Ngày 1-3-2012, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã tổng kết cuộc thi GVG bậc PTTH rất dài ngày. Trên “vựa học” Hà Tĩnh, chỉ có hơn 400 “hạt gạo” tham gia thi tuyển, qua ba vòng xay xát, còn lại đúng 160 “hạt gạo trên sàng”.
Điều đặt biệt của cuộc thi này, là có một thầy giáo bị đột tử và một thầy bị vỡ mặt ngay trong cuộc thi.
Người thầy giáo xấu số đó, là thầy Hoàng Quốc Túy, giáo viên môn sinh vật trường THPT Cẩm Bình. Người thầy vừa tròn tuổi 30 đó, đã bị đột tử khi đã lọt vào vòng cuối cuộc thi. Chiều ngày 14-2, thầy Túy bốc thăm nhận bài, và ngay sau đó lao vào chuẩn bị bài giảng để tuần sau lên lớp. Nhưng đêm thứ 6, thầy thiếp đi bên trang giáo án soạn dở và không bao giờ tỉnh dậy nữa.
Người xấu số thứ hai cũng độ tuổi 32, là thầy giáo Đào Trọng Sơn, giáo viên toán trường THPT Cao Thắng. Nguyên là học sinh trường PTTH Năng khiếu Hà Tĩnh, thầy Sơn cũng đã dễ dàng vượt qua vòng làm đề tài và thi viết. Một tuần chuẩn bị bài dường như vắt kiệt sức lực, chiều 17-2 Sơn dạy xong thì bị tai nạn ngay trên đường về nhà. Sơn đột nhiên bị ngất và ngã khi đang điều khiển xe máy. Khi tỉnh dậy, Sơn thấy mình nằm trong bệnh viện Đức Thọ, rồi viện Việt Đức, rồi viện Răng Hàm Mặt. Sơn bị vỡ nhiều xương vùng mặt, và ngày anh trở lại bục giảng hẳn còn xa.
Chuyện đột tử với chuyện tai nạn âu cũng thường. Nhưng thầy chết, thầy vỡ mặt trong cùng một cuộc thi GVG thì quả hy hữu. Có hay không, nguyên nhân từ chính cuộc thi?
Cuộc thi GVG năm nay ở Hà Tĩnh, có nhiều thay đổi so với trước.
Công việc đánh giá ĐT SKKN, trước đây được tiến hành vào cuối năm học, và chỉ được coi là điều kện đủ sau cùng để công nhận danh hiệu GVG. Vì vậy, giáo viên có ít nhất là 12 tháng để nghiên cứu và thể nghiệm đề tài. Lần này, từ khi có thông báo của Sở (ký ngày 27-10-2011) đến hạn nạp đề tài (ngày 5-12-2011), chỉ vẻn vẹn 1 tháng. Sự cập rập đó tạo nên áp lực đáng kể với người đăng kí dự thi.
Chính vậy, nhiều giáo viên đành “lỡ tàu” vì chưa viết kịp đề tài. Chính vì vậy, nhiều ĐT được viết vội vàng, nên bị loại ngay vòng đầu. Chính vì vậy, có thầy đành “copy và past” cho kịp thời hạn. Chính vì vậy, mà 3 thầy đã bị phát hiện “đạo văn”. Và án kỷ luật giáng xuống tức thì, một thầy giáo còn bị chuyển khỏi ngôi trường mình đang giảng dạy.
Hơn 100 người bị loại, chỉ còn 322 thầy bước vào vòng thi viết. Lệ thường, chỉ cần đạt điểm trung bình là có thể lọt qua vòng thi viết. Vì vậy, nhiều người khá tự tin khi gặp cửa ải này.
Bất ngờ, theo yêu cầu mới, là điểm viết phải đạt loại giỏi. Gần nửa số người dự thi choáng váng khi biết tin mình bị loại.
