịch giả Dương Tường mà ông Tấn cũng chẳng mấy khi lên Thủ đô thăm được. Ông Tường tuổi 80, gày gò, chịu khó đáp xe khách về thăm, đợt gần nhất là 14 tháng giêng ta, sáng đi chiều về.
Thỉnh thoảng có khách các nơi hay từ nước ngoài về HP tới chơi, ông bà mới có dịp hàn huyên. Thành ra hay nhớ kỷ niệm “Mùng 2 Tết năm ngoái, các em tôi yêu quý: nhà báo Ngô Hà Thái nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, ông bạn nhà văn Châu Diên… cùng xuống nhà tôi. Vui lắm. Lại có thêm vợ chồng nhà báo Nguyễn Thế Thanh, Thuý Nga ở TP HCM chơi Hạ Long về ghé thăm”. Ông bà sống tình cảm và cũng được nhận nhiều tình cảm trìu mến. Bà Bích kể tiếp “Đấy, như cưới thằng út Bùi Quang Dũng hồi tháng 9/2006, không kịp mời mà Ngô Hà Thái cũng vẫn chu đáo xuống mừng”.
Nếu không quá mệt, nhà văn ngồi máy tính đọc và viết email, xem báo. Sau tập truyện ngắn Người chăn kiến (NXB Hội Nhà văn 2010), ông chưa in gì thêm. Nản vì nhuận bút rẻ mạt lại bị tính gian số lượng, ông chua chát: “Nhà văn vắt tim óc ra, viết thành sách, rồi lại chìa cổ cho đầu nậu cắt tiết”.
Ông khoe với tôi mấy cuốn sách được dịch và in ở Pháp bởi NXB L’ Aube Une vie chien (Cuộc sống của con chó, tập truyện ngắn, 1993) tái bản, được dịch bởi Nguyễn Ngọc Giao, Đặng Trần Phương, Vũ Văn Luân, do Janine Gillon hiệu đính. La mer et lamartin - pêcheur (Biển và chim bói cá, tiểu thuyết 518 trang),10/2011.
Ông còn hai con trai sống ở HP, con cả Ngọc Hiến là kỹ sư công trình, con út Quang Dũng là kỹ sư máy cầu. Họ làm, đủ ăn không đỡ đần được bố mẹ. Vợ chồng nhà văn cứ ấm ức lương hưu bị tính sai, trong nhiều thua thiệt lưu niên. Rồi ông tự an ủi: “Bạn bè, kể cả bạn vong niên chết nhiều. Còn đến giờ này là sống l•i rồi”.
Nhà văn đang chỉnh sửa tập hồi ký 600 trang, rút lại thành 400 trang đánh máy : “Cuộc sống của con chó là cuốn sách tập hợp 8 truyện ngắn của tôi ấn hành 3/1990, đánh dấu thời điểm cầm bút viết văn trở lại và sau cuốn hồi ký chủ yếu viết về bè bạn này, tôi sẽ gác bút. Đây là cuốn sách cuối cùng của tôi. Nhưng sẽ khó in vì tôi toàn viết sự thật. Tôi chỉ được bạn bè thương chứ thực tình, tôi nhận mình là nhà văn bị ruồng bỏ”. Ông đưa chiếc điện thoại Nokia đen, loại “cục gạch” nhờ tôi đọc hộ các tin nhắn. Ông chỉ biết nghe và gọi, có tin nhắn phải nhờ con cháu.
Nhìn hai ông bà tóc bơ phờ bạc, khuôn mặt nhàu âu lo, lòng tôi trào niềm thương cảm. Bác Bích muốn tiễn, nhưng trời đ• tối, tôi ngăn lại. Chẳng khi nào tôi để bác tiễn mình. Tôi bước chậm bên vỉa hè số chẵn đường Điện Biên Phủ Hải Phòng, suy nghĩ về chồng nhà văn nghèo hiếu khách lúc nào cũng quý mến giữ người. Chỉ còn lại đôi già tự chăm lo cho nhau trên căn gác ấy. Niềm tự hào cũng là tài sản lớn nhất của họ: Người bạn, sách và tranh. Đáng giá nhất trong gia sản của Bùi Ngọc Tấn là tranh chân dung ông, do các HS Lê Đại Chúc, Đỗ Phấn, Đặng Xuân Hoà, Đinh Quân, Tô Chiêm tặng. Cầu cho ông đủ sức khoẻ để hoàn thành tác phẩm đang thành hình, cho đến khi công chúng đón đọc. Thời gian ngặt nghèo, cuộc sống lắm éo le. Ông Tấn sợ không kịp thời gian nên chỉ định làm nốt cuốn này. Trên bệ lò sưởi (không bao giờ sử dụng), bên TV LG 21 inch, tôi thấy chiếc đồng hồ Citizen của ông xước mặt chằng chịt.
Vợ chồng nhà văn Bùi Ngọc Tấn tại nhà dưới bức tranh HS Nguyễn Thanh Bình tặng tháng 2/2012
ảnh: Nguyễn Nhật Bích