Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Những tích tắc

Nguyên Hải
Thứ bẩy ngày 3 tháng 3 năm 2012 8:31 PM
Bình thơ Thúy Quỳnh

Đọc những từ tích tắc, ai cũng liên tưởng đến tên của đơn vị chỉ khoảng thời gian rất ngắn, mà ta thường gọi là một giây. Cái khoảnh khắc ngắn ngủi ấy qua đi và không lặp lại, trừ khi quỷ đạo đất trời đảo ngược vòng quay. Riêng đối với nàng thơ trong mỗi người thơ,  thì dầu cho một tích tắc, hay một sac-na vô cùng bé cũng cứ lắp đi lặp lại trong một vùng riêng, một không gian riêng của từng mảng cảm xúc, dao động theo từng nhịp đập trái tim, nó bơm đẩy lớp lớp sóng những hạt tâm, hạt tứ, hạt hồn… qua dòng máu thi nhân, đến từng tế bào thớ thịt, xúc tác vào tất cả giác quan, làm rung lên những âm giai  xót xa, oán hờn, trách móc hay yêu thương, nhớ nhung, hoặc những thân phận bên những vực, bờ, lề… thế thái của những nghiệt ngã thật, hoặc là những thăng hoa ảo…Nó vốn như một trò chơi,  đang chuyển động trong thần thức huyển hoặc đại ngã, tiểu ngả giữa mênh mông tư duy,  lững lơ trong mỗi cái ta đến lổ đen vũ trụ. Bởi tất cả mọi  điểm tựa đều trở nên vô nghĩa với nàng thơ.
Tác giả Nguyễn Thúy Quỳnh đã rất chân tình san sẽ cùng người yêu thơ những trăn trở của chính mình qua tác phẩm NHỮNG TÍCH TẮC QUANH TÔI đã xuất bản cuối năm 2011. (Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn)
Với  sáu mươi tám bài thơ, không biết bao nhiêu cái tích tắc đã à ơi, ngọt lành vổ về hạnh phúc lắng sâu trong đời, hay đã cuốc cày, đào xới miền tâm tư, duy thức của thế giới ta bà, chứa hàng triệu triệu sự sống, vật thể trong bể vô định, vô thường…
Lắng lòng lại để nghe, đọc ngẫm, nhấm nháp thi vị của những tích tắc mà tác giả ghi lại trong đoạn phim đang hiện lên trong thần thức của từng người đang đọc. Dường như có lúc dịu  êm, và có lúc là những cơn địa chấn, từ những đứt gảy sâu thẳm trong lòng người, mà tác giả bắt gặp ở đâu đó tạo nên những đa đoan, xúc cảm ôm nặng lòng trắc ẩn đồng hành, hoặc bức phá đạp đổ…hoặc bình lặng trong thế trạng bất lực cầu an…
Đồng Hành, bài thơ đầu tiên trong thi phẩm dường như đó là những tự sự  thay  lời tác giả. Một phía bên đời, một phía bên ta, bên đời  là những vật thể xô người về phía trước, bên ta là những người đàn bà chở nỗi cô độc ở đàng sau.”…Không làm quen nhau/ vẫn thấy mưa ấm hơn trên má người đồng hành/và biết/có những người  đàn bà chở bắp cải su hào phía trước/ có những người đàn bà chở nỗi cô độc đàng sau/ đường sao mà dài…” (Đồng Hành)
Có chăng trong phạm vi tập thơ này,  từ ĐỒNG HÀNH  đồng nghĩa với tựa đề  NHỮNG TÍCH TẮC QUANH TÔI. Đọc hết tập chắc hẳn người đọc thấy những “Bắp Cải, Su Hào” của những người đàn bà đang bị xô về phía trước, chất chứa đầy những bóng dáng hình ảnh trớ trêu, những nghịch lý, nghịch cảnh trong đời thường đang hiển hiện quanh ta mà tác giả đã ghi lại bằng những thi  ảnh vừa trần truồng vừa hàm xúc vị  giác ngọt, đắng, chua xót rất thật. “…Người đàn bà bì bọp dặm trên mặt ruộng/Dảnh mạ chắt chiu xanh từ cân thóc giống cuối cùng/cách một hàng rào B40/ bóng những tòa nhà chọc trời/ đổ xuống lưng... (Viết ngày rét hại)
Với những người đàn bà chở nỗi cô độc đàng sau là  những NTH trong Bảo Trọng ”Em bỏ quê ra đi/ mang theo một vết dao đâm từ phía sau/vết thương không bao giờ lành suốt phần đời xa xứ…” hay nàng Tô Thị của thời siêu thị: “Giá chị đừng hiền lành đừng nhẫn nại đừng cả tin thế kia/ để sóng với gió không cuốn đi/ niềm kiêu hãnh lừng lững trong tôi…”Và chính tác giả cũng đang chở nỗi cô độc, không những đã chở ở đàng sau, mà dường như còn muốn nguyện ghìm giữ nỗi cô độc, vừa lạnh lòng vừa ấm áp thủy chung này, cho cả thời gian phía trước nữa. Có những số đo thời gian:  đêm thứ  tám mươi tư; mười lăm năm; năm ngàn đêm; sinh nhật 1; sinh nhật 2…như là  dấu ấn của những ” tích tắc” đã hằn sâu trong tim tác giả, và tưởng chừng không bao giờ phai nhòa đến lúc xuôi tay, chẳng có sức mạnh nào xóa được, một đại lượng thời gian bước ngoặc đời người:”Ngày mà trên chiếc giường nhỏ ta đã cười rất to/ đêm kết thành vườn địa đàng/nở ra những thiên thần…” (Trong ngôi nhà nhỏ của tôi)
Chung quanh tác giả còn những tích tắc thời cuộc, thế thái nhân tình, có khi nàng thơ thể hiện bút lực rất bình thản, đằm thắm lưu  lại những hình ảnh nhân sinh, và quặn lòng với  duyên nghiệp từng thân phận: : ”…Em cõng củi dầm chân đứng đó/ Tôi khoác túi bồn chồn về phố/ Có vệt khói dài lặng lẽ theo sau.”(Một sáng đồng văn)  hoặc thấy  mình bất lực trước sức mạnh siêu nhiên, gây thiên tai cho  đồng loại cho em thơ, tác giả cũng nặng lòng san sẻ khổ đau và tự dằn vặt mình: “…Và vì thế/ mẹ biết tim mình suốt đời sẽ còn dư chấn.” (Tặng các con ở Ishinomaki)
Nhưng  cũng có lúc rất thư thái,  nhẹ nhàng với suối nguồn thanh khiết như nhiên: “cho tôi gởi câu thơ góp nhành xanh nhỏ với đại ngàn/ Đầu nguồn ơi xin mãi là trong trẻo/ Để tôi còn chốn ước ao”(Gởi đầu nguồn).
Ngoài những tâm bút nhân văn,  bình thản hoặc thư thái nói trên, nàng thơ đã  không dễ dải thờ ơ, vô cảm với những tích tắc làm vẫn đục thời gian, xâm thực thô thiển nền đạo đức, nhân nghĩa , niềm tin, phá vở tường thành văn hóa, bản sắc Âu – Lạc, hủy hoại môi sinh, nguồn sống: “… những mãnh vỡ lặng câm/ găm trong ngực/ Sông chữ ngầu  ngầu khóc/ - Thầy ơi…” ( Thầy Tôi).
Những tích tắc chứng kiến sự bất nhân, bất nghĩa: “…Những lời đầu môi trôi về đâu/ Chỉ còn vạn giấc chết nổi trắng mặt sông/ chỉ còn dòng sông bị giết từ lâu/ mỗi ngày  lại chết thêm lần nữa/ chỉ còn lại vạn sinh linh nhỏ nhoi không là cá thẩn thờ mép sông/ hớp những ngụm không khí mùi cá chết/ muốn quẫy như cá mà không quẫy được…”(Cá chết ở sông Nhuệ)
Những tích tắc vô đạo, vô luân và vô liêm sĩ: “…bằng xe biển  xanh/ thản nhiên tán gẫu, chơi game/ làm chuyện động trời/ trong phòng lạnh/ được trả bằng tiền ngân sách…” (Tản mạn ngày  nắng nóng).
 