Mà cũng không chỉ họ, mà tất cả đồng nghiệp đều choáng váng. Nhiều trường mất trắng, đặc biệt là các trường ở phía bắc (Bắc Hà). Mặc dù, tiềm lực và bề dày thành tích của Bắc Hà năm nào cũng cao hơn các trường phía nam (Nam Hà). Sự chênh lêch đến vô lý này ở nhiều môn chủ công, đã làm tăng thêm nghi vấn. Những nghi vấn chưa bao giờ dứt về tiêu cực trong thi cử ở Hà Tĩnh.
Còn 172 thầy giáo bất an bước vào vòng thi cuối. Vòng thi dạy này, được phân thành hai đợt, tách riêng Bắc Hà và Nam Hà. Do Bắc Hà trượt thi viết quá nhiều, nên hai huyện Lộc Hà và Can Lộc, vốn thuộc Nam Hà, nay chuyển sang thi với Bắc Hà.
Việc kéo dài thời gian chuẩn bị bài dạy đến một tuần, cũng làm tạo nên sự căng thẳng. Lại cách chọn giám khảo kì lạ của ban tổ chức cuộc thi cũng làm tăng thêm áp lực. Sở bỏ qua các thầy giáo giỏi trực tiếp giảng dạy, để chọn các nhà quản lý làm giám khảo. Thí sinh rất lo, khi biết những người ngồi chấm điểm mình, từ rất lâu họ đã không sờ đến phấn.
Có chuyện, có một giám khảo môn văn vắng mặt, ban tổ chức bèn đôn một thí sinh dự thi lên làm giám khảo. Trong khi đó, bốn cây cột trụ của làng văn tỉnh nhà, là thầy Lập, thầy Tú, thầy Vỵ, thầy Tân lại không một ai được mời đến. Bốn đại cao nhân này, hai người là NGUT, hai người kia chuyên viết sách viết báo. Họ là những người trực tiếp giảng dạy và danh họ vang xa không chỉ ở đất Hà Tĩnh.
Có thể những điều đó, là nguyên nhân khiến cho một số giáo viên thật sự giỏi không chịu đến thi, trong khi kẻ cơ hội lại tìm đến kì thi GVG như là tìm một "tín chỉ" để mong "hóa rồng".
Có thể tất cả điều đó, đã góp phần tạo nên một áp lực không nhỏ lên những người dự thi. Có thể những điều đó, là nguyên nhân tạo nên cú ngã vỡ mặt của thầy giáo Đào Trọng Sơn và nguyên nhân cái chết trên trang giáo án của thầy giáo Hoàng Quốc Túy.
Bốn năm nữa, nếu đủ sức, thầy Sơn có thể thi tiếp để tìm lại danh hiệu GVG đã vuột mất. Nhưng thầy Túy thì không bao giờ thi được và không thể có được cái danh hiệu đó nữa. Vì một lẽ, quy chế thi GVG lại chưa công nhận đặc cách cho những thầy chết trong thi.
Cuộc trình diễn dài ngày về điển hình chất lượng GD tỉnh Hà Tĩnh kết thúc. Tấm màn nhung đã hạ, mọi người đã trở về sinh hoạt thường nhật. Nhưng có một diễn viên chưa xuất viện và một diễn viên thì vĩnh viến không bao giờ về nữa.
Năm 2011, hai giáo viên ở Cẩm Xuyên Hà Tĩnh là thầy Đàn và thầy Hùng đã chết trong thi. Ngay khi kì thi TN PTTH đó kết thúc, Bộ GD đã tiến hành xem xét đánh giá lại những bất cập của việc tổ chức thi. Từ đó, Bộ đã có quy định mới, nhằm giảm áp lực cho kì thi TN PTTH.
Có hay không, những áp lực từ cuộc thi GVG?. Và những áp lực đó có thể là nguyên nhân của tai nạn của thầy Sơn, và cái chết thương tâm của thầy Túy hay không ?.
Có thể chưa có câu trả lời, nhưng “đã làm người thì không ai được thờ ơ trước cái chết của đồng loại”.
Trần Đình Trợ