Tác phẫm NHỮNG TÍCH TẮC QUANH  TÔI là những chùm tia phản xạ qua cả nhiều  mặt của hiện tình xã hội, từ những tiêu cự gần xa, người thơ đã tái hiện lại hình ảnh nội tâm,  ngoại cảnh cuộc sống một cách trung thực và tinh tế, dù có lúc góc tới có chứa một chút niềm riêng, song hình ảnh thực trạng là nét tổng thể trong tác phẩm.
Về phong cách và “nhan sắc” nàng thơ NHỮNG TÍCH TẮC QUANH TÔI đã và đang hòa nhập vào nhịp điệu của thời đại kỷ thuật số, trên nền cơ bản của những tố chất áo tứ thân tha thướt và duyên dáng của nón quai thao… được cách điệu hài hòa theo những kiểu dáng (mode; style) quý phái, sang trọng,  nên những thi  ngôn, thi tứ, bút pháp, ẩn dụ được gọt tỉa, làm mới hơn sức khỏe thể trạng và thẫm mỹ văn học: “ …Nắng đến / quà tặng em là hanh hao mùa/ Thả xuống những ngón tay bắt đầu khô rạn/ vệt rám loang trên  má chiều/ thật thà nhắc có một ngày sắp cạn…”(Sinh nhật 1). Rõ ràng một khổ thơ không vần không điều, không cầu  kỳ gò bó trong niêm- luật khắc khe,  vẫn gieo vào lòng người đọc nhiều cảm xúc, trước hình ảnh người phụ nữ đang tuổi bắt đầu ngả bóng.
Nàng thơ NHỮNG TÍCH TẮC QUANH TÔI vừa kế thừa giá trị truyền thống:
 “…
Mưa đồng văn đá cũng sũng nước rồi
Có chiếc ô em che lên củi
Củi ướt ai mua, làm sao đem về núi
Mưa vô tình lây ướt cả sang tôi
…”

 vừa tiệm cận trào lưu  mới đã  ló dạng và  đang trân mình thử thách trong áp lực  gạn lọc của văn đàn và công chúng yêu thích văn chương.
Theo thiển ý của người viết bài này thì NHỮNG TÍCH TẮC QUANH TÔI sẽ là một trong những hạt gạo trên sàng.
 
ĐỒNG HÀNH

Bỗng dưng tôi nhận ra người đồng hành là chị
áo mưa cũ, dép nhựa cũ, xe đạp cũ
mặt nhễ nhại nước
những bắp cải su hào xô người về  đằng trước
chúng tôi đi bên nhau
mưa hắt từng quần giá buốt
phố sớm nay trên trời dưới hoa
như thể người ta trồng hoa một năm dùng cho một ngày
hai bên đường, hoa và người so nhan sắc với nhau
chúng tôi trôi ở giũa
không làm quen nhau
vẫn thấy mưa ấm hơn trên má người đồng hành
và biết
có những người đan bà chở bắp cải su hào phía trước
có những người  đàn bà chơ nỗi cô độc đằng sau
đường sao mà dài
cứ thế
chúng tôi đi qua những phố đầy hoa.
 

NHỮNG
TÍCH TẮC QUANH TÔI

Cơn sóng thần nào không từ đáy biển
Đang tràn qua mỗi tính tắc quanh tôi
đâu phải chiến tranh
mà mấy chục cuộc đời nát vụn một ngày mìn nổ đá rơi
phút chốc chạm đường ray, đồng làng bời bời khăn trắng
một chữ ký nhẹ tênh
kéo trập trùng sông suối núi đồi chui vào kết nhỏ
những tuổi teen tóc đỏ
dắt nhau vào nhà trọ bình dân còn quên tháo khăn quàng
Triệu triệu tín hiệu số rung túi quần trẻ chăn trâu
tấm áo hoàng đế vẫn lắm kẻ hân hoan chưng diện
lời nói thật tá túc nơi nào
Lẵng nhẵng theo tôi qua biển rộng song dài
Ngàn câu không muốn hỏi
Dừng lại trước những ngôi nàh siêu méo, siêu mỏng
hình hài những cái đầu
sự dị dạng trơ trơ của chúng ném vào tôi câu trả lời chết điếng
May còn cánh rừng mấy nghìn tuổi
vọng tiếng khóc trẻ thơ
kết thành chiếc phao
cho tôi vịn
trôi qua những tích tắc tử thần.
   
Nguyễn Thúy Quỳnh